Điểm báo ngày 24/6/2021

(CDC Hà Nam)

Ðẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19; Liên kết vùng để phòng chống dịch; Dự kiến quý 3 sẽ tiêm cơ bản hết cho đối tượng ưu tiên; Việt Nam cần ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin…

Ðẩy nhanh việc tiêm vaccine Covid-19

Tiêm vaccine là một trong những biện pháp hiệu quả, chủ động trong phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm; giúp giảm các biến chứng, di chứng nặng và tử vong. Ðể chiến thắng đại dịch Covid-19, nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang đẩy nhanh việc triển khai tiêm vaccine, hướng đến mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng.

Sau hơn ba tháng triển khai, đến nay cả nước đã thực hiện tiêm hơn 2,56 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân (chủ yếu là không có nguồn vaccine) mà số lượng người được tiêm chưa đạt như kỳ vọng. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ triển khai một chiến dịch tiêm vaccine quy mô toàn quốc lớn nhất từ trước đến nay cả về số lượng người được tiêm cũng như số cơ sở triển khai tiêm vaccine. Mở đầu cho chiến dịch quy mô lớn đó là TP Hồ Chí Minh, dự kiến trong khoảng năm đến bảy ngày (từ ngày 19-6) hơn 830 nghìn người dân trên địa bàn thành phố được tiêm vaccine phòng Covid-19.

Với kế hoạch tiêm cho hơn 830 nghìn người (do lượng vaccine được phân bổ), ngoài các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21, TP Hồ Chí Minh thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng khác như: người cung cấp dịch vụ thiết yếu, giáo viên, người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính, người hơn 65 tuổi, công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất… Mỗi ngày thành phố tổ chức khoảng 1.000 điểm tiêm chủng trong cộng đồng (các điểm tiêm chủng tại trung tâm y tế, trạm y tế, các điểm tiêm lưu động…).

Việc bảo đảm an toàn tiêm chủng được các đơn vị liên quan đặt lên hàng đầu; từng điểm tiêm chủng phải tuân thủ các biện pháp phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; thực hiện giãn cách, an toàn phòng, chống dịch Covid-19; sàng lọc đối tượng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế… Ðáng chú ý, việc xử lý các phản ứng bất lợi sau tiêm được chuẩn bị kỹ, từ thuốc cấp cứu phản vệ, trang thiết bị cấp cứu đến bố trí lực lượng cấp cứu để theo dõi nhằm xử trí tại chỗ phản ứng sau tiêm. Ðể hỗ trợ TP Hồ Chí Minh triển khai tiêm vaccine hiệu quả và an toàn, Bộ Y tế đã huy động tổng lực và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc trên địa bàn như Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Bệnh viện Chợ Rẫy, Trường đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh…

Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, chiến dịch tiêm chủng quy mô quốc gia lần này có nhiều điểm mới và Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Theo kế hoạch, chiến dịch sẽ được triển khai ở tất cả các xã, phường trong cả nước; đồng thời có thêm các điểm tiêm chủng lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để bảo đảm người dân được tiếp cận vaccine một cách thuận lợi nhất và dễ dàng nhất. Chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của nhiều bộ, ngành, nhất là các bộ: Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông, Giao thông vận tải.

Theo người đứng đầu ngành y tế, hiện nhiều nước đặt mục tiêu năm 2021 và năm 2022 có miễn dịch cộng đồng. Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021 – đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng, đó là phải tiêm vaccine dự phòng cho ít nhất khoảng 70% số dân. Ðây là một trong những yếu tố quan trọng nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc, bảo đảm khoảng 70 triệu người dân tiếp cận được vaccine.

Trong triển khai công tác tiêm chủng thời gian qua, Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu. Ðiểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta so với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm, nếu không bảo đảm yêu cầu về sức khỏe thì trì hoãn tiêm. Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương bảo đảm an toàn tiêm chủng.

Các chuyên gia dịch tễ cho biết, cũng giống như các loại vaccine giúp ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác, vaccine phòng Covid-19 giúp con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại vius gây bệnh Covid-19 mà không cần nhiễm bệnh. Có thể có trường hợp một người bị nhiễm virus gây bệnh Covid-19 ngay trước hoặc sau khi tiêm vaccine rồi sau đó bị bệnh do vaccine chưa có đủ thời gian để tạo ra miễn dịch hoặc một số ít đã được tiêm đủ nhưng vẫn mắc bệnh. Tuy nhiên nếu bị mắc bệnh, các triệu chứng thường nhẹ và không để lại biến chứng, di chứng nặng nề. Nếu tỷ lệ tiêm chủng cao, độ bao phủ trong cộng đồng 70% đến 85% thì sẽ giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh và bảo vệ cộng đồng hiệu quả trước các tác nhân gây bệnh.

Ðối với vaccine phòng Covid-19, không chỉ bảo vệ sức khỏe người tiêm mà còn giúp duy trì khả năng của hệ thống y tế, tránh rơi vào tình trạng quá tải do phải chăm sóc người bệnh nặng, đồng thời giúp cuộc sống sớm trở lại bình thường và phát triển kinh tế. Ðể bảo đảm hiệu quả cao nhất của vaccine, các chuyên gia khuyến cáo mỗi người cần được tiêm đầy đủ hai mũi vaccine và tỷ lệ bao phủ tiêm chủng phải đạt 70% đến 85% số dân để có miễn dịch cộng đồng. Sau khi tiêm chủng vaccine, những người được tiêm vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch (thông điệp 5K) để bảo đảm an toàn cho mình, gia đình và cho cộng đồng.

Cũng như bất kỳ một loại thuốc hay vaccine nào khác, vaccine phòng Covid-19 có thể gây nên một số phản ứng không mong muốn sau khi tiêm, từ mức độ nhẹ (sốt, sưng đau tại chỗ tiêm, đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, mệt mỏi, bồn chồn) đến nghiêm trọng (sốc phản vệ, thậm chí tử vong). Tại buổi tập huấn trực tuyến bảo đảm an toàn tiêm chủng vaccine Covid-19 mới đây, Bộ Y tế yêu cầu tất cả các điểm tổ chức tiêm chủng cần thực hiện đúng các hướng dẫn chuyên môn. Các cơ sở tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 cần đạt các tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Người đi tiêm vaccine phải ở lại điểm tiêm ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khỏe; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến ba tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng…

Ngày 23-6, Bộ Y tế có công văn hỏa tốc đề nghị UBND chín tỉnh, thành phố gồm: Nam Ðịnh, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Ðắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Ðồng, Cần Thơ, Kiên Giang chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Hiện các tỉnh, thành phố này mới tiêm được dưới 40% tổng số vaccine được cấp.

