Điểm báo ngày 30/7/2018

(CDC Hà Nam)

 

Truyền thông “bẩn” tiếp tay cho “thần y” dỏm; Phát hiện lô thuốc Kim tiền thảo không đạt chất lượng, mở rộng lấy mẫu kiểm nghiệm; Tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ em Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới; Dân số Thủ đô: Hành trình vượt qua thách thức

Truyền thông “bẩn” tiếp tay cho “thần y” dỏm

Thời kỳ bùng nổ Internet, không khó để bắt gặp đâu đó những bài viết toàn lời hoa mỹ về các thầy thuốc y học cổ truyền với năng lực siêu phàm.

Những thầy lang này, theo mô-típ chung, đều là “lương y”, đều có những bài thuốc hoặc bí kíp gia truyền qua nhiều thế hệ, có thể thổi bay hầu hết các chứng bệnh, kể cả bệnh nan y mà khoa học hiện đại đã bó tay. Truyền thông bẩn đang tiếp tay cho thần y dỏm tạo thành thị trường thuốc đông y bát nháo.

Kỳ 1: Đột nhập vào hang ổ “rác thuốc”

Nhiều người còn tin rằng: Đông y lành tính vì toàn là thực vật, giá thành lại thấp hơn so với thuốc Tây nên cứ mua uống thử; khỏi thì tốt, không khỏi cũng chẳng sao, “không bổ ngang cũng bổ dọc”… Thực tế thì ra sao? Phóng viên Báo Lao Động đã sang tận Trung Quốc – nơi được cho là đầu mối của các loại dược liệu trên thị trường hiện nay để làm rõ vấn đề.

Từ thị trường tại Hà Nội

Theo khảo sát của nhóm PV Báo Lao Động, tại các tuyến phố bán Đông dược nổi tiếng như Thuốc Bắc, Lãn Ông hay xa hơn là khu chợ Ninh Hiệp (Gia Lâm, Hà Nội), có thể dễ dàng ghi nhận tình trạng nhộm nhoạm trong lĩnh vực này. Tại đây, nhiều cửa hàng chỉ rộng khoảng chục mét vuông nhưng dược liệu chất cao như núi, cái gì cũng có. Từ cam thảo, ý dĩ, đẳng sơn… cho tới các loại sâm, nấm linh chi, đông trùng hạ thảo… Thậm chí, có nhiều loại rễ cây, cỏ được bày tràn cả ra vỉa hè ngay cạnh cống thoát nước, trong đó có loại đã ngả màu nấm mốc. Không chỉ vậy, giá cả của những loại dược liệu tại đây cũng chẳng khác gì “ma trận”.

Theo đó, có những loại sâm hay nấm có giá thành lên tới hàng chục triệu đồng/kg nhưng cũng có không ít loại bán với giá rẻ chỉ vài chục nghìn đồng/kg. Nhiều chủ hàng khẳng định: “Muốn mua gốc, bán ngọn, muốn mua được Đông dược giá rẻ thì chỉ có thể sang Trung Quốc”. Đáng lo ngại hơn cả, phần lớn các loại dược liệu hay thuốc thành phẩm được bày bán tại các khu vực trên đều rất khó xác định nguồn gốc hoặc chất lượng. Nếu có cũng chỉ toàn chữ Trung Quốc nên người tiêu dùng khi mua cũng chẳng biết đường nào mà lần.

Hành trình của “rác thuốc”

Trong vai thương lái, qua các kênh tìm kiếm, chúng tôi được một người đàn ông Trung Quốc xưng tên là A Lực nhận chỉ dẫn trọn gói với kinh phí gần 10 triệu đồng. Nhiệm vụ của Lực là đón đoàn từ Lạng Sơn, làm cả thủ tục xuất nhập cảnh và chỉ dẫn, phiên dịch cho chúng tôi đến các khu chợ Đông dược nổi tiếng bên kia biên giới. Những người như A Lực ở Trung Quốc rất nhiều, gọi chung là “tai” – người dẫn đường. Họ kiếm sống bằng nghề hướng dẫn khách buôn từ khắp nơi trên thế giới đổ về Trung Quốc để mua gom hàng hoá. Ngoài “tai” thuốc, còn có “tai” quần áo, “tai” đồng hồ, “tai” đồ gia dụng…

Với kinh nghiệm của mình, A Lực bảo, nếu quý khách có nhu cầu, anh ta sẵn sàng nhận vận chuyển thuốc từ Trung Quốc về Việt Nam với giá thành từ 15.000 – 20.000 đồng cho mỗi kg. Thông thường, hàng về sau khoảng 1 tuần, nếu không xảy ra các sự cố thường được dân buôn lậu gọi là “tắc biên”, hay “đóng biên”.

