Thời điểm nào cần đi khám vô sinh hiếm muộn?

(CDC Hà Nam)

Không có thai sau một năm quan hệ không dùng biện pháp, nữ giới trên 40 tuổi, sảy thai nhiều lần… là những thời điểm cần khám vô sinh sớm.

Mang thai là cả một quá trình và không phải ai cũng đạt được một cách dễ dàng. Thực tế, nếu nỗ lực hết mình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có khoảng 15 – 20% cơ hội thụ thai thành công mỗi tháng. Tuy nhiên, đôi khi một số yếu tố có thể khiến các cặp khó có con hơn.

Nếu đang ở một trong những thời điểm dưới đây, bạn cần đi khám vô sinh, hiếm muộn để tìm ra nguyên nhân:

Chưa có thai sau một năm

Trung bình, các đôi mất 5 – 6 tháng mới có thai nhưng với phụ nữ dưới 35 tuổi, nếu sau một năm quan hệ không sử dụng biện pháp mà vẫn không có thai cần đi thăm khám sớm.

Với phụ nữ trên 35 tuổi, thời điểm đi thăm khám cần sớm hơn, khoảng 6 tháng. Khi đó, bác sĩ chuyên khoa sẽ kiểm tra chất lượng trứng, ống dẫn trứng (với phụ nữ) và kiểm tra số lượng, chất lượng tinh trùng (với nam giới).

Sau khi phát hiện vấn đề, các biện pháp hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo có thể được đề xuất để điều trị vô sinh.

Phụ nữ trên 40 tuổi

Tuổi càng cao, chất lượng và số lượng trứng ở nữ giới càng giảm. Phụ nữ trên 40 tuổi có thể đối mặt với một số nguy cơ mang thai như sảy thai, tiền sản giật, sinh non, sinh con ra mắc hội chứng Down…

Do đó, nữ giới muốn sinh con ở độ tuổi này cần tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có lời khuyên phù hợp.

Sảy thai nhiều lần

Sảy thai là hiện tượng mất thai trước tuần 20 của thai kỳ. Nguyên nhân chủ yếu là do sự bất thường trong nhiễm sắc thể của trứng hoặc tinh trùng khiến phôi thai không thể phát triển bình thường. Sảy thai cũng có thể do phôi (trứng sau khi thụ tinh) không bám vào tử cung hoặc có khiếm khuyết về cấu trúc.

Phụ nữ có tiền sử sảy thai từ 2 lần trở lên cần tham khảo ý kiến bác sĩ để có biện pháp điều trị hoặc thay thế, giúp mang thai an toàn.

Có vấn đề về kinh nguyệt

Một số vấn đề về kinh nguyệt có thể cảnh báo các vấn đề về sinh sản ở nữ giới như: không có kinh, không xảy ra rụng trứng; kinh nguyệt không đều: có vấn đề với hormone sinh sản hoặc có vấn đề về rụng trứng.

Ngoài ra, hiện tượng chảy máu bất thường xảy ra giữa chu kỳ hoặc sau quan hệ có thể là dấu hiệu u xơ tử cung hoặc tổn thương nào đó. Đau bụng kinh dữ dội, máu kinh ra nhiều hơn 7 ngày có thể là dấu hiệu u xơ tử cung hoặc vấn đề với nội tiết tố… Đây đều là những dấu hiệu cảnh báo vô sinh ở nữ cần thăm khám sớm.

Mắc bệnh lây truyền tình dục

Những người có tiền sử mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs) cũng là đối tượng cần theo dõi trước khi có kế hoạch sinh con.

Với nữ giới, nhiễm trùng do các bệnh lây truyền tình dục có thể gây tắc ống dẫn trứng, ngăn cản quá trình thụ tinh còn ở nam giới có thể gây giảm số lượng, chất lượng cũng như tính di động của tinh trùng… Bên cạnh đó, nam giới gặp vấn đề về xuất tinh như khó đạt hoặc không duy trì cực khoái cũng cần thăm khám sớm.

Mắc các bệnh mạn tính

Những bệnh mạn tính mắc trong thời gian dài như: tiểu đường, bệnh tim, thận, bệnh tuyến giáp hay ung thư… có thể ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng sinh sản của người bệnh.

Nếu đang mắc một trong số bệnh kể trên và chưa thể có con, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có được thông tin cần thiết hoặc giải quyết các vấn đề tiềm ẩn gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai của các đôi.

Mậu Ngọ (tổng hợp)

Bài viết liên quan

Lợi ích ‘vàng’ của quả chuối

Ngọc Nga

Dấu hiệu cho thấy bạn có nguy cơ đột quỵ vì nhiệt

CDC Hà Nam

Khuyến cáo phòng chống bệnh cúm mùa

Ngọc Nga