Điểm báo ngày 15/4/2021

(CDC Hà Nam)
Tích cực đàm phán, tìm kiếm nguồn cung, tạo mọi điều kiện thử nghiệm vắc-xin Covid-19; Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư; Bệnh viện Bạch Mai lý giải nguyên nhân hơn 200 người nghỉ việc, chuyển công tác…

 

Bảo đảm an toàn khi triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 trên diện rộng

Vắc-xin là giải pháp quan trọng nhất để chiến thắng dịch Covid-19. Do vắc-xin nghiên cứu, phát triển trong nước vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, cho nên giai đoạn trước mắt, việc tiêm cho các đối tượng ưu tiên vẫn là nguồn vắc-xin nhập từ nước ngoài. Bộ Y tế yêu cầu các địa phương cần bảo đảm an toàn ở mức cao nhất cho những đối tượng được tiêm.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, đến hết ngày 13-4 cả nước đã có chín trong tổng số 19 tỉnh, thành phố kết thúc đợt một tiêm vắc-xin phòng Covid-19 gồm: Tây Ninh, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, Khánh Hòa, Ðà Nẵng, Gia Lai, Hòa Bình, Hà Giang, Bắc Ninh. Tổng số hơn 60 nghìn người được tiêm vắc-xin phòng Covid-19 là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị cho người mắc Covid-19, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên của tổ Covid-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các địa phương.

Trong quá trình triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 thời gian qua, hệ thống giám sát tiêm chủng ghi nhận khoảng 33% số trường hợp phản ứng nhẹ thông thường như đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn. Các dấu hiệu này tự khỏi trong một đến hai ngày sau tiêm, không cần điều trị gì. Ðây là dấu hiệu thường gặp ở các loại vắc-xin phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khác như sởi, ho gà, uốn ván… Hệ thống giám sát cũng ghi nhận có khoảng 1‰ (một phần nghìn) trường hợp có phản ứng quá mẫn cảm sau tiêm, được xử trí đúng theo quy định. Sức khỏe của những người này đều ổn định, trở lại làm việc sau một, hai ngày theo dõi, điều trị tại cơ sở y tế. Những số liệu ghi nhận phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tương đương so với số liệu do nhà sản xuất cung cấp. Ðến nay, Việt Nam chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào bị đông máu và huyết khối xảy ra sau khi tiêm chủng.

Với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới. Ðó là công tác bảo đảm an toàn luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 phải bảo đảm về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng, tổ chức tiêm an toàn… Người đi tiêm vắc-xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi sức khỏe; được hướng dẫn tiếp tục theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ sau khi tiêm; công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm luôn sẵn sàng. Thông tin tiêm chủng của người đi tiêm được cập nhật, lưu trữ đầy đủ, hệ thống trong phần mềm Hồ sơ sức khỏe điện tử…

Tiêm vắc-xin là một trong những giải pháp lâu dài trong phòng, chống dịch Covid-19. Do vậy, kế hoạch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 giai đoạn 2021 – 2022 của Bộ Y tế đặt ra mục tiêu có tới 95% số đối tượng có nguy cơ và cộng đồng được tiêm chủng vắc-xin theo từng đợt phân bổ vắc-xin. Bộ Y tế xác định bảo đảm đúng tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19, nhưng công tác bảo đảm an toàn luôn được đặt lên hàng đầu. Do vậy công tác tập huấn chuyên môn kỹ thuật được tổ chức cho cả hệ thống tiêm chủng trên cả nước. Các điểm tiêm phải khám sàng lọc thật kỹ. Bất cứ trường hợp nào không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe, tuyệt đối không được tiêm chủng. Bộ Y tế đã yêu cầu tất cả các điểm tiêm chủng chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, thuốc men, sẵn sàng xử lý những trường hợp xảy ra phản ứng không mong muốn. Các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên thành lập tổ cấp cứu lưu động, chuẩn bị cơ số thuốc, phương tiên để ứng phó các tình huống có phản ứng sau tiêm. Ðối với các trường hợp có phản ứng sau tiêm, Bộ Y tế yêu cầu các đơn vị phải xử lý ngay, xử lý cao hơn một mức so với quy định, bảo đảm an toàn cao nhất cho người tiêm.

