Nguyên nhân chủ yếu gây ra đái dầm

(CDC Hà Nam)

Đái dầm là bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách chữa trị dứt điểm cho con. Hiểu rõ nguyên nhân và nắm được phương pháp phù hợp giúp chữa khỏi cho bé tại nhà một cách an toàn, tiện lợi và hiệu quả.

Tại sao trẻ trên 5 tuổi vẫn bị đái dầm?

Trẻ từ 5 tuổi trở lên, bình thường có thể kiểm soát được việc đi tiểu của mình, nói chung là không đái dầm nhưng khi không kiểm soát được mà bị đái dầm, đây là dấu hiệu của bệnh và cần phải chữa sớm, tránh để hệ lụy lâu dài.

Đái dầm được chia thành đái dầm nguyên phát (đái dầm liên tục từ bé) và đái dầm thứ phát (đái dầm xuất hiện lại sau 6 tháng kể từ thời điểm đã ngừng đái dầm). Đái dầm thứ phát có thể là do một số bệnh lý về tiết niệu: thận, bàng quang, niệu quản; bệnh hệ sinh dục; hệ thần kinh,…

Đái dầm nguyên phát

Những nguyên nhân này bao gồm:

Chậm phát triển: Lệnh kiểm soát tiểu tiện thường do trung tâm liên quan của vỏ não ban hành. Nếu nó chưa phát triển hoàn thiện, trẻ sẽ xuất hiện hiện tượng đái dầm.

Ngủ quá sâu giấc: Không thể thức dậy ngay sau khi chìm vào giấc ngủ với bàng quang căng phồng.

Yếu tố tâm lý: Nếu tâm lý trẻ bị ảnh hưởng: bị quát mắng, phê bình, căng thẳng,… thì có khả năng khiến trẻ đái dầm.

Yếu tố di truyền: Trẻ có cha mẹ mắc chứng đái dầm thường có tỷ lệ đái dầm cao hơn.

Ăn uống: Trẻ uống nhiều nước trước khi đi ngủ, ăn ít chất xơ gây táo bón cũng là nguyên nhân khiến trẻ hay đái dầm.

Bé quên đi tiểu trước khi ngủ dẫn đến tình trạng đầy nước tiểu, gây ra tiểu dầm.

Đái dầm thứ phát

Tình trạng đái dầm này chủ yếu liên quan đến một số bệnh lý như nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu (sỏi tiết niệu, dị dạng niệu đạo), bệnh thần kinh cơ, hẹp bao quy đầu ở bé trai, viêm âm đạo ở bé gái,…

Nguyên nhân chủ yếu gây ra đái dầm

Theo các chuyên gia Y học cổ truyền, phần lớn trường hợp đái dầm ở trẻ em là do hệ thần kinh thực vật và chức năng chế ước của bàng quang bị rối loạn. Với những đứa trẻ bình thường, thành bàng quang sẽ gửi tín hiệu lên não bộ khi bàng quang đầy nước tiểu. Khi nhận được tín hiệu, não bộ sẽ chỉ huy cho cơ vòng đóng lại cho đến khi chúng ta chủ động đi tiểu.

Tuy nhiên ở những trẻ hệ thần kinh thực vật và chức năng chế ước của bàng quang bị rối loạn, bàng quang đầy thì cơ bàng quang lại tự bóp, cơ vòng tự động mở ra và đẩy nước tiểu ra ngoài. Do vậy, muốn trị tận gốc đái dầm thì ta cần phải ổn định hệ thần kinh thực vật, tăng cường chức năng bàng quang.

Hồng Hạnh (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Khuyến cáo mới điều trị trẻ mắc hội chứng viêm đa hệ liên quan đến COVID-19

Ngọc Nga

Hạch vùng cổ có phải ung thư không?

Ngọc Nga

10 nguy cơ sức khỏe khi uống nhiều rượu

Ngọc Nga