Theo báo cáo của Trung tâm Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh và cả nước nói chung tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt trong 15 ngày gần đây, số F0 tăng nhanh, trung bình mỗi ngày có trên 50 ca, tập trung chủ yếu ở khu vực có đông công nhân lao động làm việc. Trong khi Tết Nguyên đán đang đến gần, người dân di chuyển từ các tỉnh có dịch về quê ăn Tết đông, nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh khó lường, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường các biện pháp chống dịch hiệu quả, bảo đảm cho nhân dân đón Tết vui vẻ, đầm ấm và an toàn.
Đẩy nhanh công tác tiêm chủng mũi tăng cường
Tại xã La Sơn, huyện Bình Lục, chỉ tính từ tháng 11 đến nay, số người từ các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nam Định… về địa phương cũng gần 400 người. Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Sau gần 2 năm La Sơn chống dịch hiệu quả, giữ cho địa bàn không có F0, đến thời điểm này, tại xã đã xuất hiện những ca bệnh Covid-19 đầu tiên là công nhân làm việc ở một số công ty. BCĐ xã đã chỉ đạo các lực lượng khẩn trương tăng cường các biện pháp chống dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, đề nghị cấp trên phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 cho xã để tiêm mũi tăng cường cho nhân dân nhanh nhất… Công tác tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh xã tăng thời lượng, số lượng tin, bài để thông tin nhanh, kịp thời tình hình dịch bệnh, nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện nghiêm chỉnh quy định “5K”, cách ly F1 tại nhà an toàn…
Bình Lục là một trong số những huyện, thị xã có số F0 tăng nhanh đột biến trong nửa tháng qua. Số ca bệnh tập trung ở 2 Công ty TNHH JY Plastic và Công ty cổ phần Ngọc Sơn Hà Nam. Theo đồng chí Lê Xuân Huy, TUV, Bí thư Huyện ủy, Trưởng BCĐ huyện, cùng với các biện pháp chống dịch hiệu quả, Bình Lục cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng mũi tăng cường cho nhân dân, công nhân lao động trong các cụm công nghiệp. BCĐ huyện yêu cầu Trung tâm Y tế huyện phối hợp với các địa phương tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, an toàn nhất cho nhân dân khi có vắc-xin. Tại những đơn vị, địa bàn xuất hiện F0, khẩn trương khoanh vùng gọn, truy vết nhanh, thu dung người bệnh sớm để điều trị tại các cơ sở y tế, cơ sở thu dung. Bình Lục đã và đang triển khai việc cách ly F1 tại nhà khi gia đình có đủ điều kiện bảo đảm an toàn…
Với thị xã Duy Tiên, nơi có nhiều khu công nghiệp hoạt động, số lượng công nhân lao động bị mắc Covid-19 tăng nhanh từng ngày, thị xã đã triển khai cấp bách nhiều biện pháp chống dịch, trong đó chú trọng việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 mũi 3 tăng cường. Đồng chí Phạm Hồng Thanh, TUV, Bí thư Thị ủy, Trưởng BCĐ thị xã cho biết: BCĐ thị xã đã yêu cầu các xã, phường rà soát đối tượng tiêm chủng trên địa bàn một cách kỹ lưỡng, đặc biệt tổ chức tiêm vét tại nhà cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người di chuyển khó khăn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để thực hiện tiêm chủng. Vì thế, số lượng người được tiêm chủng mũi 3 tăng cường trên địa bàn thị xã đạt tỷ lệ khá cao.
Khẳng định việc tiêm chủng là cách bảo đảm an toàn cho nhân dân trước nguy cơ dịch bệnh, đặc biệt khi xuất hiện các biến chủng mới, Hà Nam đã nỗ lực tìm kiếm và tiếp cận sớm nguồn vắc-xin để tiêm phòng cho nhân dân. Theo lộ trình, đến hết tháng 1/2022, toàn tỉnh sẽ có 104.679 người được tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại. Đến hết tháng 3/2022, có trên 894.000 người được tiêm đủ liều bổ sung và liều nhắc lại. Hiện tại, toàn tỉnh có trên 216.000 người được tiêm phòng mũi 3, trung bình mỗi ngày có gần 10.000 người được tiêm chủng các mũi tăng cường, liều nhắc lại.