Hiện nay vắc-xin phòng Covid-19 đang tiếp tục được nhập về và chuẩn bị phân bổ đợt hai để các địa phương triển khai trên diện rộng. Bộ Y tế đang tổ chức các đoàn công tác trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị tiêm. Trên tinh thần, vừa thực hiện vừa nghiên cứu, rút kinh nghiệm và điều chỉnh để phù hợp, hiệu quả hơn trong công tác phòng, chống dịch, an toàn hơn trong công tác tiêm chủng. Bộ Y tế đề nghị các cơ sở tiêm chủng cần thực hiện khám sàng lọc kỹ, triển khai các quy trình theo đúng hướng dẫn, không bị áp lực bởi số lượng tiêm chủng. Việc khám sàng lọc được thực hiện tốt sẽ giảm các trường hợp có phản ứng sau tiêm đến mức thấp nhất, người dân sẽ tin tưởng hơn trong công tác tiêm chủng vắc-xin.  (Nhân dân, trang 5)

 

Nguy cơ làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư

Theo Roi-tơ và TTXVN, ngày 14-4, người đứng đầu nhóm chuyên gia cố vấn cho Chính phủ Nhật Bản về ứng phó dịch Covid-19 cảnh báo Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư của đại dịch. Theo đó, Chính phủ Nhật Bản cần mở rộng phạm vi áp dụng các biện pháp phòng dịch trọng điểm và cần cân nhắc khả năng ban bố tình trạng khẩn cấp ở Ô-xa-ca. Tuy nhiên, Thủ tướng Xư-ga Y-ô-si-hi-đê vẫn thận trọng trước việc, liệu Nhật Bản đã bước vào làn sóng lây nhiễm thứ tư hay chưa.

* Hàn Quốc đứng trước nguy cơ xuất hiện làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ tư khi số ca mắc mới vượt ngưỡng 700 ca/ngày. Chính phủ Hàn Quốc đang cân nhắc nâng cấp độ giãn cách xã hội, song coi đây là phương án cuối cùng do lo ngại thiệt hại kinh tế.

* Hội đồng An ninh quốc gia và Bộ Y tế Thái-lan cân nhắc áp đặt các biện pháp mới nhằm đối phó việc số lượng các ca nhiễm Covid-19 mới tăng nhanh. Theo đó, có thể phải áp đặt lệnh phong tỏa đối với các tỉnh có nguy cơ cao như Băng-cốc, Chiềng Mai để chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh.

* Ngày 14-4, số ca nhiễm mới và người chết vì Covid-19 tại Ấn Ðộ lại lên một mức cao mới, trong bối cảnh nhiều tín đồ theo đạo Hin-đu tham dự lễ hội tôn giáo truyền thống bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt của chính quyền. Ðây là ngày thứ tám liên tiếp có số ca mắc mới vượt mốc 100.000 ở Ấn Ðộ.

* Tại Nam Mỹ, Chính phủ Bô-li-vi-a tuyên bố mở tuyến hành lang nhân đạo trên biên giới với quốc gia láng giềng Bra-xin nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông thực phẩm và thuốc men. Bô-li-vi-a đóng cửa biên giới với Bra-xin kể từ đầu tháng 4 nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh.

* Chính quyền thủ đô Bô-gô-ta của Cô-lôm-bi-a thông báo áp đặt lại lệnh phong tỏa trên toàn thành phố kéo dài ba ngày trong dịp cuối tuần này. Thị trưởng Bô-gô-ta cho biết, lệnh phong tỏa hồi cuối tuần trước cho kết quả khả quan trong việc làm chậm đà lây nhiễm của dịch bệnh.

* Tại châu Âu, sau khi tình trạng khẩn cấp tại Séc kết thúc, Chính phủ Séc thận trọng trong việc nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ trưởng Y tế Séc cho biết, Chính phủ Séc đã thông qua biện pháp cấm tụ tập trên hai người cả ở trong nhà và ngoài trời.

* Chính phủ Na Uy cho phép các nhà hàng và quán rượu mở cửa trở lại tới 10 giờ tối hằng ngày. Ngoài ra, quốc gia Bắc Âu này cũng cho phép người dân được tiếp nhiều nhất năm khách đến chơi nhà cùng một thời điểm, trong khi các sân vận động có thể đón tiếp 600 người, song phải chia thành ba khu vực.

* Hãng Johnson & Johnson (J&J) cho biết sẽ hoãn kế hoạch giao vắc-xin ngừa Covid-19 cho châu Âu sau khi các cơ quan chức năng Mỹ khuyến cáo tạm ngừng sử dụng vắc-xin của hãng này liên quan nguy cơ xuất hiện huyết khối sau khi tiêm. Ủy ban châu Âu đang liên hệ với hãng J&J nhằm có được lời giải thích rõ ràng về kế hoạch nêu trên. J&J đã cam kết đến cuối tháng 6 tới, cung cấp 55 triệu liều cho EU theo thỏa thuận đã ký.

