Phòng, chống bệnh liên cầu lợn trên người

(CDC Hà Nam)

Theo báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Bộ Y tế, trong những tháng đầu năm 2023 đã ghi nhận một số trường hợp nhiễm liên cầu lợn ở người tại một số tỉnh, thành phố.

Bệnh liên cầu lợn do Streptococcus suis (S.suis) gây nên là bệnh lây truyền từ động vật sang người và có thể gây tử vong. Người bệnh thường có triệu chứng lâm sàng nặng, phải điều trị trong thời gian dài, chi phí điều trị lớn và thường để lại biến chứng không phục hồi sau khi khỏi bệnh.

Streptococcus suis được phát hiện ở nhiều nơi trên thế giới, những nơi chăn nuôi lợn. Tỷ lệ mang S.suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60%-100%. Những người bị suy giảm miễn dịch và lợn bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ mắc bệnh cao. Vi khuẩn S.suis thường cư trú ở đường hô hấp trên, đặc biệt là ở mũi, ở đường tiêu hoá và sinh dục của lợn. Hiện có 2 týp liên cầu lợn: Týp I, hay gây dịch bệnh lẻ tẻ ở các đàn lợn dưới 8 tuần tuổi. Týp II gây bệnh ở nhiều lứa tuổi khác nhau của lợn nhưng thường gây bệnh ở lợn thịt với các dấu hiệu viêm màng não, viêm nội tâm mạc, viêm phổi, bại huyết, bệnh đường tiêu hóa, viêm khớp, xuất huyết ở da, gây sảy thai và chết đột tử ở lợn. S.suis týp II thường gây bệnh cho người. Ở Việt Nam, bệnh liên cầu lợn mới được biết đến từ năm 2003.

Phòng, chống lây nhiễm bệnh liên cầu lợn sang người, theo Cục Y tế Dự phòng:

  1. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi nhiễm liên cầu lợn ở người, triển khai ngay các biện pháp xử lý ổ dịch; các cơ sở khám chữa bệnh đặc biệt chú ý những trường hợp người bệnh có triệu chứng nghi nhiễm liên cầu lợn, khai thác tiền sử dịch tễ và lấy mẫu xét nghiệm điều trị bệnh nhân kịp thời để tránh tử vong và thông báo cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật để điều tra, xử lý ổ dịch.
  2. Tăng cường truyền thông các biện pháp phòng lây nhiễm liên cầu lợn sang người: không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc.
  3. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y trong việc giám sát phát hiện các dịch bệnh trên đàn lợn mà thuận lợi cho liên cầu lợn bùng phát như dịch bệnh tai xanh, kịp thời chia sẻ thông tin để có những biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây nhiễm sang người.
  4. Sẵn sàng vật tư, hóa chất, phương tiện bảo đảm triển khai các biện pháp giám sát và xử lý ổ dịch; rà soát các hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật trong giám sát, chẩn đoán và điều trị bệnh liên cầu lợn để củng cố năng lực cho cán bộ chuyên trách.
  5. Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.

                                                                                        Hồng Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Dấu hiệu cảnh báo ung thư phổi cần biết

Ngọc Nga

Có thêm hơn 25.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết trong tháng Bảy

CDC Hà Nam

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh bạch hầu

Ngọc Nga