Một chuyến bay ghi nhận 7 ca mắc Covid -19
Người đàn ông 35 tuổi quốc tịch Ấn Độ nhập cảnh sân bay Tân Sơn Nhất hôm 6/10, vừa phát hiện dương tính SARS-CoV-2, trở thành bệnh nhân 1110.
Bệnh nhân này là chuyên gia, vào Việt Nam làm việc tại tỉnh Vĩnh Phúc. Ngày 6/10, bệnh nhân từ Ấn Độ nhập cảnh Sân bay Tân Sơn Nhất trên chuyến bay 6E9471, được chuyển đến cách ly tập trung tại TP. HCM.
Ngày 7/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Ngày 10/10 bệnh nhân khởi phát với triệu chứng sốt, đau đầu. Ngày 11/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm lần 2, kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2. Hiện tại bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. HCM.
Trước đó đã ghi nhận 6 ca dương tính với SARS-CoV-2 trên chuyến bay này tại tỉnh Đồng Tháp (5) và tại Đồng Nai (1). (Tiền phong, trang 15; Sài Gòn giải phóng, trang 7).
Khánh thành Khối phòng khám Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2
Ngày 12-10, Khối phòng khám của Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 chính thức được khánh thành. Đây là công trình chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI.
Đến dự lễ khánh thành, về phía Bộ Y tế có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn; về phía TPHCM có các đồng chí: Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP; Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP; Lê Thanh Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP…
Hiện nhiều bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân, điển hình như tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 1 triệu lượt khám bệnh và 10.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú. Dự kiến, sau khi hoàn tất, BV Ung bướu TPHCM cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho BV Ung bướu cơ sở 1.
GS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, TP có mạng lưới y tế khám chữa bệnh gồm 123 bệnh viện nhưng với lượng người bệnh trung bình mỗi năm lên đến khoảng 40 triệu lượt (chiếm hơn ¼ số lượng khám chữa bệnh so với cả nước), điều trị nội trú cho hơn 2 triệu lượt bệnh nhân, trong đó khoảng 40-45% bệnh nhân đến từ các tỉnh phía Nam).
Hiện nhiều bệnh viện tuyến cuối trên địa bàn TP đang rơi vào tình trạng quá tải bệnh nhân, điển hình như tại Bệnh viện Ung bướu TPHCM, mỗi năm tiếp nhận khoảng 1 triệu lượt khám bệnh và 10.000 lượt bệnh nhân điều trị nội trú.
Mặc dù bệnh viện liên tục được nâng cấp nhưng tình trạng quá tải vẫn luôn xảy ra do người bệnh mỗi năm lại tăng thêm.
Do đó, cùng với Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt xây dựng vào năm 2014 và được đầu tư hiện đại, kỹ thuật cao, ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực. Có cơ chế quản lý và điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Dự kiến, sau khi hoàn tất, BV Ung bướu TPHCM cơ sở 2 với quy mô 1.000 giường bệnh được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho BV Ung bướu cơ sở 1 và phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân TPHCM cũng như các tỉnh, thành lân cận.
Phát biểu tại Lễ Khánh thành, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho rằng, từ năm 1966 đến nay toàn TP chỉ có một bệnh viện chuyên khoa về ung bướu và đã trở nên quá tải trong nhiều năm qua. Do đó, việc xây dựng Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Với việc đưa vào hoạt động khối phòng khám, bước đầu kỳ vọng sẽ giúp giảm tải cho Bệnh viện Ung bướu cơ sở 1 và các bệnh viện khác có chuyên khoa ung bướu trên địa bàn.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM, để sớm đưa vào hoạt động toàn bộ bệnh viện, Sở Y tế cần chỉ đạo lãnh đạo Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 khẩn trương hoàn thiện bộ máy, đưa vào hoạt động, vận hành bệnh viện trong thời gian sớm nhất.
