Phân biệt, xử trí và phòng ngừa sốt do COVID-19, cúm A và cảm lạnh

(CDC Hà Nam)
Virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh đều gây nên triệu chứng sốt. Để giúp người dân tránh nhầm lẫn, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn chia sẻ một số cách nhận diện, xử trí và phòng ngừa ba loại bệnh này.

Dịch COVID-19 đang diễn ra trùng với thời điểm bùng phát các bệnh giao mùa như cúm A, cúm B, cảm lạnh… Các bệnh này có nhiều triệu chứng khác nhau song có chung triệu chứng sốt với mức độ nguy hiểm khác nhau. Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn – Bệnh viện Nhi đồng 1 – cho biết một số cách nhận diện triệu chứng, xử trí và phòng ngừa bệnh dưới đây.

Dấu hiệu nhận diện bệnh do virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh

Nhận diện bệnh do virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh qua các yếu tố dịch tễ (ảnh minh họa)

Bệnh do virus COVID-19, cúm A và cảm lạnh đều có biểu hiện chung của sốt và các dấu hiệu của viêm đường hô hấp như ho, sổ mũi. Tuy nhiên, dựa vào yếu tố dịch tễ và diễn tiến của bệnh các bác sĩ sẽ có căn cứ để phân biệt ba bệnh này.

Người đi lại từ vùng dịch, người tiếp xúc gần với người bệnh đã được chẩn đoán hoặc nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng là yếu tố dịch tễ của bệnh do COVID-19. Thông thường cảm lạnh chỉ gây ra các biểu hiện nhẹ và sẽ hết trong vòng 5-7 ngày. Còn đối với bệnh do COVID-19 và cúm A có thể nhẹ nhưng một số trường hợp sẽ dẫn đến biến chứng nặng gây viêm phổi, viêm xoang, sốc, suy đa tạng do virus cúm hoặc do bội nhiễm.

Cung cấp đầy đủ thông tin dịch tễ, tiến hành làm xét nghiệm là cách giúp chẩn đoán bệnh chính xác nhất.

Xử trí kịp thời ca bệnh giữa mùa dịch

Bỗng dưng bị sốt kèm theo các triệu chứng viêm đường hô hấp giữa dịch COVID-19 sẽ khiến nhiều người trở nên hoang mang lo lắng. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn khuyên mọi người nên bình tĩnh xử trí.

Với ca bệnh nghi nhiễm COVID-19 hoặc cúm A, cần phải đi khám ngay và thực hiện cách ly đúng quy định. Nếu có các dấu hiệu mệt nhiều, đau ngực, khó thở hoặc bất kỳ dấu hiệu nặng nào khác đi kèm, cần tái khám ngay.

Trong thời gian bị bệnh, bao gồm cả cảm lạnh, bệnh nhân cần tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng cách bổ sung dinh dưỡng đầy đủ, uống nhiều nước, ăn trái cây và rau cải có chứa nhiều vitamin A, C, D, E.

Ngoài việc hạ sốt kịp thời khi sốt trên 38,5 độ C, người bệnh không được tự ý sử dụng các thuốc mà không có sự chỉ định của bác sĩ như aspirin và corticoid. Bên cạnh đó, cần phải tiến hành sát khuẩn và vệ sinh khu vực có người bệnh để tránh lây nhiễm cho người xung quanh.

Theo dõi hiện tượng sốt và các triệu chứng khác thường xuyên trong thời gian bị bệnh (ảnh minh họa)

Cách phòng ngừa các bệnh cảm cúm cho cả gia đình

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Để tránh bị các loại virus cảm cúm tấn công, bao gồm cả virus COVID-19, các gia đình cần có chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn chín, uống sôi, không ăn động vật hoang dã, ăn nhiều trái cây tươi. Tiến hành luyện tập thể dục, vận động cơ thể phù hợp để tăng cường thể lực và bảo vệ sức khỏe.

Thực hiện vệ sinh nhà cửa, sát khuẩn các bề mặt bàn ghế, sàn nhà, tay nắm cửa, thành cầu thang, mở cửa sổ mỗi ngày để ánh nắng vào nhà. Rửa tay thường xuyên đúng các bước quy định. Khi ho phải dùng khủy tay hoặc khăn giấy để che và bỏ khăn vào thùng rác sau khi sử dụng. Không dùng tay để chùi lên mặt khi chưa rửa tay. Đeo khẩu trang khi có khuyến cáo hoặc lúc cần thiết.

Ngoài ra, cần lưu ý chủng ngừa đầy đủ theo lịch để tăng sức đề kháng, nhất là đối với trẻ nhỏ. Trong tủ thuốc của các gia đình luôn trữ sẵn thuốc hạ sốt giảm đau chứa paracetamol, vitamin C, thuốc bổ đa sinh tố và gói bù dịch bằng đường uống.

(Theo suckhoedoisong.vn)

 

 

 

Bài viết liên quan

Phòng chống thiếu Vitamin A ở trẻ em

hanh phan

Gặp mặt đoàn cán bộ y tế tỉnh Hà Nam chi viện thành phố Hồ Chí Minh phòng, chống dịch COVID-19

Ngọc Nga

Bộ trưởng Bộ Y tế: Lắng nghe thực tiễn, từng bước tháo gỡ khó khăn để chăm sóc sức khoẻ nhân dân tốt hơn

Ngọc Nga

Để lại bình luận