* Trong diễn biến liên quan, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang theo dõi xem liệu có thêm những ca xuất hiện huyết khối sau khi tiêm vắc-xin phòng Covid-19 của hãng J&J hay không và cần có thời gian để đánh giá các dữ liệu. Trong khi đó, cơ quan y tế Hà Lan khẳng định đến thời điểm này, lợi ích từ việc tiêm vắc-xin của J&J lớn hơn so với những nguy cơ có thể xảy ra.

* Bộ Y tế Nam Phi thông báo đã đình chỉ việc sử dụng vắc-xin ngừa Covid-19 của J&J trong chương trình tiêm chủng của nước này, cho đến khi sự liên quan giữa hiện tượng đông máu và việc tiêm loại vắc-xin này được làm rõ. Cho tới nay, Nam Phi chưa nhận được báo cáo liên quan hiện tượng đông máu sau khi 290 nghìn người Nam Phi đã tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 của các hãng.

* Trong khi đó, Bỉ cho biết sẽ không dừng việc tiêm vắc-xin J&J vào giai đoạn này. Giới chức Tây Ban Nha cho biết chưa nhận được thông báo về việc dừng tiêm vắc-xin J&J sau khi hãng này thông báo hoãn kế hoạch giao vắc-xin cho châu Âu.

* Bộ Y tế Ca-na-đa xác nhận đang trong quá trình thảo luận với J&J về khả năng vắc-xin ngừa Covid-19 của hãng gây đông máu. Cơ quan này cũng làm việc với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Mỹ và các cơ quan quốc tế khác về vấn đề này.

* Giới chức ba bang bờ Ðông nước Mỹ gồm Niu Oóc, Niu Giơ-xi và Con-nếch-ti-cớt đã phải ra lệnh hủy hàng nghìn ca đặt lịch tiêm vắc-xin do phải ngừng tiêm vắc-xin J&J. Hiện cả ba bang đã thay vắc-xin J&J bằng vắc-xin Moderna và Pfizer. Ðiều phối viên ứng phó dịch Covid-19 của Nhà trắng khẳng định, Mỹ dư thừa nguồn cung vắc-xin Pfizer và Moderna để bảo đảm hoàn thành mục tiêu tiêm 200 triệu mũi trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên của Tổng thống G.Bai-đơn. (Nhân dân, trang 8)

 

Chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công vắc xin phòng Covid-19

Sáng 14-4, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về kế hoạch mua, sử dụng vắc xin ngừa Covid-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin ngừa Covid-19 trong nước.

Tiếp tục tiêm vắc xin ngừa Covid-19 theo thứ tự ưu tiên

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh của các nước trên thế giới cũng như một số nước chung biên giới với Việt Nam như Lào, Thái Lan, Campuchia… diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Việt Nam. Do đó, đại diện Bộ Công an đề xuất siết chặt công tác xuất nhập cảnh với hai đối tượng: Nhập cảnh hợp pháp (trong đó, chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp); đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp qua đường mòn, lối mở, đường biên…; xử lý hình sự tất cả trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép.

Đồng quan điểm tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng kêu gọi cộng đồng tiếp tục vận động gia đình có người thân ở nước ngoài tuân thủ công tác phòng, chống dịch nước sở tại, trong trường hợp có nguyện vọng, cam kết trở về nước hợp pháp. Đồng thời, người dân chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người về từ vùng dịch hoặc từ nước ngoài về không khai báo theo quy định.

Các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch chủ động – thực hiện nghiêm thông điệp 5K, có vai trò quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt việc đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng, tập trung đông người… Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tự cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với Covid-19; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Liên quan đến kế hoạch mua, sử dụng vắc xin ngừa Covid-19, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp tiêm vắc xin chặt chẽ, từ công tác tập huấn tiêm đến khi tiêm xong, xử lý tốt các tình huống có phản ứng sau tiêm. Người tiêm được theo dõi sức khỏe liên tục để đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đến nay, việc tiêm vắc xin AstraZeneca ở trong nước vẫn bảo đảm an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26-2-2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5-3-2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin ngừa Covid-19.

Trước những quan điểm khác nhau về vắc xin ngừa Covid-19, đại diện Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó, Việt Nam cố gắng sớm có vắc xin ngừa Covid-19 sản xuất trong nước.

Báo cáo về tình hình sản xuất vắc xin trong nước, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 15-4 tới sẽ kết thúc việc lấy mẫu tại 2 điểm nghiên cứu: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Dự kiến đầu tháng 5-2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.

