Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người

(CDC Hà Nam)
Khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người.

Lễ khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin Nano Covax trên người chính thức diễn ra hôm qua- ngày 10/12 tại Học viện Quân y.

Có rất đông tình nguyện viên đã có mặt tại Học viện Quân y (Hà Nội) để đăng ký tham gia vào chương trình thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vắc xin phòng COVID-19 trên người do Việt Nam sản xuất.

“Em không lo lắng nhưng có chút hồi hộp”

Chưa đến 8h sáng, Hà 20 tuổi, sinh viên Học viện Quân Y đã có mặt tại hội trường của Học viện để đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin COVID-19 giai đoạn 1. Trước khi quyết định đến đây, Hà đã được tuyên truyền về quy trình thử nghiệm vắc xin đầu tiên này nên “em không cảm thấy lo lắng quá và em cũng đã động viên bố mẹ đừng lo cho em”.

Các bạn trẻ đăng ký tham gia thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax

Tuy nhiên, Hà không đăng ký ngay khi đến mà sau khi được các bác sĩ tuyên truyền thêm tiêm cái gì vào cơ thể và thử nghiệm với đối tượng như thế nào, nguy hiểm đến đâu, khám sức khỏe sau khi đăng ký…  và đọc kỹ tờ hướng dẫn Hà mới đăng ký vì “em cũng có chút hồi hộp”.

Chia sẻ về rủi ro thử nghiệm lâm sàng, Hà cho biết: “Nếu nói không ngại và không sợ thì không phải. Nhưng em có niềm tin.Trong trường hợp em đủ điều kiện tiêm vắc xin thử nghiệm nhưng quá trình thử nghiệm có phản ứng phụ, em sẽ được chăm sóc sức khỏe. Nếu thử nghiệm không tốt, em có thể dừng bất cứ lúc nào”

Nga 24 tuổi hiện là sinh viên cao học tại Học viện Quân Y, đã từng tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 nên sau khi biết thông tin tuyển chọn tình nguyện viên tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 giai đoạn đầu, Nga đến đăng ký vì “em có sức khoẻ, em đã có sự hiểu biết về dịch bệnh cũng như quy trình sản xuất vắc xin của công ty Nanogen nên em không ngần ngại. Em chỉ mong muốn đóng góp một chút để vắc xin của Việt Nam sớm thành công, an toàn và hiệu quả, có thể tiêm rộng rãi cho mọi người.

Gần 12h ngày 10/12, chị H. 30 tuổi sống tại Mê Linh, Hà Nội hiện là bà mẹ 2 con, làm nghề bán tạp hoá mới vội vã đến Học viện Quân y đăng ký trở thành tình nguyện viên thử nghiệm lâm sàng vắc xin Nano Covax. Chị H. chia sẻ, nhà ở xa nhưng khi biết thông tin trên báo chí, chị tranh thủ đến đăng ký.

“30 năm nay tôi cảm thấy mình chưa làm được gì cho đất nước. Tôi cũng rất tin tưởng nền y học Việt Nam nên muốn đóng góp một chút để chúng ta sớm có vắc xin”, chị H. nói.

Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người

Là đơn vị tiến hành thử nghiệm vắc xin COVID-19, Trung tướng, GS Đỗ Quyết – Giám đốc Học viện Quân y cho hay: “Hiện chúng tôi có Trung tâm nghiên cứu y dược học quân sự, ở đó có trung tâm nghiên cứu vắcxin, đủ 24 giường, đủ phương tiện về tiêm, theo dõi, cấp cứu… ”

Vắc xin Nano covax là vắc xin tái tổ hợp protein S, là đoạn gai của virus SARS-CoV-2, với 4 loại liều lượng 25 mcg, 50mcg, 75mcg, 100mcg.Qua thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy vắc xin đảm bảo về an toàn.

Điểm mạnh của vắc xin Việt Nam là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ), trong khi vắc xin của một số hãng đang sản xuất phải bảo quản đến nhiệt độ âm 75 độ, khó khăn trong việc vận chuyển.

Theo GS Đỗ Quyết, khi bắt đầu thực hiện thử nghiệm lâm sàng, Việt Nam là một trong 40 quốc gia đã thử nghiệm vắc xin ngừa COVID-19 trên người. “Chúng ta đã sản xuất test thử COVID-19 từ rất sớm và chất lượng, giờ đến vắc xin ngừa COVID-19. Chúng ta đã ngồi ngang hàng, ngồi bàn tròn được với quốc tế ở một số lĩnh vực nghiên cứu y sinh” – GS Đỗ Quyết vui mừng chia sẻ.

Dành những điều kiện tốt nhất liên quan đến sàng lọc, thăm khám, quản lý hồ sơ sức khoẻ cho người tham gia thử nghiệm lâm sàng

TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Khoa học Công nghệ và Đào tạo (Bộ Y tế) –  Chánh Văn phòng Chương trình Quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin nhìn nhận, thử nghiệm lâm sàng vắc xin là nghiên cứu nhạy cảm, vì vậy nhóm nghiên cứu đảm bảo tất cả những điều kiện tối ưu nhất cho tình nguyện viên, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị.

2 sản phẩm vắc xin của Nanogen gồm dạng tiêm và dạng xịt

“Ngành y tế nói chung và Học viện quân y nói riêng sẽ dành những điều kiện tốt nhất liên quan đến sàng lọc, thăm khám, quản lý hồ sơ sức khoẻ 24/24. Những nghiên cứu trước đây, tình nguyện viên chỉ được theo dõi 2-4 tiếng hoặc 24 tiếng nhưng riêng vắc xin ngừa COVID-19 sẽ được theo dõi đặc biệt trong suốt 72 giờ đầu tiên”- TS Quang nói.

TS Quang thay mặt Bộ Y tế cảm ơn các tình nguyện viên chấp nhận tham gia thử nghiệm độ an toàn của vắc xin. Hành động này không chỉ đóng góp chung vào sự phát triển khoa học kĩ thuật nói chung và vắc xin của ngành y tế nói riêng.

Theo Suckhoedoisong.vn

Bài viết liên quan

Vệ sinh môi trường tại trường học

hanh phan

Hà Nam có 20 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao về dịch Covid-19

hanh phan

Bản tin công tác phòng, chống dịch tối ngày 23/12/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận