Hội nghị trực tuyến về phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh Hà Nam

(CDC Hà Nam)
Sáng 19 tháng 7, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Xuân Dưỡng, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh (gọi tắt là BCĐ), đã diễn ra hội nghị trực tuyến với 6 điểm cầu địa phương trong tỉnh về tăng cường các biện pháp phòng chống dịch.

Theo báo cáo tại hội nghị, đến 6h ngày 19 tháng 7, toàn thế giới ghi nhận trên 191 triệu người mắc Covid-19, hơn 4 triệu người đã tử vong.Tại Việt Nam đã ghi nhận 343.458 trường hợp mắc, 254 trường hợp đã tử vong. Trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 68 trường hợp mắc Covid-19, riêng trong thời gian từ 27 tháng 4 đến nay có 60 ca, trong đó 50 ca đã khỏi bệnh, 10 ca đang điều trị. Về cơ bản, tình hình dịch trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt nhờ thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch trong tình hình mới, kiên định 5 nguyên tắc cơ bản “Ngăn chặn – phát hiện – cách ly- khoanh vùng và dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ.

Tuy nhiên, diễn biến dịch bệnh trên phạm vi cả nước, đặc biệt các tỉnh phía Nam đang quá phức tạp, việc di chuyển của công dân từ vùng có dịch về tỉnh mặc dù có sự kiểm soát chặt chẽ nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Hà Nam đã thành lập và triển khai hoạt động của 4.000 tổ Covid cộng đồng, lập chốt kiểm soát liên ngành tại cầu Yên Lệnh; đẩy mạnh công tác hậu cần, vận động Quỹ Vaccine, triển khai tiêm vaccine covid -19 cho gần 15.000 người; tăng cường công tác tuyên truyền,  thực hiện nghiêm việc kiểm soát người đi từ vùng dịch về…

Phát biểu ý kiến về các phương án, kinh nghiệm trong công tác phòng chống dịch hiện nay,  các địa phương cho rằng: Ngoài sự  giám sát của tổ covid cộng đồng, vai trò  giám sát của nhân dân đối với các trường hợp đi từ vùng dịch về rất quan trọng, cần tuyên truyền mạnh mẽ theo cách thức mới, tạo hiệu ứng để cả hệ thống chính trị tham gia vào công tác chống dịch chủ động. Việc xử lý các vi phạm về công tác phòng chống dịch, đặc biệt với các trường hợp chậm trễ khai báo y tế được chỉ đạo làm triệt để. Đồng thời, các địa phương phát huy tối đa hiệu quả của Camera an ninh trong việc giám sát các đối tượng từ vùng dịch về. Đối với các địa phương có các tuyến đường quốc lộ, liên tỉnh, lực lượng công an cần lập thêm các chốt kiểm tra, kiểm soát nhằm phát hiện nhanh, kịp thời các đối tượng đi từ vùng dịch về.

Các địa phương đề xuất BCĐ tỉnh chỉ đạo ngành y tế xuất tiêm vaccine Covid-19 sớm cho đội ngũ tham gia vào tổ covid cộng đồng nhằm tạo niềm tin và tăng cường trách nhiệm của đội ngũ này với công tác phòng, chống dịch của địa phương. Chính quyền cơ sở cần thực hiện rà soát  chủ động trên toàn địa bàn thân nhân người dân địa phương đang làm việc tại các vùng có dịch, có dự định trở về hay không. Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định 23 của Thủ tướng Chính phủ quy định một số chính sách hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tỉnh sớm bố trí kinh phí để triển khai chi trả cho các đối tượng một cách kịp thời.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng ghi nhận nỗ lực, tinh thần trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các lực lượng phòng chống dịch của các địa phương thời gian qua đã bám sát chỉ đạo của tỉnh, trung ương,  tăng cường công tác phòng, chống dịch, góp phần kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả.

Trong bối cảnh dịch bệnh còn tiếp tục diễn biến phức tạp, kéo dài, ảnh hưởng lớn đến các lĩnh vực đời sống, đồng chí yêu cầu các địa phương, các sở ngành có giải pháp phù hợp cho công tác phòng chống dịch, thực hiện mục tiêu kép vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế, vừa chống dịch hiệu quả trên cơ sở thực hiện tốt nguyên tắc cơ bản “Ngăn chặn – phát hiện – cách ly- khoanh vùng và dập dịch” theo phương châm 4 tại chỗ. Đồng chí đề nghị các địa phương tiếp tục tăng cường hoạt động thông tin tuyên truyền, bám sát tình hình thực tế, ổn định và định hướng dư luận, không gây hoang mang, giúp nhân dân nâng cao ý thức phòng, ngừa dịch bệnh.

Nắm chắc tình hình, chủ động đánh giá nguy cơ, sẵn sàng các phương án, kịch bản tốt nhất cho những tình huống xấu nhất; tăng cường vai trò giám sát của nhân dân, tổ covid cộng đồng trong việc kiểm soát người đi từ vùng dịch về địa phương; quan tâm đến nhu cầu, đời sống của nhân dân. Ngành Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với các ngành, các địa phương triển khai nhanh nhất việc chi trả hỗ trợ cho người dân theo Nghị quyết 68. Đặc biệt quan tâm phòng, chống dịch trong doanh nghiệp, trong khu, cụm công nghiệp.

Ngành y tế sẵn sàng vật tư, trang thiết bị, thuốc, sinh phẩm, hóa chất theo phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng các phương án về  tổ chức cách ly, điều trị trong tình huống có thêm nhiều người mắc, trở thành F1 của các ca mắc Covid-19. Hà Nam tiếp tục chiến dịch tiêm chủng, nhưng để đạt được mục tiêu đến hết năm 2021 có 50% dân số được tiêm chủng; đến hết tháng 4/2022 có 70% dân số được tiêm chủng để đạt miễn dịch cộng đồng, 100% bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên trong ngành y tế  phải được đào tạo, tập huấn  tiêm chủng, sẵn sàng các điều kiện thực hiện chiến dịch này.  Đồng chí nhấn mạnh, cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc, tham gia tích cực công tác phòng chống dịch, không ai được chủ quan, lơ là trước tình hình dịch bệnh hiện nay…

Ngọc Nga

Bài viết liên quan

Thông báo khẩn: Tìm người liên quan đến địa điểm có ca bệnh mắc Covid-19

Ngọc Nga

Thông tin cần biết về chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi

CDC Hà Nam

Việt Nam nghiên cứu sản xuất vaccine phòng nCoV

Ngọc Nga

Để lại bình luận