Về sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên (6 tình nguyện viên rút khỏi đợt thử nghiệm), Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin ngừa Covid-19 Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định, vắc xin Nano Covax an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa vi rút tốt. “Nên ủng hộ quyết liệt hơn nữa quá trình nghiên cứu, sản xuất vắc xin ngừa Covid-19 trong nước”, Trung tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Quyết nhấn mạnh.

Tại cuộc họp, đại diện Bộ Y tế, Chương trình quốc gia nghiên cứu phát triển vắc xin báo cáo tiến độ nghiên cứu, kết quả thử nghiệm các loại vắc xin trong nước. Với dân số 100 triệu người, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị các lực lượng tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vắc xin ngừa Covid-19, chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất khi thử nghiệm thành công.

Bên cạnh đó, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng tiếp tục siết chặt công tác kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về “hộ chiếu vắc xin” trước tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại. Các lực lượng tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác của 5 bộ (Bộ Y tế, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Giao thông Vận tải) trong việc điều phối các chuyến bay đưa đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam; xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh. (Hà Nội mới, trang 1)

Cùng chủ đề Báo Nhân dân, trang 8: “Đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc-xin phòng Covid-19 trong nước”; Nông thôn ngày nay, trang 3: “Chuẩn bị việc sản xuất nếu thử nghiệm thành công vaccine Covid-19”; Tiền phong, trang 6: “Chuẩn bị phương án sản xuất vắc-xin”; An ninh Thủ đô, trang 3: “Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19”

 

Bệnh viện Bạch Mai lý giải nguyên nhân hơn 200 người nghỉ việc, chuyển công tác

Ngày 14-4, lý giải về việc hơn 200 cán bộ, y, bác sĩ của bệnh viện nghỉ việc, chuyển công tác, ông Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ (Bệnh viện Bạch Mai), cho biết có nhiều nguyên nhân.

Đầu tiên, do tình hình dịch Covid-19 nên số bệnh nhân nội trú giảm còn hơn 1.000 người (bình thường khoảng 5.000-6.000 người); bệnh nhân ngoại trú cũng giảm mạnh từ 6.000-7.000 người xuống khoảng 2.000 người. Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm và các hoạt động xã hội hóa được siết chặt hơn.

Do vậy, doanh thu của bệnh viện năm 2020 giảm 2.000 tỷ đồng (khoảng 30% so với 2019), tác động đến đời sống cán bộ, viên chức bệnh viện. Cùng với đó, thời gian qua, bệnh viện cũng liên tiếp có các đợt thanh tra, kiểm tra, điều tra của cơ quan chức năng, thậm chí nhiều cựu lãnh đạo bệnh viện đã bị khởi tố, bắt giam nên ảnh hưởng nhiều tới tâm lý cán bộ, nhân viên.

Bệnh viện Bạch Mai là một trong 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế thực hiện Nghị quyết số 33/NQ-CP của Chính phủ (về thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện) và Quyết định số 268/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (về phê duyệt đề án thí điểm tự chủ bệnh viện giai đoạn 2020-2021) nên đã triển khai, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả.

Đặc biệt, bệnh viện đã giải thể những đơn vị có chức năng, nhiệm vụ không còn phù hợp, qua đó đã tinh giản 62 lao động phổ thông dôi dư theo quy định. Cùng với đó, bệnh viện tiến hành sáp nhập hệ thống nhà thuốc vào Khoa Dược nên đã tinh giản 51 lao động dôi dư trình độ trung cấp, cao đẳng.

Lý do khách quan khác là nhiều cán bộ của bệnh viện được đơn vị khác mời với mức thu nhập cao. Ngoài ra, để thực hiện mục tiêu chăm sóc người bệnh được tốt nhất, bệnh viện đã siết chặt kỷ luật, kỷ cương, cải tổ mạnh mẽ, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm y đức nên những người không đáp ứng được yêu cầu chuyên môn đã xin nghỉ và chuyển công tác khác.

Theo ông Thành, từ năm 2020 đến nay có hơn 200 người của bệnh viện nghỉ việc, chuyển công tác nhưng từ ngày 1-2-2020 tới nay, bệnh viện đã tuyển dụng, ký hợp đồng mới được 506 người.

