Việc xây dựng nhà tiêu HVS vẫn là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi. Mặt khác, để xây dựng một nhà tiêu HVS cũng phải tốn kém một khoản kinh phí vài triệu đồng (chưa kể nếu xây đẹp với nhiều thiết bị hiện đại thì tốn hàng chục triệu đông). Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, kinh tế hạn hẹp. Tuy nhiên, được sự tài trợ của Chương trình Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, những năm gần đây việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS của người dân trên địa bàn tỉnh Hà Nam đã đạt được một số kết quả nhất định. Qua đó, đã góp phần không nhỏ vào việc cải thiện các điều kiện vệ sinh cá nhân, hộ gia đình, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn. Tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh đã có 3.223 nhà tiêu hợp vệ sinh được xây mới, trong đó hỗ trợ cho các hộ gia đình nghèo, chính sách, cận nghèo 515 hộ, mỗi hộ 01 triệu đồng/nhà tiêu; Xây dựng 05 xã vệ sinh toàn xã đạt tiêu chí; 100% hộ gia đình có nhà tiêu, trong đó trên 70% hộ gia đình có nhà tiêu HVS; Trường học, trạm y tế có nước sạch và nhà tiêu HVS; Duy trì xây dựng 7 xã đạt vệ sinh toàn xã bền vững. Đây là tiền đề quan trọng giúp tỉnh Hà Nam từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thực hiện tốt phong trào “Vệ sinh yêu nước, nâng cao sức khỏe nhân dân”.
Theo thạc sỹ Phạm Bá Phong, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật: Hà Nam là một trong những tỉnh được chọn thực hiện Chương trình Nước sạch và Vệ sinh nông thôn dựa trên kết quả giai đoạn 2013 – 2017. Trong chương trình có một hợp phần quan trọng là hợp phần vệ sinh với mục tiêu nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi vệ sinh và góp phần bảo vệ sức khỏe, chất lượng sống cho người dân nông thôn. Trên cơ sở đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật giữ vai trò đầu mối tham mưu về chương trình đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động thuộc hợp phần vệ sinh.
Bước đầu Trung tâm đã tiến hành kiểm tra giám sát các hộ gia đình thuộc diện được Chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tiêu HVS; mở các lớp tập huấn về nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho các cán bộ trung tâm y tế tuyến huyện và lãnh đạo các xã và các đồng chí trưởng các thôn xóm, nhân viên y tế thôn xóm và các hộ gia đình thuộc chương trình. Trong đó chú trọng hướng dẫn người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu HVS. Đồng thời, chỉ rõ cho người dân biết, việc sử dụng nhà tiêu không HVS chính là nguyên nhân gây nên một số bệnh dịch tiêu hóa ảnh hưởng đến sức khỏe gia đình và cộng đồng.
Bên cạnh đó, Trung tâm còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn cho nhân dân về việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS, thực hiện tốt biện pháp vệ sinh môi trường. Các nội dung này được thông qua nhiều hình thức khác nhau như: Truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng; hệ thống loa phát thanh tại cấp xã và thông qua các buổi họp thôn/xóm, sinh hoạt hội, nhóm, câu lạc bộ để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của việc sử dụng nhà tiêu HVS. Cụ thể, trong năm 2017, Trung tâm đã phát 48 nghìn tờ rơi cho hộ gia đình hướng dẫn xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS, cấp 1.350 cuốn tài liệu tuyên truyền về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường và xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu hộ gia đình. Tổ chức thực hiện thăm hộ gia đình hàng tuần để vận động nhân dân xây dựng, sử dụng, bảo quản nhà tiêu đảm bảo HVS. Ngoài ra, Trung tâm cũng phối hợp với Ban chỉ đạo các huyện chỉ đạo các xã, các đơn vị chuyên môn tổ chức các hoạt động của Chương trình và hướng dẫn nhân dân xây dựng, sử dụng nhà tiêu HVS; thực hiện các hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, chủ động phòng chống dịch bệnh, thực hiện các phong trào vệ sinh yêu nước, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Cán bộ Trạm Y tế kiểm tra tình trạng vệ sinh tại Trường Mầm non xã Đại Cương, huyện Kim Bảng
Thực tế cho thấy, công tác truyền thông được thực hiện tốt nên đã phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi được một số tập quán, thói quen không có lợi. Chị Trần Thị Hà (xã Đại Cương, Kim Bảng) chia sẻ: Trước kia gia đình tôi chưa có kinh phí đầu tư xây dựng công trình phụ. Sau khi nhận thấy lợi ích của nhà tiêu tự hoại và được cán bộ y tế tới tận nhà tuyên truyền, lại được hỗ trợ một phần vốn để xây dựng nhà tiêu mới, tôi thấy rất vui. Nói rồi, chị cười phấn khởi: “Từ khi có nhà tiêu này mọi sinh hoạt đều thấy rất tiện, sạch sẽ, không còn mùi hôi như trước nữa”.
Để có được sự chuyển biến này là nhờ sự nỗ lực không nhỏ của các cấp, các ngành bởi bên cạnh những thuận lợi cơ bản, trong quá trình triển khai hợp phần vệ sinh còn nhiều khó khăn. Điều kiện vệ sinh môi trường, nhận thức của người dân đối với vấn đề vệ sinh cá nhân còn hạn chế. Nhiều người dân đã nhận thức được vấn đề cần thiết phải có công trình vệ sinh, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn, người dân không có nguồn lực để xây dựng, nhất là đối với những hộ nghèo và cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Việc xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tiêu hợp vệ sinh còn chưa cao, đa số người dân nông thôn chưa có thói quen rửa tay với xà phòng, việc phóng uế bừa bãi còn phổ biến tại nhiều vùng nông thôn.
Cũng theo thạc sỹ Phạm Bá Phong: Nhà vệ sinh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống. Thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không đảm bảo tại các hộ gia đình, nơi làm việc, bệnh viện, trường học… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sự tập trung, năng suất lao động. Do đó, việc xây dựng và sử dụng nhà tiêu HVS đúng quy cách có ý nghĩa quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển bền vững. Phấn đấu trong năm 2018, sẽ lựa chọn 5 xã thực hiện “vệ sinh toàn xã”, hỗ trợ xây mới 2.500 nhà tiêu hộ gia đình HVS; đảm bảo 75,5% hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh, 100% trạm y tế có công trình nước sạch và nhà tiêu đạt quy chuẩn.
Với những nỗ lực từ các cấp chính quyền, Hà Nam đã và đang nỗ lực cải thiện vệ sinh môi trường nông thôn, đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho người dân. Đồng thời,cần sự tham gia tích cực, góp sức truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho mỗi người dân tại các xã thuộc chương trình; sự hỗ trợ nguồn kinh phí của các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể để các hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn xây dựng nhà tiêu HVS, bảo đảm vì cuộc sống tốt đẹp của gia đình và cộng đồng.