Trẻ thấp còi, cha mẹ có nên tự ý bổ sung hormone tăng trưởng?

(CDC Hà Nam)

Nhiều bậc cha mẹ khi phát hiện con mình thấp lùn hơn các bạn trong lớp đã vội vàng tìm mọi cách để phát triển chiều cao cho trẻ, trong đó có cả việc bổ sung hormone tăng trưởng.

Trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng thường sẽ thấp còi hơn các bạn trong lớp. Việc phát hiện và điều trị thiếu hormone tăng trưởng kịp thời rất quan trọng tới chiều cao và sự phát triển nội tiết tổng thể của trẻ. Tuy nhiên, việc bổ sung hormone tăng trưởng cho trẻ cần được tiến hành dưới sự hướng dẫn của bác sĩ và được kiểm tra chặt chẽ trong những tháng đầu sau khi tiêm để kiểm tra đáp ứng điều trị và tác dụng phụ nếu có.

Thiếu hormone tăng trưởng là gì?

Hormone tăng trưởng có tác dụng kiểm soát sự phát triển của xương, cơ và một số bộ phận quan trọng của cơ thể. Khi não không sản xuất đủ hormone tăng trưởng sẽ gây ra tình trạng thiếu hụt hormone tăng trưởng.

Khi thiếu hormone tăng trưởng, trẻ sẽ không đạt được chiều cao và cân nặng chuẩn theo lứa tuổi. Chậm tăng trưởng chiều cao là khi chiều cao dưới -2 chỉ số độ lệch chuẩn (< -2SD) và độ tăng chiều cao trong 1 năm < 1,5 độ lệch chuẩn so với cùng lứa tuổi, cùng giới tính. Hoặc trong 6 tháng liền trẻ không tăng thêm đến 1cm chiều cao.

Ngoài việc có chiều cao thấp hơn bạn bè cùng trang lứa, trẻ thiếu hormone tăng trưởng còn có thể bị dậy thì muộn; Thiếu hormone tăng trưởng cũng là triệu chứng của rất nhiều bệnh về gen khá; Trẻ bị thiếu hormone tăng trưởng có thể điều trị được nếu trẻ được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu hụt hormone tăng trưởng nhưng hầu hết vẫn chưa được biết rõ. Thường gặp nhất là do tổn thương của tuyến yên khi sinh. Những tổn thương này có thể là do những chấn thương nặng vùng đầu. Một số trường hợp thiếu hụt hormone tăng trưởng là do di truyền.

Cha mẹ có nên tự bổ sung hormone tăng trưởng cho trẻ?

Khi cha mẹ thấy con thấp lùn, nghi ngờ con bị thiếu hụt chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng, các gia đình không nên tự bổ sung hormone tăng trưởng mà cần đưa trẻ đi khám, tư vấn và điều trị của bác sĩ chuyên khoa.

Trong trường hợp trẻ được bác sỹ chẩn đoán chậm tăng trưởng do thiếu hụt hormone tăng trưởng hoặc một số bệnh lý khác như hội chứng Turner, hội chứng Prader Willi, suy thận mạn tính, chậm phát triển so với tuổi thai, lùn đơn thuần, trẻ sẽ được chỉ định tiêm hormone tăng trưởng nếu trẻ không gặp vấn đề về tuyến giáp. Đây là một loại thuốc tương tự như hormone tăng trưởng ở người. Hormone này sẽ giúp trẻ cải thiện vóc dáng bằng phát triển xương, tăng cơ, giảm mô mỡ…

Việc tiêm hormone tăng trưởng có thể diễn ra trong một thời gian dài vài năm. Trong những tháng đầu sau khi tiêm, trẻ cần được theo dõi chặt chẽ để kiểm tra đáp ứng điều trị và những tác dụng phụ nếu có.

Muốn biết cơ thể có cần tăng, giảm hoặc ngừng điều trị hay không thì cần làm một số xét nghiệm máu. Ngoài ra còn cần theo dõi lượng đường huyết, mật độ xương, đồng thời hàm lượng cholesterol trong cơ thể.

Thông thường, trẻ thiếu hụt hormone tăng trưởng sẽ được tiêm hormone tăng trưởng sau 2 tuổi. Với bé gái sẽ kết thúc lúc xương được 14- 15 tuổi, bé trai sẽ kết thúc muộn hơn, từ 15-16 tuổi.

Hồng Hạnh

 

Bài viết liên quan

Lưu ý dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư mùa dịch bệnh

Ngọc Nga

“Đo huyết áp đúng – kiểm soát huyết áp tốt – sống khỏe”

Ngọc Nga

 Giải pháp ăn giảm muối để tránh nguy cơ mắc tăng huyết áp, tim mạch

Ngọc Nga