Nguyên nhân bị thiếu vitamin A

(CDC Hà Nam)

Vitamin A có tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà và các bệnh khô mắt, đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, niêm mạc, da. Ngoài ra, còn đóng vai trò quan trọng trong việc tăng trưởng và tăng cường miễn dịch của cơ thể, chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm vi rút và các bệnh về mắt.

– Cơ thể của chúng ta không tự tổng hợp được Vitamin A mà phải qua thức ăn cung cấp, do vậy nguyên nhân chính dẫn đến thiếu Vitamin A là do ăn các loại thức ăn nghèo Vitamin A và caroten.

– Ở trẻ nhỏ đang trong thời kỳ bú mẹ, nếu bữa ăn của mẹ thiếu Vitamin A thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ hoặc trong thời kỳ cai sữa, nếu trong các bữa ăn của trẻ không cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, Vitamin và khoáng chất cũng sẽ gây nên tình trạng thiếu Vitamin A.

– Khi trẻ nhiễm giun, nhiễm khuẩn đặc biệt khi trẻ mắc bệnh sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp sẽ làm tăng nhu cầu Vitamin A trong cơ thể và gây nguy cơ thiếu Vitamin A.

– Trẻ bị suy dinh dưỡng nặng cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến thiếu Vitamin A do cơ thể thiếu đạm trong quá trình chuyển hóa và vận chuyển Vitamin A.

Hậu quả khi trẻ bị thiếu Vitamin A:

– Thiếu Vitamin A nhẹ: Làm giảm phát triển cơ thể, tăng nguy cơ mắc bệnh nhiễm khuẩn đặc biệt là nhiễm khuẩn đường tiêu hóa (tiêu chảy) và nhiễm khuẩn đường hô hấp (viêm đường hô hấp).

– Thiếu Vitamin A nặng: Ngoài việc làm giảm sức đề kháng của cơ thể, trẻ kém phát triển về thể chất mà còn gây nên các tổn thương ở mắt. Do vậy, tất cả các trường hợp mắc bệnh từ quáng gà, khô kết mạc, vệt Bitot đến khô loét giác mạc đều phải được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, tránh có thể dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.

Để phòng chống thiếu Vitamin A:

– Cải thiện bữa ăn hàng ngày: Trong các bữa ăn cần cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và Vitamin A, đây được xem là giải pháp lâu dài để giải quyết các vấn đề thiếu hụt Vitamin A.

– Thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ: Sữa mẹ là nguồn cung cấp Vitamin A tốt nhất đối với trẻ nhỏ, cho trẻ bú sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh để tận dụng nguồn sữa non quý giá, vì trong sữa non có nhiều Vitamin A và các kháng thể giúp trẻ phòng chống các tác nhân gây bệnh. Đồng thời, thực hiện cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Khi tròn 6 tháng trẻ cần được ăn bổ sung hợp lý và tiếp tục duy trì bú sữa mẹ đến 24 tháng tuổi.

– Trong các bữa ăn cần có dầu hoặc mỡ để giúp hấp thu tốt Vitamin A. Các loại thức ăn nguồn gốc thực vật như  rau xanh, cà rốt, rau dền, xoài, dưa hấu, đu đủ chín, cà chua, gấc…

Ngoài ra hãy đưa trẻ từ 6 – 60 tháng tuổi đi uống bổ sung Vitamin A theo liều và theo lịch 2 lần/năm tại các Trạm Y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh.

                                                                               Mậu Ngọ tổng hợp

Bài viết liên quan

Hậu quả tắc ruột do bã thức ăn và cách phòng tránh

hanh phan

Trẻ đi học sẽ phải có giấy chứng nhận tiêm chủng đầy đủ

CDC Hà Nam

Tác dụng của trứng gà luộc với sức khoẻ

Ngọc Nga