Kiểm soát tốt bệnh mạn tính

(CDC Hà Nam)
Bệnh mạn tính là loại bệnh không lây nhiễm đang trở thành mối lo ngại ngày càng lớn cho gia đình và xã hội, và ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống. Các nhà khoa học Hoa Kỳ đã phát hiện ra nguyên nhân chủ yếu gây nên bệnh mạn tính là do cách ăn uống và không lựa chọn đúng loại thức ăn có các tố chất phòng và kháng bệnh cho con người. Vậy, làm thế nào để sống chung với bệnh mạn tính, tận hưởng cuộc sống trọn vẹn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), bệnh mạn tính không thể ngừa bằng vắc xin, không thể chữa khỏi hoàn toàn và hầu hết mang theo suốt đời. Vì bệnh mạn tính là bệnh tiến triển kéo dài hoặc hay tái phát, thời gian bị bệnh thường rất lâu. Bệnh mạn tính phần lớn không do vi khuẩn, vi rút, ký sinh trùng hoặc nấm gọi là bệnh mạn tính không lây nhiễm. Bệnh mạn tính không lây nhiễm có xu hướng ngày càng tăng và tăng dần theo tuổi. Bốn loại bệnh không lây nhiễm chính là bệnh tim mạch (như nhồi máu cơ tim và đột quỵ), ung thư, bệnh hô hấp mạn tính (như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản) và đái tháo đường.

Tại sao lại mắc bệnh mạn tính và xử lý như thế nào?

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Kim Loan – Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, Đồng Nai, nguyên nhân dẫn đến mắc các bệnh mạn tính là do sự tác động lâu dài của các yếu tố như: Các độc tố, quá tải chức năng, tuổi tác, thói quen sinh hoạt, tâm sinh lý…dẫn đến cơ thể gây suy giảm, thoái hóa, rối loạn các chức năng sống của cơ thể.

Đẩy lùi bệnh mạn tính là áp dụng kiểm soát bệnh lâu dài nhằm phục hồi chức năng, hạn chế tối đa biến chứng thực thể và chức năng, để cải thiện chất lượng sống.

–  Luyện lập thể dục phù hợp, phục hồi chức năng, thay đổi lối sống. Đây là những biện pháp an toàn, không gây tác dụng phụ và phù hợp sinh lý.

– Nên dùng thuốc khi thật cần thiết và theo chỉ định của bác sĩ.

– Liên hệ chặt chẽ giữa thầy thuốc và hợp tác tốt của người bệnh trong việc áp dụng các chế độ xử lý bệnh: Theo dõi bệnh, chế độ sinh hoạt, tập luyện, điều chỉnh thuốc.

– Nâng cao kiến thức cho người bệnh để tự chăm sóc, theo dõi và kiểm soát bệnh.

Phòng bệnh là giải pháp thông minh và ít tốn kém nhất. Các biện pháp phòng bệnh mạn tính bao gồm:

– Duy trì cân nặng chuẩn: Chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 18,5 đến 24,9, BMI = cân nặng (kg) chia cho bình phương chiều cao (m)

– Ăn nhiều rau và trái cây cũng như đậu và ngũ cốc toàn phần (ăn cả cùi của hạt, màng gạo), hạn chế ăn gạo xát trắng.

– Vận động thể lực mức độ trung bình mỗi ngày 30 phút, ít nhất 5 lần mỗi tuần.

– Chuyển từ ăn mỡ động vật bão hoà sang dầu thực vật chưa bão hoà.

– Giảm ăn mỡ, muối và đường.

– Không hút thuốc.

Có đến 80% bệnh mạch vành, 90% đái tháo đường típ 2 và 1/3 ung thư có thể tránh được nhờ chế độ ăn lành mạnh, tăng vận động thể lực và bỏ hút thuốc.

Khám sức khỏe và tự chăm sóc sức khỏe

Khám sức khỏe định kỳ ở các nhóm tuổi, giáo dục sức khỏe học đường.

Chăm sóc sức khỏe sinh sản từ tuổi dậy thì (vị thành niên) cả nam giới và nữ giới. Nên kiểm tra sức khỏe tiền hôn nhân bao gồm các xét nghiệm toàn diện, đặc biệt dành cho các cặp dự định kết hôn, nhằm phát hiện những nguy cơ tiềm ẩn về sức khỏe có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay các bệnh lý di truyền hoặc truyền nhiễm. Chăm sóc sức khỏe sinh sản không chỉ ở lứa tuổi sinh sản mà cần quan tâm sau mãn kinh (ở nữ) và mãn dục (ở nam) cho cả người cao tuổi.

