Khuyến cáo khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà

(CDC Hà Nam)
Sốt xuất huyết

Bài viết được tư vấn chuyên môn bởi ThS.BS Nguyễn Thị Ngọc – Bác sĩ Đa khoa, Đơn nguyên Khám Sức khỏe Tổng quát, Bệnh viện ĐKQT Vinmec Central Park.

Sốt xuất huyết biểu hiện bằng những cơn sốt cao và kèm theo những triệu chứng như rét run, nổi gai ốc. Khi điều trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần tuân thủ theo các hướng dẫn của bác sĩ, tuyệt đối không tăng liều thuốc hạ sốt vì có thể khiến tình trạng bệnh trầm trọng hơn.

Dịch sốt xuất huyết đang tăng cao

1. Không tự ý dùng thuốc hạ nhiệt

Vì chưa xác định chính xác biểu hiện sốt là do bệnh gì nên không được tự ý sử dụng các thuốc hạ nhiệt, nhất là aspirin và ibuprofen. Hai loại thuốc này sẽ làm cho tình trạng xuất huyết ở bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn, có khả năng xảy ra xuất huyết dạ dày dữ dội, đe dọa đến tính mạng. Thay vào đó, có thể hạ sốt bằng cách cho người bệnh mặc đồ mỏng, nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, chườm khăn có thấm nước ấm vắt kiệt và đắp vào trán, nách cho người bệnh. Nếu phải dùng thuốc, chỉ nên dùng thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ và tuyệt đối không thực hiện cạo gió.

2. Không dùng các thực phẩm có màu đen, nâu, đỏ

Trong thời gian mắc bệnh, nếu bệnh nhân sử dụng các loại thực phẩm có màu nâu, đen hoặc đỏ thì sẽ khó phân biệt với phân có lẫn máu khi bị xuất huyết qua đường tiêu hóa. Hay trong trường hợp người bệnh bị nôn ra chất dịch có màu thâm đen, xám bất thường thì lại khó phân biệt được đó là do màu của thực phẩm hay do xuất huyết tiêu hóa.

3. Không ăn trứng khi đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Trứng sẽ tạo ra một lượng nhiệt lớn trong cơ thể người bệnh. Do đó, những người bị sốt cao, nhất là trẻ em, khi ăn trứng gà sẽ làm cho thân nhiệt tăng lên và không phát tán ra ngoài được, khiến cho tình trạng sốt lâu khỏi. Chính vì vậy, ăn trứng là điều kiêng kỵ cần tránh khi mắc bệnh sốt xuất huyết.

4. Không ăn các loại thực phẩm nhiều dầu mỡ

Dầu mỡ nhiều sẽ gây ra các triệu chứng như đầy bụng, khó tiêu, khiến cho cơ thể bệnh nhân chậm hồi phục hơn.

Đồ ăn nhiều dầu mỡ
Thực phẩm nhiều dầu mỡ không tốt cho người bệnh

5. Không để muỗi tiếp xúc với da

Nguyên nhân gây ra bệnh sốt xuất huyết chính là do muỗi truyền bệnh, do vậy không nên để muỗi tiếp xúc với da, vì khả năng muỗi sẽ đốt và truyền thêm một lượng vi rút gây bệnh, không những khiến cho tình trạng bệnh nặng thêm mà còn có nguy cơ lây nhiễm cho những người xung quanh.

6. Không uống trà khi chữa sốt xuất huyết tại nhà

Việc uống một lượng quá nhiều trà đặc sẽ khiến cho não rơi vào trạng thái bị kích thích và dẫn đến tăng huyết áp. Bệnh nhân đang điều trị sốt xuất huyết tại nhà mà uống trà đặc sẽ làm giảm tác dụng của thuốc hạ sốt. Ngoài ra, trong trà còn có chứa một số chất có thể làm cho nhiệt độ cơ thể tăng lên, hậu quả khiến cho bệnh sốt xuất huyết trở nên trầm trọng hơn.

7. Không uống cà phê, hút thuốc, uống rượu

Cafein và các chất kích thích nói chung sẽ khiến cho cơ thể trở nên mệt mỏi hơn và không đủ sức chống chịu lại các triệu chứng của bệnh sốt xuất huyết.

