Nhận biết dấu hiệu viêm da ở trẻ trong mùa nắng

(CDC Hà Nam)

Thời tiết nóng bức như hiện nay tạo điều kiện thuận lợi để các vi sinh vật trên da phát triển. Vì thế, trẻ nhỏ rất dễ bị mắc các bệnh lý về da. Vậy, làm thế nào để phòng tránh viêm da ở trẻ vào mùa nắng nóng?

Khi thời tiết nắng nóng thì vi khuẩn sẽ phát triển, da của trẻ rất nhạy cảm nên dễ mắc các bệnh về da như rôm sảy, hăm kẽ, mụn nước, bóng nước, chàm…Tình trạng đổ mồ hôi nhiều sẽ khiến trẻ ngứa ngáy và hay gãi, quần áo cũng dễ bị ẩm ướt, đây là môi trường thuận lợi để vi nấm phát triển và các bệnh về da xuất hiện. Không chỉ thế, khi trẻ đi bơi nếu mặc quần áo chật, ẩm ướt kéo dài, vệ sinh kém… cũng dễ bị nhiễm nấm và các bệnh về da.

Các biểu hiện bệnh lý về da ở trẻ

Bệnh da ở trẻ có nhiều, trong đó hay gặp là rôm sảy. Đây là loại bệnh về da rất phổ biến, nhất là ở những nơi nắng nóng. Bệnh sẽ nặng vào mùa hè oi bức vì trẻ ra mồ hôi nhiều, các tuyến mồ hôi bị chèn ép bít kín lại làm mồ hôi không thoát ra được.

Trẻ thường bị rôm sảy ở lưng, gây ngứa ngáy, quấy khóc. Với rôm sảy, các mẹ nên tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch, chỉ được dùng loại xà phòng tắm dành cho trẻ, không dùng xà phòng thường, vì dễ làm khô da và dễ gây kích ứng da.

Chốc cũng là một bệnh da có thể tự nhiễm và rất dễ lây, gây nhiễm trùng ngoài nang lông, thường gặp ở trẻ em, nhất là ở trẻ thiếu vệ sinh, thiếu dinh dưỡng.

Khi mắc các bệnh về da trẻ thường có các biểu hiện xuất hiện những mụn nước, bóng nước có quầng viêm đỏ xung quanh. Mụn nước nhanh chóng trở thành mụn mủ. Vị trí có thể gặp ở bất cứ vùng da nào, nhưng thường ở phần hở nhiều hơn.

Một trong những bệnh lý da thường gặp khác ở trẻ em là viêm da cơ địa, hay còn gọi là chàm thể tạng. Đây là một bệnh viêm da mạn tính gây ngứa dữ dội.

Bệnh biểu hiện bằng những thương tổn mụn nước mọc thành chùm trên nền hồng ban hay tái đi tái lại. Tổn thương cơ bản là mụn nước tập trung thành từng đám ở 2 má, trán, cằm. Tuy nhiên, có thể lan ra tay, chân, lưng, bụng… Tổn thương có tính chất đối xứng, bệnh nhân ngứa rất nhiều.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể có các biểu hiện khác như: Khô da, chàm vú, quầng thâm quanh mắt, dấu hiệu vẽ nổi, dày sừng nang lông, váy phấn trắng, viêm kết mạc, mặt xanh xao, dễ bị dị ứng thức ăn, viêm môi… Trẻ khi mắc viêm da cơ địa dễ bị ngứa ngáy, gây ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Thông thường các bệnh về da được chăm sóc đúng sẽ nhanh khỏi và không gây viêm nhiễm, biến chứng. Nếu không chăm sóc đúng các bệnh lý về da sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm, bội nhiễm, thậm chí sẽ có biến chứng gây nguy hiểm cho trẻ.

Cách chăm sóc da của trẻ trong mùa nóng

Để phòng tránh các bệnh về da cho trẻ trong thời điểm hiện nay, nên cho trẻ mặc quần áo chống nắng, đội mũ, đeo kính khi đi ra ngoài nắng và nên cho trẻ ở những nơi râm mát.

Quần áo của trẻ phải được phơi khô, sau đó mới cho trẻ mặc, không cho trẻ mặc quần áo ẩm. Vệ sinh tay chân và cơ thể sạch sẽ cho trẻ. Không cho trẻ tiếp xúc với nước mưa hay nước bẩn… Nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ, nhất là những khi trời nóng. Vì quần áo nhớp mồ hôi cũng sẽ khiến trẻ dễ bị các bệnh ngoài da do nấm.

Luôn giúp trẻ khô mồ hôi. Mùa nắng nóng trẻ dễ đổ mồ hôi. Do vậy, nên chú ý chuẩn bị các loại khăn bông vải mềm để giúp trẻ thấm mồ hôi.

Lưu ý không nên dùng quạt máy để giúp trẻ làm mát. Nó có thể khiến trẻ bị khô da và mất nước.

Nên tắm cho trẻ thường xuyên hơn so với mùa lạnh, tuy nhiên không nên tắm quá nhiều lần.

Lưu ý nên tắm nước ấm cho trẻ hoặc chuẩn bị nước tắm với các loại dầu và hương dành riêng cho trẻ. Tuyệt đối không tắm nước lạnh cho trẻ. Sau khi tắm phải lau khô người trẻ thật nhanh và thật kỹ.

Dùng các loại kem phấn dành cho trẻ em để bảo vệ da cho trẻ.

Bên cạnh kem chống nắng, mùa này cũng cần chú ý hơn đến các loại kem phấn bảo vệ da cho trẻ.

Do mùa nắng nóng cũng là mùa sinh sản của các loại côn trùng, hãy tham vấn bác sĩ nhi khoa về các loại kem chống côn trùng cho trẻ.

Thường xuyên kiểm tra da của trẻ và đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ.

Luôn theo dõi các triệu chứng và kiểm tra da của trẻ thật cẩn thận. Đừng xem thường bất cứ dấu hiệu nhỏ nào.

Nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ đều đặn và khi có bất kỳ vấn đề bất thường trên da của trẻ, lập tức cho trẻ đến khám tại các cơ sở da liễu uy tín. Chú ý không sử dụng các loại thuốc bôi da cho trẻ mà không có sự chỉ định từ bác sĩ.

Đặc biệt lưu ý những trẻ có sức đề kháng kém, vệ sinh kém, Suy dinh dưỡng, có sẵn các bệnh lý như viêm da cơ địa… sẽ dễ mắc bệnh hơn và bệnh sẽ nặng hơn.

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Hút thuốc lá là nguyên nhân của nhiều bệnh

Mậu Ngọ

Nhận biết sớm và phòng ngừa bệnh sởi

Ngọc Nga

6 loại rau củ tốt nhất cho người bệnh viêm khớp

Ngọc Nga