Ông Thành cũng bác bỏ những thông tin về việc ông Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, bị bắt do liên quan tới vụ mua sắm, liên danh, liên kết, xã hội hóa trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Tim Hà Nội (đơn vị mà ông Tuấn có nhiều năm làm giám đốc trước khi được Bộ Y tế bổ nhiệm làm giám đốc Bệnh viện Bạch Mai vào tháng 3-2020) mà cơ quan công an đang điều tra. (Sài Gòn giải phóng, trang 9)

 

Vắc xin Nano Covax an toàn với người được tiêm

Ngày 14.4, Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19 (BCĐ) họp bàn về kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng Covid-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng Covid-19 trong nước.

Đại diện Bộ Y tế cho hay thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua và diễn ra cuộc đua tranh khốc liệt. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thừa nhận đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vắc xin, thậm chí phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vắc xin nước ngoài, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ KH-ĐT khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.

Báo cáo về tình hình sản xuất vắc xin trong nước, GS-TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng), cho biết hôm nay (15.4) sẽ kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin Nano Covax tại 2 điểm nghiên cứu là Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM.

Dự kiến đầu tháng 5, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng 1 liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3.

Về sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên, ông Quyết cho biết sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2, các tình nguyện viên có triệu chứng sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định, vắc xin Nano Covax an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa vi rút tốt. (Thanh niên, trang 4)

 

Hơn 200 y, bác sĩ, nhân viên Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc: Có “Chảy máu chất xám”?

Dư luận những ngày qua xôn xao về việc hàng loạt bác sĩ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bạch Mai xin nghỉ việc hoặc chuyển công tác. Bạch Mai là bệnh viện hạng đặc biệt lớn nhất cả nước, việc hàng loạt cán bộ, bác sĩ của một bệnh viện danh tiếng nghỉ việc đã làm dấy lên nhiều băn khoăn, nhất là trong bối cảnh năm 2020 bệnh viện trải qua nhiều biến cố, nguyên Giám đốc, Phó Giám đốc và một số lãnh đạo cấp phòng bị bắt để điều tra trong vụ án mua bán trang thiết bị y tế. Liệu hiện tượng nhiều cán bộ, bác sỹ nghỉ việc có liên quan đến việc cải tổ bệnh viện của tân giám đốc, làm nguồn chất xám bị “chảy máu” hay không?

Vì sao hơn 200 người xin đi?

Là bệnh viện hạng đặc biệt, nơi tập trung nhiều đội ngũ giáo sư, bác sĩ giỏi nhất cả nước, song những ngày gần đây, nhiều thông tin trên mạng xã hội lan truyền cán bộ, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đồng loạt nghỉ hoặc chuyển việc. Trả lời vấn đề này, GS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Không phải cán bộ, bác sĩ bệnh viện đồng loạt nghỉ việc mà thực chất có 221 cán bộ nhân viên, y bác sĩ xin nghỉ, chuyển việc trong năm 2020, phần lớn là nhân sự giản đơn, số ít là bác sĩ, điều dưỡng.

Chia sẻ cụ thể về vấn đề này, TS. BS Đỗ Văn Thành, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trong 221 cán bộ chuyển công tác từ năm 2020 cho đến nay, có 112 lao động giản đơn, còn lại là dược sĩ, điều dưỡng và chỉ có 28 bác sĩ. Nhưng bù lại tuyển lao động mới 506 người, đều là nhân lực chất lượng cao như bác sĩ nội trú, giáo sư, tiến sĩ đầu ngành.

Vì sao nhiều cán bộ, bác sĩ, nhân viên của bệnh viện nghỉ việc trong thời gian qua? Theo TS.BS Đoàn Thu Trà, Phó Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai: Công đoàn ngành Y tế cũng đặt câu hỏi này và đây cũng là câu hỏi được đặt ra trong đại hội cán bộ, công nhân viên chức (CBCNVC) bệnh viện. Nguyên nhân do bệnh viện kiện toàn tổ chức và nhân sự, tái cơ cấu tự chủ toàn phần nên đã thu nhỏ lại, có những đơn vị kiện toàn lại, khi sáp nhập có một số vị trí thực sự không cần thiết, giải thể, riêng khối dịch vụ đã có hơn 100 người nghỉ việc. Cụ thể, bệnh viện “đóng cửa” các hoạt động dịch vụ như tang lễ, trông giữ xe, bán báo, dịch vụ ăn uống (cắt giảm 61 nhân viên), thu gọn hệ thống nhà thuốc từ 10 giảm xuống còn 5 nhà thuốc (cắt giảm 51 nhân viên).