Đồng thời, liên tục nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ nhân lực, sử dụng hiệu quả các trang thiết bị vừa được đầu tư nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ; đổi mới mô hình quản lý bệnh viện theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại. Bên cạnh đó, chủ đầu tư, đơn vị thi công kiểm soát chất lượng, hoàn tất thi công các hạng mục còn lại, kết thúc dự án và bàn giao toàn bộ công trình vào cuối năm 2020.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, giai đoạn 2020-2025 TP sẽ phát triển các bệnh viện thành các trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực phía Nam; hình thành các trung tâm khám sức khỏe và tầm soát bệnh bằng công nghệ cao, phát triển du lịch y tế, giảm tình trạng người dân ra nước ngoài chữa bệnh…
“Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 cần tập trung xây dựng uy tín, thương hiệu, đẩy mạnh triển khai kỹ thuật mới, ứng dụng mạnh mẽ y tế thông minh, đổi mới hoạt động khám chữa bệnh, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của người dân”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Bệnh viện Ung bướu TPHCM cơ sở 2 do Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp TPHCM làm chủ đầu tư với quy mô 1.000 giường bệnh được thiết kế đầy đủ các khu: Khu khám chữa bệnh ngoại trú, Khu cận lâm sàng và chẩn đoán y khoa, Khu hành chính, Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và các công trình phụ trợ, Hệ thống trang thiết bị hiện đại phục vụ hoàn chỉnh đảm bảo quy mô bệnh viện…
Tổng diện tích sàn xây dựng của công trình là 112.500 m2 với tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng. Được khởi công từ ngày 26-6-2016 và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay Bệnh viện Ung bướu TTPHCM cơ sở 2 chỉ được đưa vào hoạt động một phần. Dự kiến đến cuối năm 2020, bệnh viện mới có thể đưa vào hoạt động toàn bộ. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).
Xã hội hoá y tế: Giúp người dân hưởng kỹ thuật cao, hiện đại trong chăm sóc sức khoẻ
Chủ trương xã hội hoá đã góp phần giúp ngành y tế nước ta tiến kịp sự phát triển của y tế trong khu vực, thậm chí một số lĩnh vực như tim mạch, ung bướu và ghép tạng đã ngang tầm thế giới, đặc biệt là giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao, hiện đại ngay trong nước
Nghị quyết 90 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hoá các hoạt động y tế, văn hoá và giáo dục đã được Chính phủ thông qua tại phiên họp thường kỳ vào tháng 3/1997. Đây chính là căn cứ để 3 lĩnh vực này được thực hiện xã hội hoá.
Đối với lĩnh vực y tế, nhờ thực hiện xã hội hoá mà trong những năm qua nhiều bệnh viện đã huy động được sự đóng góp của các tổ chức khác nhau để trang bị những trang thiết bị hiện đại, nhằm triển khai những kỹ thuật cao trong khám chữa bệnh và người hưởng lợi chính là những người bệnh.
Bệnh viện quận, huyện cứu sống nhiều trường hợp bệnh nhân nặng
Thực tế cho thấy, nhờ thực hiện chủ trương xã hội hoá, chất lượng chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày càng được nâng lên, bởi hiện nay không chỉ có tuyến trên mới triển khai các kỹ thuật cao, mà các bệnh viện tuyến dưới, thậm chí tuyến quận, huyện cũng đã làm chủ nhiều kỹ thuật tương đương tuyến trên. Thành công này vùa giúp giảm tải cho tuyến trên vừa góp phần giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao ngay tại tuyến dưới…
Các bác sĩ của BVĐK Đông Anh (Hà Nội) vừa “báo động đỏ” toàn viện, kịp thời cứu sống một phụ nữ gặp tai biến sản khoa rất nặng. Bệnh nhân là chị Trần Thị Bình, 35 tuổi, ở Xuân Nộn (Đông Anh, Hà Nội), được đưa vào viện cấp cứu trong tình trạng đau bụng vùng thượng vị lan xuống 2 hố chậu, ý thức lơ mơ, mệt mỏi, da tái nhợt, bụng chướng, mạch khó bắt, huyết áp tụt…
Thông tin từ gia đình người bệnh cho biết, bệnh nhân mang thai lần 4, thai nhi đã được 4 tháng rưỡi. Kết quả siêu âm ổ bụng thấy nhiều dịch, tình trạng bệnh nhân xấu đi rất nhanh.