Sau hành trình gần 1.000km từ biên giới, chúng tôi có mặt ở một khu chợ rất rộng lớn gồm nhiều dãy nhà sừng sững và hàng nghìn kiốt lớn nhỏ thuộc tỉnh Quảng Tây, có tên là Ngọc Lâm. A Lực bảo, Ngọc Lâm là chợ Đông dược lớn nhất nhì Trung Quốc và cũng nổi danh trên toàn thế giới. Ở đây, thượng vàng hạ cám thứ gì cũng có, giá nào cũng có, và đặc biệt, không ít trong số chúng xuất xứ từ Việt Nam.

Dẫn chúng tôi xuyên qua các dãy kiốt, A Lực chỉ tay vào nhiều vị thuốc được trưng bày trên các kệ gỗ trang trọng, nói rằng đều là thuốc quý từ Việt Nam qua. Rồi Lực lại hướng tay về phía những bao tải gồm lổn nhổn dược chất ở những góc khuất cáu bẩn, nói: Đó là “rác thuốc”. “Rác thuốc” là cách dân trong giới gọi nhưng vị thuốc đã được rút hết tinh chất sau quá trình chiết xuất từ các nhà máy sản xuất dược liệu hoặc đồ uống. Để đóng chúng vào các bao tải, người ta dùng xẻng hót như hót rác, giá rẻ như cho.

Biết chúng tôi là khách Việt Nam, như một thói quen, nhiều chủ hàng vội vã chỉ tay vào những đống “rác thuốc” để mời chào. Cùng là nấm linh chi, có ngoại hình và mùi hương giống hệt nhau, nhưng loại xịn có thể có giá 350 tệ/kg (trên 1 triệu đồng) nhưng nếu là “rác”, có giá 30.000 đồng/kg. Tương tự, kỳ tử cũng có nhiều loại, nhưng hàng thối mốc, hết đát thường chỉ “ưu tiên” bán ngược về Việt Nam.

A Lực chia sẻ, hơn 10 năm trong nghề, dẫn đường biết bao nhiêu đoàn, anh nhiều lần chứng kiến cảnh người Việt qua Trung Quốc để nhập “rác thuốc” với số lượng rất lớn. Sau đó, họ sẽ móc nối với các công ty vận chuyển để đưa hàng về tập kết ở khu vực biên giới giáp với Lạng Sơn. Từ đây, chờ thời điểm thích hợp, hàng sẽ được đưa trót lọt vào Việt Nam rồi về đến tận những địa chỉ được yêu cầu (Lao động, trang 7).

Phát hiện lô thuốc Kim tiền thảo không đạt chất lượng, mở rộng lấy mẫu kiểm nghiệm

Ngày 29-7, thông tin từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết, Cục này vừa có công văn số 14114/QLD- CL gửi Sở Y tế Đà Nẵng, Sở Y tế Lâm Đồng, Viện Kiểm nghiệm thuốc trung ương, Viện Kiểm nghiệm thuốc TP Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng về việc xử lý thuốc Kim tiền thảo không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Trước đó, Sở Y tế Đà Nẵng đã có báo cáo gửi đến Cục Quản lý Dược về việc phát hiện thuốc viên bao phim Kim tiền thảo (số đăng ký: VD-23471-15, số lô 020117, hạn dùng 4-2-2020 do Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng sản xuất không đạt chất lượng về chỉ tiêu chất chiết được trong Ethyl acetat. Hiện Sở Y tế TP Đà Nẵng đã đình chỉ lưu hành lô và đề nghị thu hồi lô thuốc không đạt chất lượng này trên địa bàn.

