Nhận biết và điều trị viêm ruột

(CDC Hà Nam)
Viêm ruột là một thuật ngữ dùng để chỉ tình trạng viêm nói chung ở ruột gây ra do cả vi khuẩn lẫn virus. Bệnh Crohn hay viêm loét đại tràng mạn đều thuộc viêm ruột. Đây là bệnh lý đường tiêu hóa thường gặp với triệu chứng phổ biến là tiêu chảy. Tùy theo mức độ bệnh mà triệu chứng biểu hiện từ nhẹ như tiêu chảy nhiều lần đến mức độ nặng có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Dấu hiệu và triệu chứng

Các triệu chứng phổ biến nhất của viêm ruột là tiêu chảy và đau bụng. Tiêu chảy có thể từ nhẹ đến nặng (có thể đến 20 lần/ngày). Tiêu chảy cấp có thể dẫn đến mất nước, trụy tim mạch, shock, nhịp tim nhanh và tụt huyết áp. Nếu kèm mất máu, dù là mất một lượng máu nhỏ trong phân cũng có thể dẫn tới thiếu máu. Đôi khi, những người bị viêm ruột cũng có thể táo bón. Với bệnh Crohn, điều này có thể xảy ra như kết quả của một tắc nghẽn trong lòng ruột. Trong viêm loét đại tràng, táo bón có thể là một triệu chứng của viêm trực tràng. Bệnh nhân viêm đại tràng thường có cảm giác nặng bụng. Đau và khó chịu sẽ bớt khi đại tiện, trung tiện được và tăng lên khi bị táo bón.

Máu trong phân: Quá trình thực phẩm di chuyển qua đường tiêu hóa có thể dẫn đến chảy máu. Máu đỏ tươi trong bồn cầu hoặc máu sẫm màu trộn với phân.

Sốt, mệt mỏi và sụt cân: Cũng có thể xảy ra ở bệnh nhân bị viêm ruột do thiếu ăn và mất nước vì tiêu chảy và viêm ruột mạn tính.

Một số người bị viêm ruột có thể có các dấu hiệu của viêm nhiễm ở các nơi khác như ở các khớp, mắt, da và gan, vùng hậu môn có thể xuất hiện các áp-xe và trĩ.

Trẻ mắc bệnh viêm ruột loét đại tràng hay bệnh Crohn có thể sẽ chậm lớn và chậm dậy thì do thiếu hấp thu dưỡng chất.

Hình ảnh viêm ruột.

Hình ảnh viêm ruột.

Nguyên nhân gây bệnh

Nguyên nhân đầu tiên đó là do ngộ độc thức ăn. Viêm ruột cũng có thể do nhiễm khuẩn hay virus phổ biến là: Salmonella: một loại vi khuẩn phổ biến gây tiêu chảy, sốt và đau bụng từ 12-72 tiếng sau khi nhiễm khuẩn. Esscherichia coli: thường gọi là E.coli, một loại virus gây những triệu chứng nhẹ như đau bụng và sốt đến những triệu chứng nghiêm trọng hơn như đi phân ra máu hoặc suy thận. Staphylococcus aureus (S. aureus): loại vi khuẩn chứa 7 chất độc này có thể dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Camoylobacter jejuni (C.jejuni): Một loại vi khuẩn khác thường gây ra ngộ độc thực phẩm. Shigella: vi khuẩn gây bệnh lỵ trực khuẩn thường ảnh hưởng đến ruột. Yersinia enterocolitica (Y. enterocolitica): loại vi khuẩn này gây tiêu chảy nghiêm trọng và có thể gây nhiễm trùng máu dẫn đến tử vong.

Các nguyên nhân gây nhiễm khuẩn ruột khác là do tiếp xúc với người hoặc động vật bị bệnh nhưng gặp ít phổ biến hơn. Hơn nữa, viêm ruột còn có thể xảy ra do dùng các loại thuốc như: ibuprofen và naproxen sodium…

Những phương pháp điều trị viêm ruột

Nếu bệnh nhẹ, bệnh nhân sẽ không cần đến điều trị vì bệnh sẽ tự khỏi sau vài ngày. Đối với các triệu chứng tiêu chảy, chỉ cần phải bổ sung nước bằng dung dịch điện giải. Nếu bị tiêu chảy cấp, bệnh nhân sẽ cần truyền dịch tĩnh mạch, uống thuốc hoặc thậm chí là nhập viện. Với trẻ em, trường hợp trẻ bị tiêu chảy và mất nước sẽ cần được chăm sóc y tế và truyền dịch qua đường tĩnh mạch.

Nếu bị viêm ruột do phóng xạ, bác sĩ có thể phải thay đổi xạ trị hoặc ngừng hẳn. Thậm chí có thể cần phải được phẫu thuật để loại bỏ một phần ruột non bị hư hại.

Lời khuyên bác sĩ

Có thể kiểm soát viêm đường ruột nếu như áp dụng một vài biện pháp sau: Luôn rửa tay trước khi ăn, khi nấu ăn và cả sau khi đi vệ sinh; Tránh sử dụng nước uống không hợp vệ sinh như nước lấy từ dòng suối, nước giếng và nước chưa được đun sôi kĩ càng; Khi ăn những loại thịt từ gia cầm hoặc ăn trứng nên dùng những dụng cụ đã được vệ sinh sạch sẽ; Nên sử dụng thực phẩm đã được nấu chín và luôn dự trữ thực phẩm bên trong ngăn mát của tủ lạnh; Hạn chế sử dụng các loại nước có cồn (bia, rượu…) và hạn chế dùng thuốc.

BS. Phương Anh (Suckhoedoisong.vn)

 

 

Bài viết liên quan

Ngáp quá nhiều cảnh báo vấn đề sức khỏe

CDC Hà Nam

7 dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu i-ốt

Ngọc Nga

Trẻ bị tiêu chảy nhiễm khuẩn có biểu hiện như thế nào và cách chăm sóc đúng

Ngọc Nga

Để lại bình luận