Nhận định ban đầu có thể bệnh nhân bị vỡ tử cung và xác định đây là trường hợp hết sức nguy kịch đến tính mạng, ngay lập tức, kíp cấp cứu của bệnh viện đã phát tín hiệu “báo động đỏ”, báo cáo Ban Giám đốc tiến hội chẩn liên khoa và chuyển ngay bệnh nhân lên phòng mổ.
Trong quá trình mổ cấp cứu, ổ bụng bệnh nhân có khoảng 3 lít máu đỏ tươi lẫn máu cục tràn ra. Kíp phẫu thuật đã lấy hết máu cục kết hợp truyền lượng máu, dịch rất lớn (lên tới gần 4 lít máu và 5 lít dịch) cho bệnh nhân: truyền đến 7 đơn vị máu 350ml, 5 đơn vị huyết tương 250ml. Kiểm tra tử cung, các bác sĩ phát hiện tử cung to, vết mổ đẻ cũ phía bên trái có đoạn vỡ, máu chảy nhiều kèm theo rau thai vỡ tràn ra ngoài khoang bụng…
Bệnh nhân được chẩn đoán sốc mất máu do vỡ tử cung, vỡ thai trên vết mổ tử cung. Kíp mổ đã hội chẩn và có chỉ định phẫu thuật cắt tử cung bán phần, làm giải phẫu bệnh lý tử cung nhau thai, tử cung trên bàng quang… Sau cuộc phẫu thuật kéo dài hơn 2 tiếng, bệnh nhân đã ổn định, hiện tỉnh táo, tiếp xúc tốt, tiếp tục theo dõi điều trị hậu phẫu.
Trước đó, bệnh nhân được người nhà đưa đến BV quận Thủ Đức ngay trong đêm khuya. Khi nhận được tin báo, BS Nguyễn Thái Anh, khoa Hồi sức tim mạch đã có mặt ngay lập tức để đánh giá tình trạng bệnh nhân. Kết quả điện tâm đồ cho thấy đây là trường hợp nhồi máu cơ tim thành dưới giờ thứ 3 có biến chứng nhịp chậm, bệnh nhân trong giai đoạn nguy hiểm đến tính mạng nên được nhanh chóng chuyển đến phòng Thông tim để tiến hành can thiệp cấp cứu, tái thông mạch vành nuôi tim bị tắc, cứu sống người bệnh
BS Lê Duy Lạc – Phó trưởng khoa Hồi sức tim mạch và là bác sĩ trực tiếp thực hiện can thiệp cho bệnh nhân kể: Trong quá trình can thiệp tái thông mạch máu, theo dõi sinh hiệu qua monitor ghi nhận bệnh nhân có tình trạng rung thất, tim đột ngột ngừng đập, đe dọa đến tính mạng nên chúng tôi tiến hành hồi sức tim phổi, ép tim ngoài lồng ngực và sốc điện khử rung tim nhiều lần.
