Cân bằng tâm lý trong đại dịch
Câu chuyện cân bằng tâm lý cho người đang phải cách ly tập trung, người dân, lẫn y, bác sĩ trong tâm dịch dần hiện rõ và trở thành vấn đề đáng được lưu tâm, khi thời gian cách ly xã hội diễn ra dài, tình hình dịch ngày một phức tạp…
Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 13.8, bác sĩ (BS) Trương Huyền Trường, Giám đốc Bệnh viện (BV) chuyên khoa lao và bệnh phổi Quảng Trị – đơn vị điều trị cách ly bệnh nhân (BN) Covid-19 tại Quảng Trị, cho biết các y, BS ở khu cách ly Covid-19 đang khá vất vả với BN 862 (nữ, dân tộc Vân Kiều, 66 tuổi; mẹ ruột của BN 832) vì người này không hợp tác, tuyệt thực và một mực… đòi về nhà. Dù các y, BS đã động viên nhưng BN 862 đã bỏ ăn nhiều bữa, chỉ uống một ít sữa. “Do BN là người dân tộc thiểu số, hạn chế trong giao tiếp, không quen sống ở TP lại thêm bị cách ly nhiều ngày trong BV”, BS Trường lý giải nguyên nhân.
Chống lại cảm giác cô đơn
Hoang mang, lo lắng, suy sụp, thậm chí trầm cảm…, tương tự như trường hợp BN 862 không phải là hiếm. BS Trần Thị Hải Vân, phụ trách Nhóm các vấn đề tư vấn tâm lý cộng đồng theo các kênh online, đường dây nóng tại BV Tâm thần Đà Nẵng, cho biết do những tác động vùng tâm dịch mà nhiều ngày qua, nhóm đã nhận được khá nhiều cuộc gọi xin hỗ trợ; nhiều BN lo âu, trầm cảm gọi đến xin tư vấn. Có cả những trường hợp F1 đang cách ly tập trung lẫn các F2 cách ly tại cộng đồng hay những người sống trong khu dân cư bị phong tỏa; thậm chí có nhiều người ở tận Quảng Bình, Quảng Trị… cũng tha thiết kết nối, để được hỗ trợ trong đợt này. Theo BS Vân, tùy mức độ rối loạn, các BS sẽ có tư vấn phù hợp với từng người. Nhưng trước tiên, BS phải chia sẻ với người có nhu cầu tư vấn, để hiểu họ đang rơi vào trạng thái nào. Từ đó mới có thể đưa ra lời khuyên, phương pháp hỗ trợ, hoặc trị liệu hợp lý.
Cùng quan điểm, BS Bùi Duy Phi, nguyên Trưởng khoa Tâm thần BV đa khoa tỉnh Quảng Trị, cho rằng những sang chấn tâm lý của BN Covid-19 và trường hợp F1, F2 đang được cách ly là không thể tránh khỏi. Họ lo lắng, mất ngủ, trầm cảm thậm chí có những suy nghĩ, hành động tiêu cực… Vì vậy, vai trò của y, BS đang trực tiếp điều trị là rất quan trọng. “Tâm lý người bệnh rất tin BS. Nếu các y, BS nắm bắt tâm lý BN tốt, có những lời khuyên bổ ích để tạo sự ổn định cho BN thì đó là sự hỗ trợ tuyệt vời cho các BN bước qua sang chấn”, BS Phi nói.
Để chống lại cảm giác cô đơn, cũng như cảm giác nhàm chán ở những khu cách ly tập trung, BS Nguyễn Thành Dũng, Phó giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, kiêm Giám đốc BV dã chiến Củ Chi, cho biết ngoài cung cấp cho người cách ly những vật dụng, đồ dùng sinh hoạt cần thiết để họ yên tâm, BV còn trang bị wifi mạnh, có ti vi cho BN giải trí, gọi trực tuyến cho gia đình, bạn bè… Bên cạnh đó, BV có 2 số điện thoại cho BN gọi thắc mắc, hỏi thăm. BV còn có loa phát ngoài trời, để thông báo giờ giấc và nhắc nhở người cách ly ngủ sớm giữ sức khỏe để hôm sau thức sớm tập thể dục. “Tại BV cũng cách ly một người về từ Singapore có mẹ mất. Biết được hoàn cảnh này, khi thăm khám, các y, BS đã giải thích, động viên tinh thần người đang được cách ly. Đối với những người có tâm lý hơi phức tạp, lo lắng như: liên tục gọi điện hỏi thăm tình trạng sức khỏe của mình, hỏi thăm thời gian lấy mẫu xét nghiệm, thời gian được ra khỏi khu vực cách ly tập trung (dù trong phòng cách ly có dán rõ thông báo – PV)…, cán bộ y tế cũng phải giải thích, trấn an họ”, BS Nguyễn Thành Dũng kể.
Hỗ trợ tâm lý người được cách ly
BS nội trú Bùi Văn San (Khoa Tâm thần, BV Bạch Mai), thành viên của Tổ BS tâm lý tại TP.Đà Nẵng, cho rằng do dịch bệnh xảy ra bất ngờ, mọi người phải cách ly; tâm lý lo lắng căng thẳng sợ lây lan xảy ra đối với người dân, cũng như với các y, BS. Lo lắng dẫn đến tâm lý căng thẳng, nếu không giải tỏa được sẽ rất nguy hiểm…
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc tham gia của chuyên gia tâm lý trong phòng chống dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp là rất cần thiết, vì khi tinh thần hoảng loạn sẽ tạo sự hoang mang cho xã hội. Nếu ổn định được tâm lý cá nhân, cộng đồng, sẽ giảm bớt ảnh hưởng có hại cho xã hội. Do vậy, bên cạnh công tác truyền thông thì việc ổn định tâm lý người dân cũng hết sức quan trọng, không chỉ với sự hỗ trợ của các BS, mà còn từ các thông tin, cũng như các hành động để làm người dân an tâm và tin tưởng hơn trong công tác phòng chống dịch.
Còn theo PGS-TS Nguyễn Văn Tuấn, Phó viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần quốc gia (BV Bạch Mai), dịch bệnh Covid-19 gây lo lắng cho con người – đó chính là stress. Stress cũng có mức độ khác nhau, khi nhẹ con người có thể đối phó được nhưng trường hợp nặng là stress mạnh, sốc có thể gây hậu quả lớn.
TS tâm lý Nguyễn Hằng Phương, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng, cho biết thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm sẽ rất căng thẳng. Nỗi sợ có thể bị nhiễm bệnh Covid-19 và nguy cơ cho những người liên quan… là thường trực. Áp dụng “nguyên tắc” thay đổi suy nghĩ và thay đổi hành động, những người đang ở khu cách ly có thể tư duy tích cực rằng mình đang ở nơi an toàn, và ít nhất, nếu có nhiễm Covid-19, thì không lây cho người khác; tin tưởng rằng đội ngũ y BS Việt Nam đang là những “chiến binh” tuyệt vời nhất.
Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần lưu ý, người bị cách ly có thể cảm thấy bị cô đơn, đặc biệt với người phải sống một mình. Tình trạng đó khiến họ suy sụp thể chất và tinh thần. Do đó, người đang cách ly nên chủ động kết nối với những người khác qua mạng xã hội, điện thoại và cộng đồng trực tuyến để giữ tinh thần lạc quan. Chính quyền địa phương, người thân, cộng đồng cần có hỗ trợ tâm lý, chia sẻ, không kỳ thị người được cách ly chống dịch.
Y, bác sĩ cũng cần được chăm sóc sức khỏe tinh thần
Không phải ngẫu nhiên mà trong các đội công tác đặc biệt được Bộ Y tế cử về tăng cường cho tâm dịch Đà Nẵng có sự tham gia của 2 BS tâm lý, với nhiệm vụ hỗ trợ tâm lý bằng các cuộc trò chuyện, tâm tình… với các thầy thuốc nơi tuyến đầu. BS Bùi Duy Phi cho rằng các y, BS là một trong những đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao, làm việc trong một môi trường đặc biệt và ai cũng có những nỗi sợ hãi. Nhưng đáng ghi nhận, hầu hết các cán bộ y tế đều vượt qua được những sang chấn tâm lý – phần nhiều vì ý thức trách nhiệm của mình với xã hội, cộng đồng.
Một trong những niềm vui có thể giúp các y, BS nỗ lực, hy sinh hơn trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 chính là “đặt bút ký tờ giấy ra viện cho BN Covid-19”, như tâm sự của BS Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc BV dã chiến Hòa Vang (TP.Đà Nẵng). “Sáng nay (13.8), tôi là người hạnh phúc nhất!”, BS Vĩnh hào hứng khi có đến 10 BN Covid-19 chữa trị tại BV dã chiến Hòa Vang khỏi bệnh. BS Vĩnh chia sẻ, bên cạnh “súng ống, đạn dược” chính là những thiết bị hỗ trợ điều trị Covid-19, có lẽ thứ mà các BS đã, đang và sẽ phải trang bị chính là liều thuốc tinh thần. “Cuộc chiến có thể kéo dài, nhưng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi!”, BS Vĩnh tự tin.