Kim tiền thảo là thuốc điều trị sỏi đường tiết niệu, sỏi thận, sỏi mật, viêm bể thận, viêm túi mật, được sử dụng khá phổ biến. Để có căn cứ xử lý tiếp theo với lô thuốc này trên phạm vi cả nước, Cục Quản lý Dược yêu cầu Công ty cổ phần Dược Lâm Đồng phối hợp với nhà cung cấp và phân phối thuốc báo cáo tình hình sản xuất, tên và địa chỉ các cơ sở đã mua thuốc Kim tiền thảo thuộc lô thuốc kể trên.

Đặc biệt, phải phối hợp với cơ quan kiểm nghiệm thuốc Nhà nước lấy ít nhất 3 mẫu thuốc bổ sung để gửi Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương hoặc Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh kiểm tra chỉ tiêu chất lượng.

Cục Quản lý Dược cũng đề nghị Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương và Viện Kiểm nghiệm thuốc TP. Hồ Chí Minh ưu tiên tiến hành kiểm tra chất lượng đối với chỉ tiêu chất chiết được trong Ethyl acetat mẫu thuốc bao phim Kim tiền thảo số lô 020117 được lấy bổ sung và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng về Cục Quản lý Dược để xử lý (An ninh thủ đô, trang 7).

Tỷ lệ tật khúc xạ ở trẻ em Việt Nam thuộc nhóm cao nhất thế giới

Bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, qua chương trình khám sàng lọc và hỗ trợ phẫu thuật các bệnh về mắt cho hàng chục nghìn trẻ em trên cả nước, tỷ lệ trẻ em bị tật khúc xạ ở nước ta là rất cao…Trong 3 ngày từ 26 đến 29-7, Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phối hợp cùng Quỹ bảo trợ Trẻ em tỉnh Tuyên Quang đã khám sàng lọc và phẫu thuật mắt miễn phí cho gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một phần trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” 2018 do Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam hỗ trợ kinh phí các địa phương thực hiện phẫu thuật nhân đạo cho trẻ em bị khuyết tật về mắt. Trao đổi với báo chí sáng nay, 29-7, bác sĩ Hoàng Văn Tiến, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cho biết, gần 100 trẻ em ở Tuyên Quang được đưa về Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 phẫu thuật đợt này là những trẻ mà qua sàng lọc từ địa phương đã phát hiện có các khuyết tật về mắt như lác, lé, sụp mi, đục thủy tinh thể, rung giật nhãn cầu…

Các khuyết tật mắt này nếu không được can thiệp, phẫu thuật sớm sẽ gây nên tình trạng nhược thị, ảnh hưởng lớn đến thị lực của các trẻ sau này. Còn tính các tật khúc xạ về mắt nói chung, qua khám sáng lọc cho hàng chục nghìn trẻ em trên cả nước trong chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ” tính đến thời điểm này, tỷ lệ mắc của trẻ em Việt Nam rất cao.

“Có thể nói Việt Nam là một trong những nước có tật về mắt ở trẻ em thuộc nhóm cao nhất thế giới. Song do nhận thức của người dân còn hạn chế, nhiều khi thấy trẻ bị cận thị, viễn thị, loạn thị thì chỉ đưa đi cắt kính đeo chứ không nghĩ đó là tật. Chỉ đến khi bị nặng như lác, sụp mi, đục thuỷ tinh thể hay các dị tật đặc biệt… mới đưa đi viện điều trị, lúc đó mới gọi là tật khúc xạ. Thế nên một số con số thống kê rằng tỷ lệ tật khúc xạ ở Việt Nam thấp hơn các nước phát triển, đó là điều vô lý” – ông Tiến phân tích. PGS.TS Nguyễn Đức Anh, Trưởng khoa Khúc xạ – Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 cũng cho biết, trong các nhóm bệnh lý về mắt, đáng lưu ý là bệnh lác cần điều trị sớm, nếu không để lâu sẽ rất khó điều trị.

