Điểm báo ngày 10/1/2022

(CDC Hà Nam)
Rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch; Vì sao Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên vùng đỏ?; Thêm 15.779 ca Covid-19 trong ngày 9-1, Bộ Y tế kêu gọi không kỳ thị với F0; TPHCM: Quản lý hơn 639.000 người thuộc nhóm nguy cơ; TPHCM trở lại vùng xanh; Bộ Y tế lý giải vì sao Giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 ghi đến 7 mũi tiêm?

Rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch

Văn phòng Chính phủ vừa phát công văn thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch tại Quyết định số 4800/QĐ-BYT thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 cho phù hợp với tình hình mới. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chỉ đạo việc sử dụng thuốc điều trị (kể cả thuốc kháng virus), bảo đảm an toàn, hiệu quả; rà soát, chỉ đạo nhập khẩu, sản xuất, sử dụng, phân phối thuốc kháng virus bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Tối 9-1, Bộ Y tế cho biết, trong ngày, cả nước ghi nhận thêm 15.779 ca mắc Covid-19 tại 60 tỉnh thành, trong đó có 10.217 ca ở cộng đồng. Hà Nội tiếp tục có số ca mắc cao nhất trong ngày với 2.811 ca, tiếp đó là Hải Phòng 836 ca, Khánh Hòa 790 ca, Bình Phước 679 ca…, TPHCM chỉ có 472 ca. Trung bình số mắc mới Covid-19 trong nước ghi nhận 7 ngày qua là 16.097 ca/ngày (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Thanh niên, trang 4).

 

Vì sao Hải Phòng nâng cấp độ dịch lên vùng đỏ?

Theo CDC Hải Phòng, hiện nay cấp độ dịch theo quy mô thành phố thì Hải Phòng đang ở cấp độ 4 (vùng đỏ, có nguy cơ rất cao).

Tuy nhiên, nếu xét theo các tiêu chí của BYT thì TP.Hải Phòng được xét là vùng cam vì có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin trên 70%.

Lý giải về việc Hải Phòng nâng  cấp độ dịch lên vùng đỏ thay vì là vùng cam, ông Lê Khắc Nam, Phó chủ tịch UBND TP.Hải Phòng kiêm giám đốc Sở Y tế TP.Hải Phòng, cho rằng việc nâng cấp độ dịch lên mức cao nhất là để TP.Hải Phòng nâng cao ý thức phòng chống dịch của người dân cũng như có các biện pháp phù hợp để giảm số ca mắc ngoài cộng đồng.

Trên thực tế, dù TP.Hải Phòng được xác định là vùng đỏ nhưng các hoạt động sản xuất, kd và lưu thông của người dân vẫn diễn ra bình thường. Tại các khu vực thuộc vùng đỏ, dù hàng quán chỉ được phép bán mang về nhưng nhiều cửa hàng chưa chấp hành khi vẫn bán cho khách ăn trong quán hoặc ăn trên vỉa hè.

Tuy không hoang mang với diễn biến của dịch nhưng một bộ phận người dân tỏ ra lo lắng vì hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định và 4 bến xe lớn ở TP. HP (Niệm Nghĩa, Thượng Lý, phía Bắc, Đồ Sơn) bị tạm dừng.

Trao đổi với Thanh Niên về vấn đề này, lãnh đạo Sở GTVT TP.Hải Phòng cho biết cũng rất sốt ruột và đã chỉ đạo đơn vị liên quan tham mưu phương án báo cáo thành phố điều chỉnh nhằm tạo thuận lợi cho người dân (Thanh niên, trang 4).

 

Thêm 15.779 ca Covid-19 trong ngày 9-1, Bộ Y tế kêu gọi không kỳ thị với F0

Theo tin từ Bộ Y tế, hôm nay trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.779 ca nhiễm mới, giảm 762 ca so với ngày trước đó, gồm 10.217 ca cộng đồng.