Một trong những nguyên nhân nữa là do tình hình dịch COVID-19 tác động lớn đến bệnh viện, vì vậy số bệnh nhân nội trú từ 5-5,6 nghìn người giảm còn hơn 1 nghìn; còn bệnh nhân ngoại trú đang 6-7 nghìn xuống 1-2 nghìn bệnh nhân, luôn dưới tải… Bên cạnh đó, giường tự nguyện cũng giảm, và hoạt động xã hội hóa được thanh tra và đưa về giá bảo hiểm y tế… Vì vậy, nguồn thu năm 2020 giảm 2 nghìn tỷ đồng (chiếm 30% so với 2019). Điều này cũng đã tác động đời sống cán bộ, viên chức bệnh viện.

Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai khẳng định, lương của CBCNVC  không giảm và không có chuyện bệnh viện nợ lương. Tuy nhiên, bệnh viện giảm thu nhập tăng thêm tùy vào khoa phòng, vào công việc và tùy vào vị trí việc làm. Trước đây, bệnh viện khoán cho các khoa phòng, có khoa tổng thu nhập trung bình 49 triệu/người/tháng, nhưng có phòng ban chỉ hơn 10 – 20 triệu đồng/người/tháng, điều này là không công bằng. Từ khi bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện đã bỏ quy định này mà cào bằng ở cả khối có thu và không có thu, nhưng có mức khuyến khích thêm. Vì vậy, tổng thu nhập của CBCNVC giảm so với năm chưa có COVID-19. Mặc dù trong năm 2020, bệnh viện cũng đã hỗ trợ cán bộ, nhân viên khoảng 140 tỷ đồng, tuy nhiên thu nhập của cán bộ vẫn giảm nhiều so với trước.

Nguyên nhân nữa là cùng thời gian này do ảnh hưởng của các hoạt động thanh kiểm tra, thậm chí nhiều cán bộ bệnh viện vào vòng lao lý, đã ảnh hưởng tới tâm lý cán bộ, nhân viên từ lãnh đạo đến bác sĩ. Ngoài ra, nhiều cán bộ được đơn vị ngoài mời chào với mức thu nhập cao nên việc dịch chuyển cán bộ y tế là tất yếu, bệnh viện không thể giữ được.

Người bệnh có bị thiệt thòi?

Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng Bệnh viện Bạch Mai, mà nhiều bệnh viện công lập đã xảy ra hiện tượng bác sĩ giỏi đã bỏ bệnh viện công để chuyển sang bệnh viện tư. Năm 2018, Đồng Nai có 97 bác sĩ nghỉ việc. Hai tháng đầu năm 2019, con số này là 19người. Nhóm bác sĩ nghỉ việc nhiều nhất thường ở độ tuổi trẻ, có 2 đến 5 năm kinh nghiệm. Trước đó, từ năm 2015 đến cuối tháng 3/2018, tỉnh Cà Mau có tới hơn 100 cán bộ, bác sĩ công tác tại các bệnh viện công lập nghỉ, bỏ việc… Năm 2017, nhiều bác sĩ ở Đà Nẵng ồ ạt chuyển sang làm việc cho các bệnh viện tư trong khi viện công quá tải do bệnh nhân ngày càng tăng.

Theo một cán bộ quản lý trong ngành Y, một số bác sĩ sau khi có tên tuổi ở một số bệnh viện lớn đã chuyển sang bệnh viện tư do mức lương hấp dẫn. Hiện tượng “chảy máu chất xám” ở bệnh viện công do 2 nguyên nhân là thu nhập và môi trường làm việc. Có người không chịu được áp lực ở bệnh viện công nên xin đi, có người vì tiền lương thấp mà xin đến nơi cao hơn. Có một số ý kiến cho rằng, họ bỏ bệnh viện công sang bệnh viện tư là muốn thay đổi môi trường làm việc và muốn khẳng định mình.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, có bác sĩ ở bệnh viện công, lương 20 triệu/tháng, nhưng bệnh viện tư sẵn sàng trả 7.000 USD/tháng. Hoặc có người trình độ thạc sĩ, sang bệnh viện tư được trả mức lương hơn 100 triệu/tháng. “Mức lương cao hơn nên dễ thu hút người tài hơn. Song không phải sang bệnh viện tư là không có áp lực, để hưởng mức thu nhập đó, bác sĩ cũng phải cống hiến rất nhiều”, một chuyên gia cho biết.

Trở lại vấn đề ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều ý kiến cho rằng, do chính sách “siết chặt” của tân giám đốc, người có trình độ cao, bác sĩ giỏi “chảy máu” ra bệnh viện tư, gây thiệt thòi cho người bệnh khi không phải người bệnh nào cũng có tiền để vào bệnh viện tư khám chữa bệnh. Chủ tịch Công đoàn bệnh viện Đoàn Thu Trà cho biết: 28 bác sĩ xin đi có một PGS là Trưởng Khoa kiểm soát nhiễm khuẩn; một TS là Trưởng khoa Dược; một TS là Phó Giám đốc Trung tâm Gan Mật Tụy, còn lại là Ths, BS.