Chẳng hạn với các bệnh mắt lác, dù cả hai mắt mở nhưng chỉ một mắt được nhìn, một mắt lâu không nhìn sẽ kém đi. Còn với sụp mi khiến mi mắt che lấp đồng tử, ánh sáng không vào được mắt gây ảnh hưởng đến thị lực. Đục thủy tinh thể bẩm sinh gây ngăn cản ánh sáng, làm mắt bị nhược thị.

PGS.TS Nguyễn Đức Anh nhấn mạnh, những bệnh này nếu không phát hiện sớm mà để đến khi trẻ đã lớn, các can thiệp có thể giúp đôi mắt nhìn vẻ ngoài trở lại bình thường nhưng chức năng thị lực không cải thiện.

Để phát hiện những bệnh gây nhược thị ở trẻ, đặc biệt là lác, sụp mi, đục thủy tinh thể bẩm sinh, PGS Đức Anh khuyến cáo, cha mẹ chỉ cần quan sát là có thể phát hiện sớm được, ngay từ khi trẻ mới vài tháng tuổi. Cụ thể, với mắt lác, quan sát sẽ thấy mắt trẻ nhìn không thẳng, nhìn lệch trong hoặc ngoài. Với sụp mi, một bên mắt trẻ bị sa xuống thấp hơn bên kia hoặc cả hai mắt bị sa xuống. Còn với đục thủy tinh bẩm sinh, trẻ có hiện tượng nhìn kém, không nhìn rõ đồ vật bình thường, đồng tử vốn màu đen lại có màu trắng.

Ngoài ra, có những bệnh nhi bị ức chế một mắt, tức là hai mắt trẻ đều mở, tưởng như nhìn bình thường nhưng thực tế trẻ chỉ nhìn bằng một mắt. Hay có những trường hợp không biểu hiện ra ngoài, như mù màu chỉ khi đến viện các bác sĩ mới có các test, phương pháp để phát hiện.

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ. Bên cạnh đó, bệnh lý sụp mí mắt cũng khá thường gặp ở trẻ em, khiến trẻ bị giảm chức năng thị giác và gây mất thẩm mỹ trên khuôn mặt (An ninh thủ đô, trang 6).

Dân số Thủ đô: Hành trình vượt qua thách thức

Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, Hà Nội không chỉ đối mặt với áp lực quy mô dân số tăng hằng năm mà còn đứng trước vấn đề đáng lo ngại về cơ cấu giới tính khi sự chênh lệch tỷ số giới tính khi sinh (số trẻ trai/100 trẻ gái) ở mức cao. Ở giai đoạn 2005-2007, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Nội đạt mức 110/100 nhưng vào năm 2009 và 2010, tỷ số này đã ở mức báo động với 117 trẻ trai/100 trẻ gái khiến Hà Nội lọt vào tốp các tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Đến năm 2012-2013, tỷ số này có giảm chút ít, nhưng vẫn ở mức 116 trẻ trai/100 trẻ gái.

Ông Tạ Quang Huy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội chia sẻ: Ở thời điểm đó, các chuyên gia cảnh báo rằng tỷ số giới tính khi sinh ở mức cao sẽ kéo theo nhiều hệ lụy về văn hóa, xã hội trong tương lai không xa. Cụ thể, tình trạng thừa nam, thiếu nữ sẽ làm thay đổi cấu trúc dân số, làm tăng bất bình đẳng giới, khiến phụ nữ kết hôn sớm, thiếu hụt lao động ở nhiều nghề (như giáo viên mầm non và tiểu học, hộ lý, y tá nữ…), nguy cơ tệ nạn mại dâm, buôn bán phụ nữ và trẻ em gia tăng. “Mức chuẩn sinh học bình thường là 105-107 trẻ trai/100 trẻ gái chào đời. Để giảm mức chênh về tỷ số giới tính khi sinh là một nhiệm vụ rất khó khăn, không thể hoàn thành trong ngày một ngày hai, cần sự kiên trì, quyết liệt”, ông Tạ Quang Huy nói: Nhờ tập trung triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động xóa bỏ tư tưởng “trọng nam khinh nữ” và triển khai mô hình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi không có con trai, khích lệ những cặp vợ chồng sinh con một bề là gái…, mức chênh tỷ số giới tính khi sinh đã giảm. Cụ thể, năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh là 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái. Trong 6 tháng đầu năm 2018, tỷ số này là 113,2/100.