Cũng chính vì lời động viên và chia sẻ từ tâm dịch luôn có “sức nặng ngàn cân” nên ngay khi BV C Đà Nẵng vừa bị phong tỏa do xuất hiện ca mắc Covid-19 (24.7), một BS ở Khoa Cấp cứu BV C Đà Nẵng đã đi đến phòng các BN lớn tuổi, cùng hát, trấn an BN trước tình trạng phong tỏa toàn BV và chúc BN ngủ ngon. Cũng ngay hôm sau đó (25.7), BS Nguyễn Quý Thiện, Khoa Nội tiêu hóa BV C, cùng đồng nghiệp ôm đàn hát ca khúc Đà Nẵng ngày bão giông. Một món quà tinh thần đầy ý nghĩa được gửi đi từ tâm dịch, hơn mọi lời động viên, chính là “Vitamin tinh thần”. (Thanh niên, trang 2).
Đón 300 người từ Đà Nẵng trở về TPHCM
16 giờ ngày 13-8, chuyến bay VN7121 của Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) chở hơn 300 người dân bị “mắc kẹt” ở Đà Nẵng đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất TPHCM.
Đây là chuyến bay đầu tiên vận chuyển hành khách đang bị “mắc kẹt” ở Đà Nẵng về TPHCM. Hầu hết số hành khách trên chuyến bay là du khách có đi cùng trẻ em và người thân.
Trước khi bay, tất cả hành khách này đã được làm xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại Đà Nẵng và cho kết quả âm tính. Khi lên máy bay, tất cả hành khách và phi hành đoàn cũng đã được trang bị bảo hộ y tế toàn thân, đo thân nhiệt lại.
Ở bên trong máy bay, hành khách được khuyến cáo sử dụng tối giản các dịch vụ để hạn chế tiếp xúc nhiều lần, phòng tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19. Sau khi hạ cánh, các hành khách, phi hành đoàn được tổ chức đi cách ly theo quy định.
Đại diện Hãng hàng không Vietnam Airline cho biết, nhằm ngăn ngừa khả năng lây nhiễm dịch bệnh, các chuyến bay đáp ứng những tiêu chuẩn phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt từ mặt đất đến trên không.
Phi hành đoàn, hành khách đều được trang bị bảo hộ y tế toàn thân và đo thân nhiệt trước khi lên máy bay. Các tiêu chuẩn dịch vụ được đơn giản hóa để hạn chế tiếp xúc nhiều lần.
Sau khi hạ cánh, máy bay được đơn vị y tế phun khử trùng toàn bộ khoang hành khách, buồng lái bằng hóa chất đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế. Ngày 14-8 sẽ có 2 chuyến bay chở hơn 300 người còn lại về TPHCM.
Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), để sẵn sàng chào đón các công dân trở lại TPHCM từ Đà Nẵng đến khu cách ly tập trung được nhanh và chu đáo, Bệnh viện điều trị Covid-19 (Cần Giờ) đã tổ chức lên kế hoạch bổ sung thêm nhân sự, phân luồng, đưa đón người dân tại sân bay, dọn dẹp phòng ốc, tân trang, chuẩn bị những đồ dùng thiết yếu cho người cách ly tại cơ sở 1 và cơ sở 2…
Công dân vào cách ly sẽ được đơn vị bảo đảm quân trang, nhu yếu phẩm thiết yếu, trang bị các dụng cụ cá nhân riêng biệt; sửa sang nhà tắm, nhà vệ sinh, có khu riêng dành cho nữ và bố trí khu vực nấu ăn riêng biệt cung cấp thức ăn an toàn cho người được cách ly… (Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 3: “297 người mắc kẹt ở Đà Nẵng được đưa về TP.HCM cách ly tập chung”.
Thêm 25 ca bệnh Covid-19
Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, đến hết ngày 13.8, cả nước ghi nhận thêm 25 ca bệnh Covid-19, bao gồm 19 ca lây nhiễm trong cộng đồng và đều liên quan Đà Nẵng.
Cụ thể, buổi sáng 13.8, Bộ Y tế công bố 3 ca bệnh mới là bệnh nhân (BN) 881 – 883, trong đó có 2 ca tại Quảng Nam liên quan ổ dịch Đà Nẵng và 1 ca tại Bạc Liêu được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Chiều cùng ngày, Bộ Y tế công bố thêm 22 ca bệnh mới (BN 884 – 905), trong đó 17 ca lây nhiễm trong cộng đồng (14 ca tại Đà Nẵng, 2 tại Quảng Nam, 1 tại Quảng Trị) và 5 ca tại Khánh Hòa được cách ly ngay sau khi nhập cảnh.
Trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 3 BN Covid-19 tử vong. Đó là BN 485 (nữ, 52 tuổi, trú tại Q.Cẩm Lệ, TP.Đà Nẵng); BN 623 (nữ, 83 tuổi, trú tại Điện Bàn, Quảng Nam); BN 479 (nam, 87 tuổi, trú tại Tư Nghĩa, Quảng Ngãi). Các BN này đều có tiền sử mắc nhiều bệnh nền khác nhau. Như vậy, tới hết ngày 13.8, VN đã ghi nhận 905 BN Covid-19 kể từ khi dịch xuất hiện; trong đó 20 BN tử vong.
Cũng trong hôm qua, Bộ Y tế công bố thêm 14 BN khỏi bệnh, gồm: 12 BN tại Bệnh viện (BV) dã chiến Hòa Vang, TP.Đà Nẵng; 2 BN tại BV đa khoa T.Ư Quảng Nam.
Cũng trong ngày 13.8, Bộ Y tế quyết định cử thêm GS-TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị BN Covid-19 nặng; GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới T.Ư; PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc BV Đại học Y Hà Nội, vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị BN Covid-19, đặc biệt là BN nặng. GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ hàng trăm chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực của các đơn vị lớn như: BV Bạch Mai, BV Chợ Rẫy, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, BV Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư… tới hỗ trợ BV T.Ư Huế cơ sở 2, BV đa khoa T.Ư Quảng Nam, BV Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hòa Vang, BV Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng… về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch… (Thanh niên, trang 3).
Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 6: “Thêm 25 ca mắc Covid-19 mới”.
Phó chủ tịch phường mắc Covid-19, 36 cán bộ công chức phải cách ly
Tối 13.8, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 Đà Nẵng thông báo về việc ông N.V.S, Phó chủ tịch UBND P.Hòa An (Q.Cẩm Lệ), là bệnh nhân (BN) mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố chiều cùng ngày.
Theo Ban chỉ đạo, ngay khi nhận được thông báo về kết quả dương tính với vi rút SARS-CoV-2 của ông N.V.S, UBND Q.Cẩm Lệ đã tổ chức đưa 36 cán bộ, công chức của P.Hòa An có tiếp xúc gần ông S. đến khu cách ly tập trung 14 ngày.
Tại Quảng Nam, trước tình hình phức tạp của dịch bệnh khi TP.Hội An liên tục xuất hiện nhiều ca Covid-19 mới, UBND tỉnh quyết định tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 để phòng chống dịch Covid-19 tại TP.Hội An. Thời gian thực hiện từ 0 giờ ngày 14.8, cho đến khi có thông báo mới. (Thanh niên, trang 3).
Việt Nam – Lào tăng cường phối hợp phòng chống dịch Covid-19
Chiều 13.8, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith có cuộc điện đàm để trao đổi về tình hình và quan hệ Việt Nam – Lào.
Tại cuộc điện đàm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào gửi lời chia buồn tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam về việc nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu từ trần; chúc mừng những thành tựu to lớn mà nhân dân Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào đánh giá cao các nỗ lực, kinh nghiệm của Việt Nam trong công tác phòng, chống và kiểm soát dịch Covid-19 và mong muốn hai nước tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp hỗ trợ nhau trong công tác phòng, chống dịch Covid-19…
Hai nhà lãnh đạo khẳng định tiếp tục chia sẻ thông tin kịp thời và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, thiết thực, ủng hộ nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực, nhất là trong khuôn khổ hợp tác ASEAN, LHQ, WTO, ASEM và các cơ chế hợp tác Tiểu vùng Mekong; phối hợp với Campuchia thực hiện có hiệu quả Thỏa thuận giữa ba thủ tướng về khu vực Tam giác phát triển giữa ba nước, phối hợp các nước trong việc quản lý và sử dụng bền vững, hiệu quả nguồn nước sông Mekong. (Thanh niên, trang 5).
Những “trận chiến” giữ bình yên cho Thủ đô vượt qua đại dịch (bài 1): Diệt tin giả mùa dịch Covid-19 để an dân
LTS: Chủ lực trên mặt trận đấu tranh phòng chống tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là nhiệm vụ của lực lượng công an. Khi đất nước và Thủ đô Hà Nội có “giặc” Covid-19, họ lại quên mình lao vào trận chiến, đối đầu với kẻ thù vô hình bằng tâm thế sẵn sàng vì nhân dân phục vụ. Sau 99 ngày tạm lắng, dịch bệnh Covid-19 quật trở lại với những diễn biến cực kỳ phức tạp khi có ca lây nhiễm bị phát hiện ở Hà Nội. Tâm lý chủ quan đã kịp hình thành ở một bộ phận người dân, song với các chiến sĩ công an, họ chưa một phút lơ là. Những bài học, phương pháp, kinh nghiệm chống “giặc” ngày càng được trau dồi để cùng cộng đồng sớm chiến thắng dịch bệnh.