Bộ Y tế cho biết, trong đợt phân bổ vắc-xin phòng Covid-19 thứ ba và thứ năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh và các viện, bệnh viện, đơn vị trên địa bàn thành phố được cấp tổng số 870.870 liều vắc-xin. Nhưng đến nay mới tiêm được hơn 50 nghìn liều. (Nhân dân, trang 7).

 

Liên kết vùng để phòng chống dịch

Trước tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM diễn biến phức tạp, 2 tỉnh thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam gồm Bình Dương và Đồng Nai đang xây dựng các kịch bản phòng chống, đối phó nguy cơ dịch bệnh lan rộng.

Ý kiến của nhiều cơ quan chức năng cho rằng, rất cần một cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng để phòng chống dịch hiệu quả vì sự giao thoa và mối liên hệ giữa các địa phương này với nhau rất chặt chẽ.

“Phối hợp liên vùng” chặn nguy cơ lây nhiễm Covid-19

Sáng 23.6, hai thứ trưởng Bộ Y tế gồm ông Nguyễn Trường Sơn và ông Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại tỉnh Bình Dương. Theo Sở Y tế Bình Dương, từ đợt dịch thứ 4 bùng phát cho đến ngày 23.6, Bình Dương ghi nhận 164 ca F0 lây lan trong cộng đồng. Bệnh viện (BV) đa khoa Bình Dương đang điều trị cho 166 bệnh nhân (BN). Bình Dương cũng đã lấy mẫu xét nghiệm cho trên 40.911 trường hợp, truy vết 3.000 F1 và trên 8.000 F2.

Việc 3 địa phương cùng ngồi lại bàn và thống nhất các giải pháp chung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa là hết sức cần thiết

Ông Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế Đồng Nai

Đoàn công tác đã đi kiểm tra khu nhà trọ của công nhân (CN) ở P.Bình Hòa (TP.Thuận An) và 1 trung tâm cách ly tập trung là Trường THPT Lý Thái Tổ (P.An Phú, TP.Thuận An). Sau đó, đoàn công tác về Trung tâm hành chính tỉnh Bình Dương và họp trực tuyến với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, với tổng số 164 ca F0 ở Bình Dương chưa phải là số lớn, nhưng trong thời gian sắp tới tình hình dịch sẽ diễn biến phức tạp, khó lường nếu không kịp thời ngăn chặn các chuỗi lây nhiễm thì số ca F0 sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt ở các địa bàn có nhiều KCN, đông CN. Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết cơ quan thường trực phía nam của Bộ Y tế đã tăng cường tập huấn cho 60 đoàn để kiểm tra trong các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh (SXKD) ở Bình Dương. Ông Sơn cũng cho rằng, Bình Dương cần phải tiêm vắc xin cho CN trên diện rộng như ở TP.HCM.

Họp trực tuyến với Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã đề nghị Bộ Y tế chi viện cho Bình Dương cả về nhân lực, vật lực để phòng chống dịch. Ông Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế Bình Dương, cho hay đến nay Bình Dương có hơn 100 ca dương tính chưa xác định được nguồn lây nhiễm. Do đó, Bình Dương đề nghị Bộ Y tế phân bổ vắc xin nhiều nhất có thể so với nhu cầu của Bình Dương đang cần là 500.000 liều để tiêm cho CN. Ngoài ra, Bình Dương đề nghị chi viện máy móc, trang thiết bị, sinh phẩm, test nhanh… và kể cả về nhân lực.

Báo cáo tại cuộc họp, đại diện Ban Quản lý các KCN Bình Dương cho rằng cần thiết nhất phải “phối hợp liên vùng” để xác định và cắt đứt nguồn lây một cách nhanh chóng. Ngoài ra, Bình Dương đã thiết lập các chốt kiểm dịch trên các tuyến đường giao thương với Đồng Nai, TP.HCM để phòng dịch Covid-19.

Về đề nghị chi viện của Bình Dương, lãnh đạo Bộ Y tế thông tin, sẽ sắp xếp để tăng cường trang thiết bị xét nghiệm từ TP.HCM về cho Bình Dương, trước mắt Bộ Y tế chi viện ngay 10.000 test PCR và 300.000 khẩu trang phòng chống dịch. Về nguồn vắc xin, trong tháng 7 sẽ có khoảng 8 triệu liều vắc xin về VN và sẽ phân bổ cho Bình Dương từ 500.000 – 1 triệu liều để tiêm cho CN trên diện rộng.

Tại cuộc họp trực tuyến, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam giao cho Bộ Y tế xem xét, giải quyết những đề nghị của Bình Dương; đồng thời yêu cầu tỉnh này khoanh vùng chặt chẽ khi phát hiện F0, nhưng tránh trường hợp khi phát hiện một F0 thì cả nhà máy phải ngừng sản xuất, mà phải phong tỏa, truy vết nhanh, không được tràn lan ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và đời sống người dân.

Đồng Nai xin ý kiến lập dự thảo “phối hợp liên tỉnh” chống dịch

Trao đổi với PV Thanh Niên ngày 23.6, bác sĩ Phan Huy Anh Vũ, Giám đốc Sở Y tế, Phó ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết tính đến thời điểm này Đồng Nai tương đối ổn, các KCN tạm thời an toàn. Tuy nhiên, ông Vũ lo ngại số lượng người lao động sống ở TP.HCM, Bình Dương (khoảng 10.000 người) đang làm việc tại các KCN Đồng Nai. “Nếu những người này cứ đi đi về về mà không tuân thủ nghiêm các quy định phòng chống dịch, thì chắc chắn Đồng Nai sẽ vỡ trận, chỉ là sớm hay muộn mà thôi vì làm sao kiểm soát hết được”, ông Vũ nói.

Liên quan việc phối hợp giữa các tỉnh giáp ranh, lân cận TP.HCM trong công tác phòng chống dịch Covid-19, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi từng lưu ý cần có cơ chế trao đổi thông tin giữa TP.HCM với các tỉnh thành lân cận cũng như các tỉnh khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Việc chủ động trao đổi thông tin giúp các tỉnh thành hiểu được tình hình dịch bệnh của nhau và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp, không để ảnh hưởng đến giao thương hàng hóa, đi lại của người dân. Cơ chế trao đổi thông tin có thể thông qua Ban Tuyên giáo thành ủy, tỉnh ủy hoặc Thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các địa phương.

Theo kế hoạch, hôm nay (24.6), đoàn công tác của Bộ Y tế sẽ về Đồng Nai kiểm tra tình hình phòng chống dịch tại địa phương. Ông Vũ cho hay sẽ kiến nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ nguồn vắc xin và giải pháp phối hợp giữa Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM trong công tác phòng chống dịch. “Việc 3 địa phương cùng ngồi lại bàn và thống nhất các giải pháp chung để ngăn chặn dịch bệnh lây lan nhưng vẫn đảm bảo sản xuất, lưu thông hàng hóa là hết sức cần thiết”, ông Vũ nêu ý kiến.