Dù vậy, so với mặt bằng chung của cả nước, mức chênh lệch về giới tính khi sinh ở Thủ đô vẫn còn cao. Nguyên nhân, theo ông Tạ Quang Huy, một phần do chất lượng dân số không đồng đều giữa khu vực nông thôn và thành thị. Hiện nay, thành phần cư dân trên địa bàn thành phố thuộc 30 dân tộc, trình độ dân trí và mức sống của mỗi dân tộc, mỗi vùng có sự khác nhau. Tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai ở ngoại thành là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Hà Nội ở mức cao so với cả nước…

Khó khăn không chỉ có vậy, vấn đề còn nằm ở chỗ ở địa bàn xa trung tâm, chất lượng dân số chưa cao; thể chất, tầm vóc của thanh niên Hà Nội chưa được cải thiện đáng kể. Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, với địa bàn nông thôn rộng lớn, việc thực hiện một số chương trình, đề án, nhất là chương trình nâng cao chất lượng dân số Hà Nội gặp không ít khó khăn. Hà Nội đang phải ứng phó với tình trạng già hóa dân số tăng nhanh trong bối cảnh cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất để phục vụ người cao tuổi còn hạn chế. Hệ thống nhà dưỡng lão, cơ sở y tế chuyên ngành lão khoa thiếu trầm trọng cả về số lượng lẫn chất lượng…

Kiểm soát mức tăng dân số

Hiện nay, Hà Nội đã kiểm soát tình hình khá tốt, cố gắng giảm mức chênh về tỷ số giới tính. Trước mắt, mục tiêu phấn đấu trong năm nay là toàn thành phố đạt tỷ số giới tính khi sinh 113,5 trẻ trai/100 trẻ gái – duy trì ở mức như năm 2017. Theo PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, tới đây thành phố sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Hiện nay, theo phân cấp, các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra các cơ sở siêu âm chẩn đoán giới tính thai nhi trên địa bàn. Thành phố có đoàn kiểm tra đột xuất, phúc tra tại các địa phương…Một giải pháp nữa mà Hà Nội sẽ đẩy mạnh thực hiện là duy trì mức sinh thấp hợp lý, phấn đấu đến năm 2020 quy mô dân số đạt mức 8,5 triệu người, tỷ lệ tăng dân số tự nhiên ở mức 1,2%, tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên bình quân giảm 0,1%/năm. Để đạt được mục tiêu này, các chuyên gia về dân số cho rằng, cần xây dựng nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với địa bàn, tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có 2 con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt.

Bên cạnh đó, cần xây dựng chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao chất lượng phúc lợi xã hội cho người cao tuổi, giảm áp lực sinh con trai để có người phụng dưỡng tuổi già, nhất là với người cao tuổi sinh con một bề là gái không có lương hưu và trợ cấp xã hội; xây dựng chính sách hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con một bề gái thuộc hộ nghèo, cận nghèo… Đây là những việc cần làm ngay, làm sớm chứ không thể chủ quan cho rằng đó là “việc của ngày mai” (Hà Nội mới, trang 5).

 

Chết vì tin quảng cáo

Nhiều cơ sở thẩm mỹ đã sử dụng triệt để các công cụ quảng cáo trên mạng xã hội để tiếp cận khách hàng. Tin vào những lời quảng cáo “có cánh”, nhiều người đã phải trả giá đắt. Gần 13 triệu kết quả chỉ trong 0,43 giây khi gõ cụm từ “Phẫu thuật thẩm mỹ” trên công cụ tìm kiếm Google.

Bị “hớp hồn” bởi hình ảnh đẹp lung linh của các người mẫu, diễn viên được cơ sở thẩm mỹ Nhan Sắc (124 Nguyễn Văn Cừ, phường Nguyễn Cư Trinh, Quận 1) giới thiệu trên mạng, chị N.T.B.T (sinh năm 1981, ngụ TPHCM) đã tìm đến cơ sở này để hút mỡ bụng. Tuy nhiên, chị T. cho hay: “Sau khi thực hiện hút mỡ bụng, đẹp đâu không thấy chỉ thấy cơ bụng của tôi lồi lõm như vận động viên tập tạ 6 múi kèm theo chứng ngứa ngáy và đau đầu”.

