Nhận biết các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

(CDC Hà Nam)

Đái tháo đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có thể ảnh hưởng tới nhiều bộ phận trong cơ thể, trong đó có hệ thống tiêu hóa, gây ra các rối loạn.

Rối loạn tiêu hóa là biến chứng thường gặp trong bệnh tiểu đường và biến chứng này chiếm tỷ lệ rất cao (tới 50% số người bệnh) và gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của người bệnh. Do đường huyết cao nên bệnh đái tháo đường (nhất là ở người mắc bệnh lâu năm) có thể gây ra rối loạn trên suốt đường tiêu hóa, một số ảnh hưởng điển hình và thường gặp.

Nguyên nhân bị rối loạn tiêu hóa ở người tiểu đường

Hầu hết người mắc tiểu đường lâu năm đều gặp vấn đề về tiêu hóa như là trào ngược axit, viêm dạ dày, buồn nôn, hội chứng ruột kích thích.

Các nguyên nhân có thể là:

  • Mắc bệnh tiểu đường trong một thời gian dài, những người mắc tuýp 1 có nguy cơ tổn thương dây thần kinh ruột cao hơn.
  • Không kiểm soát lượng đường trong máu trong thời gian dài có thể làm tổn thương các dây thần kinh và mô khác nhau, bao gồm cả các dây thần kinh của đường tiêu hóa.
  • Chứng khó tiêu là vấn đề tiêu hóa tồi tệ nhất đối với bệnh nhân tiểu đường. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường có thể ảnh hưởng đến ruột nhiều hơn đến dạ dày, gây táo bón hoặc tiêu chảy.

Các rối loạn tiêu hóa thường gặp ở người bệnh đái tháo đường

Liệt dạ dày

Liệt dạ dày do đái tháo đường lâu năm, bệnh nhân có cảm giác buồn nôn, nôn, cảm giác sớm thấy no nên không thể ăn được nhiều. Việc chán ăn, ăn không được nhiều và nôn khiến cho bệnh nhân dễ dẫn đến suy nhược cơ thể, cơ thể mệt mỏi vì thiếu chất dinh dưỡng, có thể thiếu máu do thiếu vitamin và sắt, hạ huyết áp, thức ăn có thể bị kết thành khối trong dạ dày gây tắc. Ngoài ra còn ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình điều trị bệnh do thuốc uống vào không được hấp thu và cũng là một trong những nguyên nhân gây dao động đường huyết nhiều hơn.

Rối loạn vận động thực quản

Đường huyết quá cao sẽ là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn vận động thực quản. Bệnh nhân có thể đến gặp bác sĩ và than phiền về chứng khó nuốt, thức ăn bị nghẹn, cảm giác nóng bỏng ở ngực do trào ngược dạ dày – thực quản, thậm chí đau ngực (dễ nhầm với cơn đau thắt ngực do thiếu máu cơ tim). Khi có triệu chứng trên, các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân soi thực quản để loại trừ các nguyên nhân khó nuốt khác như: u thực quản, viêm thực quản, nhiễm nấm thực quản.

Rối loạn ở ruột và trực tràng

Bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra biến chứng ở ruột và trực tràng. Điển hình là những đợt đi ngoài phân lỏng nát có thể tới cả chục lần/ngày. Những đợt đi ngoài phân lỏng này có thể dừng lại xen kẽ với khoảng thời gian đi ngoài bình thường, thậm chí táo bón. Vì thế nên lưu ý khả năng việc dùng thuốc chữa đái tháo đường là metformin và thuốc ức chế men alpha glucosidase có thể gây ra những rối loạn ở ruột.

Đi ngoài không tự chủ cũng là tình trạng đáng ngại vì những biến chứng của đái tháo đường gây cho hệ tiêu hóa. Với người đái tháo đường có biến chứng thần kinh tự động, phần lớn bệnh nhân đều cảm giác thấy có phân trong trực tràng nhưng không thể kìm hãm sự tống phân một cách chủ động. Có lúc bệnh nhân không tự chủ được, phân có thể són ra quần.

Táo bón

Người bệnh tiểu đường rất hay bị mắc chứng táo bón. Đây là hệ quả của biến chứng thần kinh tự chủ do bệnh đái tháo đường. Khi đường huyết tăng cao làm giảm hàm lượng nước trong ruột, đồng thời gây tổn thương hệ thần kinh tự chủ làm chậm rỗng dạ dày, giảm nhu động ruột và dẫn đến tình trạng táo bón ở người bệnh, với các triệu chứng như ít đi cầu, đau bụng, khó đi cầu, phân cứng, cảm giác bị kẹt lại ở hậu môn, phải rặn gắng sức phân mới ra ngoài được. Táo bón kéo dài sẽ khiến người bệnh mệt mỏi, khó chịu, ăn ngủ không ngon, luôn có cảm giác đầy tức bụng, suy nhược cơ thể.

Đặc biệt đối với người bệnh tiểu đường, táo bón khiến người bệnh không muốn ăn, giảm hấp thu nên có thể gây tình trạng hạ đường huyết, đồng thời cũng có thể gây biến chứng nhiễm toan ceton do tích tụ ammonia hay nhiễm khuẩn tiêu hóa.

Lời khuyên của bác sĩ

Việc đường máu tăng cao trong bệnh đái tháo đường có thể gây ra những rối loạn hoạt động của hệ thống tiêu hóa. Nguyên tắc chung trong điều trị rối loạn tiêu hóa ở người bệnh tiểu đường là giữ đường máu ổn định tốt sẽ phòng ngừa được rối loạn tiêu hóa. Trong trường hợp nếu người bệnh có biến chứng thì nên lạc quan vì sẽ có cách điều trị cho từng trường hợp cụ thể sau khi bác sĩ khám để tìm ra nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa và có các biện pháp chữa trị kịp thời.

Bên cạnh đó cần chủ động phòng ngừa bằng cách:

  • Kiểm soát trọng lượng cơ thể bằng cách giảm cân, qua đó giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
  • Hoạt động thể chất thường xuyên không chỉ tốt cho việc phòng bệnh tiểu đường mà còn mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể.
  • Bổ sung các loại ngũ cốc, các loại hạt cung cấp vitamin, khoáng chất và ít carbohydrate. Những thực phẩm carbohydrate chứa ít đường, tinh bột (nguyên liệu tạo nguồn năng lượng cho cơ thể) và nhiều chất xơ đem lại nhiều lợi ích trong việc phòng ngừa bệnh tiểu đường…Tránh các loại thực phẩm chứa nhiều đường, ít chất xơ/chất dinh dưỡng như bánh mì trắng và bánh ngọt, nước ép trái cây, thực phẩm chế biến chứa đường…
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá.
  • Thường xuyên kiểm tra lượng đường theo tư vấn của bác sĩ.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

 

Bài viết liên quan

Giao mùa trở lạnh, người cao tuổi dễ mắc bệnh gì?

Ngọc Nga

Nhận biết bệnh viêm khớp phản ứng

Ngọc Nga

Những thực phẩm cần tránh trước kỳ thi lớp 10 để có sức khoẻ tốt nhất

Ngọc Nga