Sàng lọc một số ung thư như ung thư đại tràng, tiền liệt tuyến, cổ tử cung, ung thư vú theo độ tuổi tương ứng. Từ 50 tuổi trở đi nên nội soi đại tràng để phát hiện ung thư đại tràng, nam giới xét nghiệm dấu ấn sinh học kháng nguyên tiền liệt tuyến (PSA-Prostate-specific antigen) 3 năm/lần để phát hiện ung thư tiền liệt tuyến. Nữ giới khám phụ khoa định kỳ tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung. Ở tuổi trung niên (40 – 50 tuổi) thì tự khám vú hàng tháng một lần và chụp tuyến vú trong 1-2 năm/lần đối với người có nguy cơ cao, tiêm vaccin phòng ngừa ung thư cổ tử cung cho bé gái tuổi thiếu niên.

Khi đã bị rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, gút…việc bình ổn bệnh, hạn chế biến chứng, giúp người bệnh sinh hoạt bình thường là rất quan trọng.Như người bị tăng huyết áp, nếu không kiểm soát tốt, người bệnh có thể đối mặt với nguy cơ biến chứng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ,… Tương tự, người mắc bệnh đái tháo đường không tuân thủ phác đồ và kiểm soát đường huyết tốt diễn tiến đến các biến chứng nặng nề, gây tàn phế, không những tốn kém mà còn ảnh hưởng toàn diện về thể chất và tinh thần.

Nước ta hiện có khoảng 11,4 triệu người cao tuổi, phần lớn trong số này mắc nhiều bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh mạch vành… Trung bình người Việt Nam trên 60 tuổi có 2,6 bệnh, trên 80 tuổi có 6,8 bệnh. Việc phòng bệnh là vô cùng quan trọng đối với người cao tuổi, sức đề kháng suy giảm, khả năng chống đỡ bệnh tật kém, dễ mắc bệnh và diễn biến bệnh thường nặng khi dịch bệnh xảy ra.Do đó việc rèn luyện chăm sóc để có sức khỏe là vô cùng cấp thiết và quan trong cho cuộc sống chất lượng của mỗi người.

Tăng cường dinh dưỡng trong mùa dịch

Bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng tăng cường sức khỏe giàu năng lượng và đạm: Những người cao tuổi, trẻ nhỏ, những người mắc các bệnh mạn tính, người thiếu cân hoặc suy dinh dưỡng thường có chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng. Những người này nên bổ sung các chế phẩm dinh dưỡng giàu năng lượng và đạm, ví dụ sữa nước hoặc sữa bột tùy theo độ tuổi và bệnh lý nếu có.

Bổ sung các loại vitamin tổng hợp, khoáng chất: Chế độ ăn đầy đủ vẫn là phương pháp hữu hiệu trong việc cung cấp các vitamin và khoáng chất trên. Trong trường hợp chế độ ăn không đầy đủ, có thể xem xét uống bổ sung sản phẩm chứa đa sinh tố chứa vitamin A, vitamin C, vitamin D, kẽm (Zn), và selenium (Se) theo hướng dẫn.

Uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm: Nhiều lần trong ngày, ở đối tượng như trẻ em và người cao tuổi cần bổ sung nước thường xuyên chứ không đợi cảm giác khát mới uống.

Ăn đa dạng nhiều thực phẩm, thực phẩm nhiều màu sắc và dinh dưỡng phong phú. Cố gắng ăn không dưới 15 loại thực phẩm mỗi ngày, kể cả gia vị.

Hạn chế chế biến thức ăn nhiều dầu mỡ, giảm ngọt, những thực phẩm này cung cấp nhiều năng lượng, nhưng lại gây đầy bụng khó tiêu, không cung cấp đủ đạm và các vitamin cần thiết cho hệ miễn dịch của cơ thể.

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Ăn chín, uống sôi. Các loại thịt, cá, trứng phải được nấu chín hoàn toàn. Rửa tay trước khi ăn, trước và sau khi chế biến thức ăn, sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với bề mặt có nguy cơ. Hạn chế ăn hàng quán.

Hạn chế bia rượu, tránh tập trung đông người để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 truyền qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với bề mặt nhiễm.

Đối với người  sức khỏe yếu, người bệnh, người cao tuổi có nhiều các bệnh lý mạn tính kèm theo,  một chế độ dinh dưỡng hợp lý vô cùng quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả đẩy lùi bệnh. Việc bổ sung vi chất dinh dưỡng thêm là rất cần thiết vào chế độ ăn hàng ngày của mỗi người.

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Khoai tây chế biến theo cách này là thần dược chữa bệnh gan, dạ dày

Ngọc Nga

Xử trí những cơn ớn lạnh khi ngủ đêm

admin

Thực phẩm giúp xoa dịu cơn đau nhanh chóng ở người bệnh Gout

Ngọc Nga

Để lại bình luận