Thoái hóa khớp gối là một trong những bệnh viêm khớp phổ biến nhất. Bệnh tiến triển qua nhiều giai đoạn, gây ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người bệnh. Trước đây, bệnh thường gặp ở người lớn tuổi, hiện nay thoái hóa khớp gối đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ do lối sống thụ động, ít vận động cùng chế độ dinh dưỡng thiếu khoa học. Nếu không điều trị sớm, bệnh có thể gây tàn phế suốt đời, không thể đi lại được.
- Nguyên nhân gây thoái hóa khớp gối
Nguyên nhân phổ biến nhất của thoái hóa sụn khớp gối là do tuổi tác. Khi tuổi càng cao, quá trình tổng hợp của sụn càng bị suy giảm; sau độ tuổi trưởng thành tế bào sụn cũng không có khả năng sinh sản và tự tái tạo, chính vì vậy khả năng tự chữa lành của sụn giảm dần theo thời gian nên hầu hết mọi người khi lớn tuổi đều sẽ bị thoái hóa khớp. Tuy nhiên, có một số yếu tố khiến khớp bị thoái hóa ở độ tuổi sớm hơn, đó là:
– Bị thừa cân: sẽ tạo áp lực lên hai khớp gối, sụn khớp nhanh hao mòn và hư dần theo thời gian. Khi cơ thể bạn bị thừa cân – béo phì, tải trọng lớn sẽ làm tăng áp lực lên tất cả các khớp, đặc biệt là khớp gối. Nghiên cứu cho thấy mỗi khi bạn tăng 0,45kg cân nặng thì sẽ đồng thời làm tăng 1,35 – 1,8kg trọng lượng trên khớp gối. Với những người béo phì, chỉ cần giảm 5kg sẽ giảm nguy cơ viêm khớp và thoái hóa khớp đến một nửa.
– Di truyền: yếu tố này bao gồm các đột biến di truyền (khiến một người có nhiều khả năng bị viêm xương khớp gối dù tuổi còn trẻ) và hình dạng bất thường của xương khớp gối (khiến sụn khớp dễ bị thoái hóa sớm).
– Giới tính: Phụ nữ từ 55 tuổi trở lên thường có nguy cơ mắc bệnh thoái hoá khớp hơn nam giới. Nguyên nhân do dây chằng trước của khớp gối yếu hơn, và thói quen đi giày cao gót gây áp lực trực tiếp lên sụn tạo cơ hội thoái hóa tiến triển nhanh.
– Chấn thương vùng gối lặp đi lặp lại: ở những người thường xuyên thực hiện các động tác gây áp lực cho khớp như ngồi xổm hoặc nâng vật nặng (25kg trở lên), có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn.
– Chấn thương do chơi thể thao: các bộ môn đòi hỏi vận động có thể làm gãy xương bánh chè, đầu dưới xương đùi, giãn hoặc đứt dây chằng… khiến sụn bị tổn thương nghiêm trọng. Người bệnh nếu không điều trị sớm sẽ dẫn đến lệch trục khớp, gây thoái hóa khớp gối từ từ.
Sử dụng thuốc corticoid không đúng cách: Corticoid được sử dụng nhiều trong điều trị chống dị ứng, kháng viêm, ức chế miễn dịch nhưng nếu quá lạm dụng có thể càng làm tăng mức độ thoái hóa khớp gối.
Lười tập thể dục có thể khiến các cơ bị lỏng lẻo, các khớp xương thiếu độ linh hoạt, cấu trúc cơ, xương, gân, dây chằng dễ bị sai lệch. Nếu thường xuyên tập luyện tăng sức mạnh cơ có thể giảm đến 30% nguy cơ mắc thoái hóa khớp gối.
Chế độ ăn uống, sinh hoạt thiếu khoa học, thiếu chất khiến túi hoạt dịch tiết ra ít chất nhờn, uống rượu bia quá nhiều khiến sụn khớp bị hủy hoại nghiêm trọng.
Một số bệnh cơ xương khớp khác: Những người bị viêm khớp dạng thấp (loại viêm khớp phổ biến thứ hai) có nhiều khả năng cũng bị thoái hóa khớp. Bên cạnh đó, các bệnh nhân bị một số rối loạn chuyển hóa, chẳng hạn như thừa sắt hoặc thừa hormone tăng trưởng, cũng dễ mắc bệnh thoái hóa khớp.
