Lợi ích của nuôi con bằng sữa mẹ

(CDC Hà Nam)

Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ giúp trẻ tăng trưởng, phát triển hài hòa và phòng chống suy dinh dưỡng. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo, dễ tiêu hóa, hấp thu đối với trẻ. Sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật vì vậy rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ đem lại rất nhiều lợi ích cho cả mẹ và con, bao gồm lợi ích về sức khỏe, sự phát triển của trẻ và lợi ích kinh tế.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất cho sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ nhỏ. Đây là loại thức ăn hoàn hảo để trẻ sơ sinh phát triển toàn diện. Trong sữa mẹ có chứa các dưỡng chất và kháng thể đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thay đổi của trẻ và bảo vệ trẻ khỏi viêm nhiễm và bệnh tật. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trẻ được nuôi dưỡng hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, sức đề kháng tốt, phòng ngừa các bệnh nhiễm trùng, nhiễm khuẩn, nhất là tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp.

Các thành phần có trong sữa mẹ

Protein: Sữa mẹ có số lượng protein (đạm) ít hơn sữa động vật nhưng có đủ các loại Acid amin cần thiết với tỷ lệ cân đối và dễ hấp thu vì vậy rất phù hợp với chức năng đào thải khi thận của trẻ chưa trưởng thành. Bên cạnh đó, protein trong sữa mẹ chủ yếu là protein dạng lỏng hòa tan, còn gọi là protein sữa nên phù hợp với khả năng tiêu hóa và hấp thu của trẻ; còn protein trong sữa bò chủ yếu là casein (85%) nên khi vào dạ dày của trẻ nhỏ sẽ tạo thành các cục đông vón làm trẻ khó tiêu hóa và hấp thu, trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa. Whey protein chứa các protein kháng khuẩn giúp trẻ có khả năng chống lại các bệnh nhiễm khuẩn.

Lipid: Cấu trúc của lipid trong sữa mẹ có nhiều acid béo chuỗi dài không no dễ hấp thu và nhiều acid béo cần thiết như acid linoleic đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát triển hệ thần kinh, mắt và sự bền vững của mạch máu ở trẻ nhỏ. Hàm lượng lipid trong sữa mẹ cao, cung cấp khoảng một nửa năng lượng cho trẻ bú mẹ.

Glucid: Trong sữa mẹ chủ yếu là đường lactose. Một số lactose trong sữa mẹ vào ruột chuyển thành acid lactic giúp cho sự hấp thu canxi và muối khoáng.

Vitamin: Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa công thức, vì vậy trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt. Các vitamin khác trong sữa mẹ cũng đủ cung cấp cho trẻ trong 6 tháng đầu nếu bà mẹ được ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ, ngoại trừ vitamin D là loại vitamin cơ thể tự tổng hợp khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.

Muối khoáng: Nguồn Canxi, sắt và kẽm trong sữa mẹ tuy ít hơn trong sữa công thức nhưng có hoạt tính cao, dễ hấp thu do vậy vẫn đáp ứng được nhu cầu của trẻ nên trẻ được nuôi bằng sữa mẹ đặc biệt là hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ ít bị còi xương và thiếu máu do thiếu sắt hơn những trẻ được nuôi bằng sữa bò.

Nguyên tắc nuôi con bằng sữa mẹ:

Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Trẻ bú mẹ hoàn toàn, không cần cho trẻ ăn uống thêm bất cứ thứ gì. Bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu.

Bú hết một bên vú rồi mới chuyển sang bên kia để đảm bảo trẻ được bú cả sữa đầu và sữa cuối. Thời gian trung bình mỗi bữa bú 15 – 20 phút. Cho trẻ bú theo nhu cầu của trẻ,  Bắt đầu cho trẻ ăn bổ sung khi trẻ tròn 6 tháng tuổi và tiếp tục cho trẻ bú kéo dài đến 24 tháng hoặc lâu hơn. Nếu trẻ ốm không bú được thì vắt sữa và cho trẻ ăn bằng thìa hoặc cốc.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bà mẹ để duy trì nguồn sữa:

Trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ, bà mẹ cần phải ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau. Bữa ăn của mẹ cần đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm. Nhóm chất bột đường (cơm, khoai, bánh mì, bún phở…); Nhóm chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm cua…..); nhóm chất béo (dầu, mỡ, bơ, lạc….); Nhóm Vitamin và khoáng chất (rau xanh, quả chín). Nên ăn nhiều bữa và ăn nhiều hơn bình thường; Dinh dưỡng của mẹ trực tiếp ảnh hưởng tới chất lượng sữa và mức độ bài tiết sữa của mẹ.

Cho nên để đảm bảo nguồn sữa cho trẻ luôn đầy đủ và đảm bảo cung cấp nhiều dinh dưỡng cho bé thì mẹ cần có chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, không kiêng khem quá nhiều, ăn nhiều loại trái cây, rau củ quả, ngũ cốc. Không nên ăn các loại thức ăn nhiều gia vị (ớt, tiêu, hành tỏi); Không uống rượu, cà phê và hút thuốc lá. Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể (từ 2-2,5 lít/ngày tính cả lượng nước khi ăn vào) giúp cơ thể mẹ tiết ra nhiều sữa hơn. Mẹ cũng chỉ dùng thuốc khi có sự hướng dẫn của bác sĩ để tránh ảnh hưởng đến nguồn sữa cho trẻ.

Việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và tiếp tục cho con bú đến 2 tuổi có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Gia đình và cộng đồng cần chung tay tạo điều kiện hỗ trợ cho các bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ thành công.

Hãy nuôi con bằng sữa mẹ cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

BsCKI. Bàng Thị Phương Loan

                                                                       Trưởng khoa Sức khỏe sinh sản

 

Bài viết liên quan

04 mẫu xét nghiệm thực hiện ngày 23/01/2021 đều có kết quả hiện tại âm tính với SARS-CoV-2.

Ngọc Nga

Thai phụ cần lưu ý gì để phòng COVID-19?

Ngọc Nga

Hướng dẫn cách sử dụng an toàn Oresol

Ngọc Nga