Thị xã Duy Tiên tăng cường phòng chống sốt xuất huyết

(CDC Hà Nam)

Tính từ đầu năm đến ngày 13/6/2024, thị xã Duy Tiên ghi nhận: 13 ca sốt xuất huyết (SXH); trong đó Tiên Sơn: 2 ca, Duy Minh: 3 ca; Châu Giang: 1 ca, Tiên Nội: 2 ca, Hòa Mạc: 2 ca, Bạch Thượng: 1 ca, Trác Văn: 1 ca và Đồng Văn: 1 ca. Các ca bệnh này chủ yếu là nội địa và không có trường hợp nào tử vong do SXH.

 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam phối hợp với Trung tâm Y tế thị xã Duy Tiên và Trạm Y tế phường Duy Hải tổ chức giám sát bệnh nhân, giám sát véc tơ và các yếu tố nguy cơ để chủ động phòng chống bệnh sốt xuất huyết.

Để chủ động phòng chống SXH, thời gian qua, Trung tâm Y tế thị xã Duy Tiên đã chỉ đạo các Trạm Y tế tăng cường giám sát ca bệnh, các ổ dịch cũ và các xã, phường ghi nhận ca bệnh mới: Châu Giang, Mộc Bắc, Mộc Nam, Tiên Nội, Hoàng Đông, Đồng Văn, Tiên Sơn, Duy Minh, điều tra véc tơ truyền bệnh. Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm/HIV-AIDS của Trung tâm đã phối hợp với cán bộ Trạm Y tế tổ chức giám sát các ổ dịch trên; hướng dẫn tổng vệ sinh môi trường, thu gom phế liệu, tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, đậy kín các dụng cụ chứa nước bằng nắp đậy, lật úp các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến và tuyên truyền cho người dân biết cách phòng chống SXH. Cùng với đó, Trung tâm phối hợp với Trung tâm Văn hóa – Thể thao thị xã đẩy mạnh các hoạt động truyền thông phòng chống SXH; tổ chức nói chuyện lồng ghép trong các buổi họp Ủy ban nhân dân xã, phường, thôn; đi thăm hộ gia đình… nhằm đưa thông tin đến với người dân. Vận động người dân nâng cao nhận thức phòng chống SXH để bảo vệ bản thân và gia đình, qua đó duy trì thói quen thường xuyên vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy ngay tại nơi sinh sống, học tập, làm việc của mình.

Cán bộ Khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Nam phát tờ rơi tuyên truyền phòng chống bệnh sốt xuất huyết cho người dân

Thời gian tới, Trung tâm Y tế thị xã Duy Tiên sẽ tiếp tục tham mưu Ủy ban nhân dân thị xã các giải pháp và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên trong công tác phòng chống SXH. Đồng thời đề nghị các UBND xã, phường, thị trấn phối phợp với Trung tâm Y tế thị xã và chỉ đạo các Trạm Y tế thường xuyên giám sát ca mắc SXH, nhằm xác định các khu vực có nguy cơ cao bùng phát dịch tại địa phương để có biện pháp xử lý chủ động và kịp thời.

Để công tác phòng chống SXH thành công, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế đòi hỏi phải có sự vào cuộc của các ban, ngành đoàn thể, đặc biệt là sự tham gia tích cực của mỗi người dân. Mỗi người dân cần ý thức rằng dịch bệnh SXH rất nguy hiểm bởi hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh và cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng việc phòng ngừa thì lại vô cùng đơn giản. Chỉ với hành động nhỏ, mỗi người, mỗi gia đình chỉ cần dành 10 phút mỗi ngày thực hiện vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy xung quanh nơi ở và làm việc của mình là đã có thể phòng ngừa được SXH. Vì sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, mỗi người dân cần chủ động, tự giác thực hiện tốt các biện pháp để phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh SXH.

Bài viết liên quan

Bản tin dịch COVID-19 trong 24h qua: Bộ Y tế ban hành sớm hướng dẫn đón các chuyên gia, nhà đầu tư vào Việt Nam ngắn hạn

Ngọc Nga

Trên 3 nghìn mẫu bệnh phẩm đã được xét nghiệm trong 24 giờ qua

admin

Hà Nam: Thêm 47 trường hợp có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2

Ngọc Nga