“Ngay khi bệnh nhân bắt đầu có mạch trở lại, chúng tôi tiếp tục tiến hành thủ thuật, kết quả bệnh nhân bị nghẽn hoàn toàn động mạch vành bên phải, chúng tôi tiến hành hút huyết khối và đặt 1 stent tái thông dòng chảy động mạch vành”- BS Lạc thông tin
Sau can thiệp, bệnh nhân đã được tái thông hoàn toàn nhánh động mạch vành phải, tuy nhiên bệnh nhân vẫn còn hẹp 80% nhánh động mạch vành bên trái cũng cần được tái thông. Nhưng do bệnh nhân cao tuổi và bệnh nặng nên các bác sĩ quyết định can thiệp trước một mạch vành bên phải là nhánh thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim lần này, điều trị nội khoa và sẽ can thiệp nhánh còn lại khi tình trạng sức khỏe bệnh nhân ổn định hơn
Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân dần ổn định nên các bác sĩ khoa hồi sức tim mạch tiếp tục tiến hành can thiệp đặt tiếp 1 stent ở nhánh động mạch liên thất trước (trái). Cuộc phẫu thuật đã thành công tốt đẹp, bệnh nhân hồi phục rất nhanh, không còn cảm giác đau tim và đã được xuất viện về nhà trong niềm vui của gia đình.
Với sự kêu gọi đầu tư từ nguồn lực bên ngoài, BV quận Thủ Đức đã thành công thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, thu hút người bệnh. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật tim với kỹ thuật khó.
Giảm tỷ lệ chuyển tuyến
Thực tế trong công tác khám chữa bệnh thời gian qua cho thấy, khi thực hiện xã hội hoá, người hưởng lợi đầu tiên là bệnh nhân và làm giảm được tỷ lệ chuyển tuyến.
Trung tâm xạ trị- (BV Ung bướu Nghệ An), chỉ hơn 1 năm hoạt động đã xạ trị được 26.500 lượt bệnh nhân, điều này đồng nghĩa với việc hàng ngàn bệnh nhân ung thư ở khu vực bắc Trung Bộ không phải chuyển tuyến ra Hà Nội hay vào TP Hồ Chí Minh để xạ trị.
Tại đây, Trung tâm có thể xạ trị cho 250 bệnh nhân mỗi ngày nhờ 2 hệ thống máy xạ trị gia tốc được đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hoá có thể xạ trị được các bệnh ung thư và giảm nhiều tác dụng phụ cho người bệnh.
Tại BVĐK tỉnh Phú Thọ sau khi được xã hội hoá cánh tay robot dùng để sinh thiết, chẩn đoán các khối u gan, thận, phổi và là thiết bị dẫn đường đốt sóng cao tần điều trị cho các bệnh nhân có khối u nằm sâu trong cơ thể, tỷ lệ chuyển tuyến từ 10% trước đây, nay chỉ còn dưới 1%.
Thiết bị này được BVĐK tỉnh Phú Thọ đầu tư bằng nguồn vốn vay ngân hàng.
Người dân được hưởng lợi
Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí- Đoàn ĐBQH Hà Nội, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương: Cơ chế xã hội hoá và tự chủ là 2 cơ chế hết sức cởi mở của Chính phủ, của nhà nước để cho phát triển y tế của Việt Nam trong điều kiện nguồn lực còn hạn chế. Đó là một chủ trương rất tốt.
Tuy nhiên sự thuận lợi khác nhau ở từng cấp độ, từng hạng, từng tuyến của các bênh viện. Ví dụ BV tuyến huyện khó làm xã hội hoá vì không hấp dẫn, lên tuyến tỉnh có khá hơn, nhưng ở tuyến trung ương, đặc biệt là BV hạng đặc biệt rất thuận lợi. Cho nên áp lực khác nhau, hiệu quả cũng khác nhau, do đó mức hấp dẫn khác nhau.
Các chuyên gia khẳng định, y tế phát triển đã cứu chữa được nhiều người khỏi các bệnh hiểm nghèo đi cùng với đó là các kỹ thuật, thiết bị và thuốc mới cần được đầu tư.
