Một số điều cần lưu ý giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa

(CDC Hà Nam)

  Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có hơn 10 triệu trẻ tử vong do các bệnh nhiễm trùng hô hấp trên như: Cúm, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm tiểu phế quản, viêm phổi…Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia có chỉ số ô nhiễm nhất thế giới, có tỷ lệ mắc bệnh hô hấp cao. Trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể mắc các bệnh viêm đường hô hấp từ 4 – 6 lần trong một năm, nhiều nhất là vào thời điểm giao mùa.

Thời tiết thay đổi, trời lạnh là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus, côn trùng truyền bệnh phát triển, khiến trẻ rất dễ mắc các bệnh về hô hấp, truyền nhiễm. Vì vậy, làm thế nào để giúp trẻ phòng bệnh khi giao mùa là điều vô cùng quan trọng.

Sau đây là một số cách giúp phòng bệnh khi giao mùa ở trẻ

– Chú ý đến thói quen vệ sinh cá nhân cho trẻ: Cha mẹ cần dạy trẻ vệ sinh cá nhân thông qua những hoạt động sinh hoạt hàng ngày, điều này sẽ giúp trẻ tự bảo vệ sức khỏe của mình, dạy trẻ từ những điều đơn giản nhất và nâng cao kỹ năng dần dần.

Giữ gìn vệ sinh bàn tay, chải răng, vệ sinh thân thể là rất cần thiết, vì nếu răng miệng, bàn tay bị bẩn sẽ làm gia tăng nguy cơ lây truyền vi khuẩn, virus, ký sinh trùng. Chẳng hạn như trẻ đi vệ sinh xong nhưng không rửa tay sạch và tiếp tục ăn uống thì khả năng vi khuẩn sẽ bám vào thức ăn, xâm nhập vào cơ thể qua đường ăn uống và gây bệnh.

Rửa tay còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và lan truyền dịch bệnh. Việc làm đơn giản này cũng có thể giúp ngăn chặn được các bệnh nguy hiểm đang lây lan trong cộng đồng như dịch tiêu chảy cấp, dịch cúm gia cầm, dịch tay chân miệng, sởi…

Vì vậy, cần hướng dẫn và dạy trẻ chú ý rửa tay sạch sẽ, đúng cách trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, chơi đùa.

– Chú ý nơi ở, khu vui chơi cần thông thoáng, sạch sẽ: Môi trường sống của trẻ cần đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, trong lành, phòng ngủ cần thông gió bằng cách mở cửa sổ, để hạn chế sự sinh sôi và lây lan của virus, vi khuẩn, điều này sẽ giúp trẻ ngăn ngừa bệnh tật, nhất là các bệnh liên quan đến hô hấp.

Vì vậy, cha mẹ cần vệ sinh nhà cửa đúng cách như: Vệ sinh những đồ vật thường tiếp xúc như tay nắm cửa, các bề mặt vật dụng trong nhà, đồ chơi của trẻ… bằng các dung dịch diệt khuẩn. Ngoài ra, cần làm vệ sinh ban công, tay vịn cầu thang và bất kỳ đồ vật nào được cầm bằng tay.

Luôn đảm bảo sàn nhà được hút bụi và lau chùi thường xuyên. Cần giặt ghế sofa, khăn lau bếp, lau tay thường xuyên, vì đây là nơi trú ngụ của virus, vi khuẩn.

Trong gia đình không nên dùng chung khăn tắm, bàn chải đánh răng.

Quét dọn nhà cửa thường xuyên, gọn gàng ngăn nắp, loại bỏ những nơi có nước đọng, nhằm ngăn chặn sự phát triển của muỗi. Duy trì thói quen nằm màn khi ngủ, kể cả buổi trưa.

– Cần tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo: Để đảm bảo sức khỏe tốt nhất cho trẻ và tránh những chủng bệnh có thể ngăn ngừa được, các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đi tiêm phòng đầy đủ và đúng lịch.

Việc tiêm phòng đầy đủ theo khuyến cáo của Bộ Y tế sẽ giúp 95% trẻ được tiêm chủng tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể trước những loại virus, vi khuẩn, bệnh truyền nhiễm nguy hiểm – vì những bệnh này có khả năng để lại di chứng nặng nề, thậm chí gây tử vong cho trẻ.

Trẻ tiêm phòng vaccine đầy đủ sẽ tránh được các bệnh truyền nhiễm, tạo miễn dịch bảo vệ cơ thể, không bị các di chứng cũng như dị tật đặc biệt ảnh hưởng đến thể chất và trí não.

– Bổ xung dinh dưỡng cho trẻ: Để phòng bệnh và nâng cao sức đề kháng, cha mẹ cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng cho trẻ. Cho trẻ ăn bổ sung đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng theo khuyến nghị, để giúp tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, đa dạng các loại thực phẩm sẽ cung cấp cho trẻ đầy đủ các dưỡng chất, vitamin cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ, đồng thời giúp tăng sức đề kháng cho trẻ và bảo vệ trẻ khỏi nguy cơ bệnh tật.

Ưu tiên các loại rau củ màu vàng, cam, đỏ và xanh đậm như bí đỏ, cà rốt, khoai lang, cà chua, ớt chuông, gấc, súp lơ xanh, tỏi, gừng, nghệ… sẽ chứa nhiều khoáng chất và vitamin thiết yếu có lợi cho hệ tiêu hóa và sức đề kháng của trẻ.

Ngoài ra, chúng còn chứa hàm lượng lớn chất xơ giúp ngăn ngừa táo bón, hỗ trợ các hoạt động tiêu hóa thức ăn. Một số loại trái cây cũng giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ như trái cây họ cam quýt (bưởi, cam, quýt, chanh…), đu đủ, kiwi giúp bổ sung vitamin C.

Bên cạnh đó luôn chú ý sử dụng nguồn nước sạch, thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

– Tăng cường vận động: Việc tập luyện thể thao giúp tăng cường hệ miễn dịch của cơ thể, có thể giúp chúng ta chống lại các bệnh cúm, bệnh về hô hấp.

Khuyến khích trẻ vận động và tập thể thao, cần duy trì tập thể thao thường xuyên tối thiểu 2 – 3 lần/tuần.  Hướng dẫn trẻ những bài tập vận động phù hợp với lứa tuổi, để nâng cao sức khỏe cho trẻ.

                                                                        Mậu Ngọ

Bài viết liên quan

Ăn gì để ngừa biến chứng do rối loạn lipid máu?

CDC Hà Nam

Xoa bóp giúp ngủ ngon

Ngọc Nga

Hội chứng hậu COVID-19 – Làm gì để vượt qua?

Ngọc Nga