Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Tích cực, chủ động trong phòng chống dịch bệnh

(CDC Hà Nam)

Hiện nay, một số bệnh dịch đã xuất hiện lẻ tẻ ở một số nơi, như: sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… cùng với sự thay đổi bất thường thời tiết là điều kiện thuận lợi cho một số bệnh truyền nhiễm này dễ bùng phát trở lại. Để chủ động và tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã kịp thời chỉ đạo các đơn vị tuyến dưới đẩy mạnh công tác giám sát dịch, tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về các biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đồng thời yêu cầu chuẩn bị thuốc, vật tư hóa chất và tài liệu hướng dẫn tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh; tổ chức các lớp tập huấn, trao đổi kiến thức chuyên môn, diễn tập cho các đội phòng cơ động chống dịch các tuyến để họ sẵn sàng triển khai các nhiệm vụ khi được điều động.

Mặc dù là một đơn vụ mới thành lập, ngưng ngay từ đầu năm, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật đã chủ động tham mưu cho UBND tỉnh, Ngành Y tế  xây dựng kế hoạch về đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch bệnh và hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tuyến dưới, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch truyền nhiễm. Tại đơn vị, đã nhanh chóng ổn định tổ chức, sắp xếp nhân lực ở các khoa, phòng phù hợp với chuyên môn, đặc biệt là thành lập kịp thời 03 đội chống dịch cơ động sẵn sàng thực hiện xử lý kịp thời các ổ dịch, cũng như hỗ trợ tuyến trước khi có dịch bệnh xảy ra. Thường xuyên duy trì công tác giám sát dịch tễ, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, hóa chất, trang thiết bị, dụng cụ để đáp ứng cho công tác chống dịch.

Cán bộ Khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm giám sát, điều tra véc tơ truyền bệnh sốt rét tại thị trấn Ba Sao (Kim Bảng).

Để  kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh, Trung tâm đã triển khai hệ thống giám sát dịch bệnh một cách thường xuyên, tăng cường công tác chỉ đạo tuyến và trao đổi thông tin hai chiều với cơ sở, chủ động giám sát các chỉ số dự báo dịch, phát hiện dịch sớm và xử lý có hiệu quả. Chủ động phối hợp với hệ thống điều trị, giám sát các ca bệnh, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ đầu tiên và tổ chức điều tra xác minh, triển khai các hoạt động chống dịch kịp thời. Tất cả các loại dịch bệnh đều có sự giám sát chặt chẽ, phát hiện các ca bệnh đầu tiên, các yếu tố dịch tễ có nguy cơ cao bùng phát dịch để kịp thời đưa ra các biện pháp phòng chống cao không để phát sinh thành ổ dịch. Ngoài ra, Trung tâm còn có kế hoạch giám sát các ổ dịch cũ, điều tra môi trường, vận động nhân dân tại các địa phương thực hiện biện pháp phòng chống dịch bệnh. Trong trường hợp có dịch xảy ra, Trung tâm tổ chức điều tra, xác minh tìm nguyên nhân gây dịch, từ đó đề ra các biện pháp bao vây, dập tắt dịch kịp thời, tránh không để dịch bùng phát và kéo dài.

Song song với các hoạt động chuyên môn, công tác truyền thông cũng được đẩy mạnh nhằm cung cấp cho nhân dân những thông tin, thông điệp cần thiết, có lợi cho sức khỏe dưới các hình thức như: băng zôn, khẩu hiệu, viết tin bài phát trên Đài phát thanh Truyền hình tỉnh; hệ thống loa phát thanh tại xã/ phường/thị trấn và thông qua các buổi họp thôn/xóm, sinh hoạt hội, nhóm, câu lạc bộ để nhân dân hiểu rõ về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh và biết cách tự phòng bệnh cho bản thân, gia đình và cộng đồng nơi sinh sống. Vận động nhân dân loại bỏ nếp sống cũ, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống mới để góp phần tích cực trong việc công tác phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, khuyến cáo người dân, khi có dấu hiệu lạ về bệnh thì cần phải đến các cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

Nhờ chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm nên đến nay trên địa bàn tỉnh không có dịch lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, trong cộng đồng vẫn xảy ra các ca bệnh truyền nhiễm rải rác ở các địa phương trong tỉnh, như: Bệnh sởi, sốt phát ban dạng sởi, tay chân miệng, cúm… Trong 9 tháng đầu năm 2018, các dịch bệnh truyền nhiễm đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ năm 2017. Hiện, toàn tỉnh ghi nhận 6.332 trường hợp mắc hội chứng cúm; 28 ca mắc sởi, đa số các trường hợp mắc sởi đều chưa được tiêm phòng hoặc tiền sử tiêm chủng không rõ ràng; 41 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó đều là những ca mắc nguyên phát tại địa phương. Riêng bệnh tay chân miệng phát hiện 48 ca mắc bệnh. Đa số các ca mắc đều ở mức độ nhẹ, nhỏ lẻ tập trung ở các huyện/thành phố, không có trường hợp nào tử vong. Tuy nhiên, công tác phòng chống dịch bệnh cũng gặp một số khó khăn nhất định như, ở một số địa phương các cấp chính quyền chưa thực sự chỉ đạo quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch. Việc phối hợp giữa các đơn vị y tế và các ban, ngành đoàn thể của địa phương còn thiếu chặt chẽ; số trẻ được tiêm chủng các loại vắc xin ngoài chương trình còn hạn chế… Bên cạnh đó, còn do sự chủ quan, ỷ lại của người dân vào đơn vị y tế đối với công tác này.

Theo Ths Trần Đắc Tiến – Phó trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật): Các bệnh dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng, cúm, sởi và các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa luôn là bệnh dịch lưu hành tại các địa phương trên diện rộng. Trong khi đó một số bệnh chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và dịch có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Theo thạc sỹ Tiến, để hạn chế sự bùng phát thành dịch ở một số bệnh, không chỉ cần sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể mà còn cần sự đóng góp tích cực của người dân bằng cách nâng cao kiến thức và hành vi thực hành vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường xung quanh, thực hiện các biện pháp nâng cao sức đề kháng cho bản thân, có chế độ ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, tăng cường các hoạt động thể dục, thể thao; hạn chế sử dụng rượu, bia và các chất kích thích ảnh hưởng đến sức khỏe có như vậy mới đẩy lùi được dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho bản thân gia đình và cộng đồng.

Có thể thấy, việc nâng cao hiệu quả hoạt động công tác y tế dự phòng, ngoài công tác truyền thông, vận động nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của người dân, cộng đồng trong công tác phòng dịch bệnh, thì các đơn vị y tế cần tăng cường giám sát dịch tễ. Nhất là, huy động, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động mạng lưới y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhân dân.

                                                                                                                                                     Phan Hạnh

Bài viết liên quan

Phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam

Ngọc Nga

Nhận diện thịt nhiễm tả lợn châu Phi

CDC Hà Nam

Đồng chí Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Khải thị sát phòng, chống dịch COVID-19 tại Tổ 2, phường Lê Hồng Phong, TP.Phủ Lý

admin

Để lại bình luận