Suốt thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, có một thực tế là số trường hợp đối tượng bị xử lý về hành vi thông tin thất thiệt lớn hơn nhiều lần so với các ca dương tính với virus. Trong bối cảnh ấy, lực lượng an ninh mạng, phòng chống tội phạm công nghệ cao cùng công an các quận, huyện trên địa bàn Hà Nội đã phối hợp tích cực để xác minh, xử lý các đối tượng đưa tin giả. Động thái này đã góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của nhân dân vào công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.
Tin giả dai dẳng và nguy hiểm
Đồng tâm, đồng sức, đồng lòng, cán bộ chiến sĩ Công an Hà Nội nhận thức sâu sắc hiểm họa của tin giả cũng giống như các bác sĩ bước vào cuộc chiến mặt đối mặt với virus Corona. Đa có 350 trường hợp tung tin giả về dịch bệnh Covid-19 bị xử phạt ở đợt bùng phát dịch lần 1 và hiện tại lại manh nha xuất hiện ở đợt bùng phát dịch lần 2.
Ngày 23-1-2020, Việt Nam ghi nhận ca bệnh đầu tiên dương tính với Covid-19, sau đó trong khoảng thời gian đến ngày 13-2 ghi nhận thêm 15 trường hợp khác. Với thế trận y tế cộng đồng được khởi động rộng khắp, Việt Nam hoàn toàn tự tin về khả năng điều trị thành công căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người tại Trung Quốc thời điểm ấy. Thế nhưng, ngày 6-3, khi bệnh nhân số 17 xuất hiện tại Hà Nội thì như một cơn bão trên mạng xã hội, những tin giả đã liên tục ập đến cùng bệnh dịch.
Với nhiều người dân Hà Nội, đêm mùng 6 và cả ngày 7-3 sẽ mãi là thời điểm đáng nhớ. Nhiều siêu thị đồng loạt “cháy” hàng. Nhà nhà, người người nhao đi mua thực phẩm. Tại một khu đô thị lớn ở quận Hai Bà Trưng, những thông tin thất thiệt đã gây xôn xao dư luận. Và mọi chuyện chỉ dần trở lại ổn định khi lực lượng công an và cơ quan chức năng đồng loạt vào cuộc với trọng tâm là “quét” sạch tin giả, tin thất thiệt. Lòng dân yên trở lại. Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đảng, Nhà nước, toàn quân và toàn dân đã đồng lòng quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 bằng nỗ lực cao nhất, tham gia tích cực trên mọi mặt của công tác phòng chống dịch. Nhưng sự nỗ lực không ngừng lại nhận được phản hồi bằng những thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Mục đích của các đối tượng thường đăng tin nhằm câu view, câu like, tăng sự tương tác, thể hiện cái tôi của mình và phục vụ mục đích cá nhân. Trong số đó có cả những người hoạt động nghệ thuật, những người có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội. Khi có được nguồn tin từ người nổi tiếng, một số cá nhân không kiểm chứng đã vội vàng chia sẻ lên trên trang cá nhân tạo thành luồng dư luận xấu.
“Covid-19 phát tán qua mạng 5G”, “Sử dụng đồ uống có cồn giúp phòng chống lây nhiễm Covid-19”, “Ăn tỏi để không bị nhiễm Covid-19”… đó là những thông tin sai lệch về dịch Covid-19. Hậu quả của những tin đồn thất thiệt này không chỉ dừng lại ở việc cản trở công tác chống dịch, gây ra bất ổn xã hội, mà còn đe dọa đến tính mạng của người dân nếu làm theo những chỉ dẫn này. Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã từng phải định danh “đại dịch tin giả” (infodemic), và đưa ra cảnh báo: “Tin giả lan truyền nhanh và dễ dàng hơn cả virus, nhưng mức độ nguy hiểm thì không hề thua kém”. Không quá để nói rằng, tác hại của tin giả và những hành động “chia sẻ” thiếu kiểm chứng sẽ phá hoại công sức phòng chống dịch.
Thông tin từ Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho thấy, kể từ khi bệnh nhân số 17 xuất hiện đến khi chúng ta trở lại trạng thái “bình thường mới”, có hơn 300.000 tin giả được chia sẻ trên mạng. Đã có 350 cá nhân đã bị ra quyết định xử phạt hành chính với mức phạt cao nhất lên tới 15 triệu đồng. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm mới trong cộng đồng, Việt Nam lại đối diện với Covid-19. Và cũng thật bất ngờ, cái thứ virus xấu, độc, mang tên “tin giả” vẫn xuất hiện. Không còn là thông tin dịch tễ của bệnh nhân, cách phòng chữa bệnh, mà lần này lại là đối tượng đã xuyên tạc cả phát ngôn của lãnh đạo Chính phủ về phòng ngừa dịch bệnh cũng như những cách thức có thể… chữa Covid-19.
“Trận chiến” khó xác định không gian và thời gian
Đến thời điểm này, khi dịch Covid-19 tái bùng phát tại Đà Nẵng và lan ra các tỉnh, thành phố khác trong đó có Hà Nội và TP.HCM, đã có rất nhiều cá nhân bị xử phạt hành chính vì đăng tải, lan truyền tin giả. Trong đó có cả những nghệ sĩ nổi tiếng hay những công chức Nhà nước.
Thiếu tá Vũ Việt Anh – Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, thuộc Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) nhìn nhận, việc tung tin thất thiệt sẽ làm nhiễu loạn thông tin thật, tạo tâm lý hoang mang, tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Hành vi đó tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống dịch của nước ta. Nhớ lại thời điểm đầu năm 2020, khi tin giả về việc Việt Nam đã bào chế được vaccine phòng Covid-19 được tung ra, một đối tượng đã ngay lập tức quảng cáo rằng mình có nguồn vaccine. Hàng chục bị hại đã chuyển khoản cho anh ta để mua thuốc rồi nhận về cái kết đắng. Phải chặn đứng tin giả, có vậy, lòng dân mới an – quyết tâm ấy được Đảng ủy, Ban chỉ huy Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) xác định rõ. “Đó là cuộc chiến không có không gian và thời gian. Nước ta hiện có khoảng 60 triệu tài khoản mạng xã hội. Cá nhân đăng thông tin lên trang của mình là thật, nhưng mạng hoàn toàn là ảo. Để xác định danh tính của cá nhân đó là điều không hề dễ dàng, thậm chí còn là sự may rủi trong quá trình điều tra” – Thiếu tá Vũ Việt Anh cho biết.
Khi một thông tin giả được đăng tải thì liền sau đó là những ngày trinh sát phải vào cuộc truy tìm người làm việc đó. Trung tá Đinh Thị Thu Thủy – Bí thư Đảng ủy, Trưởng phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao bày tỏ: “Hiện chỉ Công an Hà Nội mới có Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Do đó khó khăn đủ bề từ trang thiết bị đến con người. Đối tượng đấu tranh của chúng tôi lại là con người ảo trong không gian đa chiều, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ phải 24/24h bám và kiểm soát, cập nhật thông tin từng giây, từng phút…”. Vượt qua hết thảy những khó khăn, vượt qua cả những ngày giãn cách xã hội, với sự đam mê và lòng quyết tâm, cùng sự hỗ trợ của các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, công an các quận, huyện, thị xã đã xử lý hàng chục cá nhân tung tin giả trên địa bàn Hà Nội, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự để nhân dân yên tâm, tin tưởng vào những quyết sách của Chính phủ trong công tác phòng chống dịch. (An ninh Thủ đô, trang 4).
Bộ Y tế tiếp tục cử các giáo sư đầu ngành vào miền Trung chống dịch
Sáng ngày 13/8, Bộ Y tế cử thêm GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng; GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn; PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội vào miền Trung cùng với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Ngày 13/8, Bộ Y tế cho biết, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3434/QĐ-BYT về việc trưng tập chuyên gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về phòng chống dịch COVID-19.
Theo quyết định này, 3 giáo sư sẽ làm chuyên gia tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Y tế về công tác phòng chống dịch COVID-19, gồm:
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) theo Quyết định số 319/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng.
GS.TS. Ngô Quý Châu, Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, Nguyên Quyền Chủ tịch Hội đồng quản lý Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, phó chủ tịch Hội đồng chuyên môn bổ sung, sửa đổi cập nhật Hướng dẫn chẩn đoán điều trị viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) theo Quyết định số 319/QĐ-BYT ngày 06/02/2020 của Bộ trưởng.
GS.TS. Nguyễn Gia Bình, Bác sĩ cao cấp Bệnh viện Bạch Mai, Nguyên Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu và Chống độc Việt Nam, Tổ trưởng Tổ hội chẩn chuyên môn chăm sóc, điều trị ca bệnh COVID-19 diễn biến nặng, nguy kịch theo Quyết định số 1215/QĐ-BYT ngày 19/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Quyết định số 1302/QĐ-BYT ngày 23/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Trưa ngày 13/8, tại Trung tâm Quản lý điều hành hỗ trợ chẩn đoán và điều trị COVID-19 ở Cục Quản lý Khám chữa bệnh, GS.TS Nguyễn Thanh Long- Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao ban trực tuyến với Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam về công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là việc điều trị bệnh nhân nặng.
Trước khi giao ban, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế GS.TS. Nguyễn Thanh Long đã trao phần quà hỗ trợ trị giá 1 tỷ đồng mỗi phần quà cho 2 Bệnh viện
Tại buổi giao ban, Quyền Bộ trưởng chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các chuyên gia mà Bộ Y tế điều động vào hỗ trợ 2 bệnh viện cũng như toàn bộ y bác sĩ của 2 bệnh viện trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt trong điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nhiều bệnh lý nền.
