Pháp luật quy định hình thức kỷ luật đối với trường hợp học sinh đánh cô giáo?

(CDC Hà Nam)

Học sinh đi học cần phải tuân thủ những nguyên tắc nào?

Căn cứ tại Điều 34 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học Ban hành kèm theo Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, quy định về nhiệm vụ của học sinh như sau:

– Thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện theo chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường.

– Kính trọng cha mẹ, cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường và những người lớn tuổi; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện điều lệ, nội quy nhà trường; chấp hành pháp luật của Nhà nước.

– Rèn luyện thân thể, giữ gìn vệ sinh cá nhân.

– Tham gia các hoạt động tập thể của trường, của lớp học, của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; giúp đỡ gia đình, tham gia lao động và hoạt động xã hội, hoạt động bảo vệ môi trường, thực hiện trật tự an toàn giao thông.

– Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường, nơi công cộng; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường.

Bạo lực học đường ở lứa tuổi học sinh như thế nào?

Căn cứ tại khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường thì:

– Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.

Như vậy, có thể coi bạo lực học đường là một hành vi gây thương tích một cách có chủ đích đối với người khác, gây tổn hại về mặt sức khỏe cũng như tinh thần của người bị hại, từ đó, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, tính cách và tương lai của người đó.

Pháp luật quy định hình thức kỷ luật như thế nào đối với trường hợp học sinh đánh cô giáo?

Căn cứ Thông tư 08/TT năm 1988 quy định về khen thưởng thi hành kỷ luật học sinh, thì học sinh có thể bị áp dụng một trong 03 hình thức kỷ luật như sau:

Thứ nhất là cảnh cáo trước toàn trường

Theo khoản 3 Mục III Thông tư 08/TT năm 1988 “cảnh cáo trước toàn trường nếu học sinh phạm một trong các khuyết điểm sau: Mắc khuyết điểm sai phạm lớn, dù chỉ là một lần, song có tác hại nghiêm trọng như: ăn cắp hoặc cướp giật ở trong và ngoài trường; có lời nói và hành động vô lễ với thầy cô giáo; trêu chọc hoặc có hành vi thô bỉ với phụ nữ, với người nước ngoài; có những biểu hiện rõ ràng về gây rối trật tự an ninh; bị công an tạm giam giữ hoặc thông báo cho nhà trường biết; đánh nhau có tổ chức hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương.”

Thứ hai là đuổi học một tuần lễ

Theo khoản 4 mục III Thông tư 08/TT năm 1988, học sinh có thể sẽ bị đuổi học 01 tuần lễ khi có hành vi mang tính chất nghiêm trọng:

“…Phạm khuyết điểm lần đầu nhưng có tính chất và mức độ nghiêm trọng, làm tổn thương nhiều đến danh dự của nhà trường, của thầy cô giáo và tập thể học sinh như: trộm cắp, trấn lột, gây gổ đánh nhau có tổ chức và gây thương tích cho người khác, …hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác có tính chất và mức độ tác hại tương đương thì Hội đồng kỷ luật nhà trường xét đề nghị Hiệu trưởng quyết định và thi hành, đồng thời báo cáo lên cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp để biết và theo dõi.”

Thứ ba là đuổi học một năm

Đó là khi học sinh có hành vi mang tính chất rất nghiêm trọng thuộc khoản 5 mục III Thông tư 08/TT năm 1988, Cụ thể:

“Mắc khuyết điểm sai phạm rất nghiêm trọng, tuy chỉ là lần đầu, song hành động sai phạm này là có ý thức và chủ động (không phải bị lôi kéo, a tòng), gây nên những tác hại rất lớn, rất nguy hiểm đến tài sản của xã hội và tính mạng của con người như: tham gia các tổ chức trộm cắp, trấn lột, trụy lạc, phản động,… dùng vũ khí (dao găm, lưỡi lê, súng lục, lựu đạn, …) đánh nhau có tổ chức, gây thương tích cho người khác, can án ngoài nhà trường bị công an bắt giữ hoặc mắc những khuyết điểm sai phạm khác mà tính chất và mức độ tác hại tương đương.”

Bên cạnh đó, trong khoản 5 mục III Thông tư 08/TT năm 1988 cũng quy định cụ thể:

“Ngoài hình thức thi hành kỷ luật trên đây, để đảm bảo tính sư phạm và tính nghiêm túc của việc giảng dạy và học tập trong giờ lên lớp, giáo viên bộ môn có thể tạm thời đình chỉ việc học tập và đưa lên để Hiệu trưởng giáo dục những học sinh mắc phải một trong các sai phạm như: nói năng hoặc có thái độ vô lễ đối với thầy cô giáo; gây gổ đánh nhau với bạn bè trong lớp; gây mất trật tự làm ảnh hưởng đến việc học tập của tập thể lớp, mặc dù đã được thầy cô giáo khuyên răn, nhắc nhở, … Các học sinh này được vào lớp tiếp tục học trong tiết học sau.”

Ngọc Nga (tổng hợp)

 

Bài viết liên quan

Bộ Y tế hướng dẫn tiêu chí mới xác định ca nghi mắc COVID-19

Ngọc Nga

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thông báo kết quả xét nghiệm nước Công ty Cổ phần Nước sạch Hà Nam tháng 10/2019

CDC Hà Nam

Khối thi đua Tổng hợp: Tổng kết phong trào thi đua năm 2020, phương hướng nhiệm vụ năm 2021

Ngọc Nga