Hà Nội tiếp tục là địa phương có số mắc mới cao nhất với hơn 2.800 ca, Hải Phòng đứng thứ 2. Ngoài 15.779 ca mới, trong ngày, Sở Y tế Bình Phước đăng ký bổ sung 7.402 ca sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin. Cụ thể số mắc mới ở một số tỉnh, thành phố như sau: Hà Nội (2.811), Hải Phòng (836), Khánh Hòa (790), Bình Phước (679), Bình Định (636), Cà Mau (615), Vĩnh Long (532), Hà Giang (492), Tây Ninh (475), TP. Hồ Chí Minh (472), Bến Tre (454), Đà Nẵng (433),…, Hưng Yên (410), Bắc Ninh (382), Quảng Ninh (315), Thanh Hóa (293), Hải Dương (175), Vĩnh Phúc (170), Hòa Bình (169), Thái Nguyên (162), Nam Định (157)…

Về điều trị, hôm nay có 12.210 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Trong ngày ghi nhận 202 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (19), An Giang (21), Long An (15), Đồng Tháp (14), Vĩnh Long (14), Kiên Giang (13), Sóc Trăng (11), Cần Thơ (11), Đồng Nai (10), Tiền Giang (10), Bình Dương (9), Bến Tre (9), Bà Rịa – Vũng Tàu (8 ), Tây Ninh (5), Hậu Giang (5), Cà Mau (4), Bình Định (4), Trà Vinh (3), Khánh Hoà (3), Bình Thuận (3), Bạc Liêu (3), Đắk Lắk (2), Bắc Ninh (1), Quảng Ninh (1), Huế (1), Gia Lai (1), Đà Nẵng (1), Lâm Đồng (1).

Trước diễn biến mới của dịch, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh thành tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới; nhất là kêu gọi người dân không mặc cảm, kỳ thị những người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19 (An ninh thủ đô, trang 3; Nhân dân, trang 8).

 

TPHCM: Quản lý hơn 639.000 người thuộc nhóm nguy cơ

Ngày 9-1, Sở Y tế TPHCM cho biết, sau 1 tháng phát động “Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ”, các quận huyện và TP Thủ Đức đã lập danh sách quản lý được 639.972 người thuộc nhóm nguy cơ, trong đó phát hiện 25.642 người chưa tiêm vaccine Covid-19, có 5.437 người mắc Covid-19. Trong đó, 4.670 F0 đủ điều kiện cách ly tại nhà và 4.471 F0 được sử dụng ngay thuốc kháng virus; 767 F0 được chuyển đến cơ sở điều trị. Phấn đấu đến ngày 20-1-2022 sẽ vận động tiêm 100% cho những người thuộc nhóm nguy cơ. TPHCM tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch cho đến hết năm 2022, theo đó đối tượng người thuộc nhóm nguy cơ sẽ được mở rộng (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine); mỗi tháng sẽ xét nghiệm tầm soát 1 lần cho người thuộc nhóm nguy cơ…

Cùng ngày, Sở Y tế TPHCM cho biết vừa phát hiện thêm 1 ca nhiễm Omicron, sau 11 ca trước đó và đang cách ly y tế 966 người nhập cảnh. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM cho biết, tính đến trưa 9-1, toàn thành đã tiêm được 18.099.453 mũi vaccine, gồm: 8.061.432 mũi 1; 7.188.777 mũi 2; 410.708 mũi bổ sung và 2.438.536 mũi nhắc lại (Sài Gòn giải phóng, trang 7). 

 

TPHCM trở lại vùng xanh

Chiều ngày 9/1, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, trên địa bàn thành phố vừa phát hiện thêm một trường hợp nhiễm biến chủng mới Omicron. Tuy nhiên, lần đầu tiên sau nhiều tháng COVID-19 bùng phát, thành phố đã trở lại vùng xanh. Trường hợp mới được phát hiện nhiễm biến chủng Omicron được phát hiện thông qua chiến dịch chủ động kiểm soát ngăn chặn biến chủng mới ngay tại cửa khẩu cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Bà Huỳnh Mai cho biết, bệnh nhân là người nhập cảnh, phát hiện dương tính với COVID-19 qua test nhanh, ngay lập tức được cách ly, lấy mẫu giải mã trình tự gen và xác định nhiễm Omicron.

Đây là ca bệnh thứ 12 nhiễm biến chủng mới được ghi nhận tại TPHCM, tất cả bệnh nhân đều là người nhập cảnh. Cơ quan chức năng đã hỏa tốc điều tra dịch tễ, lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả hành khách đi cùng các chuyến bay với bệnh nhân. Đến nay, chưa ghi nhận trường hợp bị lây nhiễm cho những người đi cùng trên chuyến bay và lây nhiễm ngoài cộng đồng.

