Thai phụ cần lưu ý những gì sau tiêm vaccine COVID-19?

(CDC Hà Nam)
Phụ nữ mang thai khi mắc COVID – 19 thường tiến triển nặng nhanh hơn… và cần điều trị hồi sức tích cực nhiều hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Do đó, việc tiêm vaccine COVID – 19 cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết.

Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho 2 nhóm phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

Trong quá trình mang thai, thai phụ có tình trạng suy giảm miễn dịch hơn so với người bình thường. Khi thai phát triển, tử cung to lên đẩy cơ hoành lên cao làm cho dung tích phổi giảm, cản trở hô hấp vì vậy nhu cầu oxy của phụ nữ mang thai nhiều hơn bình thường.

Bên cạnh đó, do hiện tương giữ nước gây ra phù nên niêm mạc đường hô hấp dễ bị tổn thương hơn. Phụ nữ mang thai khi mắc COVID – 19 thường tiến triển nặng nhanh hơn… và cần điều trị hồi sức tích cực nhiều hơn, nguy cơ tử vong cao hơn. Do đó, việc tiêm vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai là rất cần thiết.

 - Ảnh 1.Tiêm vaccine COVID -19 cho thai phụ

Bác sĩ khuyến cáo ba ngày đầu tiên sau tiêm vaccine COVID -19, bà bầu không nên ở một mình do đây là thời gian cơ thể thường xuất hiện phản ứng phụ. Thai phụ chủ động theo dõi sức khỏe bản thân, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tâm lý thoải mái để đáp ứng miễn dịch tốt nhất sau tiêm vaccine.

Nếu sốt dưới 38,5 độ sau tiêm thì nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước, không để nhiễm lạnh, đo lại nhiệt độ sau 30 phút.

Nếu sốt từ 38,5 độ trở lên hoặc đau mỏi người, đau tại chỗ tiêm thì uống thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau thông thường chứa paracetamol theo hướng dẫn của cán bộ y tế. Trường hợp không hạ sốt hoặc sốt cao hơn 39 độ, thai phụ cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

Trường hợp sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm thì theo dõi sức khỏe. Nếu sưng to hơn, các triệu chứng không giảm, thai phụ cần đi khám ngay. Không bôi, đắp lên chỗ sưng đau ở vị trí tiêm các thuốc đắp từ thảo dược, lá cây hay thuốc mỡ…

Thai phụ được coi là nhóm đối tượng đặc biệt khi tiêm vaccine COVID – 19. Cơ thể bà bầu phải chịu gánh nặng gấp đôi; thận, gan, hệ tim mạch và hệ hô hấp hoạt động với cường độ mạnh hơn. Sau tiêm, họ gặp phản ứng phụ giống người bình thường như sốt, mệt mỏi, đau đầu, ớn lạnh, đau khớp, tăng cảm giác đau, sưng, đỏ, bồn chồn…

Do đó, tiêm vaccine COVID – 19 trên phụ nữ mang thai cần rất thận trọng, theo dõi, xử trí kịp thời nếu có phản ứng phụ nặng.

Đặc biệt lưu ý, nếu bà bầu có lịch tiêm vaccine uốn ván, sởi thì nên sắp xếp để tiêm trước khi tiêm vaccine phòng COVID -19 ít nhất 14 ngày hoặc cách 28 ngày sau khi tiêm vaccine COVID -19.

Hiện nay, phụ nữ mang thai có thể được chỉ định tiêm chủng các loại vaccine COVID -19 được Bộ Y tế cấp phép là Astrazeneca, Mordena, Prizer BioNTech, chống chỉ định tiêm chủng đối với Sputnik V.

Hầu hết các loại vaccine COVID-19 hiện nay đều tiêm 2 liều với thời gian 2 mũi khác nhau tùy từng loại vaccine. Các dữ liệu khoa học cho thấy hiệu lực bảo vệ của vaccine đã bắt đầu hình thành sau khi tiêm liều thứ nhất, liều tiêm thứ hai sẽ làm gia tăng hiệu lực bảo vệ đó.

Phụ nữ mang thai trên 13 tuần cần được tiêm đủ số mũi vaccine phòng COVID – 19 và kết thúc mũi tiêm thứ hai trước 36 tuần 6 ngày. Trường hợp nếu không kịp hoàn tất mũi tiêm thai phụ sẽ thực hiện tiêm mũi trong thời kì hậu sản.

Tổng hợp theo suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Hà Nam đón 16 lao động trở về từ Bắc Giang đảm bảo an toàn, đúng quy định phòng, chống dịch COVID-19

CDC Hà Nam

An toàn thực phẩm mùa bão lũ

Ngọc Nga

VÌ SAO BỘ Y TẾ KHUYẾN CÁO THÔNG ĐIỆP 2K+ THAY THẾ THÔNG ĐIỆP 5K PHÒNG, CHỐNG COVID-19 TRONG TÌNH HÌNH MỚI

hanh phan