8. Không uống nước ngọt, nước có gas

Bệnh nhân trong khi chữa trị sốt xuất huyết tại nhà không nên sử dụng nước ngọt, nước có gas, mật ong và các loại đường tự nhiên khác. Bởi vì việc hấp thụ đường vào cơ thể người bệnh sẽ khiến cho hoạt động của các tế bào bạch cầu diệt khuẩn chậm chạp hơn và vì thế bệnh càng trở nên lâu khỏi.

Tránh rượu bia
Không nên uống bia rượu, nước ngọt hay đồ có gas trong khi bị bệnh

9. Không ăn đồ cay nóng

Khi bị bệnh, sức đề kháng của cơ thể suy giảm đáng kể và năng lượng cũng bị hao hụt đi rất nhiều. Ăn các món cay nóng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe nói chung mà còn khiến bệnh nặng thêm và thời gian hồi phục lâu hơn.

10. Không nên ra gió, tắm nước lạnh

Bệnh nhân nên nghỉ ngơi tại nhà, không nên ra gió, không tắm nước lạnh, chỉ nên vệ sinh cơ thể bằng cách lau người với nước ấm. Lý do là vì nước lạnh có khả năng làm co mạch ngoài da nhưng lại làm giãn mạch bên trong nội tạng, đây là tình trạng có thể dẫn đến nguy cơ tử vong đột ngột.

Những lưu ý trong cách điều trị sốt xuất huyết tại nhà

Truyền dịch
Tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà

Đối với cách trị sốt xuất huyết tại nhà, bệnh nhân cần tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc sử dụng thuốc, tránh dùng thuốc hạ sốt dồn dập quá liều. Do bệnh nhân sốt xuất huyết thường biểu hiện sốt cao, nên người nhà luôn tìm cách trị sốt xuất huyết bằng việc giảm sốt cấp tốc, nhất là đối với trẻ em nhỏ. Tuy nhiên, bệnh sốt này là do virus gây ra, nên nhiệt độ hạ xong sẽ lại tiếp tục tăng cao.

Người bệnh nên dùng thuốc giảm sốt theo đúng liều đã chỉ định trong đơn thuốc của bác sĩ, thường là 4-5 lần/ngày, 5-6 giờ/lần. Việc sử dụng thuốc hạ sốt quá liều liên tục nhiều lần sẽ dẫn đến tổn thương gan, kể cả các thuốc hạ sốt dạng đặt hậu môn đối với trẻ em.

Cho đến nay, chưa có cơ sở khoa học nào chứng minh người bệnh sốt xuất huyết khi kiêng tắm, kiêng ăn sẽ khỏi bệnh. Vì vậy bệnh nhân không nên nhịn ăn, nhịn tắm mà nên vệ sinh sạch sẽ bằng cách lau người với nước ẩm, bổ sung đủ chất dinh dưỡng đầy đủ, trẻ em nên ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa, uống nhiều nước để bù dịch.

Đặc biệt với vấn đề bù dịch, tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà khi bị sốt xuất huyết vì có nguy cơ dẫn đến phù nề, suy hô hấp, sốc dị ứng, nguy hiểm đến tính mạng. Ngoài ra, nhiều người cứ thấy sốt là mua kháng sinh sử dụng, nhưng đối với bệnh sốt do vi rút như sốt xuất huyết, dùng kháng sinh sẽ không thể khỏi bệnh.

Tóm lại, trong những ngày đầu sau khi được chẩn đoán mắc bệnh sốt xuất huyết, cách chữa sốt xuất huyết tại nhà cho bệnh nhân chỉ bao gồm việc uống thuốc hạ sốt, bù đủ nước qua đường uống, hoặc uống oresol bù dịch hay nếu có truyền dịch thì cần có chỉ định của bác sĩ điều trị.

Theo vinmec.com

Bài viết liên quan

Các biện pháp phòng tránh tai nạn thương tích

hanh phan

Hà Nam: Thông báo 96 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Chiến dịch Giờ Trái đất năm 2024

hanh phan

Để lại bình luận