Thống kê ban đầu từ Trung Quốc, nơi đại dịch bắt nguồn, cho thấy những người đang mắc bệnh tim mạch và đái tháo đường týp 2 có nguy cơ mắc bệnh COVID-19 cao hơn so với những người bình thường. Thực tế diễn biến dịch trong những ngày qua, thống kê của các nước bị ảnh hưởng COVID-19 cho thấy người trên 60 tuổi và những người đang có bệnh nền như bệnh tim mạch, bệnh rối loạn chuyển hóa…thường có diến biến nặng hơn và có tỷ lệ tử vong cao hơn.
Nếu bạn đang bị bệnh tim mạch, chuyển hóa hay có các yếu tố nguy cơ tim mạch như bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, đái tháo đường, cholesterol máu cao hoặc tuần hoàn kém, bạn cần thực hiện một số biện pháp phòng ngừa bổ sung để giảm rủi ro mắc COVID-19 cho bản thân. Cụ thể như sau:
Chế độ ăn uống lành mạnh và bù đủ nước
Tuân thủ chế độ ăn uống lành mạnh cho tim mạch và dự trữ các thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho tim mạch tối thiểu 2 tuần. Bù đủ nước, uống 6-8 ly nước ấm hay nước chanh ấm hàng ngày, người lớn tuổi cần uống nhiều lần trong ngày. Đủ nước để luôn làm ẩm đường thở và long đờm dễ hơn, giúp hạn chế xâm nhập virus và vi khuẩn qua niêm mạc hô hấp.
Uống 6-8 ly nước ấm hay nước chanh ấm hàng ngày, làm ấm đường thở, hạn chế virus xâm nhập hệ hô hấp.
Dự trữ thuốc tim mạch, đái tháo đường
Bạn phải dự trữ các thuốc tim mạch, đái tháo đường cần thiết tối thiểu dùng đủ 2 tuần. Nếu có thể nên dự trữ 1- 2 tháng.
Thận trọng trong việc tập thể dục
Nếu bạn tham gia vào các chương trình tập thể dục nhóm hoặc sử dụng thiết bị dùng chung trong phòng tập thể dục, hãy cẩn thận. Tốt nhất nên hủy bỏ tập thể dục nhóm trong nhà, vì đó là nơi tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh dịch. Tập thể dục tại nhà riêng của mình như đi bộ hoặc leo cầu thang. Nếu muốn ra ngoài trời phải mang khẩu trang. Đi bộ trong công viên hoặc đường phố yên tĩnh nơi ít người qua lại sẽ an toàn hơn; hạn chế không tiếp xúc với người khác để giảm thiểu rủi ro.
Tránh những nơi đông đúc nhiều người
Bằng chứng cho thấy những người mắc bệnh tim mạch có thể có nguy cơ cao hơn mắc bệnh COVID-19, vì vậy quan trọng là phải phòng ngừa. Nếu bạn có vé tham dự một show diễn hoặc bữa tiệc, hãy bỏ qua và đi kèm với lời xin lỗi lịch sự. Tránh tiếp xúc những người khác, tại thời điểm này, là cách phòng ngừa tốt nhất.
Thực hiện các giao dịch mua sắm trực tuyến:
Thời điểm này, mua sắm trực tuyến và giao hàng tận nhà là cách tối ưu. Không cần đến những nơi đông đúc như siêu thị, cửa hàng, nhà hàng…nhưng bạn vẫn có được những món ăn ưa thích và các vật dụng thiết yếu hàng ngày, nhớ mang khẩu trang khi nhận hàng.
Ngủ đủ giấc
Ngủ ít và mất ngủ có thể làm tăng huyết áp và rối loạn lượng đường trong máu. Và khi bạn thiếu ngủ, bạn sẽ có xu hướng ăn nhiều hơn, thích ăn nhiều chất béo, thực phẩm ngọt dễ dẫn đến tăng đường máu. Ngủ đủ 6-8 giờ mỗi đêm giúp ổn định huyết áp và đường máu tốt hơn. Đặc biệt, ngủ đủ giấc làm tăng cường hệ thống miễn dịch của cơ thể giúp chống trả sự xâm nhập virus và vi khuẩn gây bệnh.
Tự kiểm tra huyết áp và đường máu
Tự kiểm tra huyết áp nếu bạn bị tăng huyết áp và đường máu nếu bạn bị đái tháo đường bằng máy đo kiểm tra tại nhà và điều chỉnh thuốc theo hướng dẫn nếu cần thiết. Kiểm soát tốt bệnh nền cũng là cách tăng tính ổn định và sức đề kháng cơ thể trong mùa dịch bệnh.
Người bệnh đái tháo đường nên tự kiểm tra đường máu hằng ngày.
Kiểm tra cân nặng và giảm cân
Khi ở trong nhà dài ngày, có nhiều thời gian nên bạn dễ có khuynh hướng bày ra nhiều món ăn và hay ăn vặt, kết quả làm tăng cân mất kiểm soát. Vì vậy, tự kiểm tra cân nặng trong những ngày này là rất cần thiết. Bạn nên tích cực giảm cân nếu bị thừa cân là cách hiệu quả nhất để kiểm soát huyết áp và đái tháo đường. Tốt nhất, giữ chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn dưới 23 và trên 18,5 dành cho người châu Á. BMI trên 23 là thừa cân và trên 25 là béo phì. Tăng cân sẽ làm tăng huyết áp và tăng đường máu, làm cho bệnh nền trở nặng hơn. Đây là một bất lợi với bạn trong mùa dịch.
Hãy chú ý đến các dấu hiệu và triệu chứng của bạn
Các dấu hiệu cảnh báo cho COVID-19 được khuyến cáo chú ý, bao gồm ho, sốt, khó thở. Bạn cần nhớ lại đã tiếp xúc với ai, tiếp xúc ở địa điểm nào? Nếu có các triệu chứng nghi ngờ, cần trao đổi ngay với bác sĩ qua điện thoại hay đường dây nóng của Bộ y tế để được hướng dẫn.
Khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bị suy yếu do phải đối phó với các bệnh nền như bệnh tim mạch, chuyển hóa, sẽ khó để chống lại sự xâm nhập của các virus và vi khuẩn. Cách phòng ngừa tốt nhất là cải thiện sức khỏe của tim mạch và hành động phù hợp với tình huống dịch bệnh tại nơi bạn đang sinh sống.
TS.BS. Lê Thanh Hải