Tại cuộc họp BCĐ tỉnh tăng cường các biện pháp chống dịch Covid-19, chuẩn bị các phương án bảo đảm chống dịch hiệu quả trong dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán, đồng chí Lê Thị Thủy, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ tỉnh yêu cầu: “Các địa phương tiến hành thành lập các tổ tiêm vắc – xin lưu động “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người”, không để sót các trường hợp thuộc diện phải tiêm, nhất là nhóm nguy cơ phải tiêm vắc – xin đầy đủ. Chậm nhất ngày 31/12/2021, hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên (trừ trường hợp chống chỉ định), hoàn thành tiêm mũi tăng cường (mũi bổ sung và mũi nhắc lại) cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I/2022, phấn đấu trong tháng 1/2022, tiêm mũi tăng cường đạt 60% người đủ điều kiện tiêm chủng”.
Kích hoạt các biện pháp chống dịch ở mức cao nhất
Trên cơ sở đánh giá thực tế, việc ứng phó với các tình huống dịch ở một số đơn vị, địa phương còn bị động, lúng túng; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị và với địa phương trong một số nhiệm vụ phòng, chống dịch chưa chặt chẽ; năng lực phân tích, dự báo tình hình dịch bệnh còn hạn chế nên triển khai nhiệm vụ còn có việc, có thời điểm bị động; khả năng thu dung, điều trị các bệnh nhân mắc Covid-19 của các cơ sở y tế trên địa bàn gặp khó khăn nếu số lượng ca mắc tăng cao…
Đồng chí Trần Xuân Dưỡng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Các địa phương, đơn vị cần xây dựng kịch bản để ứng phó với biến thể mới Omicron. Đồng thời bổ sung kịch bản, phương án ứng phó với dịch ở mức cao hơn, để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống, không để bị động, bất ngờ. Tỉnh sẽ khẩn trương tìm nguồn bổ sung, tăng cường thuốc điều trị Covid-19 cho các địa phương, chuẩn bị sẵn sàng để những người bệnh nền được cấp thuốc kịp thời.
Ngành y tế tiếp tục rà soát, kiểm tra trang thiết bị vật tư y tế, nguồn nhân lực để bảo đảm phục vụ phòng, chống dịch trong mọi tình huống; tập huấn cho lực lượng y tế cơ sở, y tế tư nhân, các lực lượng ở cơ sở tham gia, hỗ trợ chăm sóc, điều trị và giám sát F0 tại cơ sở, tại nhà; xây dựng kế hoạch huy động các lực lượng y tế trên địa bàn tham gia công tác phòng chống dịch khi số ca mắc tăng cao. Chính quyền các địa phương thực hiện tốt công tác quản lý, giám sát chặt chẽ người từ vùng dịch, từ địa phương có nguy cơ cao, người nhập cảnh đến/về địa bàn; chủ động rà soát chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn để quản lý theo quy định.
Các huyện, thị xã, thành phố cần chủ động xây dựng các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn bảo đảm cho bệnh nhân F0 được tiếp cận nhanh nhất với các dịch vụ y tế và thuốc chữa bệnh; hỗ trợ, giám sát người nhiễm Covid-19 và F1 cách ly y tế tại nhà bảo đảm an toàn, không để lây lan dịch ra cộng đồng.
Cũng theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Xuân Dưỡng, khi số F0 trong các khu công nghiệp, doanh nghiệp tăng nhanh, hiện tại có gần 1.000 công nhân lao động trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp mắc Covid-19, BCĐ tỉnh yêu cầu Ban Quản lý các KCN tỉnh rà soát, hướng dẫn các doanh nghiệp trong các KCN bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống dịch trong điều kiện bình thường mới; phát huy vai trò của Tổ an toàn Covid-19 trong tuyên truyền, giám sát thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế, các sở, ngành, địa phương hoàn thành sớm nhất tiêm mũi tăng cường và mũi bổ sung cho người lao động.
Khuyến khích công nhân chủ động xét nghiệm trước khi đến doanh nghiệp làm việc; phối hợp với các địa phương và ngành y tế xử lý các trường hợp người lao động mắc Covid-19, nghi mắc, có nguy cơ trong khu công nghiệp kịp thời, an toàn, hiệu quả. Đồng bộ hóa các giải pháp phòng dịch theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương, của BCĐ tỉnh Hà Nam sẽ kiểm soát tốt dịch bệnh, bảo đảm cho nhân dân đón Tết an toàn, vui vẻ và hạnh phúc.
Theo Báo Hà Nam