“Chúng ta cứ lấy dẫn chứng trong suốt hơn 10 năm qua, hầu hết các thiết bị y tế hiện đại, mới đều cơ bản từ nguồn liên doanh, liên kết, từ nguồn xã hội hoá. Nhờ chủ trương xã hội hoá mà ngày càng phát triển, tiếp cận với dịch vụ y tế hiện đại, các loại thuốc hiện đại để theo kịp sự phát triển, tiến bộ của khoa học kỹ thuật và người dân là người được hưởng lợi đầu tiên trong khi ngân sách của chúng ta còn hạn chế”- ông Nguyễn Văn Tiên- Nguyên phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cho hay
Nếu như trước đây, mỗi năm người Việt chi phí khoảng 2- 3 tỷ USD, thì hiện nay với sự phát triển của y tế kỹ thuật cao trong nước, rất ít người Việt chọn phương án ra nước ngoài chữa bệnh, thậm chí nhiều người bệnh nước ngoài còn chọn Việt Nam làm điểm đến khám chữa bệnh.
Chủ trương xã hội hoá đã góp phần giúp ngành y tế nước ta tiến kịp sự phát triển của y tế trong khu vực, thậm chí một số lĩnh vực như tim mạch, ung bướu và ghép tạng đã ngang tầm thế giới, đặc biệt là giúp người dân được thụ hưởng y tế kỹ thuật cao, hiện đại ngay trong nước
Hơn 20 năm xã hội hoá đã góp phần làm y tế kỹ thuật cao phát triển, cứu chữa được nhiều người bệnh hiểm nghèo, cùng với đó là các thiết bị, thuốc mới, kỹ thuật được đầu tư từ trung ương về tuyến dưới.
Do đó, cũng theo GS.TS Nguyễn Anh Trí, chúng ta cần phải thấy rằng không chỉ vì một vài những lỗi xảy ra mặc dù rất nghiêm trọng mà có thể đình chỉ, ngừng quá trình thực hiện xã hội hoá tại các bệnh viện, nhưng cần sửa đổi lại luật, có đội ngũ nghiêm túc thực hiện quy định đó, để đảm bảo vận hành trơn tru, thận lợi đúng luật nhằm phục vụ tốt cho nhân dân… (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).
BV Việt Đức thực hiện thành công 1.000 ca ghép thận
Các bác sĩ BV Việt Đức vừa phẫu thuật thay thận cho bệnh nhân Đ.X.T, 49 tuổi, ở Hà Nội. Nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp… Đây là ca ghép thận cán mốc thứ 1.000 được thực hiện thành công tại BV Việt Đức.
PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân Đ.X.T có tiền sử suy thận mạn giai đoạn cuối độ II từ năm 2017, điều trị bảo tồn (dùng thuốc, lọc máu, chưa cần thay thế thận). Tuy nhiên, đến tháng 1/2020, bệnh nhân chuyển sang bệnh thận mạn giai đoạn cuối, phải chạy thận nhân tạo chu kỳ 3 lần/tuần tại BV Việt Đức.
Nếu không được thay thận, bệnh nhân phải lọc máu, chạy thận nhân tạo suốt đời, nguy cơ ảnh hưởng đến chức năng tim, nhiễm trùng, suy tim, bệnh lý cơ xương khớp… Ngoài ra, việc chạy thận nhân tạo lâu ngày cũng ảnh hưởng đến kinh tế cho người bệnh.
Ngày 28/9/2020, bệnh nhân Đ.X.T được ghép thận từ người cho sống. Đây là ca ghép thận thứ 1000 được thực hiện tại BV Việt Đức, trường hợp ghép thận đầu tiên tại BV Việt Đức là vào năm 2002. Trong đó, đến thời điểm hiện tại, có tới 122 ca ghép thận từ người cho chết não (12%).
Ca ghép thận cho bệnh nhân Đ.X.T được tiến hành trong 3 giờ đồng hồ. Sau phẫu thuật, người bệnh được hồi sức tích cực theo dõi và điều trị. Hiện tại sau 10 ngày ghép thận, bệnh nhân Đ.X.T hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và có thể xuất viện, sớm trở lại cuộc sống thường ngày.
