Thiếu vitamin A làm trẻ chậm phát triển, dễ mắc bệnh nhiễm trùng, làm tăng tỷ lệ bệnh tật và tử vong.
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển thị giác, xương và bảo vệ cơ thể trẻ phòng tránh những căn bệnh viêm nhiễm, giúp trẻ nâng cao sức khỏe, phát triển tế bào và các mô trong cơ thể, đặc biệt là tóc, móng và da.
Trẻ dễ bị thiếu vitamin A
Đối với trẻ đang bú mẹ, nguồn vitamin A sẽ được cung cấp từ sữa mẹ. Do đó, trong thời kỳ này nếu người mẹ ăn uống thiếu vitamin A sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ. Trẻ không được bú mẹ có nguy cơ thiếu vitamin A càng cao và nguyên nhân chính gây thiếu vitamin A là do chế độ ăn của trẻ không cung cấp đủ vitamin A.
Trẻ được cho ăn dặm quá sớm và chế độ ăn dặm thiếu rau, đạm, dầu mỡ… cũng làm giảm khả năng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.
Trẻ em dưới 3 tuổi cũng dễ bị thiếu vitamin A. Vì trẻ đang trong giai đoạn lớn nhanh cần nhiều chất, trong đó có vitamin A. Ở độ tuổi này, do có sự thay đổi từ giai đoạn cai sữa chuyển sang ăn bổ sung, trẻ dễ mắc các bệnh như bệnh sởi, viêm đường hô hấp cấp, tiêu chảy kéo dài hay bị nhiễm giun, nhất là giun đũa… cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn tới tình trạng thiếu vitamin A ở trẻ.
Trẻ bị suy dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây thiếu vitamin A, vì cơ thể thiếu đạm để chuyển hóa vitamin A.
Cần bổ sung vitamin A cho trẻ
Thời kỳ mang thai và cho con bú, bà mẹ cần nghỉ ngơi hợp lý và ăn đủ chất, chú ý thức ăn giàu vitamin A, đạm, dầu mỡ… Trẻ cần được bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và kéo dài đến 24 tháng.
Khi trẻ bắt đầu ăn dặm, nên lưu ý cho vào khẩu phần ăn của trẻ các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin A, như: thịt, cá, trứng, sữa, gan động vật, bơ, pho mát, rau lá xanh như rau ngót, rau muống, rau diếp…; các loại củ, quả màu xanh đậm, vàng đậm, đỏ đậm như gấc, cà chua, cà rốt, đu đủ, xoài, hồng… Bữa ăn của trẻ cần cân đối, có đủ chất đạm và dầu mỡ giúp tăng hấp thu và chuyển hóa vitamin A.
Theo VTV.vn