Đối phó chứng rối loạn tiền đình

(CDC Hà Nam)
RLTĐ gây ra trạng thái mất cân bằng về tư thế, làm cho người bệnh thường xuyên bị chóng mặt, quay cuồng, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, đi đứng lảo đảo… gây khó chịu. Bệnh rất hay tái phát, từ đó làm ảnh hưởng đến công việc và chất lượng cuộc sống.

Nguyên nhân do đâu?

Về nguyên nhân gây nên hội chứng RLTĐ được chia theo 2 nhóm chính.

Nếu là hội chứng tiền đình ngoại biên do các nguyên nhân như: bệnh Ménière, viêm mê nhĩ, viêm dây WIII do thuốc (ví dụ như nhóm kháng sinh aminosid), chấn thương (vỡ xương đá), cơn chóng mặt tư thế lành tính, u góc cầu tiểu não (u dây WIII), viêm dây tiền đình do virus.

Hội chứng tiền đình trung ương do nguyên nhân như: thiếu máu não hệ sống nền, khối máu tụ vùng hố sau, u thân não, xơ cứng rải rác, áp-xe não…

Biểu hiện của hội chứng tiền đình

Hội chứng tiền đình thường xuất hiện với cơn cấp tính. Cơn có thể tự xuất hiện hay khi người bệnh bị một yếu tố thuận lợi nào đó kích thích, như nghe tiếng động mạnh, âm thanh lớn khó chịu, cãi vã, xung đột, đi xa trên các phương tiện giao thông… Triệu chứng thường gặp là chóng mặt, chao đảo, thấy mọi vật như xoay vần, buồn nôn, nôn. Nặng hơn có thể có các triệu chứng mất thăng bằng, không giữ được tư thế, bước đi khó khăn, dễ ngã… Cơn chóng mặt sẽ tăng nếu cử động hay xoay đầu nhanh. Cơn RLTĐ thường xảy ra từng đợt, rất dễ tái phát khi nguyên nhân gây RLTĐ chưa được giải quyết.

Những cơn chóng mặt của hội chứng tiền đình làm người bệnh rất khó chịu, đôi khi họ không dám đi xa, không dám ngồi trên các phương tiện giao thông vì luôn lo sợ xuất hiện cơn RLTĐ. Hơn nữa người bệnh thường hay bị mệt mỏi, có xu hướng ngại di chuyển, hạn chế tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Điều này càng làm nặng thêm bệnh và lâu ngày có thể dẫn tới hội chứng trầm cảm rất khó chữa trị.

Hệ thống tiền đình.

Hệ thống tiền đình.

Cần làm gì?

Người dễ bị hội chứng tiền đình thường phải dùng thuốc phòng ngừa trước khi đi tàu xe. Nên tránh tập trung vào các dấu hiệu của bệnh bằng cách chú ý vào một việc khác như nghe nhạc, kể chuyện vui, thậm chí nếu ngủ được thì càng tốt. Ngoài ra, có những biện pháp như dán cao, bôi dầu… cũng giúp tránh xuất hiện cơn.  Trước khi đi chỉ ăn nhẹ, không ăn nhiều chất nặng mùi hay quá no.

Khi không tự kiềm chế được, phải biết xử lý tốt cơn chóng mặt cấp tránh tai nạn cho bệnh nhân. Phải ngưng điều khiển các phương tiện có động cơ hay những công việc nguy hiểm. Có thể dùng thuốc chống nôn hay cắt cơn. Loại bỏ ngay các dụng cụ để chứa chất nôn vì có thể là yếu tố gây kích thích nôn tiếp. Nên cho bệnh nhân ngồi ở vị trí thoáng gió, chắc chắn, tránh di chuyển vì rất dễ ngã gây chấn thương. Sau cơn có thể cho dùng thêm ít nước đường hay khoáng chất. Khi cơn nặng kéo dài, nhất là những trường hợp có nguyên nhân bệnh của tai mũi họng hay não cần nhập viện để được điều trị tích cực hơn.

Điều trị tích cực để loại bỏ nguyên nhân gây hội chứng tiền đình… như những bệnh của tai mũi họng (viêm, thoái hóa, bệnh về mạch máu…), bệnh của não bộ (thoái hóa, tai biến mạch máu não…), các nguyên nhân được cho là yếu tố nguy cơ làm tăng cơ hội bị chóng mặt và RLTĐ (tăng huyết áp, hạ đường huyết, hay khi dùng một số thuốc gây tổn hại cho cơ quan tiền đình ốc tai…).

Để phòng ngừa nguy hiểm, người bị hội chứng RLTĐ tránh chọn các công việc liên quan đến độ cao, máy móc… Khi cơn xuất hiện nhẹ, có thể tập cách tự xử lý, nhưng nếu cơn nặng và kéo dài hay lặp lại nhiều lần, cần thiết phải thăm khám ở chuyên khoa nội thần kinh để được tư vấn và điều trị đúng cách.

Lời khuyên của thầy thuốc

Có nhiều biện pháp luyện tập cho hệ thống tiền đình thích nghi dần với sự thay đổi tư thế nhanh, như những người mới đi biển trong những lần đầu thường bị chóng mặt, nôn dữ dội nhưng lâu dần sẽ quen. Tập tư thế đầu xoay nhẹ nhàng giúp tăng cung cấp máu và quen với sự thay đổi tư thế.

Người bệnh bị hội chứng RLTĐ nhiều lần nên đi khám để được hướng dẫn tập những bài vật lý trị liệu giúp bù trừ sự mất cân bằng của hệ thống tiền đình. Bài tập sẽ giúp gia tăng sự thích nghi với việc thay đổi tư thế, tăng khả năng duy trì thăng bằng khi đứng, đi, lắc lư hay xoay chuyển. Những bài tập sẽ thường bắt đầu với tốc độ chậm, xoay chuyển ít, sau đó nhanh dần và độ xoay chuyển ngày càng rộng hơn. Những bài tập này đã được chứng minh là rất có lợi cho sự thích nghi của hệ thống tiền đình với thay đổi tư thế theo thời gian. Nhiều người bệnh thậm chí có thể bỏ hẳn thuốc sau một thời gian tập luyện kiên trì.

Mặc dù không gây nguy hiểm trực tiếp đến tính mạng, nhưng RLTĐ ảnh hưởng khá nhiều đến chất lượng cuộc sống cả về thể chất lẫn tinh thần của người bệnh. Việc điều trị thường rất cần đến sự kiên trì của bệnh nhân, vì không thể đạt kết quả trong một thời gian ngắn.

Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Bổ sung vi chất dinh dưỡng an toàn cho trẻ

Ngọc Nga

Ăn khuya có tác hại gì?

Ngọc Nga

Trẻ chậm nói vì nghỉ dịch COVID-19 dài ngày và phương pháp hỗ trợ

Ngọc Nga

Để lại bình luận