Cũng theo Sở Y tế Đồng Nai, hiện tỉnh này được Bộ Y tế cấp (2 lần) tổng cộng gần 50.000 liều vắc xin. Sở Y tế đã tổ chức tiêm cho những đối tượng thuộc tuyến đầu chống dịch. Đối với CN, thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế Đồng Nai có văn bản trình Chính phủ cho phép triển khai chương trình xã hội hóa vắc xin Covid-19, trong đó các doanh nghiệp sẽ bỏ tiền ra mua theo giá đàm phán của Chính phủ để tiêm cho cán bộ nhân viên và CN. Ngày 21.6, Sở Y tế đã gửi thông báo rộng rãi đến các cơ sở SXKD, doanh nghiệp đăng ký mua và gửi số lượng về Sở Y tế để tổng hợp.

Trả lời Thanh Niên chiều cùng ngày, ông Thái Bảo, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 tỉnh Đồng Nai, cho biết hiện tại 3 địa phương trong “tam giác kinh tế” thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía nam là Đồng Nai, Bình Dương và TP.HCM “chưa có cuộc họp chính thức nào với nhau để phối hợp phòng chống dịch”. Các địa phương vẫn đang triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, đồng thời ban hành kế hoạch phòng chống dịch linh hoạt tùy theo đặc thù của từng địa phương.

Ông Phạm Văn Cường, Phó ban Quản lý các KCN Đồng Nai nhìn nhận, rút kinh nghiệm từ các tỉnh có nhiều KCN-KCX như Bắc Giang, Bắc Ninh, TP.HCM và Bình Dương, ngày 22.6 vừa qua, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký ban hành Kế hoạch (số 97/KH-BCĐ) về tăng cường phòng chống dịch Covid-19 tại các cơ sở SXKD, KCN trên địa bàn.

Cũng theo ông Cường, việc phối hợp liên vùng là cần thiết vì nguy cơ lây lan dịch bệnh giữa các địa phương giáp ranh, có mối liên hệ kinh tế xã hội mật thiết như Đồng Nai, TP.HCM và Bình Dương rất lớn. “Hiện nay Đồng Nai tiếp tục kiểm soát tại 22 đầu ngõ, không buông lỏng nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu lưu thông hàng hóa, sản xuất an toàn. Việc phối hợp là cần thiết để tránh chỉ đạo chồng chéo, phân rõ trách nhiệm, làm cho ra ngô ra khoai. Một vài đốm tàn thì có thể dập được, chứ bùng lên thành ngọn lửa thì sao dập nổi”, ông Cường nói.

Khi được hỏi về cơ chế phối hợp liên tỉnh, liên vùng, ông Thái Bảo cho hay, Đồng Nai đang xin ý kiến Ban Thường vụ Tỉnh ủy về dự thảo văn bản kiến nghị Chính phủ và các địa phương trong việc “phối hợp liên tỉnh” về công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian tới. Theo ông Bảo, việc phối hợp là cần thiết nhằm chủ động phát hiện sớm và xử lý kịp thời trường hợp nghi ngờ mắc Covid-19 tại các cơ sở SXKD, KCN, đồng thời đảm bảo sản xuất an toàn và thực hiện mục tiêu kép, hạn chế tác động của dịch bệnh đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội. (Thanh niên, trang 1).

Dự kiến quý 3 sẽ tiêm cơ bản hết cho đối tượng ưu tiên

Chiều 23.6, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã họp về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19, thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin phòng Covid-19. Theo báo cáo của BYT, với kế hoạch vắc xin phòng Covid-19 những tháng tới, dự kiến trong quý 3, chúng ta sẽ tiêm cơ bản hết cho các đối tượng ưu tiên, đủ số lượng vắc xin tiêm cho lực lượng sản xuất.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bộ Y tế phải dự kiến được tiến độ số lượng vắc xin về Việt Nam, từng loại vắc xin cụ thể để phân bổ tiêm cho các đối tượng. Sau khi đã tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vắc xin.

Ban hành thông tư đối với vắc xin phòng Covid-19

Thảo luận về dự thảo thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin phòng Covid-19, Thường trực Ban Chỉ đạo cho biết, hiện việc cấp phép lưu hành các vắc xin của nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện theo quy trình khẩn cấp, do đó rất cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vắc xin phòng Covid-19, cả của nước ngoài và trong nước, để các hội đồng căn cứ vào đó thực hiện.

Vắc xin cấp phép khẩn cấp cần đảm bảo hiệu quả

Ngày 23.6, Bộ Y tế thông tin về việc cấp phép khẩn cấp vắc xin phòng dịch Covid-19. Bộ Y tế cho biết, theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc…, vắc xin trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng (TNLS) trên người với 3 giai đoạn. Kết quả TNLS của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vắc xin đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không.

Tại Việt Nam, tất cả vắc xin Covid-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp đều phải tuân thủ TNLS qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: an toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ.

Đối với các vắc xin phòng Covid-19 nghiên cứu, phát triển trong nước, luật cũng quy định phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, theo điều 89 luật Dược thì “thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc” thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để thể hiện trong thông tư do Bộ trưởng bộ này ký ban hành. Trong trường hợp cần các yêu cầu, điều kiện đặc biệt mà pháp luật hiện hành chưa quy định, Bộ Y tế sẽ trình các cơ quan thẩm quyền xem xét. Kết hợp linh hoạt các phương thức xét nghiệm

Trước đó, Thường trực Ban Chỉ đạo cũng họp trực tuyến với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về công tác phòng, chống dịch. Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý Bình Dương cần kết hợp sáng tạo, linh hoạt các phương thức xét nghiệm bảo đảm hiệu quả tốt nhất trong tình huống dịch xảy ra trong khu công nghiệp (KCN), trong nhà máy nằm xen kẽ khu dân cư và trong cộng đồng.

Đối với công tác phòng chống dịch trong KCN, Phó thủ tướng đề nghị Bình Dương phải chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án bố trí ca kíp sản xuất gắn với chỗ ở của công nhân, gắn với tuyến xe đưa đón, để khi có ca nhiễm ở phân xưởng nào, doanh nghiệp nào thì khoanh gọn lại ngay, không ảnh hưởng đến cả nhà máy, KCN…

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vắc xin

Covid-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer (Mỹ), A2D1222 của AstraZeneca (Anh), Sputnik-V của Gamalaya (Nga), Vero-Cell của Sinopharm (Trung Quốc cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch Covid-19. Ngoài ra, vắc xin Moderna (Mỹ) cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.

Tất cả các vắc xin Covid-19 nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn TNLS, trong đó TNLS giai đoạn 3 có quy mô từ 20.000 – 50.000 người tham gia. (Thanh niên, trang 4).

 

Vì sao cần thiết tiêm vắc xin Covid-19 trong đại dịch?

Vắc xin là biện pháp chủ động để phòng bệnh truyền nhiễm. Nhờ vắc xin chúng ta đã loại trừ được các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm từng gây ra đại dịch trên thế giới như đậu mùa, bại liệt… Với Covid -19 vắc xin là vũ khí hữu hiệu để đẩy lùi đại dịch.

Phòng bệnh và ngừa biến chứng nghiêm trọng

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đến nay vắc xin Covid-19 được đánh giá là biện pháp hiệu quả trong phòng ngừa các biến chứng nghiêm trọng của bệnh, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong do bệnh. Vắc xin cũng có hiệu quả trong ngăn ngừa lây nhiễm cho người được tiêm chủng và những người xung quanh. Vắc xin này đã giúp nhiều nước có tỷ lệ bao phủ cao mở cửa trở lại nền kinh tế và góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Trước bối cảnh đại dịch Covid-19, việc sử dụng vắc xin phòng ngừa chủ động ngày càng trở nên cấp bách trên toàn cầu. Các quốc gia đều đang nỗ lực tiếp cận với các nguồn vắc xin cũng như đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng cho người dân.

Vắc xin là một trong những vũ khí hữu hiệu để đẩy lùi đại dịch.

Việt Nam cần ít nhất 70% dân số được tiêm vắc xin

Theo chuyên gia về tiêm chủng, để khống chế dịch Covid -19, cần tạo được miễn dịch cộng đồng đủ lớn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dự kiến trong năm 2021 mục tiêu mà khu vực Tây Thái Bình Dương đặt ra là 40% dân số được tiêm chủng vắc xin Covid-19 và hướng tới 80% dân số trong năm 2022 được tiêm đủ mũi vắc xin này.

Tại Việt Nam, ngày 26.2.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 21/NQ-CP về việc mua và sử dụng vắc xin phòng Covid-19, trong đó dự kiến mua 150 triệu liều BYT trong việc ngăn chặn đại dịch, bảo vệ sức khỏe gười dân và duy trì sản xuất, phát triển kinh tế”, PGS-TS Dương Thị Hồng chia sẻ.

Theo Bộ Y tế, Việt Nam đã đặt mục tiêu 70% dân số được tiêm chủng phòng bệnh trong năm nay với việc tổ chức chiến dịch có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, dự kiến triển khai từ tháng 7 tới.

PGS Dương Thị Hồng khẳng định: “Vắc xin phòng Covid-19 đang và sẽ được sử dụng ở Việt Nam hiện nay đều đã được WHO tiền thẩm định, khuyến cáo, đồng thời được Cục Quản lý dược cấp phép lưu hành, được Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế cấp giấy phép xuất xưởng, rồi mới đưa vào sử dụng để đảm bảo an toàn và chất lượng của vắc xin khi đưa ra sử dụng”.

“Việc sớm được tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 là quan trọng để chủ động phòng bệnh cho cá nhân và cộng đồng. Người dân không nên có tâm lý lựa chọn vắc xin mà chờ đợi và bỏ đi cơ hội tiêm chủng sớm”, PGS Hồng chia sẻ.

Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư nhấn mạnh: “Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi của mỗi cá nhân người dân Việt Nam, mà còn là trách nhiệm, vì muốn phòng bệnh thì phải đạt miễn dịch cộng đồng, nghĩa là ít nhất 70% dân số phải được tiêm chủng”.

Vắc xin là một trong những biện pháp chủ động để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Các vắc xin phòng Covid-19 hiện nay có hiệu quả bảo vệ từ trên 60% đến trên 90%.

Vắc xin phòng Covid-19 có tác dụng giảm số người nhiễm vi rút, giảm số trường hợp bị biến chứng do mắc bệnh và giảm số trường hợp phải nhập viện điều trị và tử vong.

Hoàn toàn không có bằng chứng khoa học về việc vắc xin ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, ở nam giới hoặc ở phụ nữ. Bởi vì những gì vắc xin làm là kích thích phản ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại protein hoặc kháng nguyên của tác nhân gây bệnh cụ thể đó (vi rút hoặc vi khuẩn, độc tố). Vì vậy, vắc xin Covid-19 không can thiệp vào hoạt động của các cơ quan sinh sản ở cả nam và nữ, không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của người được tiêm vắc xin. (Thanh niên, trang 15).

 

TPHCM đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 theo mục tiêu đề ra

Sáng 23-6, đoàn khảo sát Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM do đồng chí Tô Thị Bích Châu, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM làm trưởng đoàn, đã đi thực tế kiểm tra tình hình tại các điểm tiêm vaccine phòng Covid-19.

Đoàn đã ghi nhận thực tế các điểm tiêm vaccine tại Trường Mầm non Hạnh Thông Tây, số 637/2A Quang Trung; Trường Mầm non Anh Đào, số 625 Phan Văn Trị (quận Gò Vấp) và Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh, số 99/6 Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh).

Ghi nhận tại các điểm tiêm chủng trên, cũng như thực tế trong 3 ngày khảo sát vừa qua, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM Tô Thị Bích Châu đánh giá: Tình hình đã có trật tự, phối hợp giữa các lực lượng được tốt hơn.

Công tác điều phối giữa lực lượng tình nguyện viên với nhân viên y tế trong việc sắp xếp vị trí các khâu, hướng dẫn người tiêm đã giảm đáng kể tình trạng ùn ứ, bảo đảm giãn cách phòng, chống dịch Covid-19; sàng lọc y tế, giải thích với người tiêm vaccine những vấn đề sức khỏe để có biện pháp xử lý phản ứng sau tiêm.

Đồng thời, lưu ý với các điểm tiêm chủng cần tăng tốc, bảo đảm đúng tiến độ trong 5 ngày hoàn thành mục tiêu mà Thủ tướng Chính phủ và Bộ Y tế giao cho TPHCM. (Sài Gòn giải phóng, trang 1).

 

Bộ Y tế nói về việc doanh nghiệp xin cấp phép vaccine Nano Covax: Chưa đủ cơ sở khoa học

Nói về việc Nanogen xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng Covid-19 Nano Covax do thử nghiệm lâm sàng trên 1.000 người cho kết quả khả quan, TS Nguyễn Ngô Quang cho biết: 1.000 người chưa nói lên điều gì nhiều.

Như ANTĐ đã đưa tin vào hôm qua (22/6), Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen đã xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine phòng COVID-19 Nano Covax và có cả công văn gửi Thủ tướng Chính phủ trình bày về việc này. Đây là loại vaccine covid-19 đầu tiên do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất xin cấp phép.

Trả lời báo chí về việc này, TS Nguyễn Ngô Quang, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế) cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 là điều cần thiết, song cũng phải tuân thủ quy trình rất chặt chẽ.

“Tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi lớn là: Có an toàn không? Có sinh miễn dịch không? Và điều đặc biệt quan trọng đó là có hiệu lực bảo vệ không?” – ông Quang nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, TS Nguyễn Ngô Quang cho biết, việc kiến nghị là quyền của doanh nghiệp, còn việc cho phép hay không thuộc thẩm quyền của các cơ quan chuyên môn, căn cứ theo các quy định.

Việc ra quyết định cấp phép khẩn cấp một loại vaccine phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học.

Theo công văn xin cấp phép vaccine Nano Covax của Nanogen, phía công ty này thông tin, dựa trên các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vaccine Nanocovax đạt 99,4%. Hiện vaccine này đã được triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 và tiêm trên 1.000 người.

Nói về thông tin này, TS Nguyễn Ngô Quang cho biết, vaccine Nanocovax đang thử nghiệm giai đoạn 3 trên 1.000 người, đây là số lượng nhỏ, chưa mang tính cộng đồng so với số lượng hàng trăm triệu người sử dụng vắc xin sau này.

“1.000 người chưa nói lên điều gì nhiều (đề cương thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 của vắc xin Nano Covax được Bộ Y tế phê duyệt là thử nghiệm trên 13.000 người- PV)”- Phó Cục trưởng Nguyễn Ngô Quang cho biết.

Cũng theo ông Quang, các dữ liệu hiện tại cho thấy vaccine phòng COVID-19 Nano Covax an toàn, có tính sinh miễn dịch nhưng hiệu lực bảo vệ như nào vẫn đang trong thời gian nghiên cứu, thử nghiệm tiếp.

“Để có đủ căn cứ khoa học đánh giá cần phải theo dõi sau tiêm mũi 1 sau 36 ngày, 45 ngày và 56 ngày. Trên cơ sở đó mới đủ tiêu chuẩn đánh giá tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ ra sao. Như vậy ít nhất phải sau 2 tháng và thử nghiệm trên cỡ mẫu này mới có thể đánh giá”- TS Quang nói. (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

85 ca Covid-19 chiều 23-6: Bắc Giang chỉ thêm 1 bệnh nhân, số ca mắc giảm mạnh

Chiều nay, 23-6, cả nước ghi nhận thêm 85 ca Covid-19 mới. Đáng chú ý, trong số này chỉ có thêm 01 ca ghi nhận tại Bắc Giang, còn số mắc tại TP HCM lên đến 61 ca… Theo tin từ Bộ Y tế, tính từ 12h đến 18h ngày 23/6 có 85 ca mắc mới gồm 03 ca nhập cảnh và 82 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (61), Đà Nẵng (6), Bắc Ninh (4), Long An (3), Nghệ An (5), Kiên Giang (2), Bắc Giang (1).

Tính chung trong ngày 23/6, Việt Nam ghi nhận thêm 220 ca mắc mới, trong đó 217 ca ghi nhận trong nước tại TP. Hồ Chí Minh (152), Bình Dương (23), Bắc Giang (11), Nghệ An (7), Đà Nẵng (6), Long An (5), Hưng Yên (4), Bắc Ninh (4), Lào Cai (2), Kiên Giang (2), Bắc Kạn (1). (An ninh Thủ đô, trang 7).

 

Bộ Y tế: Tất cả vaccine Covid -29 trên thế giới đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng

Bộ Y tế khẳng định, tất cả vaccine Covid-19 trên thế giới đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, trong đó thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 phải có quy mô từ 20.000 đến 50.000 người tham gia. Thông tin về việc công ty Nanogen xin cấp phép khẩn cấp cho vaccine Nano Covax (vaccine phòng Covid-19 do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất) sau khi kết thúc thử nghiệm giai đoạn 1, 2 khả quan và đã tiêm thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 trên 1.000 người… đang nhận được nhiều sự chú ý của dư luận.

Thông tin về vấn đề cấp phép vaccine, sáng nay, 23-6, Bộ Y tế chính thức lên tiếng khẳng định: Tất cả vaccine phòng Covid-19 được cấp phép sử dụng khẩn cấp đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Bộ Y tế nêu rõ, theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới và các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Hàn Quốc… vaccine trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp bắt buộc phải thử nghiệm lâm sàng trên người với 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 3 là giai đoạn quan trọng nhất.

Giai đoạn này được thực hiện trên quy mô lớn với mục tiêu đánh giá tính an toàn và hiệu quả bảo vệ của vaccine. Kết quả của giai đoạn 3 sẽ quyết định việc vaccine đó có được phê duyệt để triển khai tiêm chủng rộng rãi hay không.

Kể cả sau khi đã được phê duyệt, các loại vaccine đó đều phải liên tục bổ sung, cập nhật các thông tin, dữ liệu liên quan đến tính an toàn, hiệu quả của vaccine trong quá trình sử dụng.

Thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 được tiến hành ở quy mô nhỏ trên một số nhóm quần thể để kiểm tra độ an toàn, tính sinh miễn dịch và xác định liều lượng tối ưu. Việc đánh giá tính sinh miễn dịch trong giai đoạn 1 và 2 này không phải là yếu tố quyết định cho việc phê duyệt khẩn cấp.

“Chỉ có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 mới là yếu tố quyết định để đánh giá vaccine này có hiệu quả bảo vệ hay không, có làm giảm nguy cơ mắc COVID-19 hay không hoặc giảm nhẹ tình trạng bệnh hay không” – Bộ Y tế nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ Y tế, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát rộng trên toàn thế giới, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vaccine phòng COVID-19 là điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bỏ qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng bắt buộc.

Việc cấp phép khẩn cấp sử dụng vaccine COVID-19 hiện nay là do điều kiện dịch bệnh nên chưa đủ thời gian để theo dõi được vaccine trong thời gian dài như thông lệ. Mặc dù vậy, để đảm bảo tính an toàn của vaccine vẫn phải thực hiện đầy đủ quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ của vaccine.

“Cũng giống như thông lệ quốc tế, tất cả vaccine COVID-19 trước khi đưa vào sử dụng khẩn cấp tại Việt Nam đều phải tuân thủ thử nghiệm lâm sàng qua 3 giai đoạn, trên nguyên tắc đảm bảo 3 yếu tố: An toàn, sinh miễn dịch và quan trọng nhất là hiệu quả bảo vệ” – Bộ Y tế lưu ý thêm.

Đến nay, Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vaccine COVID-19 bao gồm: Comirnaty của Pfizer, A2D1222 của AstraZeneca, Sputnik-V của Gamalaya, Vero-Cell của Sinopharm cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID. Ngoài ra, vaccine Moderna cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt.

Tất cả các vaccine nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Trong đó, thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 có quy mô từ 20.000 đến 50.000 người tham gia.

Cụ thể: Vaccine của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia. Vaccine Vero-Cell của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người.

