Tăng cường công tác phòng, chống cúm gia cầm lây sang người

(CDC Hà Nam)

Theo Tổ chức Y tế thế giới đến nay cả thế giới ghi nhận 873 ca nhiễm cúm A(H5N1), trong đó 458 ca tử vong. Theo thông báo từ Bộ Y tế Campuchia, từ ngày 22/02/2023 Campuchia ghi nhận 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại tỉnh Prey Veng, trong đó có 01 trường hợp đã tử vong. Đây là ca bệnh cúm A(H5N1) mới nhất tại Campuchia kể từ năm 2014. Trong điều kiện giao lưu thương mại ngày càng mở rộng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới, nguy cơ cúm gia cầm có thể xâm nhập vào nước ta và lây sang người là rất lớn, đặc biệt là các tỉnh có đường biên giới với các quốc gia đang có dịch.

Taị Việt Nam, thời tiết hiện nay đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển, đồng thời các lễ hội sau Tết Nguyên đán vẫn tiếp tục được tổ chức, do đó hoạt động vận chuyển và buôn bán gia cầm có thể gia tăng. Vì vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm  sang người. Trước đó vào cuối năm 2022, Việt Nam cũng ghi nhận ca nhiễm cúm A(H5N1)  trên người (tại tỉnh Phú Thọ) đầu tiên kể từ năm 2014 đến nay.

Để chủ động ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam và lây nhiễm sang người, ngày 27/02/2023 Bộ Y tế ban hành Công điện số 258/CĐ-BYT gửi Đồng chí Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị quan tâm chỉ đạo các đơn vị trên địa bàn khẩn trương thực hiện một số nội dung trọng tâm sau:

– Tăng cường giám sát chặt chẽ người nhập cảnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ/mắc bệnh nhất là người giết mổ, buôn bán gia cầm, sảm phẩm gia cầm sống, người có tiền sử đến từ khu vực đang có dịch (gồm dịch trên gia cầm và ở người), kịp thời lấy mẫu xét nghiệm gửi về các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur xét nghiệm chẩn đoán xác định; quản lý ca bệnh (nếu có) vè xử lý không để bệnh lây lan ra cộng đồng.

– Tăng cường giám sát các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính, hội chứng viêm phổi nặng do vi rút và hội chứng cúm để phát hiện kịp thời ca bệnh cúm A(H5N1); các bệnh viện sẵn sàng thu dung, cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế và thông báo kịp thời chó Trung tâm kiểm soát bệnh tật để có các biện pháp phòng, chống dịch kịp thời; sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch.

– Tăng cường phối hợp liên ngành giữa cơ quan y tế, thú y và các ban, ngành liên quan trong việc giám sát phát hiện dịch cúm gia cầm đặc biệt tại các cửa khẩu và các chợ giam cầm sống, kịp thời chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh trên gia cầm và triển khai phối hợp trong điều tra, xử lý ổ dịch.

– Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm sang người, đặc biệt chú ý những khu vực có nguy cơ cao và những người chăn nuôi, buôn bán và giết mổ gia cầm về nguy cơ mắc bệnh, các biện pháp phòng tránh, khuyến cao mạnh mẽ người dân không sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc; thực hiện an toàn thực phẩm trong giết mổ, chế biến gia cầm và các sản phẩm của gia cầm, không ăn tiết canh và không sử dụng gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân.

– Thực hiện việc phối hợp trong công tác phòng, chống bệnh lây truyền từ động vật sang người theo quy định của Thông tư liên tịch số 16/2013/TTLT-BYT-BNN&PTNN ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT; Báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Cục Y tế dự phòng.

Phan Hạnh (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Ban Chỉ đạo Quốc gia: Các địa phương phải nâng cao cảnh giác, phát hiện sớm ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng

Ngọc Nga

Một số rối loạn tâm thần hậu COVID hay gặp

CDC Hà Nam

Hà Nam: Thông báo 99 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2

admin