Lý do trẻ viêm phổi dễ tái phát

(CDC Hà Nam)

Môi trường ô nhiễm, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện khiến trẻ tái phát viêm phổi nhiều lần, ảnh hưởng đến phát triển thể chất.

Viêm phổi là tình trạng viêm các phế quản nhỏ, phế nang tổn thương, gây rối loạn trao đổi khí, tắc nghẽn đường thở. Người bệnh có các biểu hiệu như ho, khò khè, thở nhanh, rút lõm lồng ngực, rút lõm hõm ức, đau ngực. Một số trường hợp trẻ li bì, khó đánh thức, bỏ bú hoặc bú kém, nôn trớ nhiều lần, co giật…

Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em thường do virus cúm, RSV, Adenovirus, Rhinovirus… hoặc vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm. Viêm phổi có thể điều trị trung bình trong 5-7 ngày, tuy nhiên bệnh có thể tái phát nhiều lần, tăng nguy cơ biến chứng. Nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này mà bố mẹ cần lưu ý để bảo vệ sức khỏe bé.

Môi trường sống và thời tiết

Hệ hô hấp rất nhạy cảm với sự thay đổi của môi trường và thời tiết. Trẻ thường xuyên tiếp xúc với khói bụi, khói thuốc lá có thể làm tổn thương tế bào biểu mô, giảm nồng độ các kháng thể, giảm sự tập trung của đại thực bào, tế bào lympho… tại đường thở. Điều này tạo điều kiện cho virus, vi khuẩn dễ xâm nhập vào hệ hô hấp và gây bệnh. Thời tiết giao mùa, nền nhiệt độ thay đổi thất thường, khiến cơ thể trẻ khó thích nghi, dễ mắc bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp như viêm phổi.

Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện

Sau sinh, trẻ được bảo vệ chủ yếu bằng lượng kháng thể IgA của mẹ truyền qua rau thai, sữa mẹ. Ở trẻ em, quá trình tổng hợp IgA chậm hơn nhiều so với quá trình tổng hợp các globulin miễn dịch khác. Do vậy, nồng độ IgA thấp trong huyết thanh, dịch tiết tại đường thở. Khả năng huy động, phối hợp giữa các tế bào miễn dịch còn chậm, quá trình đề kháng chống nhiễm khuẩn yếu. Hệ miễn dịch chưa hoàn thiện là điều kiện thuận lợi khiến trẻ dễ bị nhiễm khuẩn hô hấp.

Bệnh lý bẩm sinh

Một số trẻ có bệnh lý bẩm sinh như thiểu sản phổi, tim bẩm sinh shunt trái – phải, suy giảm miễn dịch, bệnh lý thần kinh cơ như nhược cơ… làm tăng nguy cơ mắc viêm phổi hơn so với trẻ khỏe mạnh.

Tình trạng dinh dưỡng

Trẻ suy dinh dưỡng bị giảm sức đề kháng dẫn đến tăng nguy cơ phát triển bệnh viêm phổi. Viêm phổi nặng hoặc viêm phổi kéo dài làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng do tăng nhu cầu năng lượng đồng thời giảm khả năng tiêu hóa, hạn chế khả năng hấp thu và chuyển hóa của cơ thể. Đây là vòng luẩn quẩn khiến bệnh của trẻ tiến triển nặng.

Sai lầm khi chăm sóc trẻ

Trẻ em thường hiếu động, hoạt động nhiều và dễ ra mồ hôi. Nếu mồ hôi không được lau khô sẽ thấm ngược lại, khiến trẻ nhiễm lạnh dễ bị viêm. Trẻ ra nhiều mồ hôi hay cảm thấy nóng, người lớn giảm điều hòa thấp hoặc bật quạt quá lớn để làm mát cũng gây nhiễm lạnh đột ngột cho bé.

Tự ý sử dụng thuốc kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ dễ dẫn đến kháng kháng sinh, điều trị không hiệu quả, bệnh tái phát nhiều lần. Để ngăn tình trạng viêm phổi tái phát, bác sĩ Hạnh khuyến cáo chú trọng tăng cường miễn dịch cho trẻ. Mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng đầy đủ, hỗ trợ hệ miễn dịch khỏe mạnh và bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật. Sau 6 tháng, trẻ có thể ăn bổ sung kết hợp bú mẹ. Phụ huynh cho trẻ tiêm vaccine đúng lịch để xây dựng hàng rào miễn dịch. Vaccine phế cầu, cúm, ho gà, sởi… giúp trẻ phòng bệnh hô hấp.

Khi trẻ có các biểu hiện của bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, phụ huynh nên đưa con đi khám sớm. Trẻ mệt, li bì, thở nhanh, khó thở, co kéo các cơ hô hấp, nôn trớ nhiều lần, bỏ ăn… cần nhập viện ngay. Nguyên tắc chính trong điều trị viêm phổi là làm thông thoáng đường thở, hạ sốt, bù đủ dịch, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho trẻ. Sử dụng thuốc cần theo chỉ định của bác sĩ.

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

5 việc cần làm giúp bạn khỏe mạnh suốt mùa hè gay gắt

Ngọc Nga

Để dùng thuốc Molnupiravir điều trị COVID-19, F0 cần phải biết những điều này

Mậu Ngọ

COVID-19: Virus SARS-CoV-2 lây lan tại Indonesia thuộc chủng mới

CDC Hà Nam