Vaccine Sputnik-V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với 21.977 người; Vaccine của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với 43.418 người và Vaccine của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với 30.420 người. (An ninh Thủ đô, trang 6).

 

Nanogen có nóng vội?

Bộ Y tế đã nói gì sau khi Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax?

Cùng với đó, có rất nhiều thắc mắc từ dư luận đã đặt ra: Nanogen kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax có “nóng vội” hay không? Quy chuẩn khoa học để cấp phép một loại vắc xin trong điều kiện khẩn cấp hiện nay như thế nào?

Tuổi Trẻ đã trao đổi với đại diện nhà sản xuất, Bộ Y tế (cơ quan quản lý chuyên môn, cấp phép) và ý kiến của các chuyên gia về vấn đề này để có thêm thông tin.

Gặp khó khăn với cơ chế “xin – cho”?

Sáng 23-6, Công ty cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen (gọi tắt là Nanogen) đã có những chia sẻ với báo chí sau khi kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vắc xin Nano Covax mà đại diện Bộ Y tế đánh giá là “nóng vội, chưa đủ dữ liệu khoa học”.

Theo đại diện Nanogen, đến nay quá trình thử nghiệm đang bước vào giai đoạn 3 (giai đoạn cuối cùng) với quy mô thử nghiệm trên 13.000 người (đã có 1.000 người tiêm thử nghiệm mũi 1). Việc gửi kiến nghị cấp phép khẩn cấp cho vắc xin lên Thủ tướng, Nanogen lý giải là “thể hiện sự mong muốn lớn nhất của đơn vị”, đồng thời “thay mặt cho người dân để sớm có vắc xin phòng COVID-19, an tâm quay trở lại cuộc sống”.

Đại diện Nanogen cho rằng đơn vị gặp nhiều khó khăn với cơ chế “xin – cho” trong quá trình nghiên cứu, thử nghiệm, cấp phép qua các giai đoạn của vắc xin Nano Covax. Điển hình như hồi tháng 4-2021 khi hoàn tất thử nghiệm giai đoạn 2, Nanogen xin cho thực hiện giai đoạn 3 nhưng Bộ Y tế không đồng ý và phải chờ đợi đến ngày 10-6 mới bắt đầu.

“Đầu tư sản xuất, thử nghiệm một loại vắc xin mang tầm quốc tế tốn kém lắm, trong khi cơ chế chưa rõ ràng, Bộ Y tế còn có lúng túng; chỉ cấp phép khi thiếu vắc xin, còn đủ vắc xin thì không cấp phép, điều đó không hợp lý” – đại diện Nanogen nói.

Đại diện công ty này khẳng định kiến nghị trên “không nóng vội”, xuất phát từ cơ sở khoa học là đánh giá từ Học viện Quân y và Viện Pasteur TP.HCM, hai đơn vị độc lập được Bộ Y tế chỉ định trực tiếp thử nghiệm. Đặc biệt, các kết quả thử nghiệm lâm sàng, khả năng sinh miễn dịch của vắc xin Nano Covax đạt 99,4%. Nếu so sánh với các loại vắc xin khác trên thế giới là không hề thua kém, thậm chí có phần cao hơn, trong khi giá bán “rẻ nhất thế giới” (120.000 đồng/liều).

Nanogen còn khẳng định trong quá trình thử nghiệm đều có báo cáo hằng ngày về Cục Khoa học công nghệ và đào tạo (Bộ Y tế). Các yếu tố về an toàn, sinh miễn dịch, hiệu quả bảo vệ đều thực hiện đáp ứng đúng hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

“Vắc xin Nano Covax chỉ sản xuất phục vụ riêng cho người dân Việt Nam, không có nhu cầu bán ra nước ngoài. Khi có đủ miễn dịch cộng đồng, Nanogen sẽ ngừng để tập trung sản xuất các loại thuốc khác có giá trị thương mại cao hơn nhiều” – đại diện này nói và cho biết bên cạnh gửi kiến nghị cho Thủ tướng; đơn vị có đơn, thư gửi Bộ Y tế và bộ trưởng Bộ Y tế.

“Không thể ‘nhảy cóc’ trên tính mạng người dân”

Trao đổi với Tuổi Trẻ về vấn đề nêu trên, một thành viên trong hội đồng đạo đức của Bộ Y tế (trực tiếp tham gia phản biện quy trình thử nghiệm vắc xin Nano Covax) cho biết rất đồng thuận với ý kiến đánh giá của Bộ Y tế: nguyên tắc thử nghiệm lâm sàng một loại vắc xin bắt buộc phải hoàn tất 3 giai đoạn thử nghiệm.

“Không chỉ thiếu thời gian, vắc xin Nano Covax còn thiếu các số liệu khoa học cần thiết” – vị này khẳng định.

Vậy để đáp ứng việc cấp phép khẩn cấp, công ty cần thỏa điều kiện gì? Vị này cho biết trong các cuộc làm việc với công ty, hội đồng đạo đức của Bộ Y tế đã hướng dẫn rất cặn kẽ là phải hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 3.

Cụ thể, hiện vắc xin này đã bước vào thử nghiệm giai đoạn 3 và phải hoàn thành thử nghiệm trên quy mô 13.000 người. Tất cả các mẫu lấy được phải chuyển cho một phòng thí nghiệm độc lập không có “xung đột” về lợi ích (ngoài Học viện Quân Y, Viện Pasteur) thực hiện. Sau khi có kết quả (an toàn, sinh miễn dịch, hiệu lực bảo vệ) mới thông qua hội đồng đạo đức của Bộ Y tế xem xét, nếu đủ điều kiện hội đồng sẽ tư vấn cấp phép.

“Ai cũng biết cần vắc xin gấp, Chính phủ và Bộ Y tế cũng rất khuyến khích sản xuất vắc xin trong nước nhưng về mặt khoa học, bất kỳ một loại vắc xin nào trên thế giới đều phải tuân thủ nguyên tắc đó. Không ai dám “nhảy cóc” trên sinh mạng người dân và với vai trò của hội đồng đạo đức chúng tôi phải phản biện, phải đặt tính mạng người dân lên trên hết” – vị này khẳng định.

Theo Bộ Y tế, đến nay Việt Nam đã phê duyệt có điều kiện cho 4 loại vắc xin COVID-19 của 4 hãng gồm Pfizer (Mỹ), AstraZeneca (Anh), Sputnik V (Nga), Sinopharm (Trung Quốc). Ngoài ra, vắc xin Moderna (Mỹ) cũng đang trong quá trình xem xét phê duyệt. Tất cả các loại vắc xin nói trên đều phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Cụ thể vắc xin của AstraZeneca thử nghiệm lâm sàng tại 11 quốc gia với 49.626 người tham gia; vắc xin của Sinopharm thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với trên 45.000 người; vắc xin Sputnik V thử nghiệm lâm sàng tại 5 quốc gia với 21.977 người; vắc xin của Pfizer thử nghiệm lâm sàng tại 6 quốc gia với 43.418 người và vắc xin của Moderna thử nghiệm tại 4 quốc gia với 30.420 người. (Tuổi trẻ, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Khẩn trương hoàn thiện thông tư cấp phép lưu hành khẩn cấp vắc xin phòng Covid-19

Chiều 23-6, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19; Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin Covid-19.

