Trầm cảm sau sinh – kẻ giết người thầm lặng

(CDC Hà Nam)

Sự ra đời của một em bé có thể mang lại cho người mẹ nhiều cảm xúc mạnh mẽ từ hạnh phúc, vui sướng đến lo lắng. Nhưng cũng từ đây một số phụ nữ đã mắc phải bệnh lý không ai mong muốn, đó là bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm sau sinh (TCSS) là tình trạng người phụ nữ bị rối loạn cảm xúc, thay đổi về thể chất và tâm lý, hành vi sau khi sinh con. Theo Tổ chức Y tế thế giới, trầm cảm là nguyên nhân đứng hàng thứ hai về gánh nặng y tế. Có khoảng 10% -20% phụ nữ mang thai hoặc sau khi sinh con trên toàn cầu từng trải qua ít nhất một dạng rối loạn tâm thần, trong đó chủ yếu là trầm cảm. Tại Việt Nam, rối loạn tâm thần nói chung và TCSS nói riêng đang có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ TCSS ở nước ta theo một số nghiên cứu sàng lọc có thể lên tới 33%.

Nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh 

Không có một nguyên nhân cụ thể nào dẫn đến TCSS mà phụ thuộc vào thể chất, tinh thần và hoàn cảnh của mỗi người. Một số nguyên nhân chung thường gặp dẫn đến TCSS gồm:

Thay đổi nội tiết tố: Khi mang thai nồng độ nội tiết tố nữ estrogen và progesterone tăng cao. Sau sinh nồng độ các hormone này giảm về mức bình thường khiến người phụ nữ cảm thấy uể oải, mệt mỏi và có thể dẫn đến TCSS.

Thay đổi về hình thể: sau sinh có thể tăng cân không kiểm soát hoặc sụt cân nhanh, rạn da,… khiến người phụ nữ cảm thấy mình kém hấp dẫn. Cộng với việc lo lắng về khả năng chăm sóc con hay việc chăm con vất vả, thiếu ngủ làm nảy sinh tâm lý bực bội, cáu gắt chán ghét bản thân và em bé.

Tiền sử rối loạn tâm lý: Rối loạn tâm lý, trầm cảm có thể tái phát vì thế đối với phụ nữ từng có có tiền sử trầm cảm trước hoặc trong khi mang thai thì sẽ có nguy cơ cao trầm cảm sau sinh.

Yếu tố kinh tế, gia đình, xã hội: Thiếu sự giúp đỡ, đồng cảm chia sẻ của người thân, đặc biệt là người chồng; mâu thuẫn về cách chăm sóc con; con cái gặp vấn đề sức khỏe; áp lực sinh con trai; kinh tế gia đình khó khăn; ở nhà, không giao tiếp nhiều… Bất kỳ vấn đề nào trong số này đều có thể góp phần gây ra chứng TCSS.

Vì sao nói trầm cảm sau sinh là kẻ giết người thầm lặng?

Trầm cảm sau sinh không những ảnh hưởng tiêu cực tới người mẹ mà còn ảnh hưởng tới đứa con. Trong những trường hợp người mẹ bị TCSS nặng có thể dẫn đến suy nghĩ và hành vi tự tử hoặc gây tổn hại cho con. Bên cạnh đó, theo một số nghiên cứu khi người mẹ bị TCSS có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của đứa con như chậm phát triển ngôn ngữ, vận động, chiều cao; khóc nhiều, dễ kích động; hạn chế khả năng giao tiếp; khó thích nghi với môi trường, khó hòa nhập xã hội…

Đặc biệt TCSS thường diễn biến hết sức lặng lẽ và dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua nên khi phát hiện thì bệnh đã nặng trong khi bệnh lại cần được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.

Một số dấu hiệu nhận biết TCSS: luôn thấy buồn, mệt mỏi, lo lắng, tuyệt vọng; khóc nhiều; có ý nghĩ làm tổn thương em bé; có ý nghĩ làm tổn thương bản thân; không quan tâm đến em bé, không cảm thấy kết nối với em bé; ăn quá ít hoặc quá nhiều; ngủ quá ít hoặc quá nhiều; gặp khó khăn khi tập trung hoặc đưa ra quyết định; cảm thấy vô giá trị, tội lỗi hoặc nghĩ mình giống như một người mẹ tồi; mất hứng thú hoặc mất niềm vui trong các hoạt động bạn từng yêu thích.

Khi thấy bản thân hoặc người phụ nữ sau sinh trong gia đình có bất kỳ dấu hiệu nào ở trên kéo dài 2 tuần trở lên cần nghĩ tới TCSS và đến cơ sở y tế gần nhất để được khám, điều trị kịp thời.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Rửa tay đúng cách: Liều “vắc-xin” mạnh nhất chống lại bệnh tật

Ngọc Nga

Bí quyết tăng chiều cao cho trẻ

Ngọc Nga

Phòng COVID-19 ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kì

Ngọc Nga