Nhiều người nhập viện giữa nắng nóng đỉnh điểm, bác sĩ chỉ cách để luôn khỏe mạnh

(CDC Hà Nam)
Nắng nóng diện rộng và gay gắt những ngày gần đây đã khiến nhiều người đổ bệnh, phải nhập viện cấp cứu. Các bác sĩ cảnh báo nguy cơ sốc nhiệt, đột quỵ trong những ngày nhiệt độ quá cao, do vậy người dân cần hết sức cảnh giác và chủ động bảo vệ sức khỏe của bản thân.

Không có tiền sử tăng huyết áp nhưng những ngày qua, huyết áp của ông Nguyễn Văn Toàn (ở Hà Nội) lên đến 180/100mmHg, cơ thể mệt mỏi. Sau 3 ngày nghỉ ngơi ở nhà không đỡ, bệnh nhân mới nhập viện.

Tại khoa Khám bệnh, BV Hữu Nghị (Hà Nội) những ngày gần đây, lượng bệnh nhân vào thăm khám do liên quan đến nhiệt độ có xu hướng tăng với các triệu chứng như: đường huyết tăng cao, tăng huyết áp, suy tim nặng lên…

Theo các bác sĩ, khả năng thích nghi của người cao tuổi với sự thay đổi của thời tiết là rất kém, đặc biệt là nhóm người cao tuổi có bệnh nền mạn tính sẽ dễ mệt mỏi, chán ăn khiến cơ thể suy nhược, giảm khả năng chống đỡ với môi trường bên ngoài.

BSCKII. Nguyễn Đặng Khiêm – Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị cho biết: Bản thân người cao tuổi rất nhạy cảm với nhiệt độ. Nắng nóng có thể khiến người già có cơn tăng huyết áp, cơn đột quỵ – đặc biệt là tình trạng sốc nhiệt xảy ra khi nhiệt độ tăng quá cao có thể dẫn đến hôn mê, rối loạn tất cả các chức năng khác của cơ thể.

Hơn nữa, người già ít có cảm giác khát hơn người trẻ tuổi, cho nên gia đình, người thân cần chú ý đảm bảo đủ nước cho họ trong ngày nắng nóng.

Người cao tuổi, người có bệnh nền… cần đặc biệt chú ý giữ sức khỏe ngày nắng nóng.

Theo chuyên gia cấp cứu, tuy nóng bức nhưng người dân cần chú ý để nhiệt độ trong phòng điều hòa không nên chênh lệch quá cao so với môi trường bên ngoài. Nếu nhiệt độ ngoài trời 36-37 độ C thì trong nhà chỉ nên 25-27 độ C. Người già ở trong nhiệt độ thấp quá dễ làm khô đường thở, đây là yếu tố nguy cơ cho bệnh lý đường hô hấp ở người cao tuổi.

Cũng ở người cao tuổi, do các triệu chứng bệnh thường mờ nhạt, khó nhận diện khiến không ít trường hợp vào viện khi bệnh đã nặng. Chính vì vậy, khi có các biểu hiện khó thở, mệt mỏi người bệnh cần đến khám tại cơ sở y tế, không nên chủ quan hoặc tự mua thuốc về điều trị.

Tăng cường quạt điện, điều hòa, nước uống cho bệnh nhân

Trước tình hình thời tiết nắng nóng gay gắt, nhiệt độ tăng cao những ngày đầu hè, BVĐK Nông nghiệp (Hà Nội) đã triển khai các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, phòng, chống nắng nóng cho người bệnh. Để giảm áp lực chờ đợi cho người bệnh, nhất là trong những ngày nắng nóng, BV đã tổ chức khám bệnh từ rất sớm, khám ngoại trú bảo hiểm y tế vào cả sáng thứ bảy và chủ nhật; còn ngày thường, các bác sĩ khám bệnh từ 6h30 sáng.

Khi đến khu vực điều trị, 100% phòng bệnh đều có điều hòa. Ở các hành lang đều có quạt trần và ghế dài để phục vụ người nhà bệnh nhân và bệnh nhân. Nước sinh hoạt và nước uống miễn phí cho bệnh nhân nội trú luôn đầy đủ. Do thời tiết quá nóng bức, BV đã tăng cường quạt điện, điều hòa cho các phòng bệnh, 100% phòng bệnh đã có điều hòa, điều hòa trung tâm. Tại các hàng lang buồng bệnh, khu vực chờ khám, thu viện phí đều có quạt trần, quạt điều hòa không khí giúp thông thoáng. Khu vực nhà ăn ở ngay trong khuôn viện BV (tầng 10) giúp phục vụ các bữa ăn mát mẻ, ngon miệng, giải nhiệt nắng nóng, ngoài ra khoa dinh dưỡng còn phục vụ các suất ăn tại chỗ cho bệnh nhân nội trú…

Bệnh viện tích cực chống nóng cho bệnh nhân bằng điều hòa, quạt mát, nước uống…

Theo TTƯT.BSCKII Đỗ Thế Hùng – Phó Giám đốc BVĐK Nông nghiệp, thời tiết nắng nóng kéo dài, nhiệt độ cao sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người già mắc các bệnh mạn tính như: tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch; phụ nữ có thai; trẻ em có thể bị sốt cao, co giật; người lao động ngoài trời dễ bị say nắng, rối loạn thân nhiệt, mất nước…

Để chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng, người dân hạn chế ra đường nhất là buổi trưa, người dân nếu có nhu cầu khám tại nhà đặc biệt là người cao tuổi >60 tuổi có thể đăng ký khám bệnh online hoặc khám bệnh tại nhà Trung tâm sức khỏe theo nhu cầu tại bệnh viện.

Nên uống nhiều nước, đặc biệt là những người lao động ngoài trời, nhưng không nên uống nhiều nước đá hoặc nước quá lạnh; không nên để nhiệt độ điều hòa trong phòng quá thấp và không để quạt thổi trực tiếp vào người để phòng bệnh đường hô hấp. Bên cạnh đó, người dân cần thực hiện ăn chín, uống chín, tăng cường dinh dưỡng, vệ sinh cá nhân sạch sẽ…

Suckhoedoisong.vn

 

 

 

Bài viết liên quan

Những ai dễ mắc ung thư vùng đầu cổ?

Ngọc Nga

Thực phẩm thay thế gạo tốt nhất cho người bệnh đái tháo đường

Ngọc Nga

Những đối tượng dễ mắc cảm cúm giao mùa

Ngọc Nga

Để lại bình luận