Hiện nay là thời điểm chuyển mùa hè – thu, đây cũng là thời điểm thời tiết diễn biến phức tạp, đạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm dễ phát sinh và phát triển. Đặc biệt là các bệnh lây truyền qua đường đường hô hấp, bệnh do muỗi truyền. Bệnh cúm mùa là một trong những bệnh lây truyền qua đường hô hấp thường gặp và đã có vắc xin phòng bệnh.
Đặc điểm
Bệnh cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi rút cúm gây nên (thường là do các chủng vi rút cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C). Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao qua đường hô hấp, do hít phải các giọt nước bọt hoặc dịch tiết mũi họng của người mắc cúm khi ho, hắt hơi hoặc do tiếp xúc với các đồ vật bị nhiễm mầm bệnh…
Biểu hiện của bệnh: Sau khi bị nhiễm virut cúm, người bệnh sẽ có các triệu chứng, như: sốt cao 39 đến 400C kèm theo rét run, nhức đầu, buồn nôn, đau mỏi toàn thân, mệt mỏi. Thường kèm theo các biểu hiện sổ mũi, hắt hơi, nghẹt mũi, đau họng, ho… Bệnh thường diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2 đến 7 ngày, nhưng đối với trẻ em dưới 5 tuổi, người già trên 65 tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch… bệnh có thể diễn biến nặng, gây các biến chứng (viêm phổi…) và có thể dẫn đến tử vong.
Cách phòng chống
Tiêm vắc xin chủ động phòng bệnh là biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất. Vắc xin cúm mùa hiện nay có khả năng phòng bệnh cúm với 3 chủng cúm hay gặp nhất là A/H1N1/09; A/H3N2 và cúm B. Đây là loại vắc xin tính an toàn tương đối cao và hiệu quả bảo vệ đến 95%. Thời gian tiêm phòng nên vào tháng 9, tháng 10 hàng năm.
– Vệ sinh mũi, họng hàng ngày, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
– Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.
– Hạn chế tiếp xúc với người mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh cúm.
– Khi mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang và tránh đến chỗ đông người.
– Khi có triệu chứng ho, sốt, đau đầu, mệt mỏi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
Bs. Nguyễn Thị Huế
Khoa Phòng chống Bệnh truyền nhiễm