Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

(CDC Hà Nam)

Rượu, bia là nguyên nhân trực tiếp của ít nhất 30 bệnh, chấn thương và là nguyên nhân gián tiếp của ít nhất 200 loại bệnh tật nằm trong danh mục phân loại bệnh tật quốc tế. Rượu, bia là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 nguy cơ gây tàn tật và tử vong hàng đầu tại Việt Nam.

Tác hại của rượu, bia với sức khoẻ con người như rối loạn tâm thần, xơ gan, ngoài ra là nguyên nhân của tai nạn giao thông và hậu quả của uống rượu, bia đa dạng và phức tạp hơn rất nhiều.

Rối loạn tâm thần kinh: Gây rối loạn tâm thần nặng, hội chứng cai rượu, động kinh, trầm cảm, lo âu. Giảm khả năng tư duy, học tập ở trẻ vị thành niên.

Gây ung thư: Ung thư khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, đại trực tràng, gan và ung thư vú ở phụ nữ.

Bệnh tim mạch: Làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, đột quỵ và làm trầm trọng bệnh tăng huyết áp.

Đái tháo đường: Tăng nguy cơ mắc bệnh/ làm cho bệnh nặng thêm nếu uống nhiều.

Tác động tới bào thai: Làm trẻ sinh ra bị dị dạng, chậm phát triển, tổn thương hệ thần kinh.

Bệnh tiêu hóa: Tổn thương gan, xơ gan, làm nặng thêm các tổn thương do vi rút viêm gan C; viêm tụy cấp/mạn tính.

Tổn thương hệ miễn dịch: Làm suy giảm miễn dịch dẫn tới nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm (viêm phổi, lao, HIV) cao hơn.

Gây hành vi nguy cơ, chấn thương: Quan hệ tình dục không an toàn, tai nạn giao thông, bạo lực, tự tử…

Để bảo đảm sức khỏe trong dịp trước, trong và sau Tết cổ truyền và các ngày lễ hội đầu Xuân, người dân nên tuân thủ thực hiện tốt các quy định của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia tại Điều 5: Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống tác hại của rượu, bia:

  1. Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia.
  2. Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia.
  3. Bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.
  4. Sử dụng lao động là người chưa đủ 18 tuổi trực tiếp tham gia vào việc sản xuất, mua bán rượu, bia.
  5. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, tổ chức, sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, chiến sĩ, người làm việc trong lực lượng vũ trang nhân dân, học sinh, sinh viên uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập.
  6. Điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn.
  7. Quảng cáo rượu có độ cồn từ 15 độ trở lên.
  8. Cung cấp thông tin không chính xác, sai sự thật về ảnh hưởng của rượu, bia đối với sức khỏe.
  9. Khuyến mại trong hoạt động kinh doanh rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên; sử dụng rượu, bia có độ cồn từ 15 độ trở lên để khuyến mại dưới mọi hình thức.
  10. Sử dụng nguyên liệu, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến không được phép dùng trong thực phẩm; nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm không bảo đảm chất lượng và không rõ nguồn gốc, xuất xứ để sản xuất, pha chế rượu, bia.
  11. Kinh doanh rượu không có giấy phép hoặc không đăng ký; bán rượu, bia bằng máy bán hàng tự động.
  12. Kinh doanh, tàng trữ, vận chuyển rượu, bia giả, nhập lậu, không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nhập lậu rượu, bia.
  13. Các hành vi bị nghiêm cấm khác liên quan đến rượu, bia.

Thanh Huyền tổng hợp

 

Bài viết liên quan

Nhận biết, xử trí sớm và phòng chống tai nạn thương tích ở trẻ em

Ngọc Nga

Thai kỳ và bệnh đái tháo đường

Ngọc Nga

I-ốt quan trọng thế nào với sức khỏe?

CDC Hà Nam