Đồng thời Quyền Bộ trưởng cũng động viên các chuyên gia, các y bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2 và Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam tiếp tục nỗ lực, quyết tâm cao nhất trong điều trị để làm sao hạn chế tối đa nhất trường hợp bệnh nhân tử vong…
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu… của các bệnh viện/ viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương… lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hoà Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng, rồi Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam… về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch…
Tuy nhiên chiều nay, Bộ Y tế cử thêm GS.TS Nguyễn Gia Bình- Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng và GS.TS Nguyễn Văn Kính- Chủ tịch Hội đồng chuyên môn và PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu- Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội vào Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cùng với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng và các chuyên gia, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
Cũng tại buổi làm việc trực tuyến, Quyền Bộ trưởng đề nghị 2 bệnh viện “cần Bộ Y tế hỗ trợ gì về nhân lực, trang thiết bị, hậu cần…, các đồng chí cứ đề xuất, Bộ Y tế sẵn sàng hỗ trợ trên tinh thần tối đa nhất, tốt nhất để phục vụ tiền phương chống dịch”.
Từ điểm cầu Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, GS.TS Phạm Như Hiệp- Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết bệnh viện đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ cả về nhân lực và hậu cần từ Bộ Y tế. Hiện tại Bệnh viện chưa đề xuất hỗ trợ thêm gì.
“Chúng tôi luôn động viên nhau cố gắng với mức cao nhất, quyết tâm cao nhất trong hội chẩn, điều trị để làm sao hạn chế tối đa nhất người bệnh tử vong”- GS.TS Phạm Như Hiệp nói
Tại điểm cầu Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, TS. Đinh Đạo- Giám đốc Bệnh viện cũng cho biết, bệnh viện đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Y tế, tuy nhiên để phục vụ công tác chống dịch và đặc biệt trong điều trị, Bệnh viện đề xuất Bộ Y tế hỗ trợ hệ thống hội chẩn từ xa telemedicin và tủ an toàn sinh học cấp 3 phục vụ cho việc nâng cấp hệ thống labo xét nghiệm để tuyệt đối đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch.
Về những đề xuất này, Quyền Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết đã đề nghị Viettel chiều nay vào Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam thẩm định để sớm thiết lập hệ thống hội chẩn từ xa theo đề xuất của bệnh viện.
Liên quan đến đề xuất tủ an toàn sinh học cấp 3, Quyền Bộ trưởng nhất trí sẽ giao đơn vị mua ngay và cấp cho bệnh viện sớm nhất.
GS.TS Nguyễn Thanh Long cũng cho biết, Bộ Y tế sẽ cấp thêm máy thở cho các bệnh viện. “Bất cứ khi nào bệnh viện có nhu cầu cần báo cáo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn để Bộ Y tế điều phối/cấp phát”- Quyền Bộ trưởng nhấn mạnh
Quyền Bộ trưởng đề nghị Bệnh viện trung ương Huế và Bệnh viện đa khoa Trung ương Quảng Nam nỗ lực, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao cho ngành y tế: Chúng ta đã vượt qua giai đoạn một không có bệnh nhân tử vong, ngành y tế cần quyết tâm hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hạn chế tối đa bệnh nhân COVID-19 tử vong. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9).
Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Cử chuyên gia đầu ngành hỗ trợ miền Trung chống dịch Covid-19”; Công an Nhân dân, trang 5: “Tập chung nguồn lực cứu chữa các bệnh nhân nặng”; An ninh Thủ đô, trang 4: “ Ba giáo sư đầu ngành tư vấn phòng chống Covid-19”; Lao động, trang 3: “Nhiều tìn hiệu tích cực trong điều trị Covid 19 ở Đà Nẵng”; Tiền phong, trang 4: “Nỗ lực giảm số ca tử vong”; Nông thôn ngày nay, trang 4: “Dốc toàn lực cứu chữa bệnh nhân Covid-19 nặng”.
Chặn dịch Covid-19 vào bảo tàng, di tích
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lan rộng ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, các đơn vị quản lý bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố Hà Nội đã chủ động các biện pháp phòng, chống. Những việc làm này nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch Covid-19 trong cộng đồng và hướng đến mục tiêu ổn định hoạt động, gia tăng sức hút cho điểm đến.
“Bảo vệ bản thân, bảo vệ cộng đồng”
Đây là thông điệp được truyền tải thường xuyên tại cổng thông tin, trang mạng xã hội cũng như hệ thống pa nô trong khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Trước khi qua cổng di tích, du khách được kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn rửa tay diệt khuẩn, nhắc nhở đeo khẩu trang, di chuyển giãn cách… Cán bộ, nhân viên nơi đây cũng thông báo chi tiết về “đường dây nóng” để du khách thông tin kịp thời cho ban quản lý di tích nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong vòng 14 ngày, từ khi đến điểm tham quan.
Theo Trưởng phòng Giáo dục – Truyền thông (Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám) Đường Ngọc Hà, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lượng khách tới tham quan những ngày qua có giảm, song công tác phòng, chống dịch không vì thế mà lơ là. Tất cả các khu vực của di tích đều được vệ sinh và phun khử khuẩn thường xuyên. Tại các quầy lưu niệm, khu vực bán vé, soát vé… đều được trang bị đầy đủ nước diệt khuẩn và có khẩu trang y tế để phát miễn phí nếu du khách quên không mang theo. Cán bộ, nhân viên các bộ phận làm việc tại di tích cũng luôn đeo khẩu trang trong khi làm nhiệm vụ. “Trong trường hợp khách đi theo đoàn đông người, trung tâm khuyến cáo chia thành các nhóm nhỏ, lần lượt vào tham quan để bảo đảm cự ly giãn cách”, bà Đường Ngọc Hà cho biết.
Tương tự, tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, công tác chủ động ứng phó với dịch bệnh cũng được tuyên truyền, giám sát thực hiện sát sao, song hành với nhiệm vụ duy trì hoạt động tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy, du khách đến đây đều tuân thủ nghiêm các quy định về đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, rửa tay sát khuẩn… Chị Đỗ Thị Ngọc Tuyền ở phường Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy chia sẻ: “Trước khi đến tham quan Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, gia đình tôi cũng thấy lo. Thế nhưng khi đến đây, thấy từ cán bộ, nhân viên, tình nguyện viên đến khách tham quan đều đeo khẩu trang, chủ động giữ khoảng cách an toàn nên chúng tôi cảm thấy yên tâm và thoải mái khám phá các hiện vật và những câu chuyện về các tộc người”. Còn anh Nguyễn Tuấn Anh ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm cho biết: “Ngay từ cổng chính của bảo tàng, tôi và mọi người được nhắc nhở sát khuẩn tay, đeo khẩu trang. Các biển báo về phòng, chống dịch cũng rất rõ ràng và đặt ở nhiều vị trí dễ quan sát…”.
Ngoài ra, rất nhiều điểm đến bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh khác trên địa bàn Hà Nội cũng đang có cách làm chủ động, hiệu quả để phòng dịch, như: Kẻ ô giãn cách, tặng khẩu trang cho du khách, lưu thông tin cá nhân của du khách để tiện việc truy vết những người liên quan, nếu xuất hiện ca nhiễm bệnh…
Tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, để không bị động, ban quản lý nhiều điểm đến di sản đã và đang triển khai các giải pháp đồng bộ để phòng, chống dịch hiệu quả, đồng thời tổ chức các hoạt động tham quan, trải nghiệm phù hợp với tình hình mới. Đáng chú ý, nhiều nơi đã tích cực ứng dụng giải pháp công nghệ như Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Bảo tàng Lịch sử quốc gia đẩy mạnh các hoạt động triển lãm, trưng bày trực tuyến (online); Khu di sản Hoàng thành Thăng Long ứng dụng phần mềm tham quan ảo cho điện thoại di động, máy tính bảng…
Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Nguyễn Văn Huy, công nghệ ngày càng là một phần không thể thiếu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Vì vậy, chủ động tiếp cận công nghệ, tăng sức hấp dẫn cho các hoạt động tại bảo tàng, di tích là hướng đi cần thiết không chỉ cho giai đoạn hiện nay, mà cả lâu dài. Các bảo tàng, di tích có thể triển khai công nghệ trưng bày hiện đại, tổ chức dưới dạng trực tuyến hay tương tác ảo lồng ghép với hoạt động trải nghiệm khác, qua đó tăng cơ hội quảng bá, giới thiệu giá trị di sản tới nhiều người hơn.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động đánh giá, ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác bảo tàng, di tích cho thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ, nhằm tạo ra môi trường khám phá, thưởng thức các giá trị văn hóa, lịch sử hấp dẫn.
“Đây là một trong những giải pháp mà ngành Văn hóa Thủ đô chú trọng trong thời gian tới, không chỉ để ứng phó với dịch Covid-19, mà còn nhằm tạo điều kiện đưa di sản tới những người chưa có điều kiện tiếp cận di sản, thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch giai đoạn 2013-2020, tầm nhìn 2030 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ông Tô Văn Động cho biết thêm. (Hà Nội mới, trang 5).
Các tỉnh miền Trung quyết liệt phòng, chống dịch COVID-19
Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tại TP Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Trị, Quảng Nam liên tục phát hiện thêm các ca dương tính; nhiều người bệnh từng đến, hoặc đi qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế, hoặc có tiếp xúc gần với nhiều người trên địa bàn tỉnh nên nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng rất cao. Vì thế, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế tăng cường lực lượng, nâng cao các giải pháp, phối hợp với cơ quan y tế và ngành liên quan để thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch, ngăn chặn dịch bệnh lây lan…
Những ngày qua, ngoài việc bố trí lực lượng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để xác minh, truy vết F1, F2 và những trường hợp có liên quan đến bệnh nhân (BN) nhiễm COVID-19 từng ghé đến các địa điểm ở địa phương, Công an TP Huế còn bố trí lực lượng đảm bảo ANTT tại các khu cách ly; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra các cơ sở lưu trú, các chợ, cửa hàng kinh doanh, quầy thuốc…
Trung tá Phan Nguyễn Nhân Hạnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát kinh tế, Công an TP Huế cho biết, qua kiểm tra việc chấp hành phòng chống dịch của người dân và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn, đã phát hiện hàng chục trường hợp vi phạm các quy định, như không mang khẩu trang nơi công cộng; tập trung quá 20 người tại nơi công cộng; nhiều quán karaoke, tiệm game online vẫn hoạt động.
Do đó, ngoài việc lập biên bản xử lý các trường hợp vi phạm, đơn vị còn tuyên truyền đến người dân và các cơ sở, cửa hàng kinh doanh buộc phải thực hiện nghiêm túc quy định phòng chống dịch COVID-19; những trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm.
Anh Nguyễn Hoàng Phong, chủ quán cà phê ở phường Phước Vĩnh, TP Huế, cho hay, sau khi được các cán bộ, chiến sĩ Công an TP Huế tuyên truyền, nhắc nhở, anh cho nhân viên quán bố trí bàn cà phê tối đa không quá 4 người, bàn cách bàn 2m và cung cấp nước rửa tay sát khuẩn cho khách để đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Tuy nhiên, không phải chủ cơ sở kinh doanh dịch vụ nào cũng chấp hành nghiêm các quy định như anh Phong. Điển hình như mới đây, qua kiểm tra, Công an thị trấn Phong Điền (huyện Phong Điền) phát hiện quán karaoke 999 đóng trên địa bàn có 9 khách tập trung hát tại 2 phòng của quán này.
Tại phòng hát số 2, Công an phát hiện các đối tượng Nguyễn Văn Trường Sơn (SN 1997, trú xã Phong Hòa); Lê Hoàng Kim (SN 1996) và Trương Đình Ánh (SN 1993), trú xã Phong Thu; Trần Thị Mỹ Châu (SN 1997, trú phường Hương Long, TP Huế) có biểu hiện sử dụng trái phép chất ma túy. Test nhanh phát hiện 3 đối tượng Sơn, Kim, Ánh dương tính với ma túy nên cơ quan Công an đã mời các đối tượng về làm việc; đồng thời lập biên bản xử lý chủ quán karaoke vi phạm quy định phòng dịch…
Bên cạnh đó, Công an các đơn vị, địa phương ở tỉnh Thừa Thiên-Huế còn kiểm tra, nhắc nhở chủ cơ sở kinh doanh, cửa hàng, quầy kinh doanh lương thực, thực phẩm ở các chợ; xử lý các trường hợp sai phạm, lợi dụng dịch COVID-19 để tăng giá, găm hàng, buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên-Huế, hiện có 13 ca dương tính với SARS-CoV-2 chuyển từ các tỉnh, thành đến đang được điều trị tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế, trong đó có nhiều ca tiên lượng nặng.
Tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đang tổ chức cách ly y tế tập trung 2.680 trường hợp; cách ly bắt buộc tại nhà và nơi lưu trú hơn 4.813 trường hợp; khuyến cáo tự cách ly tại nhà và nơi lưu trú hơn gần 3.632 trường hợp; đã thực hiện xét nghiệm 30.750 mẫu.
Theo Đại tá Lê Văn Vũ, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, đi đôi với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, Công an tỉnh đã tăng cường bố trí lực lượng CSGT, Cảnh sát cơ động, Công an chính quy của các địa phương phối hợp với lực lượng liên ngành để làm nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát y tế.
Bình quân mỗi ngày, các chốt đã kiểm tra hàng nghìn lượt phương tiện và người qua về; thực hiện khai báo y tế, cách ly đối với những người từ vùng dịch trở về địa phương theo đúng quy định. Đặc biệt, lực lượng Công an tích cực phối hợp truy vết, phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp từ vùng dịch vào địa phương nhưng không khai báo y tế hoặc khai báo gian dối để công tác phòng chống dịch đạt hiệu quả.
* Sáng 13/8, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Trung ương Quảng Nam (đóng tại huyện Núi Thành) công bố khỏi bệnh và cho xuất viện đối với 2 BN 716 và 719. BN 716 (nữ, SN 1978, trú thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên) và BN 719 (nam, SN 1992, trú thôn Bình Khương, xã Bình Giang, huyện Thăng Bình) được chuyển đến BVĐK Trung ương Quảng Nam vào ngày 6/8, sau 1 tuần điều trị, 3 lần xét nghiệm đều có kết quả âm tính.
Theo quy định, các BN xuất viện trở về tự cách ly tại nhà thêm 14 ngày với sự giám sát của cán bộ y tế địa phương. Ngoài ra, có nhiều BN mắc COVID-19 khác tại Quảng Nam cũng đã có kết quả xét nghiệm âm tính và đang tiếp tục được theo dõi, điều trị.
Liên quan đến công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Quảng Nam cho biết, Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã thống nhất chủ trương cho BVĐK Vĩnh Đức (tại thị xã Điện Bàn) chủ động đầu tư toàn bộ cơ sở vật chất, hệ thống máy móc xét nghiệm COVID-19 bằng kỹ thuật Realtime-PCR nhằm nâng cao năng lực xét nghiệm để thay thế phương pháp test nhanh.
Đồng thời, yêu cầu bệnh viện này đào tạo cán bộ xét nghiệm đúng quy định và triển khai xét nghiệm SARS-CoV-2 đảm bảo hiệu quả, phù hợp; gửi báo cáo năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 về Sở Y tế Quảng Nam và Viện Pasteur Nha Trang.
Trong quá trình triển khai xét nghiệm, đơn vị tham gia xét nghiệm sàng lọc các mẫu thu thập từ cộng đồng theo chỉ đạo của Sở Y tế. Khi kết quả xét nghiệm nghi ngờ phải báo cáo về Sở Y tế, đồng thời chuyển mẫu về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Quảng Nam để xét nghiệm khẳng định.
Như vậy, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 4 cơ sở được phép xét nghiệm COVID-19 và có kết quả xét nghiệm được công nhận, gồm CDC Quảng Nam, Trường Đại học Phan Châu Trinh, BVĐK Trung ương Quảng Nam và BVĐK Vĩnh Đức. Việc tăng cường các cơ sở đủ năng lực để xét nghiệm SARS-CoV-2 có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác phòng, chống dịch; giúp cơ quan chức năng phát hiện sớm ca bệnh, tổ chức truy vết F1, F2, tiến hành cách ly, khoanh vùng dập dịch.
Những ngày qua, tình hình dịch bệnh tại tỉnh Quảng Nam vẫn đang diễn biến phức tạp khi số người mắc COVID-19 gia tăng. Tuy nhiên, với sự “tiếp lửa”, động viên của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đã tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch.
Thống kê sơ bộ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam, tính từ ngày 29/7 đến 12/8 đã có 52 cơ quan, tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 30 tỷ đồng cùng nhiều vật tư, trang thiết bị y tế và nhu yếu phẩm khác, góp phần chung tay phòng, chống dịch bệnh. Sự chung tay giúp đỡ của các doanh nghiệp, đơn vị, các nhà hảo tâm cùng với nguồn lực của Nhà nước là điều kiện tối quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, UBND tỉnh Quảng Nam đã quyết định tiếp tục cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại TP Hội An kể từ 0h ngày 14/8. Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam cũng đã quyết định cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 tại TP Hội An, bắt đầu từ 0h ngày 31/7 đến 0h ngày 14/8.
* Cùng ngày, tại tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận còn 4 ca mắc COVID-19 đang được theo dõi, chăm sóc, điều trị tại Cơ sở 2 – Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn. Các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi cũng đã thành lập và đi vào hoạt động hơn 1.200 tổ giám sát và truyền thông phòng, chống dịch COVID-19 cộng đồng, thực hiện việc theo dõi, giám sát, truyền thông phòng, chống dịch tại các hộ gia đình.
Theo ông Phạm Minh Đức, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ngãi, nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dịch bệnh tại tỉnh này đang có dấu hiệu được kiểm soát tốt. Tuy nhiên, đa số các ca mắc tại Quảng Ngãi nói riêng và cả nước đều không có triệu chứng, hoặc triệu chứng nhẹ nên nguy cơ bỏ sót ca bệnh (F0) nếu không truy vết tất cả các đối tượng tiếp xúc.
Vì vậy, cần tập trung cao độ để thực hiện quyết liệt các biện pháp, nhất là truy vết đối tượng có yếu tố dịch tễ. Cần huy động thêm nhiều nhân lực, vật lực để tham gia. Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực xét nghiệm và trả kết quả tại tỉnh để kịp thời đưa ra những giải pháp phù hợp và mở rộng đối tượng lấy mẫu xét nghiệm, sàng lọc, truy vết.