Tại cuộc họp, lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo việc triển khai kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19; việc xây dựng Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin Covid-19. Theo đó, Bộ Y tế đã thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng thông tư; tổ chức các cuộc họp với các đơn vị liên quan, cơ sở sản xuất, đăng ký vắc xin về nội dung góp ý, những vướng mắc khi đăng ký lưu hành vắc xin; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành thông tư theo hình thức rút gọn…

Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vắc xin về trong thời gian tới (tháng 7-2021 có thể có khoảng 8 triệu liều vắc xin từ các nguồn về Việt Nam), dự kiến đến quý III-2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó đủ số lượng vắc xin để tiêm cho lực lượng sản xuất.

Nhấn mạnh Bộ Y tế cần hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 trên toàn quốc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý 6 điểm: Đầu tiên, Bộ Y tế phải dự kiến tiến độ, số lượng, từng loại vắc xin về Việt Nam để phân bổ tiêm cho các đối tượng, không chỉ đáp ứng yêu cầu chống dịch mà còn tính tới các tác động về kinh tế – xã hội, đối ngoại…

Căn cứ vào tiến độ, loại vắc xin dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần, trước mắt bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vắc xin của Liên hợp quốc; tiếp đến, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo công khai, minh bạch.

Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế phải có kế hoạch dự kiến khoảng thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cũng như phương án tiêm hết mũi 1 cho số lượng lớn người dân hoặc dự trữ vắc xin để tiêm đủ 2 mũi vắc xin cho số lượng người ít hơn; tiêm 2 mũi là 2 loại vắc xin khác nhau hay cùng một loại.

Đồng thời, Bộ Y tế nêu rõ thời điểm Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh…

Sau khi tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai tiêm vắc xin.

Ngoài ra, Bộ Y tế cần đề xuất việc sử dụng kinh phí phục vụ việc tiêm vắc xin từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong lúc khan hiếm vắc xin hiện nay, trong tháng 7, đầu tháng 8 khi vắc xin về chưa nhiều, người dân rất quan tâm các đối tượng được ưu tiên tiêm vắc xin. Vì vậy, Bộ Y tế phải đảm bảo thực hiện tiêm cho các đối tượng ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ. Đối với lực lượng sản xuất, cần căn cứ vào địa bàn có nguy cơ, tránh tình trạng không công bằng giữa các đối tượng như Thủ tướng Chính phủ đã lưu ý.

Tại cuộc họp, Thường trực Ban Chỉ đạo đã nghe, thảo luận dự thảo Thông tư hướng dẫn đăng ký, lưu hành trong trường hợp cấp bách đối với vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, việc cấp phép lưu hành các vắc xin phòng Covid-19 của nước ngoài tại Việt Nam đang thực hiện theo quy trình khẩn cấp, vì vậy Thường trực Ban Chỉ đạo nhấn mạnh sự cần thiết phải ban hành thông tư quy định chính thức, cụ thể việc cấp phép lưu hành các loại vắc xin phòng Covid-19 cả của nước ngoài và trong nước; qua đó, Hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc căn cứ vào thực hiện.

Đối với các vắc xin phòng Covid-19 đang được nghiên cứu, phát triển trong nước, Luật Dược quy định phải trải qua 3 giai đoạn thử nghiệm lâm sàng; tuy nhiên không quy định rõ quy mô thử nghiệm. Đại diện Bộ Y tế cho biết, trong điều kiện bình thường, quy mô thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc (bao gồm cả vắc xin) theo thông lệ quốc tế.

Đại diện Bộ Tư pháp cho biết, điều 89, Luật Dược quy định về “Thuốc phải thử lâm sàng, thuốc miễn thử lâm sàng hoặc miễn một số giai đoạn thử lâm sàng khi đăng ký lưu hành thuốc” thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Y tế. Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu để thể hiện trong thông tư, do Bộ trưởng Bộ Y tế ký ban hành. Trong trường hợp cần các yêu cầu, điều kiện đặc biệt mà pháp luật hiện hành chưa quy định, Bộ Y tế sẽ trình các cơ  quan thẩm quyền xem xét. (Hà Nội mới, trang 1).

 

Bộ Y tế hỏa tốc yêu cầu 10 tỉnh, thành đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ngày 23-6, Bộ Y tế ra công văn hỏa tốc yêu cầu TP HCM và 9 tỉnh, thành gồm: Nam Định, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19. Theo Bộ Y tế, để phòng dịch Covid-19 tại TP HCM, ngày 20-5, Bộ đã phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM 70.000 liều và các viện, bệnh viện, các đơn vị trên địa bàn thành phố 4.500 liều.

Đến ngày 17-6, Bộ Y tế tiếp tục ưu tiên phân bổ cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM 786.000 liều và các viện, bệnh viện, đơn vị trên địa bàn thành phố 10.370 liều để triển khai phòng chống dịch. Tổng số liều vaccine được phân bổ hai đợt là 870.870 liều.

Trước đó, ngày 14-6, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức tiêm ngay vắc xin phòng Covid-19 trên địa bàn, hoàn thành trước ngày 18-6 đảm bảo an toàn, không đợi tiêm mũi 2 cho các đối tượng đã tiêm mũi 1 để tăng tỉ lệ tiêm chủng.

Tuy nhiên đến nay, theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hàng ngày của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), TP HCM mới triển khai tiêm được hơn 50.000 liều (khoảng 69% số vắc xin được phân bổ đợt 3 và 6% số vắc xin được phân bổ của cả 2 đợt).

Còn đối với 9 tỉnh, thành: Nam Định, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Tiền Giang, Lâm Đồng, Cần Thơ, Kiên Giang đến nay, theo báo cáo nhanh kết quả tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 hàng ngày của dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương), tiến độ tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 của các tỉnh thành trên còn chậm (dưới 40%).

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về đẩy nhanh tiến độ triển khai, trước thực tế trên, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phố có tên trên thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai, tăng tỉ lệ tiêm chủng, tập trung nguồn lực để triển khai tiêm chủng các đợt tiếp theo.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP HCM và 9 tỉnh, thành trên chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai tiêm chủng ngay số vắc xin được cấp. (Công an nhân dân, trang 1; Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Bộ Y tế khuyến cáo Bình Dương siết chặt giãn cách xã hội tại TP Thuận An

Sáng 23/6, hai lãnh đạo của Bộ Y tế là Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn và Thứ trưởng Trần Văn Thuấn dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Y tế đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại tỉnh Bình Dương.