Có thể thấy, hiện nay rất nhiều cơ sở thẩm mỹ mặc dù không được cấp phép thực hiện nhưng vẫn thực hiện những kỹ thuật chưa được phép. Đơn cử, vào thời điểm tháng 1/2016 , thẩm mỹ viện Nhan Sắc không có chức năng hút mỡ bụng nhưng vẫn tiến hành hút mỡ bụng và đặt túi ngực cho chị B.T.

Theo phản ánh của một độc giả về thẩm mỹ viện Minh Châu (số 1243 đường 3/2, quận 11, TPHCM)- nơi chị nói đã gặp tai biến sau khi làm đẹp, PV báo Tiền Phong phát hiện thêm nhiều điều bất thường.

Theo danh thiếp thẩm mỹ viện Minh Châu do một người tên là Minh Châu đứng tên. Người này tự xưng là “bác sĩ chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ toàn diện” và thẩm mỹ viện Minh Châu được xem là “Viện chuyên khoa thẩm mỹ đầu tiên của Việt Nam”. Bên cạnh đó, “bác sĩ” Minh Châu còn liệt kê hàng loạt chức danh.

Trên danh thiếp còn ghi rõ số giấy phép hoạt động 170/SYT/GPHĐ. Tờ thông tin tại thẩm mỹ viện cũng thông tin cơ sở này nhận phẫu thuật thẩm mỹ toàn diện (mắt-môi-mũi-cằm-ngực-bụng-mông-mặt).

Trả lời Tiền Phong, Sở Y tế TPHCM cho biết tính đến thời điểm hiện tại, chưa cấp giấy phép hoạt động khám, chữa bệnh với hình thức Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ cho cơ sở tại địa chỉ: số 1243 đường 3/2, quận 11, TPHCM. “Đồng thời, Sở Y tế cũng không cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn: Khám bệnh, chữa bệnh chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ cho bác sĩ Minh Châu. Qua rà soát danh sách đã xác nhận nội dung quảng cáo theo Thông tư số 09/2015/TT-BYT, Sở Y tế không tiếp nhận, không xác nhận cho cơ sở có địa chỉ số 1243 đường 3/2, quận 11, TPHCM của bác sĩ Minh Châu”, đại diện Sở Y tế nói.

Tương tự, về vụ việc khách hàng tố thẩm mỹ viện Nhan Sắc, theo văn bản số 3755/SYT-VP của Sở Y tế TPHCM, thẩm mỹ viện Nhan Sắc không được thực hiện kỹ thuật hút mỡ bụng và phẫu thuật đặt túi ngực và Sở chưa tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề đối với hai trường hợp trên (Tiền phong, trang 14).

Tăng cường phòng, chống bệnh truyền nhiễm

Từ ngày 26 – 29/7/2018, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) đã diễn ra Hội nghị Khoa học toàn quốc về Truyền nhiễm và HIV/AIDS và Hội nghị lần thứ 8 khu vực Đông Nam Á về Y học nhiệt đới và Ký sinh trùng năm 2018. Đánh giá về các bệnh truyền nhiễm và ký sinh trùng ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, điều đáng ngại hiện nay là tình trạng lây nhiễm chéo ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, ngành y tế Việt Nam liên tục có sự quan tâm sâu sát để xử lí tình trạng này.

Với các nỗ lực không ngừng vì người bệnh, từ năm 2003, Việt Nam là nước đầu tiên khống chế thành công dịch SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp). Các loại dịch như: Cúm A/H1N1, H7N9… cũng được Việt Nam phòng chống tích cực và hiệu quả. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng mong muốn qua hội nghị lần này, các nước trong khu vực Đông Nam Á sẽ tăng cường hơn nữa trong việc đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu, phối hợp trong lĩnh vực y khoa, đặc biệt là các bệnh liên quan đến truyền nhiễm và ký sinh trùng (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Thanh Hội

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 04/8/2022

hanh phan

Điểm báo ngày 25/5/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/8/2020

CDC Hà Nam

Để lại bình luận