Sơ cứu đúng bệnh nhân co giật do động kinh

(CDC Hà Nam)
Động kinh là một bệnh lý của não bộ, xảy ra ở mọi lứa tuổi, mọi chủng tộc. Khi các tín hiệu điện tại não bị sai lạc sẽ gây ra động kinh.

Cơn động kinh biểu hiện bằng những thay đổi về ý thức, vận động, cảm giác và giác quan của người bệnh. Bệnh nhân có thể vẫn còn cơn động kinh, mặc dù đang được điều trị liên tục. Trong cơn động kinh, bệnh nhân thường cần đến sự chăm sóc của người khác. Do đó, sự giúp đỡ đúng đắn của bạn góp phần đem lại sự an toàn cho người bệnh.

Các loại động kinh

Có nhiều loại cơn động kinh khác nhau. Loại được biết đến nhiều nhất là động kinh cơn lớn: Bệnh nhân đang sinh hoạt bình thường đột nhiên ngã lăn ra đất, mất ý thức, trợn mắt, gồng cứng người, sau đó co giật. Trong cơn, bệnh nhân thở rất yếu hoặc ngưng thở, tím môi. Sau 1-2 phút, cơn co giật giảm dần rồi ngưng, bệnh nhân sẽ dần thở lại như bình thường rồi từ từ tỉnh lại.

Ngoài ra, động kinh có thể biểu hiện bằng những cơn co giật cục bộ, thay đổi ý thức, thay đổi về cảm giác hoặc giác quan; với đặc điểm cơn ngắn chỉ một hoặc hai phút và tái đi tái lại.

Cần biết sơ cứu đúng bệnh nhân co giật do động kinh.

Cần biết sơ cứu đúng bệnh nhân co giật do động kinh.

Những việc nên làm

Giúp bệnh nhân không bị chấn thương trong lúc đang co giật bằng cách di dời những đồ vật có thể gây sang chấn cho bệnh nhân ra xa. Đặt một chiếc gối mỏng, mềm dưới đầu bệnh nhân; nới lỏng cổ áo, cà-vạt, thắt lưng… Nên cho bệnh nhân nằm nghiêng sang một bên, chùi sạch nước bọt hoặc các chất nôn ói (nếu có). Ghi nhận thời gian cơn co giật (co giật kéo dài trong bao lâu). Khi cơn co giật thoái lui, đảm bảo bệnh nhân thở lại như bình thường.

Những việc không nên làm

Không cố gắng ngăn ngừa bệnh nhân cắn phải lưỡi bằng cách đưa bất cứ một thứ đồ vật nào vào miệng bệnh nhân. Nếu bệnh nhân chẳng may cắn phải lưỡi lúc co giật, khi hết cơn đưa bệnh nhân vào bệnh viện may lại. Không đè hoặc giữ tay chân bệnh nhân lúc đang co giật. Không nặn chanh vào miệng bệnh nhân, cũng như không ép bệnh nhân uống thuốc hoặc uống nước cho đến khi tỉnh táo hoàn toàn. Cần biết rằng cơn động kinh chỉ kéo dài từ 1-2 phút, sau đó sẽ tự ngưng.

Bệnh nhân bị động kinh lúc đang ở dưới nước

Giữ cho đầu bệnh nhân ở trên mặt nước và nghiêng về một bên. Đưa bệnh nhân lên cạn ngay khi có thể. Sau khi đưa lên cạn, đảm bảo bệnh nhân có thể thở lại như bình thường. Nếu không, phải tiến hành cấp cứu hoặc gọi cấp cứu ngay. Nên đưa bệnh nhân đến bệnh viện để kiểm tra, dù bệnh nhân cảm thấy khỏe sau cơn.

Bệnh nhân bị động kinh trên xe bus

Đỡ bệnh nhân nằm ra trên các ghế, lót vật mềm dưới đầu. Cho bệnh nhân nằm nghiêng về một bên. Giải thích với các hành khách xung quanh để có thêm sự trợ giúp, tránh hoảng loạn quá mức.

Bệnh nhân bị động kinh nên đeo thẻ bài có chữ “bệnh động kinh” trên cổ hoặc tay, để khi cơn động kinh xảy ra, những người xung quanh có thể biết cách giúp đỡ bạn tốt hơn.

Khi nào cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện?

Bệnh nhân chưa được chẩn đoán động kinh trước đó. Bệnh nhân đang mang thai, đang bị tiểu đường hoặc bị chấn thương lúc co giật. Cơn co giật kéo dài trên 5 phút. Cơn co giật thứ hai xảy ra ngay khi cơn đầu tiên vừa chấm dứt. Sau cơn, bệnh nhân không thở lại tốt như bình thường, than đau đớn trong người hoặc không tỉnh lại.

Những trường hợp không cần nhập viện cấp cứu bao gồm: Bệnh nhân đã khám và đang uống thuốc nhưng có cơn động kinh  và thoái lui sau một hai phút, và bệnh nhân bắt đầu tỉnh lại và có thể thở như bình thường. Sau một thời gian nghỉ ngơi, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Người già nên uống vitamin gì?

Ngọc Nga

BỆNH SỞI – NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Ngọc Nga

Ăn bao nhiêu chuối mỗi ngày là đủ?

Ngọc Nga

Để lại bình luận