Để tạo điều kiện thuận lợi cho bệnh nhân HIV/AIDS, không bị gián đoạn điều trị trong bối cảnh dịch Covid-19 kéo dài, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã đẩy mạnh các hoạt động nhằm đảm bảo người bệnh được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS một cách liên tục. Trong đó, đẩy mạnh các biện pháp hỗ trợ để công tác điều trị cho bệnh nhân HIV bằng thuốc ARV không bị ngắt quãng, công tác phòng chống dịch Covid-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp, khiến việc chăm sóc, điều trị của các bệnh nhân nhiễm HIV cũng gặp nhiều khó khăn. Theo Bs. Phạm Thị Thu, Phụ trách Khoa phòng, chống HIV/AIDS, cho biết: Việc gián đoạn điều trị làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Bởi, không tuân thủ điều trị sẽ dẫn đến bị kháng thuốc, và phải chuyển sang phác đồ điều trị khác. Khi chuyển phác đồ điều trị, hiệu quả điều trị không cao, có thể dẫn đến suy giảm miễn dịch nặng, nguy cơ chuyển sang giai đoạn AIDS càng nhanh và dẫn đến tử vong sớm hơn. Do đó, việc điều trị liên tục là yêu cầu quan trọng đối với bệnh nhân HIV/AIDS. Đến thời điểm này, Khoa đang điều trị ARV cho 639 bệnh nhân HIV/AIDS, trong đó có 12 trẻ em, hiện sức khỏe của những bệnh nhân này vẫn ổn định.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh đến điều trị liên tục, trước đó Trung tâm đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế như: Bố trí bàn đo thân nhiệt, khử khuẩn tay cho bệnh nhân trước khi vào uống thuốc; phân luồng theo hướng một chiều, đánh dấu vị trí giãn cách giữa các bệnh nhân theo quy định của Bộ Y tế. Đặc biệt, chia khung giờ hẹn bệnh nhân đến lấy thuốc nhằm tránh tập trung đông người, hạn chế tư vấn nhóm cho bệnh nhân mà thay vào đó là tập trung tư vấn cá nhân. Đối với bệnh nhân cũng như thân nhân của người bệnh khi đến lấy thuốc bắt buộc phải mang khẩu trang, sát khuẩn tay. Những bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, khó thở sẽ được bố trí phòng khám riêng để sàng lọc dịch bệnh Covid-19.
Trong thời điểm thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Trung tâm đã triển khai cấp phát thuốc điều trị ARV dài ngày cho bệnh nhân HIV/AIDS. Cụ thể, cấp thuốc ARV tối đa 90 ngày cho các bệnh nhân điều trị duy trì ổn định, còn những trường hợp người bệnh bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 phải cách ly trong khu phong tỏa hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19, Trung tâm đã cử cán bộ phối hợp với các lực lượng y tế tại nơi bệnh nhân HIV/AIDS đang thực hiện cách ly phòng, chống dịch Covid-19 để kịp thời cấp phát thuốc cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không bị gián đoạn trong quá trình điều trị.
Ngoài ra, Trung tâm cũng triển khai nhiều biện pháp phù hợp với tình hình dịch Covid-19. Đó là, xây dựng kế hoạch và các mô hình cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS trong các tình huống khác nhau tùy theo của diễn biến dịch Covid-19 để bảo đảm người có hành vi nguy cơ cao và người nhiễm HIV không bị gián đoạn trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS; vận động, hỗ trợ người nhiễm HIV tiếp cận và được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 cũng như tiếp cận các dịch vụ dự phòng và điều trị HIV/AIDS, nhất là với các địa phương bị giãn cách xã hội hoặc khu phong tỏa do dịch Covid-19.
Công tác tuyên truyền cũng đã được đẩy mạnh hơn bào giờ hết. Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền về các hoạt động, dịch vụ phòng chống HIV/AIDS, tạo điều kiện cho người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng được tiếp cận với dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS đang triển khai tại địa phương. Tập trung nâng cao kiến thức về phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, lợi ích của việc xét nghiệm phát hiện lây nhiễm, lợi ích của việc điều trị bằng thuốc ARV; cung cấp các dịch vụ dự phòng và can thiệp giảm tác hại cho các đối tượng có hành vi nguy cơ cao; cung cấp điều trị và chăm sóc cho những người nhiễm HIV/AIDS; điều trị thuốc ARV sớm cho người nhiễm mới phát hiện. Mở rộng quản lý điều trị bệnh đồng nhiễm như: đồng nhiễm HIV/Lao, đồng nhiễm HIV/Viêm gan C, bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV… nhằm giảm tử vong ở người nhiễm HIV. Đặc biệt, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS trên hệ thống mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Qua đó, giúp người dân giảm sự phân biệt, kỳ thị đối với những người bị nhiễm bệnh, động viên, giúp đỡ họ phát triển kinh tế gia đình, hòa nhập cộng đồng.
Cũng theo Bs. Phạm Thị Thu: Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, trong tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, tiếp tục tham mưu với ban lãnh đạo Trung tâm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng, kết hợp với các hình thức truyền thông trực tiếp, vận động người dân tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động chăm sóc, tư vấn xét nghiệm; tăng cường can thiệp giảm tác hại cho người nhiễm HIV. Đồng thời, chú trọng nâng cao năng lực hệ thống phòng chống HIV/AIDS; tạo điều kiện để người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ y tế dự phòng.
Với những giải pháp đã đề ra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật đã bảo đảm mọi người bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS được tiếp cận các dịch vụ thiết yếu trong dự phòng, chăm sóc và điều trị một cách liên tục, nhất là các dịch vụ điều trị cho người nhiễm HIV bằng thuốc ARV và điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone. Tuy nhiên để giảm thiểu tỷ lệ người mắc mới, thiết nghĩ mỗi tổ chức, cá nhân cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của mình vì sức khỏe cộng đồng.
Theo số liệu đã được thống kê, tính đến ngày 15/12/2021 lũy tích số người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh là 1.559, trong đó số bệnh nhân nhiễm còn sống là 792 người, tử vong 767 trường hợp, số bệnh nhân đang điều trị ARV là 639 người (có 12 bệnh nhân là trẻ em). Hiện nay, đã có 6/6 huyện, thành phố, thị xã trong toàn tỉnh có người nhiễm HIV/AIDS.
Phan Hạnh |