“Hằng năm chúng tôi cũng có người xin nghỉ vì lý do gia đình, vì lương. Lương bác sĩ ở bệnh viện trung bình khoảng 20-25 triệu/tháng, còn sang bệnh viện tư trả lương hơn 100 triệu/tháng, ngay cả Trung tâm của tôi cũng có một số bạn xin đi. 28 bác sĩ chuyển đi trong năm vừa qua thì chúng tôi lại nhận về 506 người, trong đó tỷ lệ GS, PGS,TS cũng nhiều hơn (có 5GS, PGS, hơn 10 TS, còn lại là cao học, thạc sĩ nội trú…), kinh nghiệm, trình độ giỏi hơn. Như vậy, đây không phải là “chảy máu chất xám””, BS Trà cho biết.

Về nguyên nhân có phải do siết chặt quy trình của bệnh viện hay không, BS Đỗ Văn Thành cho biết, trong 1 năm tự chủ tài chính toàn diện, lãnh đạo bệnh viện quyết liệt chấn chỉnh về tinh thần, thái độ, chăm sóc người bệnh của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế. Công tác kỷ luật cũng được thực hiện nghiêm khắc. Với “quan điểm phòng hơn chữa”, nên bệnh viện yêu cầu đơn vị, lãnh đạo khoa phòng cũng phải chịu trách nhiệm liên đới khi cán bộ, nhân viên sai phạm. Đây cũng là áp lực cho nhân viên… Điều này lý giải cho việc ngoài trường hợp chấm dứt hợp đồng như đã nêu, một số ra đi vì áp lực công việc cao hơn mà thu nhập lại giảm. (Công an Nhân dân, trang 2)

Cùng chủ đề Báo Nông thôn ngày nay, trang 1: “Lo ngài “chảy máu” bác sĩ bệnh viện công”; Lao động, trang 1: “Vụ 221 nhân sự Bệnh viện Bạch Mai nghỉ việc: Thu nhập giảm, áp lực tăng…”

 

Tích cực đàm phán, tìm kiếm nguồn cung, tạo mọi điều kiện thử nghiệm vắc-xin Covid-19

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trong khu vực và trên thế giới, chúng ta cần tiếp tục thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch bệnh chủ động; siết chặt quản lý nhập cảnh, tích cực đàm phán, tìm kiếm các nguồn vắc xin COVID-19, tạo mọi điều kiện để thử nghiệm vắc xin trong nước, chuẩn bị phương án đầu tư nếu thử nghiệm thành công

Đây là những nội dung chính được thảo luận tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19 về kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng COVID-19; tiến độ nghiên cứu, thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 trong nước sáng 14/4, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo.

Siết chặt quản lý nhập cảnh, xử lý hình sự tất cả trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép

Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Sơn cho biết, hiện nay, tình hình dịch bệnh các nước biên giới như Lào, Thái Lan, Campuchia… diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp đến công tác phòng, chống dịch Việt Nam.

Do đó, đại diện Bộ Công an đề xuất cần siết chặt công tác xuất nhập cảnh với 2 đối tượng: Nhập cảnh hợp pháp (trong đó, chú ý việc xác nhận, xác thực đối tượng nhập cảnh của các doanh nghiệp); đối tượng nhập cảnh bất hợp pháp qua đường mòn, lối mở, đường biên…; xử lý hình sự tất cả trường hợp phát hiện nhập cảnh trái phép.

Đồng quan điểm tăng cường kiểm soát việc nhập cảnh, đại diện Bộ Quốc phòng kêu gọi, cộng đồng tiếp tục vận động gia đình có người thân ở nước ngoài tuân thủ công tác phòng chống dịch nước sở tại, trong trường hợp có nguyện vọng, cam kết trở về nước hợp pháp. Đồng thời, người dân chủ động thông báo cho các cơ quan chức năng khi phát hiện người về từ vùng dịch hoặc từ nước ngoài về không khai báo theo quy định.

