Tăng cường các biện pháp phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quyết tâm không để “dịch chồng dịch”.

(CDC Hà Nam)

Nhằm ngăn chặn một số loại dịch bệnh truyền nhiễm có thể bùng phát vào mùa nắng nóng như: sốt xuất huyết Dengue, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn… thời gian qua, bên cạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã tăng cường chỉ đạo triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh các bệnh truyền nhiễm khác với quyết tâm, không để dịch chồng dịch.

Với phương châm phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, ngay từ đầu năm, Trung tâm đã tích cực các biện pháp nhằm ngăn chặn, không để một số dịch bệnh nguy hiểm mới nổi xâm nhập vào địa phương, đồng thời xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Qua công tác giám sát, thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm, tđến ngày 21/6/2021, toàn tỉnh có 15 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 02 trường hợp mắc sốt xuất huyết Dengue, 50 trường hợp mắc Covid-19 (trong đó 19 trường hợp đã xác định khỏi bệnh và trở về địa phương, 31 trường hợp đang điều trị tại các cơ sở y tế). Riêng trong tuần vừa qua, bên cạnh 01 trường hợp mắc Covid-19 khi vừa nhập cảnh, không ghi nhận các trường hợp mắc các bệnh truyền nhiễm khác. Các ổ dịch tại xã Công Lý và xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân đã được kiểm soát tốt, ít có nguy cơ lây nhiễm. Dự báo, trong những tháng mùa hè với thời tiết nắng nóng kéo dài, tình hình dịch bệnh có nguy cơ tăng cao và diễn biến phức tạp. Nhiều yếu tố bất lợi về thời tiết, sự gia tăng giao lưu đi lại… sẽ làm cho các dịch bệnh: Covid-19, sốt xuất huyết, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn… có khả năng bùng phát các dịch bệnh khác dẫn đến tình trạng dịch chồng dịch.

Để kiểm soát dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện/thành phố/thị xã và các cơ sở điều trị trên địa bàn tỉnh tăng cường các hoạt động giám sát, phát hiện sớm các ca bệnh đầu tiên, đáp ứng nhanh, lấy mẫu xét nghiệm xác định tác nhân gây bệnh, kịp thời cách ly và xử lý triệt để môi trường tại các địa phương xuất hiện ca bệnh, ổ dịch. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng mở rộng, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm chủng trên 95% quy mô xã, phường, thị trấn; tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức về giám sát, phát hiện bệnh và điều trị ở tất cả các tuyến để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Bên cạnh đó, Trung tâm cũng chỉ đạo Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố, tích cực chủ động giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt của nhân dân, giám sát các vectơ truyền bệnh, đẩy mạnh việc tổ chức diệt bọ gậy, phun hóa chất diệt muỗi, khử khuẩn tại hộ gia đình, trường học. Theo đó, trong tuần vừa qua, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 372 hộ của 36 thôn tổ chức diệt bọ gậy, 170 hộ của 47 thôn được phun hóa chất diệt muỗi, 2.836 hộ gia đình, trường học của 32 thôn được khử khuẩn bề mặt; tổ chức giám sát mẫu nước tại Công ty cổ phần nước sạch Hà Nam, đa số các mẫu đều đạt tiêu chuẩn.

Ngoài ra, Trung tâm cũng tăng cường và đa dạng hóa các loại hình truyền thông, phù hợp với phong tục tập quán và tình hình tại địa phương nhằm không ngừng nâng cao nhận thức về dịch bệnh, tự phòng chống cho bản thân và gia đình như thực hiện Thông điệp 5Ktrong phòng chống Covid-19 và các bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Theo đó, đã tuyên truyền được 450 lần tại 258 thôn của 46 xã, trong đó huyện Bình Lục tuyên truyền được 115 lần, huyện Lý Nhân 259 lần, huyện Kim Bảng 67 lần… góp phần nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của nhân dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện tốt các biện pháp diệt muỗi, diệt bọ gậy để mỗi người dân chủ động hơn trong công tác phòng chống các dịch bệnh truyền nhiễm một cách tốt nhất.

Đặc biệt, việc phân luồng đối với những người đến liên hệ công tác và sử dụng các dịch vụ y tế dự phòng tại Trung tâm cũng được thực hiện có hiệu quả. Đây cũng là biện pháp đảm bảo phòng dịch ngay trong đơn vị không để lây nhiễm chéo trong cơ sở y tế theo đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Mặc dù, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch theo sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh, thực hiện nghiêm túc các quy trình, hướng dẫn giám sát, phòng chống và xử lý dịch bệnh, quyết tâm không để dịch chồng dịch. Củng cố các đội cơ động phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hoá chất, trang thiết bị phòng, chống dịch để sẵn sàng đáp ứng khi có dịch xảy ra. Đồng thời, phân công cán bộ giám sát chặt chẽ, kịp thời nắm bắt tình hình dịch bệnh, công tác xử lý dịch bệnh tại từng địa phương, báo cáo các hạn chế, thiếu sót, khó khăn, tồn tại vướng mắc trong quá trình giám sát dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư của Bộ Y tế.

Không chỉ có vậy, Trung tâm cũng thường xuyên đánh giá diễn biến tình hình dịch bệnh để kịp thời bổ sung và xử lý những vấn đề mới nảy sinh, xây dựng đội ngũ tinh thông về nghiệp vụ, đảm bảo về số lượng và thành phần để huy động sự tham gia của các lực lượng trên địa bàn. Đầu tư trang thiết bị, máy móc hiện đại kịp thời phát hiện và khẳng định chủng loại vi rút, vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động giám sát, phát hiện sớm ca bệnh đầu tiên từ cộng động nhằm ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch kịp thời. Theo Ths. Nguyễn Thanh Dương, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch bệnh, thực hiện thành công mục tiêu kép, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân, Trung tâm tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đã đề ra. Đặc biệt, tiếp tục tham mưu các văn bản chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 các cấp; tăng cường công tác chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh; chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch bệnh. Đồng thời, đẩy mạnh việc tầm soát chủ động xét nghiệm trên diện rộng đối với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp và các trường hợp khác có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng.

Cũng theo Thạc sỹ Nguyễn Thanh Dương, tiếp tục củng cố các đội phản ứng nhanh tại các tuyến nhằm kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Đặc biệt, tiếp tục đã tổ chức tiêm phòng vắc-xin phòng Covid-19 cho những người thuộc nhóm đối tượng ưu tiên bảo đảm an toàn trước trong và sau khi tiêm chủng.

Bên cạnh những giải pháp nêu trên, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật  cũng khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: Thực hiện tốt Thông điệp 5K của Bộ Y tế; tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, bệnh hô hấp…; hạn chế đến những chỗ đông người; đảm bảo vệ sinh cá nhân; khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm cần đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Dịch bệnh truyền nhiễm ở người diễn biến ngày càng phức tạp, nhất là dịch bệnh Covid-19, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, sự phát triển kinh tế – xã hội. Do vậy, bên cạnh việc triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch sớm, thì rất cần sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, sự tham gia hưởng ứng, tích cực của người dân, để giảm thiểu tình trạng lây lan dịch bệnh trên diện rộng ra cộng đồng.

Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Thứ trưởng Bộ Y tế: 4 vòng cách ly phát huy hiệu quả, tránh để dịch lan rộng

Ngọc Nga

Phát động Chương trình sữa học đường tỉnh Hà Nam năm 2019

CDC Hà Nam

Yêu cầu báo giá

Ngọc Nga

Để lại bình luận