Chất lượng nguồn nước sinh hoạt có ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mỗi cá nhân và cộng đồng dân cư cùng sử dụng nguồn nước đó. Sử dụng nước sạch là một nhu cầu cơ bản trong đời sống hàng ngày của con người. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước hiện nay, nhu cầu sử dụng nước sạch đã và đang trở thành nhu cầu cấp thiết góp phần bảo vệ và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Để kiểm soát chất lượng nước uống và nước sinh hoạt, Bộ Y tế ban hành Quy chuẩn QCVN 01: 2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước ăn uống; Quy chuẩn QCVN 02: 2009/BYT – Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về chất lượng nước sinh hoạt do Cục Y tế dự phòng và Môi trường biên soạn, được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo Thông tư số: 05/2009/TT – BYT ngày 17 tháng 6 năm 2009. Các Quy chuẩn này quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với nước sử dụng cho mục đích ăn uống và sinh hoạt thông thường hoặc dùng cho mục đích chế biến thực phẩm tại các cơ sở chế biến.
Quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT quy định về chất lượng nước ăn uống với 109 chỉ tiêu. Trong đó, có 15 chỉ tiêu chất lượng nhóm A; 16 chỉ tiêu chất lượng nhóm B và 78 chỉ tiêu chất lượng nhóm C. Quy chuẩn QCVN 02:2009/BYT quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng đối với sử dụng cho mục đích sinh hoạt thông thường với quy mô nhỏ và các hình thức cấp nước hộ gia đình. So với QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT quy định ít chỉ tiêu chất lượng nước hơn được chia thành hai mức (mức I và mức II) áp dụng cho các đối tượng khác nhau. Từ đó, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt, trong đó quy định 99 chỉ tiêu/thông số phải giám sát đối với chất lượng nước thành phẩm.
Hiện nay, chất lượng nguồn nước sinh hoạt đã, đang là vấn đề cần sự quan tâm, chung tay bảo vệ từ các cấp chính quyền, cộng đồng và của mỗi người dân. Vấn đề bảo vệ chất lượng nguồn nước đòi hỏi ý chí quyết tâm, thống nhất hành động của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. Để đảm bảo chất lượng nguồn nước sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, mỗi cá nhân tổ chức cần có ý thức giữ gìn và bảo vệ nguồn nước sạch, trồng cây, gây rừng, hạn chế xả thải bừa bãi gây ô nhiễm nguồn nước.
Nguồn nước uống và sinh hoạt không đảm bảo tiêu chuẩn và an toàn sẽ là nguy cơ dẫn đến một số bệnh truyền nhiễm như: tiêu chảy, tả, lỵ Amip, lỵ trực trùng, …
Nước chiếm 70% trọng lượng cơ thể và nước sạch có vai trò hết sức quan trọng trong đời sống, sức khỏe của con người. Nguồn nước không đảm bảo an toàn – nước bị nhiễm bẩn cũng chính là tác nhân gây nên các bệnh truyền nhiễm, bệnh không lây nhiễm nguy hiểm, ảnh hưởng trực tiếp hoặc lâu dài đến sức khỏe người sử dụng và cộng đồng. Việc chống ô nhiễm nguồn nước là biện pháp tốt nhất để đảm bảo chất lượng nguồn nước an toàn, dài lâu. Điều đó phải được coi trọng hơn so với việc xử lý nguồn nước đã bị ô nhiễm. Để góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ chất lượng nguồn nước, Nhà nước đã ban hành các hướng dẫn, truyền thông về các biện pháp bảo vệ tài nguyên nước; ban hành chế tài xử phạt đối với các hành vi xâm phạm đến chất lượng nguồn nước.
Việc giám sát chất lượng nguồn nước cũng được chú trọng thực hiện một cách chặt chẽ. Theo đó, các đơn vị sản xuất và kinh doanh nước uống, nước sạch phục vụ sinh hoạt phải đảm bảo việc kiểm tra chất lượng nước đầu ra liên tục, hàng ngày theo các quy định, quy chuẩn đã đề ra. Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm giám sát y tế công cộng về chất lượng nước định kỳ đặc biệt về phương diện vi sinh vật và các yếu tố có hại khác trước khi nguồn nước tới người tiêu thụ. Trong trường hợp phát hiện tình trạng có thể gây nguy hại cho nguồn nước cần phải cân nhắc các yếu tố như nguy cơ đối với sức khỏe, khả năng thay thế nguồn nước, khả năng khắc phục để quyết định có sử dụng nguồn nước đó nữa hay không.
Để bào vệ nguồn tài nguyên nước trước nguy cơ ô nhiễm, cạn kiệt cần có sự chung tay của mỗi quốc gia, cơ quan, tổ chức, của người dân trên “hành tinh xanh”. Mỗi hành động nhỏ, thân thiện với môi trường sẽ là một hành động ý nghĩa nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá. Bảo vệ chất lượng nguồn nước cũng chính là bảo vệ chất lượng cuộc sống của mỗi chúng ta./.
Phan Hạnh tổng hợp