Bên cạnh đó, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch chủ động – thực hiện nghiêm thông điệp 5K, có vai trò cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay, đặc biệt vấn đề đeo khẩu trang khi đi ra khỏi nhà, đến nơi công cộng, tập trung đông người…

Thường trực Ban Chỉ đạo yêu cầu tất cả các bộ, ngành, đặc biệt các địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ sở y tế, trường học, cơ sở lưu trú, nhà máy, chợ, siêu thị, cơ sở lưu trú, bến xe… nâng cao cảnh giác, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, tự cập nhật thông tin lên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đua tranh khốc liệt trong tìm kiếm nguồn vắc xin

Liên quan đến kế hoạch mua, sử dụng vắc xin phòng COVID-19, các thành viên Thường trực Ban Chỉ đạo hoan nghênh Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp tiêm vắc xin chặt chẽ, từ công tác tập huấn tiêm đến khi tiêm xong, người tiêm được theo dõi sức khỏe liên tục để đánh giá tính sinh miễn dịch sau khi tiêm.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đến nay, vắc xin AstraZeneca vẫn đảm bảo an toàn nên sẽ đẩy nhanh tiến độ tiêm theo thứ tự ưu tiên, thực hiện nghiêm Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ và Quyết định số 1464/QĐ-BYT ngày 5/3/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Trước những quan điểm khác nhau về vắc xin phòng COVID-19, đại diện Bộ Y tế khẳng định, thế giới đang có hiện tượng vắc xin cung cấp không đủ mua, đang ở trong “cuộc đua tranh khốc liệt”. Do đó,  Việt Nam phải cố gắng hết sức để có vắc xin phòng COVID-19 sớm nhất.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết đã nảy sinh những khó khăn, vướng mắc mới trong tiếp cận, đàm phán mua các nguồn vắc xin, thậm chí “phải chấp nhận rủi ro mới tiếp cận được nguồn vắc xin”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương trình phương án cụ thể, rõ ràng về việc đàm phán mua các loại vắc xin nước ngoài, thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, nghị quyết của Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ KH&ĐT khẩn trương thẩm định, trình Chính phủ.

Nỗ lực để có vắc xin phòng COVID-19 sản xuất trong nước sớm nhất

Báo cáo về tình hình sản xuất vắc xin trong nước, Trung tướng, GS.TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viên Quân y, Bộ Quốc phòng cho biết, ngày 15/4 tới sẽ kết thúc việc lấy mẫu máu người tiêm thử nghiệm giai đoạn 2 của vắc xin Nano Covax  tại 2 điểm nghiên cứu: Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng); Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh (cùng tham gia nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

“Dự kiến đầu tháng 5/2021, Học viện Quân y sẽ báo cáo Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức trong nghiên cứu y sinh học quốc gia xem xét, đánh giá các cơ sở khoa học của giai đoạn 2, cho phép xây dựng một liều tiêm; sau đó chuẩn bị song song vừa hoàn thiện giai đoạn 2, vừa tiêm giai đoạn 3”- GS.TS Đỗ Quyết nói.

Về sức khỏe sau khi tiêm của 554 tình nguyện viên (6 tình nguyện viên rút khỏi đợt thử nghiệp), Giám đốc Học viện Quân y cho biết, sau khi tiêm mũi 2 giai đoạn 2 vắc xin ngừa COVID-19 Nano Covax, các tình nguyện viên có triệu chứng như sốt nhẹ, đau chỗ tiêm tự hết, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi… nhưng hết nhanh, không cần can thiệp y tế. Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe sau khi tiêm của các tình nguyện viên đều ổn định, vắc xin Nano Covax an toàn với người được tiêm, kháng thể tăng cao, khả năng trung hòa virus tốt.

Với dân số 100 triệu người, Thường trực Ban Chỉ đạo đề nghị tiếp tục đẩy nhanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị (không kể đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước hay tư nhân) thử nghiệm lâm sàng vắc xin phòng COVID-19 , và chuẩn bị phương án đầu tư, sản xuất nếu thử nghiệm thành công.

Đối với việc kiểm soát người nhập cảnh trong khi đợi chính sách về hộ chiếu vắc xin, Bộ Y tế, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đề nghị phải tiếp tục siết chặt bởi tình hình dịch bệnh trên thế giới đang tăng trở lại; tiếp tục thực hiện cơ chế tổ công tác gồm 5 bộ (Y tế, Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, GTVT) trong điều phối các chuyến bay đưa các đối tượng chuyên gia người nước ngoài, lao động kỹ thuật cao nhập cảnh vào Việt Nam, và xử lý nghiêm những trường hợp đưa người không đúng đối tượng ưu tiên vào nhập cảnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo An ninh Thủ đô, trang 3: “Tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị thử nghiệm lâm sàng vaccine Covid-19”

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 11/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 10/1/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 27/8/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận