Trong những năm tới, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích.
WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh. (Ảnh: T.G/Vietnam+)
Để ghi nhận những tiến bộ của Việt Nam trong việc phòng chống kháng thuốc, tiến sỹ Kidong Park – Trưởng đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam và tiến sỹ Albert T.Lieberg – Trưởng đại diện Tổ chức Nông lương Thế giới (FAO) tại Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong những nỗ lực phòng chống kháng thuốc.
Thông tin trên được đưa ra trong buổi họp báo quản lý sử dụng kháng sinh cho tương lai không lạm dụng – không dùng sai chỉ định diễn ra chiều 21/11 tại Hà Nội.
Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống kháng thuốc và các đối tác quốc tế bao gồm WHO và FAO kêu gọi tất cả các ngành tại Việt Nam tăng cường và phối hợp hành động tốt hơn nữa trong cuộc chiến chống kháng thuốc (AMR).
Tiến sỹ Park cho hay: “Trong những năm tới, WHO sẽ tập trung củng cố vai trò của các cán bộ y tế trong cuộc chiến chống lại việc lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích. Chúng tôi rất hoan nghênh việc Tổng hội Y học Việt Nam (VMA) đã trở thành đối tác mới của chúng tôi để thực hiện việc giáo dục và khuyến khích bác sĩ và dược sĩ sử dụng kháng sinh hợp lý.”
Cũng tại sự kiện này, WHO và VMA đã ra tuyên bố chung để khẳng định cam kết của mình sẽ hợp tác trong việc phòng chống kháng thuốc.
Ông Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho hay kháng thuốc là mối đe dọa thường trực đối với an ninh y tế công cộng tại Việt Nam. Ngành y tế cam kết sẽ làm việc với tất cả các ngành để nâng cao nhận thức về mức độ nghiêm trọng của kháng thuốc.
Chính vì vậy, ngành y tế khuyến khích các đối tác từ ngành nông nghiệp, bệnh nhân, giới truyền thông, các nhà hoạch địch chính sách và cả cộng đồng thực hiện chung tay giúp chấm dứt tình trạng lạm dụng và sử dụng kháng sinh sai mục đích.
Các chuyên gia trả lời trong cuộc họp báo. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Bộ Y tế (MOH) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (MARD) đã bắt đầu đánh giá lại Kế hoạch hành động quốc gia về kháng thuốc để đảm bảo sự hợp tác điều phối giữa các ban ngành trong việc phát triển kế hoạch hành động cho năm tới.
Theo tiến sỹ Lieberg, kháng sinh không phải lúc nào cũng là câu trả lời cho các bệnh truyền nhiễm ở động vật, và do đó việc người nông dân, người bán thuốc và ngay cả bác sỹ thú y nhận thức rõ hơn về những nguy cơ do kháng thuốc gây ra và sử dụng kháng sinh có trách nhiệm là hết sức quan trọng. Việc này không chỉ để bảo vệ sức khỏe của động vật, con người mà còn để duy trì sự hiệu quả của kháng sinh trong việc điều trị các bệnh ở động vật.
Một nghiên cứu của nhóm bác sỹ Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy từ năm 2016-2018, có 5 loại vi khuẩn thường gặp nhất và có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất là A.baumannii, E.coli, S.aureus, K.pneumoniae, P.aeruginosa.
Trong các loại vi khuẩn có vi khuẩn A.baumannii kháng hầu hết các loại kháng sinh, kháng luôn cả kháng sinh họ Carbapenem (họ kháng sinh có phổ tác dụng lớn nhất và được ưu tiên sử dụng điều trị các nhiễm khuẩn nặng) và chỉ còn nhạy cảm với Colistin.
Đáng lo ngại, tỷ lệ đề kháng này đang tăng dần qua các năm, đến năm 2018, đề kháng trên 90% với hầu hết các kháng sinh.
Các vi khuẩn khác như K.pneumoniae đề kháng carbapenem trên 30%. Các trực khuẩn gram âm B.pseudomallei, A.eromonas sp., V.vulnificus tuy xuất hiện với tỷ lệ thấp và tỷ lệ đề kháng kháng sinh còn thấp nhưng gây nhiễm khuẩn huyết và viêm mô tế bào nghiêm trọng.
Nguyên nhân của tình trạng kháng kháng sinh được các bác sỹ chỉ ra là do thói quen tự mua thuốc khi mắc bệnh của không ít người dân, tình trạng sử dụng kháng sinh bừa bãi trong trồng trọt, chăn nuôi…
Ngoài ra là tình trạng lạm dụng chỉ định kháng sinh không cần thiết của một số bác sỹ. Ví dụ, bệnh nhân không bị bệnh lý nhiễm khuẩn những lại được chỉ định sử dụng thuốc kháng sinh, hoặc chỉ định sử dụng kháng sinh không thích hợp như chọn kháng sinh khởi đầu không phù hợp, chọn sai liều dùng, sai đường dùng…/.
(Nguồn: vietnamlus.vn)