Về tình hình dịch bệnh UBND TPHCM đã ra thông báo về cấp độ dịch trên địa bàn, theo đó toàn thành phố hiện đang ở cấp độ 1 tương đương với vùng xanh (nguy cơ thấp của dịch COVID-19). Đây là lần đầu tiên kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4 đến nay TPHCM trở lại vùng nguy cơ thấp.

Hiện thành phố chỉ còn 4 địa phương ở cấp độ 2 là quận 1, quận 10, quận Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức. So với tuần trước, có 3 địa phương giảm cấp độ dịch là quận 4, quận 11, quận Tân Phú từ cấp 2 xuống cấp 1 và 1 địa phương tăng từ cấp 1 lên cấp 2 là thành phố Thủ Đức (Tiền phong, trang 4).

 

Bộ Y tế lý giải vì sao Giấy xác nhận tiêm vaccine Covid-19 ghi đến 7 mũi tiêm?

Mới đây, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 43/QĐ-BYT sửa đổi, bổ sung Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19.

Theo mẫu mới này, giấy xác nhận đã tiêm vaccine phòng Covid-19 có 3 mục. Khi người dân tiêm vaccine sẽ được cấp giấy xác nhận tiêm vaccine phòng COVID-19 với chi tiết các mũi tiêm. Cụ thể, liều cơ bản với 3 mũi tiêm. Liều bổ sung 1 mũi tiêm và cuối cùng là liều nhắc lại với 3 mũi tiêm. Như vậy, tổng cộng, theo như số dòng ghi chú trên giấy xác nhận, một người có thể tiêm 7 mũi vaccine.

Vậy thực hư vấn đề này như thế nào. Theo TS Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng, Quản lý tiêm chủng và An toàn sinh học – Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, hiện nay tại Việt Nam ngoài 2 mũi cơ bản thì tiêm nhắc lại 1 mũi.

Phần lớn người dân Việt Nam chỉ tiêm 3 mũi (2 mũi cơ bản + 1 mũi nhắc lại), một phần những người có suy giảm miễn dịch và cần tăng cường thêm miễn dịch cho một số vaccine thì tiêm 4 mũi (2 mũi cơ bản + 1 bổ sung + 1 mũi nhắc lại).

Còn trên thế giới, hầu hết các nước áp dụng lịch tiêm vaccine phòng bệnh Covid-19 bao gồm tiêm các mũi cơ bản, tiêm bổ sung và tiêm mũi nhắc lại. Trong đó, liều cơ bản gồm 2 mũi (ngoại trừ vaccine Abdala của Cuba tiêm 03 mũi); liều tiêm bổ sung là 1 mũi; liều tiêm nhắc lại là 1 mũi, một số nước đã tiêm mũi 2 nhắc lại.

Ông Nguyễn Xuân Tùng cho biết, trên cơ sở cập nhật những thay đổi trong việc khuyến cáo tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại trên thế giới, Bộ Y tế đã sửa đổi mẫu xác nhận tiêm chủng vaccine phòng Covid-19. Giấy xác nhận này đảm bảo việc điền được các thông tin của lịch tiêm liều cơ bản, liều bổ sung và 1 mũi tiêm nhắc.

Ngoài ra để 2 vị trí có thể những người nước ngoài đến từ các nước đã tiêm hơn 1 mũi tiêm nhắc, cũng như sẵn chỗ để ngay khi các tổ chức quốc tế như WHO, CDC Hoa Kỳ… khuyến cáo có thể áp dụng được ngay.

Mẫu giấy xác nhận này không chỉ tích hợp thông tin đã tiêm chủng đến nay mà còn hướng đến tương lai. Ông Tùng nhấn mạnh, mẫu giấy xác nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 được tích hợp với các nền tảng công nghệ, tránh khi thay đổi mẫu xác nhận tiêm chủng vaccine Covid-19 sẽ khó khăn trong việc tích hợp vào nền tảng công nghệ (An ninh thủ đô, trang 3; Tiền phong, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 7/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 28/9/2020

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 10/11/2020

CDC Hà Nam