* Tại tâm dịch Đà Nẵng, ngày 13/8, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đã ký quyết định áp dụng biện pháp cách ly khu vực để phòng chống dịch COVID-19 đối với 2 khu chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà; gồm nhà B1 – chung cư cuối tuyến Bạch Đằng Đông và nhà A3 – chung cư Vũng Thùng, phường Nại Hiên Đông. Thời gian cách ly, phong tỏa bắt đầu từ 10h ngày 13/8 đến 10h ngày 27/8 (có thể gia hạn thêm trong trường hợp cần thiết).
Để đảm bảo thực hiện biện pháp cách ly, người dân sinh sống tại các chung cư trên phải ở tại căn hộ, không được ra ngoài, thường xuyên đeo khẩu trang và rửa tay sát khuẩn; hạn chế giao tiếp với người khác trong chung cư, nếu giao tiếp phải giữ khoảng cách 2m, không hoang mang, lo sợ, bình tĩnh thực hiện các biện pháp phòng dịch cho bản thân và gia đình theo chỉ đạo, hướng dẫn của chính quyền địa phương.
Theo ghi nhận thực tế, vào thời điểm thực hiện biện pháp cách ly, toàn bộ 2 khu chung cư được căng dây bảo vệ, lực lượng Công an, dân phòng và bảo vệ dân phố được bố trí chốt chặn tại cửa chính ra vào chung cư. Lực lượng y tế cũng đã triển khai các biện pháp khử khuẩn, khoanh vùng dập dịch.
Ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông cho biết, 2 chung cư B1 và A3 có tổng cộng 90 hộ với 211 nhân khẩu. Trong đó chung cư B1 có 4 ca mắc COVID-19, chung cư A3 có 2 ca mắc. Toàn bộ các ca mắc COVID-19 đã được đưa đi cách ly, chữa trị tại các bệnh viện chuyên sâu, riêng các trường hợp F1 đã được đưa đi cách ly tập trung.
Nại Hiên Đông là phường có 56 block (toà nhà) chung cư, với hơn 4.770 căn hộ, được mệnh danh “phố chung cư”. Hiện tại, trên địa bàn phường đã ghi nhận 12 ca mắc COVID-19, và là địa phương có nhiều ca mắc COVID-19 nhất trên địa bàn TP Đà Nẵng, tính đến thời điểm hiện tại.
Trước đó, vào tối 11/8, UBND phường Nại Hiên Đông cũng đã ra thông báo khẩn cấp liên quan đến thông tin về việc tạm dừng hoạt động chợ Nại Hiên. Nguyên nhân là qua điều tra dịch tễ một số ca nhiễm COVID-19, có 3 BN đã vào mua bán tại chợ này.
Để kịp thời ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh bùng phát, lây lan ra cộng đồng, ngay trong sáng 11/8, Trung tâm Y tế quận Sơn Trà đã phối hợp với UBND phường Nại Hiên Đông tiến hành lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ tiểu thương và người đi chợ tại thời điểm lấy mẫu để tầm soát dịch tễ.
Và trong thời điểm chờ kết quả xét nghiệm, nhằm đảm bảo an toàn sức khỏe cho tiểu thương và nhân dân, vào sáng 12/8, UBND phường Nại Hiên Đông quyết định tạm thời ngưng hoạt động chợ Nại Hiên Đông để phun khử khuẩn, cho đến khi cơ quan chức năng xác nhận an toàn.
Cùng ngày, BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng cũng đã ra quyết định về việc thiết lập vùng cách ly y tế đối với thôn Yến Nê 2, xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang – nơi có các ca mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố trong những ngày qua. Theo BCĐ phòng, chống dịch COVID-19 TP Đà Nẵng, tính từ ngày 24/7 đến 18h ngày 12/8, Bộ Y tế công bố tại Đà Nẵng ghi nhận 296 trường hợp mắc COVID-19, trong đó có 263 trường hợp đang điều trị tại TP Đà Nẵng, 16 trường hợp được chữa khỏi bệnh và ra viện.
Qua đó, đã xác định được 10.242 các trường hợp F1 (tiếp xúc gần với ca bệnh xác định), 11.338 các trường hợp F2 (tiếp xúc gần với người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định). Đặc biệt, đã xác định được 28 điểm dịch có quy mô 2 ca trở lên, là các điểm nóng thuộc 16 phường tại 7 quận, huyện. Hiện tại, Đà Nẵng đã cách ly 21.580 trường hợp, lấy mẫu xét nghiệm đối với 68.150 người.
Tính từ 27/7/2020 đến nay, lực lượng Công an phối hợp với các đơn vị chức năng xử phạt hành chính 401 trường hợp vi phạm các quy định về phòng chống dịch, với số tiền 497 triệu đồng. Trong đó, nhiều nhất vẫn hành vi vi phạm không đeo khẩu trang theo quy định, tụ tập đông người, sử dụng ma túy trái phép, đánh bạc…
Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đánh giá cao sự cố gắng của CBCS trong công tác phòng, chống COVID-19 và bảo đảm ANTT trên địa bàn.
Theo Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, dịch bệnh COVID -19 còn nhiều diễn biến phức tạp, chính vì vậy Công an các đơn vị, địa phương cần phải tiếp tục tăng cường tuyên truyền cho người dân không chủ quan trong công tác phòng, chống COVID-19; tuần tra, giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về giãn cách xã hội; quản lý chặt chẽ các tổ chức, cá nhân hoạt động từ thiện, tự phát thu hút đông người nhưng không có biện pháp giãn cách phù hợp. Bên cạnh đó, cần bố trí nhà bạt tại các chốt để CBCS làm nhiệm vụ vào mùa mưa, không để ảnh hưởng đến sức khỏe.
Cũng trong ngày 13/8, UBND Đà Nẵng yêu cầu UBND các quận, huyện phối hợp với Sở Y tế, CDC Đà Nẵng hoàn thành việc truy vết và tổ chức xét nghiệm cho hết những người dân có liên quan đến Bệnh viện Đà Nẵng.
Ngay sau khi công bố các ca dương tính với SARS-CoV-2 trong ngày, đề xuất Sở Y tế thẩm định trình Chủ tịch UBND TP xem xét ra quyết định cách ly, khoanh vùng các điểm nóng có người nhiễm COVID-19 vào 8h ngày hôm sau và thực hiện ngay các bước phòng, chống dịch đối với các điểm này.
Đồng thời, tăng cường xử phạt hành chính theo thẩm quyền các hành vi vi phạm Chỉ thị 16; giao Sở Công Thương và các cơ quan liên quan tăng cường quản lý tốt hơn hoạt động các chợ, siêu thị trên địa bàn; giao Sở Xây dựng phối hợp với Sở LĐ,TB&XH, Sở Y tế, UBND các quận, huyện và các cơ quan liên quan làm việc với nhà thầu, chủ đầu tư, chủ sử dụng lao động các công trình xây dựng có trách nhiệm hỗ trợ điều kiện ăn, ở, đưa người lao động về quê nếu có nhu cầu; không để người lao động ở lại các công trình, lán trại không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.
Đặc biệt, Công an TP khẩn trương hoàn thành các thủ tục pháp lý, đưa ra xét xử kịp thời các vụ án vi phạm trong thời gian dịch bệnh để kịp thời tuyên truyền, răn đe.
Một tin vui, vào sáng 13/8, Bệnh viện dã chiến Hòa Vang đã công bố 10 BN mắc COVID-19 đã khỏi bệnh. Đây là số BN khỏi bệnh nhiều nhất trong một ngày kể từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch.
Ông Nguyễn Đại Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, cho biết, các BN khỏi bệnh đều có kết quả xét nghiệm âm tính từ 3-5 lần (gồm các BN 466, 469, 495, 555, 581, 638, 682, 665, 730 và 685). Các BN có độ tuổi từ 1-66; trong đó, có 8 BN người Đà Nẵng và 2 BN người Quảng Nam.
Sau khi xuất viện, các BN được xe của bệnh viện đưa về tận địa phương để tiếp tục cách ly, theo dõi y tế thêm 14 ngày tiếp theo.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã trao giấy xuất viện cho các BN và chia sẻ, đây là dấu hiệu đáng mừng của ngành Y tế và là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực trong suốt thời gian qua. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn khẳng định, ngành Y tế Đà Nẵng và Trung ương đã dồn sức ở Bệnh viện Hòa Vang để tập trung cứu chữa các BN mắc COVID-19.
Hơn 170 BN còn lại tại đây sẽ tiếp tục được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất, với phác đồ điều trị phù hợp để được an toàn trong điều trị tại bệnh viện cũng như sau khi xuất viện. Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng cho biết thêm, công tác điều trị các BN nhiễm COVID-19 còn lại vẫn còn đang tiếp tục.
Ngành Y tế đang phối hợp với Bộ Y tế triển khai, áp dụng các phác đồ điều trị mới, nhất là những BN có bệnh nền, để tích cực theo dõi, điều trị thích ứng với thể trạng, bệnh lý. Hiện tại, số BN xét nghiệm có kết quả âm tính ngày một nhiều lên.
Có được kết quả bước đầu này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, các bệnh lý, tim mạch, thận nhân tạo để hỗ trợ các bệnh viện, đặc biệt là Bệnh viện Hòa Vang và Bệnh viện Phổi Đà Nẵng. Bên cạnh đó, bệnh viện được chi viện hơn 100 thầy thuốc từ Phú Thọ, Bình Định, Huế để phối hợp tổ chức, điều trị, hồi sức. (Công an Nhân dân, trang 4).
Cùng chủ đề Báo Hà Nội mới, trang 1: “Triển khai nhiều giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 lây lan trong cộng đồng”.
Dân chủ, đoàn kết, sáng tạo, đổi mới vì sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng ủy Bộ đã đoàn kết, thống nhất, cùng với Ban Cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Y tế tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, các đơn vị trong toàn Đảng bộ nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trước thềm Đại hội Đảng bộ Bộ Y tế lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, PV báo Sức khỏe&Đời sống đã có cuộc trao đổi với đồng chí Đỗ Xuân Tuyên – Bí thư Đảng ủy Bộ Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế.
PV: Xin đồng chí cho biết những kết quả quan trọng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ Bộ Y tế nhiệm kỳ 2015-2020?
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên: Xác định vai trò quan trọng của công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành y tế, Đảng ủy và Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt đến từng cấp ủy, đảng bộ, chi bộ và từng đảng viên 02 Nghị quyết quan trọng của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII: Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới, các nhiệm vụ trọng tâm và kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế giai đoạn 2016-2020, lãnh đạo toàn ngành triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Trong giai đoạn 2015-2020, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, công tác dân số đạt được những kết quả quan trọng: thực hiện vượt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao hàng năm về số giường bệnh trên vạn dân và tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế, đạt mức sinh thay thế và từng bước nâng cao chất lượng dân số.
Đảng ủy và Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Nghị quyết 19-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về sắp xếp, tinh gọn hệ thống tổ chức và bộ máy các đơn vị sự nghiệp, rà soát, củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy các đơn vị trong toàn Đảng bộ theo hướng tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp, hướng dẫn các Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai công tác sắp xếp bộ máy, tổ chức các đơn vị trực thuộc, điển hình là việc sắp xếp, sáp nhập và hoàn thiện hệ thống Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh, thành phố; trung tâm y tế đa chức năng cấp huyện và hệ thống bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh ở địa phương.
Chỉ đạo triển khai nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong giai đoạn 2015- 2020, bằng việc ban hành Đề án Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh; Đề án xây dựng bệnh viện xanh – sạch – đẹp, bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách thủ tục hành chính giảm thời gian chờ trong khám chữa bệnh… đã tạo thành bước đột phá trong công tác khám, chữa bệnh, lấy người bệnh là trung tâm, là mục tiêu cho cung cấp dịch vụ y tế; đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia của người dân, người bệnh và được dư luận xã hội đánh giá cao về sự đổi mới của ngành y tế. Chỉ đạo nghiên cứu, phát triển, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật tiên tiến, hiện đại ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó nổi bật như ghép đa tạng phối hợp xuyên Việt từ người cho chết não tới nhiều người nhận, ghép tế bào gốc, ứng dụng robot phẫu thuật…
Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác y tế dự phòng có những bước tiến vượt bậc, được đánh giá cao, đặc biệt là trong sản xuất vắc-xin; ngăn chặn không để xâm nhập Việt Nam các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên thế giới như Ebola, MERS-CoV; hạn chế tối đa xâm nhập và lây nhiễm Zika; đặc biệt là hạn chế tối đa sự xâm nhập và lây lan trong cộng đồng của đại dịch COVID-19, giảm thiểu tử vong cho bệnh nhân mắc COVID-19. Bên cạnh đó, chú trọng tuyên truyền, vận động thực hiện chương trình Sức khỏe Việt Nam; quản lý tốt bệnh không lây nhiễm tại cộng đồng.
Đổi mới cơ chế tài chính, công tác dược, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị có nhiều kết quả tích cực; đẩy mạnh đấu thầu tập trung thuốc quốc gia, thí điểm đấu thầu tập trung vật tư y tế, góp phần giảm giá thuốc và giảm chênh lệch giá thuốc giữa các địa phương, cơ sở y tế. Các chính sách bảo hiểm y tế, khám, chữa bệnh và tính đúng giá dịch vụ y tế từng bước được hoàn thiện và triển khai trong toàn hệ thống; Tăng tỷ lệ mua bảo hiểm y tế vượt mức Quốc hội giao và thực hiện lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân. Cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập được đổi mới theo hướng tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tổ chức thực hiện nhiệm vụ, bộ máy, biên chế, tài chính; số đơn vị tự chủ chi thường xuyên tăng, giảm số người làm việc hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Công tác thông tin, cung cấp thông tin y tế, truyền thông, giáo dục sức khỏe đã có những bước tiến nổi bật, toàn ngành quán triệt, thực hiện nghiêm công tác phát ngôn và cung cấp thông tin y tế theo quy định tại Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/2/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước, Quyết định số 1445/QĐ-BYT ngày 05/11/2013 của Bộ Y tế quy định phát ngôn và cung cấp thông tin của Bộ Y tế; chú trọng cung cấp thông tin chính xác, minh bạch về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân và các nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế, chú trọng xử lý khủng hoảng truyền thông y tế. Đặc biệt, truyền thông được đẩy mạnh, chủ động, minh bạch, linh hoạt, sáng tạo trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, định hướng thông tin về tình hình dịch bệnh, khuyến cáo các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, được người dân và xã hội cũng như dư luận quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Về công tác xây dựng Đảng
Trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác học tập, quán triệt, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, chủ trương của Đảng từng bước được Đảng bộ Bộ Y tế thực hiện bài bản, đồng bộ, trong đó đặc biệt là triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII). Thông qua đó, góp phần ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Quán triệt tinh thần Nghị quyết số 18 và Nghị quyết số 19 (khóa XII), các cấp ủy, tổ chức đảng được củng cố, kiện toàn phù hợp với mô hình tổ chức của Bộ, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng; nhận thức và việc làm của đại đa số cán bộ, đảng viên được nâng lên; vai trò lãnh đạo của các cấp ủy trong lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ được đề cao đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật tiếp tục được tăng cường; kỷ cương, kỷ luật của Đảng được giữ vững, góp phần quan trọng trong việc cảnh báo, phòng ngừa sai phạm, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ, củng cố lòng tin của quần chúng đối với Đảng.
Đối với công tác dân vận, nhất là công tác dân vận trong các cơ quan thuộc Bộ và đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế bước đầu được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện và đạt nhiều kết quả; công tác lãnh đạo các tổ chức đoàn thể có bước phát triển mới, hoạt động của các tổ chức đoàn thể đem lại hiệu quả thiết thực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chuyên môn và công tác xây dựng Đảng.
Hiện Đảng bộ Bộ Y tế có 32 tổ chức đảng trực thuộc gồm 13 đảng bộ cơ sở, 01 đảng bộ bộ phận, 10 chi bộ cơ sở và 8 chi bộ trực thuộc Đảng bộ Bộ Y tế; 73 chi bộ trực thuộc Đảng bộ cơ sở và Đảng bộ bộ phận. Tổng số đảng viên trong toàn Đảng bộ Bộ là 1.020 đồng chí.
Công tác quản lý và phát triển đảng viên luôn được Đảng ủy chú trọng. Trong nhiệm kỳ đã kết nạp được 206 quần chúng ưu tú vào Đảng; tổ chức 05 lớp học tập về lý luận chính trị cho đảng viên mới; tổ chức 05 lớp tìm hiểu về Đảng cho 370 quần chúng ưu tú.
PV: Đạt được những kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua, theo đồng chí, Đảng ủy Bộ Y tế đã rút ra những bài học kinh nghiệm nào trong thực hiện chức trách nhiệm vụ?
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên: Công tác y tế luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ủng hộ; Ban chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành 02 Nghị quyết quan trọng là Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới; định hướng các nhiệm vụ, mục tiêu về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân cùng công tác dân số. Đây chính là định hướng rất quan trọng để Đảng ủy và Ban Cán sự Đảng lãnh đạo, chỉ đạo các đơn vị trong Đảng bộ và toàn ngành xây dựng, triển khai, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.
Đảng ủy luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên của Đảng ủy Khối, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Cán sự Đảng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo luôn đảm bảo xuyên suốt, nhanh chóng từ trên xuống dưới; đồng bộ giữa thực hiện nhiệm vụ chính trị với công tác xây dựng Đảng; đảm bảo thống nhất, chặt chẽ trong chỉ đạo các hoạt động của ngành; quán triệt và triển khai các chủ trương, nghị quyết của TW, của Đảng ủy Khối để cụ thể hóa thành các nghị quyết, chủ trương của Đảng ủy Bộ trong lãnh đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao đối với các đơn vị, duy trì phương châm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các chủ trương, giải pháp trong công tác.
Từ đó, chúng tôi cho rằng, để đạt được những kết quả trong nhiệm kỳ vừa qua, Đảng ủy Bộ Y tế rút ra những bài học kinh nghiệm như sau:
Một là phải quan tâm, chú trọng công tác xây dựng Đảng, nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng; giữ vững nguyên tắc, kỷ luật, kỷ cương, nêu gương, đoàn kết thống nhất, gắn bó mật thiết với cán bộ, đảng viên và quần chúng; tôn trọng và phát huy quyền làm chủ, chăm lo đến lợi ích chính đáng của cán bộ, đảng viên và người lao động. Coi trọng việc xây dựng và thực hiện quy chế phối hợp giữa cấp ủy với lãnh đạo đơn vị trên mọi mặt công tác, trong đó đặc biệt là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí và sử dụng cán bộ.