“Tôi vô cùng biết ơn các bác sĩ BV Việt Đức đã tận tâm cứu chữa cho tôi. Hy vọng sẽ có thêm nhiều người bệnh được hồi sinh sự sống như tôi…”. Trong niềm vui vô hạn, bệnh nhân Đ.X.T không ngừng cảm ơn các y bác sỹ, cảm ơn người hiến thận đã trao cho anh thêm cơ hội sống. Với anh – một cuộc sống mới hạnh phúc lại bắt đầu.
Trên thực tế, do chi phí cao của các biện pháp điều trị thay thế thận nên điều trị thay thế thận chỉ áp dụng chủ yếu (80%) cho người bệnh tại các nước đã phát triển. Trong khi đó tại các nước đang phát triển, tỷ lệ này chỉ là 10-20%, và rất nhiều người bệnh không được ghép thận sẽ tử vong với các biến chứng của suy thận giai đoạn cuối.
TS.BS Ninh Việt Khải – Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức cho biết thêm, BV Việt Đức là đơn vị đứng đầu cả nước về ghép tạng từ người cho chết não. Người cho chết não cùng lúc có thể hiến 2 quả thận để ghép cho 1 bệnh nhân và có thể hiến nhiều tạng khác như: tim, phổi, gân, giác mạc, mạch máu để mang lại sự sống cho nhiều người bệnh.
Kỹ thuật ghép thận từ người cho chết não có nhiều ưu điểm hơn từ người cho sống bởi khi lấy tạng từ người hiến sống phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến. Phẫu thuật trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến.
Lấy tạng từ người cho chết não sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép. Đối với người hiến sống, chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn, do vậy để cuộc ghép thuận lợi, các bác sĩ đã có nhiều phương án giải quyết như: chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô.
Hiện nay, BV Việt Đức tiến hành 100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.
PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc BV Việt Đức cho hay, hiện nay, chi phí ghép tạng ở Việt Nam rẻ bằng 1/3 khu vực và trên thế giới.
Chi phí rẻ, ngày càng nhiều tấm lòng sẵn sàng hiến tạng nếu không may mất đi, bác sĩ Việt Nam làm chủ kỹ thuật ghép tạng, chúng tôi hi vọng những danh sách dài dằng dặc chờ đợi được ghép tạng sẽ dần được rút ngắn, sẽ không có những người bệnh chờ mỏi mòn đến khi nhắm mắt vì không có nguồn tạng hiến.
Trước đó, BV Việt Đức đã ghi dấu thêm những kỷ lục lần đầu tiên trong chuyên ngành hiến-ghép tạng của BV, đó là lần đầu tiên trong 13 ngày (từ ngày 30/8 đến ngày 12/9), BV Việt Đức đã ghép thành công 23 tạng gồm: 3 tim, 4 gan, 16 thận (trong đó gồm: 8 thận từ người cho sống, 15 tạng từ người cho chết não).
Cũng lần đầu tiên, trong vòng 10 ngày (từ ngày 28/8 đến ngày 8/9) đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức vận động thành công được 4 gia đình hiến tạng, thực hiện được: Tim: 3; Gan 4; Thận 8; Mạch máu 20; Van tim 2; Giác mạc 2. Đặc biệt, nhờ nguồn tạng được hiến tặng từ 4 gia đình này mà lần đầu tiên Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, BV Việt Đức thực hiện ghép tim thành công cho 2 bệnh nhân trong 2 ngày liên tiếp (11 và 12/9).
Vào tháng 1/2020, đơn vị tư vấn và điều phối Trung tâm Ghép tạng, BV Việt Đức cũng đã vận động thành công 3 gia đình ở tỉnh Bắc Giang và 3 gia đình ở tỉnh Thanh Hóa hiến tạng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3 Công an nhân dân, trang 7).