Tắc vòi trứng có thể mang thai không?

(CDC Hà Nam)

Nếu phẫu thuật không thể khắc phục tình trạng tắc nghẽn ống dẫn trứng, phụ nữ vẫn có thể mang thai thông qua thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).

Ống dẫn trứng (vòi trứng) là cấu trúc hình ống ở hai bên tử cung, nơi trứng và tinh trùng gặp nhau để thụ tinh. Tắc vòi trứng xảy ra khi vòi trứng bị chít hẹp khiến trứng không thể di chuyển xuống tử cung để gặp tinh trùng, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai, tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hay dẫn đến vô sinh.

Nguyên nhân gây tắc vòi trứng bao gồm: viêm nhiễm phần phụ, lạc nội mạc tử cung, thắt ống dẫn trứng, u xơ…

Khả năng mang thai của người bị tắc vòi trứng phụ thuộc vào việc bị tắc một hay cả hai bên. Nếu chỉ tắc một bên hoặc một phần của vòi trứng, phụ nữ vẫn có thể mang thai tự nhiên, song tỷ lệ thấp hơn người bình thường và có nguy cơ mang thai ngoài tử cung do trứng có thể đứng lại tại một vị trí nào đó trong vòi trứng. Tại đây, khi gặp tinh trùng sẽ gây ra thai ngoài tử cung, phôi thai không thể phát triển bình thường và còn đe dọa đến tính mạng của người mẹ.

Khi cả hai vòi trứng đều bị tắc hoàn toàn, phụ nữ không thể mang thai nếu không được điều trị. Nếu phẫu thuật thành công, ống vẫn mở và hoạt động sau khi lành vết thương thì vẫn có cơ hội mang thai tự nhiên. Tuy nhiên, tất cả trường hợp mang thai sau phẫu thuật ống dẫn trứng đều phải được theo dõi chặt chẽ ngay từ đầu để đảm bảo phôi ở đúng vị trí, người mẹ không mang thai ngoài tử cung.

Phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) cũng giúp phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng tăng khả năng mang thai. Trong quy trình IVF, trứng được lấy ra từ cơ thể người phụ nữ sau các lần thăm khám, xét nghiệm, kích thích buồng trứng, được chọn lọc để thụ tinh với tinh trùng trong phòng thí nghiệm.

Cha mẹ có thể chọn sàng lọc chất lượng phôi thông qua kỹ thuật gọi là sàng lọc di truyền tiền làm tổ (PGS). Khi đã sẵn sàng, một số phôi thu được sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ. Tỷ lệ thành công của IVF có thể khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, thông thường vào khoảng 27,3%. Tỷ lệ thành công ở phụ nữ dưới 35 tuổi sẽ cao hơn.

Do vậy, dù ống dẫn trứng bị tắc có thể gây khó khăn trong việc mang thai nhưng nếu được chẩn đoán và điều trị thích hợp, khả năng thụ thai vẫn khá cao. Các bác sĩ sản khoa khuyến nghị những người dưới 35 tuổi cố gắng thụ thai trong một năm hay trên 35 tuổi cố gắng mang thai trong 6 tháng nhưng không đạt được kết quả mong muốn cần gặp chuyên gia để tìm ra nguyên nhân và sớm có biện pháp chữa trị.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

9 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm và miễn phí theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021

CDC Hà Nam

Thuốc chống virus “chữa khỏi” bệnh tay chân miệng?

CDC Hà Nam

Chảy máu cam ở trẻ: Khi nào cần lo lắng?

Ngọc Nga