Hai là coi trọng việc học tập, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình hành động thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn, cơ chế làm việc và đặc điểm của cơ quan đơn vị; tăng cường bồi dưỡng tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ cho các cấp ủy, đội ngũ cán bộ làm công tác đảng về các quy định, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các hướng dẫn của các Ban Đảng ở TW trong từng lĩnh vực về công tác xây dựng Đảng.
Ba là các cấp ủy đảng phải thường xuyên tự đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu; đổi mới nội dung và phương pháp ra Nghị quyết, xây dựng và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc, chương trình công tác, định kỳ sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm; tăng cường xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong cấp ủy Đảng, các cấp lãnh đạo và trong toàn đơn vị.
Bốn là thường xuyên duy trì và cải tiến nội dung sinh hoạt chi bộ thường kỳ và chuyên đề, gắn các nội dung chuyên đề với từng nhiệm vụ chính trị theo từng giai đoạn cụ thể…
Năm là chăm lo xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch vững mạnh và phát huy sức mạnh của cơ quan, đơn vị, các tổ chức đảng, đoàn thể; tăng cường và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát để phát huy ưu điểm và khắc phục kịp thời những thiếu sót làm cho cá nhân và tổ chức đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh…
PV: Vậy, xin đồng chí cho biết những mục tiêu, nhiệm vụ chủ yếu của Đảng bộ Bộ Y tế trong nhiệm kỳ 2020-2025?
Đồng chí Đỗ Xuân Tuyên: Nhiệm kỳ 2020-2025 là những năm bản lề căn bản mà toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta quyết tâm nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen, tình hình khu vực và thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường. Yêu cầu đặt ra đối với Đảng bộ Bộ Y tế trong việc lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ tới cần phải nỗ lực phấn đấu mạnh mẽ, quyết liệt và có nhiều giải pháp mang tính đột phá, cần phải nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; phát huy vai trò, tính tiên phong gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ và các đồng chí bí thư cấp ủy của các đơn vị trong toàn Đảng bộ.
Ở nhiệm kỳ này, về thực hiện nhiệm vụ chính trị, Đảng bộ Bộ Y tế đề ra mục tiêu hoàn thành công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thiện thể chế, cải cách hành chính, tăng cường năng lực quản lý về y tế đạt 100% kế hoạch xây dựng các Đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kế hoạch xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Y tế.
Hoàn thiện tổ chức hệ thống y tế: xây dựng tổ chức bộ máy y tế dự phòng ở Trung ương theo mô hình Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Trung ương (CDC); tổ chức bộ máy, kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, trang thiết bị y tế theo mô hình FDA…
Đổi mới cơ chế tài chính và quản lý đầu tư công, tăng cường tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; Mở rộng diện bao phủ bảo hiểm y tế bền vững, tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân; tiếp tục thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế…
Chủ động cập nhật thông tin, dự báo, xây dựng kế hoạch phòng, chống dịch bệnh; không để dịch lớn xảy ra; giám sát chặt chẽ, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch truyền nhiễm, hạn chế tối đa dịch bệnh xâm nhập Việt Nam và lây lan trong cộng đồng…
Tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh và phục hồi chức năng ở tất cả các tuyến; giảm tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến trên; phát triển các dịch vụ khám, chữa bệnh phổ cập hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân… Bảo đảm cung ứng đủ thuốc, vắc-xin, sinh phẩm y tế, máu, chế phẩm máu và trang thiết bị y tế có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân…
Về công tác xây dựng Đảng: 100% cán bộ, đảng viên được học tập, nghiên cứu, quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, các quy định, quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các nghị quyết của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng và Đảng ủy Bộ Y tế. Tiếp tục hoàn thành xây dựng các đề án, nhiệm vụ triển khai thực hiện Nghị quyết số 20 và Nghị quyết số 21 của BCH TW 6 (khóa XII) trước 30/6/2021.
100% chi bộ xây dựng kế hoạch hằng năm thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tổ chức sinh hoạt chuyên đề; 100% các cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị và cá nhân, lãnh đạo, quản lý trong Đảng bộ Bộ xây dựng kế hoạch, đề ra biện pháp phù hợp để thực hiện Nghị quyết TW4 (khóa XII).
Hằng năm, có trên 60% đảng bộ, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh, trong đó có 20% tổ chức đảng đạt trong sạch vững mạnh tiêu biểu, không có tổ chức đảng yếu kém; 80% đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có 20% trở lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị cho khoảng 450 quần chúng và đoàn viên ưu tú. Kết nạp ít nhất 230 đảng viên mới trở lên và 100% đảng viên mới kết nạp được chuyển đảng chính thức.
Hằng năm, 100% các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; thực hiện công khai những việc cán bộ, công chức phải được biết, được tham gia và được kiểm tra, giám sát theo đúng quy định.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí! (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).
12 bệnh nhân ra viện: Tín hiệu đáng mừng
“Đây là tín hiệu rất đáng mừng và là kết quả xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi của các anh em trong suốt thời gian qua” – Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn chia vui cùng 10 bệnh nhân vừa được Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, TP Đà Nẵng công bố khỏi bệnh sáng 13-8.
Đây cũng là ngày có nhiều bệnh nhân nhất được công bố khỏi bệnh kể từ khi Đà Nẵng bùng phát dịch. Cũng trong sáng cùng ngày, tại Bệnh viện Đa khoa trung ương Quảng Nam, 2 bệnh nhân đã được xuất viện sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính lần 3.
Con ra viện, mẹ ở lại điều trị
Trong số 10 bệnh nhân được ra viện sáng 13-8, mọi sự chú ý đều đổ dồn về bệnh nhân 685, bé T., mới 1 tuổi. Vừa được các bác sĩ đưa ra từ khu vực cách ly, T. chồm đến bên vòng tay ông bà vì mẹ là bệnh nhân 503 hiện vẫn còn đang trong quá trình điều trị.
Lau nước mắt, chị H. (cô ruột của T.) xúc động: “Suốt đêm cả nhà không ai ngủ được vì biết tin cháu được cho ra viện. Tròn nửa tháng nay cả nhà tôi ai cũng sống trong cảnh hồi hộp, lo lắng vì bản thân tôi cũng vừa hoàn thành đợt cách ly”.
Ngày 28-7, mẹ của cháu T., là điều dưỡng tại Trung tâm Y tế quận Hải Châu, được đưa đi cách ly và xét nghiệm COVID-19, hai ngày sau có kết quả dương tính thì đến lượt bà H., mẹ chồng chị T., và cháu bé được đi cách ly. Đến ngày 4-8, bệnh nhi có kết quả dương tính và được đưa đến bệnh viện dã chiến điều trị.
Giây phút cháu bé về với vòng tay ông bà ai nấy đều nghẹn ngào, dù biết rồi đây cả nhà sẽ tiếp tục cách ly thêm lần nữa trong vòng 14 ngày.
Theo bác sĩ Nguyễn Đại Vĩnh – giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hòa Vang, 10 bệnh nhân khỏi bệnh lần này trong độ tuổi từ 1-66. Trong số này có 8 người Đà Nẵng và 2 người Quảng Nam nên sau khi xuất viện, các bệnh nhân được xe của bệnh viện đưa về tận địa phương để tiếp tục cách ly, theo dõi y tế.
“Đây là lần đầu tiên ở đây công bố xuất viện cho bệnh nhân COVID được chữa khỏi. Niềm vui nhất của tôi sau những ngày căng thẳng có lẽ là khoảnh khắc này” – bác sĩ Vĩnh nói.
Dịch vụ tốt nhất đang ở đây
Như vậy từ thời điểm Đà Nẵng bùng phát dịch đến nay đã có 15 bệnh nhân được điều trị khỏi từ cả hai cơ sở y tế mới thành lập để đặc trị COVID. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, việc một bệnh viện dã chiến mới thành lập điều trị khỏi cùng lúc cho 10 bệnh nhân là dấu hiệu đáng mừng và là kết quả xứng đáng.
Thành quả bước đầu này là nhờ sự hỗ trợ rất lớn từ các chuyên gia đầu ngành về hồi sức, các bệnh lý tim mạch, thận nhân tạo chi viện cho bệnh viện cũng như ngành y tế địa phương.
Thứ trưởng Sơn cho biết hơn 170 bệnh nhân còn lại tại đây sẽ tiếp tục được cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất với phác đồ điều trị phù hợp, để được an toàn trong điều trị tại bệnh viện cũng như sau khi xuất viện.
Trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ về việc mở cửa Bệnh viện dã chiến Tiên Sơn trong bối cảnh tín hiệu khống chế dịch ngày càng khả quan, Thứ trưởng Sơn cho biết mọi thứ vẫn phải sẵn sàng trong những ngày tới.
“Chúng ta vẫn sẽ nghiệm thu, vẫn sẽ sẵn sàng cơ sở cho trường hợp tình hình diễn biến phức tạp khó lường. Chúng tôi vẫn nghĩ sẽ giữ bệnh viện dã chiến trong một thời gian để đảm bảo hoàn toàn khống chế được dịch thì mới thôi” – Thứ trưởng Sơn cho biết. (Tuổi trẻ, trang 15).
Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 1: “Bé 8 tháng tuổi thắng Covid-19”.