- Triệu chứng và các biến chứng thoái hóa khớp gối
Các triệu chứng thông thường của thoái hóa khớp gối bao gồm: Đau mặt trước hoặc trong khớp gối, đau tăng khi vận động hoặc khi chuyển tư thế từ ngồi sang đứng. Lúc đầu sẽ xuất hiện các cơn đau khớp gối, lâu dần cơn đau sẽ tăng và kéo dài. Khớp gối cứng, mất linh hoạt và khó cử động sau khi ở yên một chỗ lâu hoặc sau khi ngủ dậy. Khớp gối có thể bị sưng to do viêm hoặc do tràn dịch khớp, đau sẽ giảm nếu được chọc hút dịch ra nhưng có thể tái phát vài ngày sau đó. Chân bị lệch trục kiểu vòng kiềng (chân chữ O) hoặc kiểu chân chữ X, người bệnh có thể bị mất chức năng vận động.
Thoái hóa khớp gối diễn tiến âm thầm nên rất ít người phát hiện kịp thời. Đến khi bệnh tiến triển nặng nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây nên các biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt và lao động hàng ngày của người bệnh như:
– Suy giảm chức năng vận động: Cứng khớp, teo cơ, hạn chế vận động, đi lại khó khăn, thậm chí phải sử dụng nạng; gây biến dạng khớp gối, chi dưới bị cong, vẹo vào trong hoặc ra ngoài. Nếu không được chữa trị kịp thời sẽ gây bại liệt, tàn phế, phải dùng đến xe đẩy hoặc ngồi xe lăn để hỗ trợ đi lại.
– Tăng nguy cơ chấn thương gối: Những người bệnh lớn tuổi bị thoái hóa khớp thường gặp khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày. Hơn nữa, cơn đau dữ dội, khả năng vận động và giữ thăng bằng bị suy giảm có thể làm tăng nguy cơ tai nạn và thương tích. Thống kê cho thấy những người bị thoái hóa khớp gối có nguy cơ té ngã cao hơn 30%, gãy xương cao hơn 20%.
– Mất xương: Trong trường hợp thoái hóa khớp nặng, sụn mất dần và nhanh chóng sẽ dẫn đến mất xương. Chết tế bào xương là một biến chứng nghiêm trọng cần can thiệp phẫu thuật để loại bỏ các phần xương bị ảnh hưởng.
– Tăng nguy cơ bị gout: Bệnh nhân thoái hóa khớp có nồng độ axit uric trong máu cao sẽ dễ bị bệnh Gout (một dạng khác của viêm khớp).
– Tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý khác: Thoái hóa khớp gối có thể đẩy người bệnh đến lối sống ít vận động, lâu dần làm họ tăng cân cũng như tăng nguy cơ mắc một số bệnh lý như béo phì, đái tháo đường, tim mạch và ung thư.
- Phòng tránh bệnh thoái hóa khớp gối
Thoái hóa khớp gối (còn gọi là thoái hóa sụn khớp gối) là hiện tượng lớp đệm tự nhiên giữa các khớp (sụn) bị mài mòn, lượng dịch khớp giảm nhiều do quá trình tái tạo sụn khớp không kịp để bù vào lớp sụn đã mất theo thời gian. Khi tình trạng này xảy ra, xương của các khớp cọ xát với nhau nhiều hơn dẫn đến đau, sưng, cứng, giảm khả năng di chuyển và đôi khi hình thành các gai xương ở vùng gối. Nếu không chăm sóc khớp đúng cách, chính chúng ta có thể vô tình là thủ phạm đẩy nhanh quá trình thoái hóa khớp gối.
Để phòng ngừa bệnh thoái hóa khớp gối, người bệnh cần thực hiệncác biệu pháp sau:
– Tập thể dục đều đặn và đúng cách, tập luyện các môn thể thao như bơi lội, đi bộ, đạp xe đạp…, tránh làm việc nặng quá sức.
– Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, giàu canxi và khoáng chất, tránh ăn nhiều chất béo, tránh dùng rượu bia và các chất kích thích thần kinh gây co cứng cơ.
– Nên ăn những thực phẩm có chứa acid béo Omega-3, một loại chất kháng viêm vô cùng hiệu quả.
– Kiểm soát cân nặng tốt, tránh thừa cân, béo phì. Xoa bóp khớp gối đều đặn mỗi ngày, vào buổi sáng và chiều, việc massage giúp cơ thư giãn, lưu thông máu.
– Sau 1 – 2 giờ ngồi làm việc cần nghỉ giải lao, thay đổi tư thế sau mỗi 20 phút để tránh cơ và khớp bị mỏi.
– Nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, chủ động tìm hiểu kiến thức về bệnh lý cơ xương khớp.
Thanh Huyền (tổng hợp)