Tính từ 0h ngày 23/4, cả nước cơ bản dừng thực hiện cách ly xã hội trừ một số vùng có nguy cơ cao của Hà Nội, Hà Giang. Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh COVID-19 vẫn đang hiện hữu, do đó người dân vẫn cần tuân thủ các nguyên tắc chung để phòng bệnh: đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, không đi ra khỏi nhà nếu không cần thiết, không tụ tập đông người và thực hiện khai báo y tế…
Theo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về công tác phòng chống dịch COVID-19 chiều ngày 22/4, kẻ từ 0h ngày 23/4, 28 tỉnh thành thuộc nhóm “nguy cơ cao” và “có nguy cơ” bùng phát dịch COVID-19 như danh sách đưa ra ngày 15/4 sẽ dừng thực hiện cách ly xã hội như quy định của Chỉ thị 16, trừ huyện Mê Linh và Thường Tín của Hà Nội, huyện Đồng Văn của tỉnh Hà Giang
Như vậy trên cả nước cơ bản dừng cách ly xã hội. PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng nới lỏng giãn cách xã hội nhưng người dân không được chủ quan. Dịch COVID-19 còn kéo dài.
Trong bối cảnh đó, chuyên gia dịch tễ Trần Đắc Phu lưu ý người dân thực hiện “5 an toàn” để tiếp tục phòng chống dịch COVID-19:
PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý người dân cần lưu ý thực hiện các khuyến cáo về phòng chống dịch bởi nguy cơ dịch bệnh luôn hiện hữu |
Thứ nhất, tất cả người dân phải đeo khẩu trang. Đeo khẩu trang vô cùng quan trọng trong việc phòng chống những bệnh lây qua đường hô hấp trong đó có COVID-19.
Thứ 2, tránh tiếp xúc, giao tiếp gần dưới 2m
Thứ 3, không nên tụ tập đông người, sẽ có một số loại hình vẫn chưa được thực hiện như karaoke, massage, một số loại hình vui chơi giải trí khó có khả năng kiểm soát sự lây lan dịch bệnh.
Thứ 4, hạn chế đi ra khỏi nhà nếu như không cần thiết, đặc biệt lưu ý tới đối tượng người cao tuổi, người có bệnh mạn tính- đối tượng có bệnh nền.
Cuối cùng là thực hiện khai báo y tế. Đây là vấn đề rất quan trọng. Nếu có triệu chứng như sốt, ho, khó thở- triệu chứng điển hình của bệnh có thể là COVID-19, nếu không phát hiện do nguyên nhân khác, kể cả mệt mỏi thì cũng phải khai báo cho cơ sở y tế, để được tư vấn, cần thiết làm xét nghiệm chẩn đoán.
“Ngoài ra, người dân phải đặc biệt lưu ý đến vấn đề khử khuẩn, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Đây là việc hết sức cần thiết”- PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh
Theo chuyên gia, qua giai đoạn giãn cách xã hội, ý thức của người dân được nâng cao, ra đường gần như 100% người dân đeo khẩu trang. Người dân đã biết về bệnh, cách phòng bệnh là cái hay nhất, biết nếu không làm thì bị xử phạt như thế nào…
Dù vậy ông một lần nữa nhấn mạnh về sự chủ quan. Trong thời gian qua, giai đoạn dịch căng thẳng thì người dân, chính quyền thực hiện rất nghiêm chỉnh, nhưng dịch lui thì chủ quan lại tăng lên.
Chúng ta không thể chủ quan bởi đã có bài học từ Singapore đã có trường hợp bùng phát dịch bệnh ở những khu lao động tự do nhập cư. Đây là bài học cho chúng ta. Địa phương nào, chỗ nào làm không tốt dịch cũng có thể bùng lên. Phải hết sức chú ý để làm sao phát hiện được kịp thờica bệnh ở những nơi nguy cơ cao, từ đó khoanh vùng, dập dịch ngay, khống chế ổ dịch, không để lây lan…
“Tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Chúng ta thành công nhưng nếu chúng ta không làm tốt thì dịch bệnh không loại trừ một ai. Người dân cả nước, chính quyền các địa phương, không nên chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chúng ta chưa thể khẳng định sự lây lan trong cộng đồng đã hết nên người dân vẫn tiếp tục duy trì thực hiện các biện pháp phòng bệnh đã nêu ở trên. Đặc biệt, với những những người có triệu chứng sốt, ho, khó thở, mệt mỏi không rõ nguyên nhân phải được tư vấn, xét nghiệm phát hiện bệnh, có phương án điều trị phù hợp”- PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý
(Nguồn: vietnamplus.vn)