164 ca mắc COVID-19

Tại Bình Dương, đoàn đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại khu nhà trọ Khu phố Đồng An 3 (phường Bình Hoà, TP Thuận An). Ngay sau đó, đoàn kiểm tra công tác tổ chức cách ly tập trung tại Khu cách ly tập trung Trường THPT Lý Thái Tổ (phường An Phú, TP.Thuận An), nơi đang thực hiện cách ly hơn 200 người, trong đó có trẻ nhỏ.

Trước đó, tại Khu cách ly tập trung Trường THPT Lý Thái Tổ, toàn bộ người cách ly tập trung đã được lấy mẫu xét nghiệm lần 1, có 9 ca dương tính với SARS-CoV-2 đã được phát hiện và chuyển đến cơ sở điều trị COVID-19 trên địa bàn.

TP. Thuận An là địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ. Đây là khu vực có địa giới giáp ranh với nhiều khu vực đông dân khác như: Dĩ An, Thủ Dầu Một, TP Hồ Chí Minh (Q. 12, TP. Thủ Đức…). Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đề nghị các cấp ban ngành địa phương phải kiểm soát chặt chẽ, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Báo cáo với đoàn kiểm tra, ông Nguyễn Hồng Chương – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sáng ngày 23/6, trên địa bàn phát hiện thêm 23 ca bệnh mới mắc COVID-19. Các ca bệnh mới này chủ yếu trong khu phong toả và được cách ly từ trước, liên quan đến các công ty, cơ sở sản xuất như: Công ty Việt Nam House Wares (17 ca), Chi nhánh xí nghiệp Xử lý chất thải Bình Dương – Biwase (5 ca) và 1 ca ở phường Bình Nhâm – Thuận An liên quan chợ đầu mối Hóc Môn (TP.HCM).

Như vậy, trong đợt dịch lần thứ 4 Bình Dương đã ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 trong cộng đồng và các công ty, cơ sở sản xuất, rải rác ở các địa bàn như: Dĩ An, Thuận An, Thủ Dầu Một, và Tân Uyên. Hầu hết các chuỗi lây nhiễm này đều liên quan chủ yếu đến các ổ dịch tại TP.HCM với biến chủng virus Delta. Đặc biệt từ ngày 14/6/2021 đến nay, dịch bệnh xảy ra tại nhiều công ty, nhà máy đan xen với khu nhà trọ công nhân và lây lan rất nhanh.

Cần thực hiện nghiêm Chỉ thị 16

Đại diện tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ đầu đợt dịch bệnh thứ 4 bùng phát, tỉnh đã tăng cường các test nhanh và nhờ đó đã nhận diện được các trường hợp tại các bệnh viện, trong các công ty, xí nghiệp. Bên cạnh đó tỉnh thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp truy vết, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh…

Đánh giá công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, trên địa bàn một số khu vực thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, hoặc Chỉ thị 16, tuy nhiên qua kiểm tra cho thấy việc thực hiện chưa thật sự nghiêm. Bên cạnh đó, công suất lấy mẫu và công suất xét nghiệm, công suất điều trị COVID-19 còn hạn chế. Tỉnh cần tăng cường các công suất lấy mẫu, xét nghiệm và công suất điều trị COVID-19.

Các biện pháp phòng chống dịch bệnh phải được quán triệt, có sự đồng thuận các cấp các ngành và toàn dân. Đồng thời cần sự tăng cường kiểm tra giám sát của lực lượng công an, chính quyền, các phường xã…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho hay: Hiện nay số ca mắc tại tỉnh Bình Dương chưa lớn (150 ca), nhưng từ kinh nghiệm phòng, chống dịch tại các tỉnh, thành trên cả nước thì trong thời gian tới dịch bệnh rất khó lường, khả năng ca bệnh tăng lên rất lớn.

Bình Dương là tỉnh có nhiều khu công nghiệp (KCN), với 1,2 triệu công nhân, người lao động trên địa bàn. Việc chủ động các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong cộng đồng và cơ sở sản xuất, nhà máy là rất quan trọng.

“TP. Thuận An đang triển khai Chỉ thị 16, yêu cầu nghiêm ngặt giãn cách trong tất cả mọi sinh hoạt cộng đồng, người cách ly người, nhà cách ly nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố. Qua quá trình kiểm tra nhà trọ, khu cách ly, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh siết chặt hơn nữa việc thực hiện Chỉ thị 16.

Bên cạnh đó, đảm bảo các chiến thuật, chiến lực phòng, chống dịch cần thiết như tăng cường xét nghiệm nhanh để kiểm soát được các khu nhà trọ rất đông công nhân, tăng cường truy vết thần tốc khi phát hiện ca bệnh; sẵn sàng các khu cách ly đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; tổ chức các đoàn kiểm tra các đơn vị sản xuất, thành lập tổ COVID-19 cộng đồng tăng cường giám sát trong cộng đồng và trong các phân xưởng…”- Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Về năng lực xét nghiệm, Thứ Trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị tỉnh Bình Dương cần chuẩn bị cơ số test kháng nguyên đảm bảo có thể test sàng lọc ngay lập tức để phục vụ tại những điểm nghi ngờ dịch tễ.

Đối với năng lực xét nghiệm khẳng định PCR, cần tăng cường lên 10.000, 20.000 thậm chí nhiều hơn là 30.000 mẫu đơn, có thể xét nghiệm 50.000-300.000 mẫu gộp.

Về tổ chức và thực hiện các tổ kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất, KCN, trong 3 ngày vừa qua, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn cho 100 tổ tại TP.HCM, 60 tổ tại Bình Dương, và 20 tỉnh thành phía Nam (từ Ninh Thuận trở vào).

Với việc tập huấn và triển khai thực hiện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn trong cơ sở sản xuất, các địa phương trong đó có Bình Dương sẽ chủ động hơn trong phòng, chống dịch bệnh, đảm bảo vừa chống dịch vừa an toàn sản xuất.

Riêng đối với biện pháp tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho công nhân, giống như TP.HCM, Bình Dương có số công nhân rất đông. Để đảm bảo sức khỏe cho đội ngũ công nhân người lao động, khi làm việc với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chúng tôi sẽ kiến nghị tăng cường phân bổ vắc xin cho Bình Dương.

“Hiện nay, TP.HCM đang tổ chức chiến dịch tiêm 800.000 liều vắc xin cho các trường hợp, trong đó 500.000 công nhân các KCN. Chúng tôi sẽ có kiến nghị tổ chức chiến dịch tiêm chủng lớn đối với Bình Dương, tương tự đó là Đồng Nai, Long An”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 22/4/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 13/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/7/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận