Điểm báo ngày 11/11/2021

(CDC Hà Nam)

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việt Nam triển khai rất thành công, đồng bộ chiến lược vaccine; Bộ trưởng Bộ Y tế: Cuộc chiến với COVID-19 chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không tránh khỏi những khiếm khuyết

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long: Việt Nam triển khai rất thành công, đồng bộ chiến lược vacccine

Trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội sáng 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhận định từ nay đến cuối năm, dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp. Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết “chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, có một bộ phận người dân không áp dụng khuyến cáo như 5K”.

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long. Trong phiên chất vấn buổi sáng, có 24 đại biểu hỏi và tranh luận với nhiều nội dung đáng quan tâm.

Hà Nội có đặc trưng riêng nên chống dịch phải đánh giá rất kỹ lưỡng

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho biết nhiều cử tri sống ở các chung cư lo lắng về việc bắt buộc đưa F1 đưa đi cách ly tập trung mà không xem xét trường hợp cụ thể. Ví dụ, người tiêm 2 mũi, thực hiện 5K, chỉ tiếp xúc vài giây trong thang máy với F0 vẫn phải đi cách ly tập trung 14 ngày, trong khi đủ điều kiện cách ly tại nhà.

Trả lời ý kiến này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay trong thời gian qua, Bộ Y tế căn cứ trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã có hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người đi từ vùng dịch trở về.

Đối với cấp độ 3, cấp độ 4 phân ra nhiều quy định: Đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, chỉ cần theo dõi y tế 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất; Đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy; Đối với người đã tiêm 1 mũi vacicne thì cách ly tại nhà 7 ngày; Đối với người chưa được tiêm vaccine thì cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, Bộ trưởng lưu ý điều này tùy thuộc vào điều kiện vào từng địa phương. Trong khuyến cáo của Bộ Y tế nêu rõ tùy mức độ, tùy địa phương, vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư hay nơi có nhiều người dân sinh sống mà độ bao phủ vaccine chưa cao thì cần linh hoạt, đảm bảo cách ly an toàn. Bộ trưởng cho rằng, đối với những khu chung cư đông người mà có độ phủ vaccine chưa cao thì chúng ta áp dụng hình thức cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà. Bộ Y tế đã có hướng dẫn.

Bộ trưởng cho biết đã trao đổi với một vài địa phương và Hà Nội về nội dung này. Ông nhấn mạnh, không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày mà chỉ cách ly tại nhà 7 ngày và đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Liên quan đến vấn đề cách ly F1 tại Hà Nội mà ĐBQH quan tâm, tham gia tranh luận, bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đoàn Hà Nội) cho biết, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung… từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng.

Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1. Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.

Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương“, bà Hà nói.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đánh giá cao nỗ lực phòng, chống dịch của Hà Nội. Theo ông, Hà Nội là trung tâm chính trị, kinh tế của đất nước nên mọi quyết định, chính sách phải được đánh giá kỹ lưỡng. Bộ đồng tình các giải pháp chống dịch được thực hiện linh hoạt với từng địa phương, địa bàn theo hướng dẫn chung.

Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng nêu chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả theo đặc thù từng địa phương, nguy cơ dịch bệnh và khả năng của hệ thống y tế trên địa bàn… Trên cơ sở đánh giá nguy cơ, các địa phương điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch phù hợp, đồng bộ.

Tôi lưu ý cùng một cấp độ dịch bệnh thì biện pháp không nên khác nhau quá nhiều“, người đứng đầu ngành Y tế nói, mong muốn Thủ đô sẽ quản lý phòng, chống dịch tốt.

“Các địa phương không vì lo lắng dịch bệnh quá mà hạn chế việc trẻ đến trường”

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nêu thực trạng một số tỉnh người lớn đi làm nhưng trẻ vẫn phải học trực tuyến. “Cử tri cho rằng đây là sự thận trọng quá mức mà không tính đến thiệt thòi của học sinh và khó khăn của các gia đình có trẻ nhỏ học ở nhà. Từ góc độ chuyên môn, Bộ trưởng ý kiến thế nào?”, bà Thuỷ nêu.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết mới đây, Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo đã tổ chức hội nghị triển khai với các địa phương, trong đó, tinh thần là “các địa phương không vì lo lắng quá đối với dịch bệnh mà hạn chế việc trẻ em đi học trực tiếp, nhất là các lớp đầu cấp như lớp 1, bậc Tiểu học”.

Bộ Y tế cũng đã hướng dẫn các địa phương có biện pháp phòng chống dịch khi mở cửa trường học, để vừa học nhưng cũng đảm bảo phòng chống dịch an toàn.

Ông nói thêm, các địa phương không nên chờ vaccine mới mở cửa trường học vì “hiện chỉ tiêm cho trẻ 12 tuổi trở lên, trẻ 6-11 tuổi không thể đợi chờ vaccine được”. Hơn nữa, rủi ro ở lứa tuổi 6-11 không cao như lứa tuổi lớn hơn.  Bộ Y tế và Bộ Giáo dục & Đào tạo khuyến cáo “các địa phương mạnh dạn cho các cháu đi học, nhất là địa phương ở cấp độ 1, 2“.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói, Nghị quyết 128 nêu rõ cấp độ 1 đi học bình thường, nhưng đến nay mới có 22 địa phương có kế hoạch này; cấp độ 2 cũng tương tự như vậy. Vùng cấp độ 3 mới kết hợp học trực tiếp với trực tuyến.

Từ nay đến cuối năm, dịch COVID-19 còn rất phức tạp

Đại biểu Lưu Văn Đức (Đắk Lắk) chất vấn vấn đề về công tác dự báo diễn biến dịch chất lượng ra sao? Từ nay đến 2022 như thế nào có khó khăn gì? Trách nhiệm Bộ Y tế trong tham mưu triển khai chiến lược vaccine. Làm thế nào để công bằng? Có địa phương đề nghị tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ em, nhiều địa phương ĐBSCL còn chưa tiêm đủ?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho hay đến nay, hầu hết các nước trên thế giới chưa có dự báo mang tính dài hạn. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chỉ cảnh báo dịch bệnh không thể kết thúc trong năm 2022, mà hy vọng đến năm 2023, COVID-19 trở thành bệnh tương tự như cúm mùa. Một số nước đưa ra dự báo ngắn hạn, bởi đại dịch lần này liên tục có biến chủng.

“Đây là dịch chưa có tiền lệ, nhưng khi các biến chủng nhanh và mạnh nên việc dự báo rất khó khăn” – Bộ trưởng nhìn nhận việc dự báo ở nhiều địa phương chưa sát và tới đây sẽ trao đổi thêm với thế giới để nâng cao hơn chất lượng dự báo.

Theo tư lệnh ngành Y tế, khi cả nước chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả với dịch COVID-19, dịch bệnh có dấu hiệu tăng trở lại ở một số địa phương. “Bộ Y tế rất quan ngại” – ông nói và cho biết Chính phủ, Bộ Y tế đã liên tục chỉ đạo tăng cường biện pháp phòng chống dịch.

 Nhận định từ nay đến cuối năm, dịch tiếp tục diễn biến rất phức tạp, Bộ trưởng cho biết hiện “chúng ta gần như trở lại trạng thái bình thường, đã xuất hiện tâm lý chủ quan, có một bộ phận người dân không áp dụng khuyến cáo như 5K”.

 Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân khác được Bộ trưởng chỉ ra là miền Bắc vào mùa lạnh, khi Tết đến có nhiều hoạt động đông người nên sẽ rất đáng quan ngại với dịch bệnh COVID-19. Nhân diễn đàn này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng lưu ý các địa phương phải hết sức quan tâm vấn đề phòng chống dịch từ nay đến đầu năm 2022; cần tăng phủ vaccine càng nhanh càng tốt để giảm mắc và giảm tử vong. Ông nhấn mạnh phòng chống dịch luôn là trọng tâm trọng điểm, là ưu tiên theo đúng tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ.

Việt Nam triển khai rất thành công, đồng bộ chiến lược vaccine

Liên quan tới vấn đề vaccine, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định, chiến lược vaccine của Việt Nam đã triển khai rất thành công và đồng bộ dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, các ngành… Cụ thể:

Thứ nhất, Việt Nam đã mua và nhập khẩu, các hợp đồng, cam kết lên tới gần 200 triệu, thoả thuận, cung ứng và tới đây có thể lên tới hơn 200 triệu. Lãnh đạo Đảng và Nhà nước cũng thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine để tăng vaccine về Việt Nam nhanh và nhiều nhất.

Thứ hai, Việt Nam đang triển khai tự chủ vaccine qua nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao công nghệ, khả năng tới đây sẽ có vaccine được cấp phép.

Thứ ba, tiêm chủng đã triển khai trên quy mô lớn nhất từ trước tới nay, tiêm được 94 triệu liều.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cho biết sẽ tiếp thu ý kiến ĐBQH về việc đảm bảo công bằng trong tiêm chủng vaccine COVID-19. Theo đó, dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, việc phân bổ vaccine ưu tiên theo khu vực, vùng nguy cơ, tình hình dịch…

Việt Nam có 72 triệu người từ 18 tuổi trở lên. Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương phải đẩy nhanh tốc độ tiêm mũi 1 và tiêm trả mũi 2. Bộ Y tế khẳng định nguồn cung năm nay đủ để bao phủ 2 mũi vaccine cho người trên 18 tuổi của cả nước và nhóm từ 12-17 tuổi. Về kế hoạch tiêm mũi 3, theo Bộ trưởng, cuối năm nay mới có kế hoạch. Một vài địa phương đưa ra tuyên bố tiêm mũi 3 nhưng Bộ Y tế lưu ý phải theo hướng dẫn chung của Bộ để “đảm bảo công bằng nhất định trong phân bổ vaccine, vì có 1 số địa bàn rất nóng, rất căng”. (Gia đình & Xã hội, trang 2)

Bộ trưởng Bộ Y tế: Cuộc chiến với COVID-19 chưa có tiền lệ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không tránh khỏi những khiếm khuyết

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế chia sẻ: “Ngành Y tế còn nhiều bộn bề từ việc tổ chức, nhân lực, phát triển, ngành chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành chia sẻ của các ĐBQH, cử tri, nhân dân cả nước để ngành ngày càng hoàn thiện phát triển”.

Ngày 10/11, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội sẽ tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.

Theo chương trình phiên họp, sau khi phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội chủ trì điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới;

Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm COVID-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm;

Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn;

Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Bộ trưởng các Bộ: Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và Công nghệ; Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.

Buổi chiều, Bộ trưởng Bộ Y tế và các thành viên Chính phủ liên quan, Tổng Kiểm toán Nhà nước tiếp tục trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội phát biểu kết thúc chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất.

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết có 32 đại biểu đặt câu hỏi, 6 đại biểu tranh luận.

Chủ tịch Quốc hội đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, các đại biểu đặt câu hỏi sát, cụ thể, rõ ràng, đúng nội dung.

“Một số đại biểu chưa hoàn toàn đồng ý với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế đã tranh luận và trao đổi thẳng thắn, đi đến cùng làm rõ hơn vấn đề chất vấn”- Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Các nội dung chính được chất vấn gồm nguyên nhân dịch thứ 4 bùng phát; bài học kinh nghiệm, trách nhiệm tham mưu, dự báo của bộ; trách nhiệm của Bộ trong xây dựng chiến lược vaccine. Ngoài ra, các đại biểu cũng đặt câu hỏi về công tác quản lý giá xét nghiệm COVID-19, tình trạng lợi ích nhóm trong nhập khẩu kit, test xét nghiệm; giải pháp triển khai đồng bộ Nghị quyết 128 của Chính phủ; giải pháp nâng cao năng lực quản trị của người đứng đầu đơn vị y tế, nhất là bác sĩ chuyển từ chuyên môn thuần túy sang quản lý; chủ trương xã hội hóa lĩnh vực y tế và trách nhiệm của Bộ trưởng khi để xảy ra các sai phạm trong ngành Y tế.

Theo Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long lần đầu tiên trả lời chất vấn trước Quốc hội nhưng đã có thời gian công tác lâu năm và là chuyên gia trong lĩnh vực này. Khi giữ cương vị mới, Bộ trưởng đã rất sâu sát trong lĩnh vực của mình. Bộ trưởng đã nắm vững nội dung và trả lời hết các câu hỏi của đại biểu. “Phần trả lời đi đúng các nội dung chất vấn”- Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội cho biết dựa trên phiên chất vấn hôm nay, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết đưa ra mục tiêu, yêu cầu thời hạn để Chính phủ, bộ ngành triển khai, cơ quan của Quốc hội giám sát, cử tri, nhân dân theo dõi, đánh giá.

14:20 ngày 10/11/2021

Cũng trong phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu, giải trình một số ý kiến các ĐBQH nêu:

Trước hết tôi xin trả lời chất vấn ý kiến của ĐBQH TP. HCM nói về việc Trung tâm y tế huyện, trực thuộc Sở Y tế. Như Chủ tịch Quốc hội đã nói Trung ương Đảng đã có Nghị quyết số 19 về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp và Nghị quyết số 20 về hệ thống y tế, Nghị quyết 21 về công tác dân số. Trong đó đều khẳng định, mỗi 1 huyện có 1 trung tâm y tế được kiện toàn chức năng, dự phòng, điều trị, dân số. Chịu sự điều hành, chỉ đạo chuyên môn thống nhất của ngành y tế từ Trung ương đến địa phương và chịu sự điều hành ở địa phương.

Tuy nhiên, tháng 3/2019, Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó có văn bản yêu cầu các địa phương để nguyên Trung tâm y tế huyện thuộc cấp Sở và việc này không đúng với tinh thần chỉ đạo của Chính phủ. Ngay cuối năm 2019, khi được phân công Ban cán sự Đảng Bộ Y tế chúng tôi đã bàn và ngày 14/1, Bộ Y tế đã có văn bản gửi tất cả các UBND tỉnh, thành phố khẳng định việc sắp xếp Trung tâm y tế huyện thuộc thẩm quyền chính quyền địa phương và việc thay thế tất cả các văn bản trước đó.

Về chống dịch COVID-19: Chống dịch không chỉ riêng tôi mà tất cả những người không chỉ ở TP. HCM, trong ngành y tế, địa phương có rất nhiều điều phải bàn.

Chúng ta ví như đây là một cuộc chiến, ngày hôm nay chúng ta kiểm soát được dịch theo Nghị quyết 128 và mọi việc dường như đang khởi sắc. Chỉ số phục hồi COVID-19 theo chỉ số của Nikkei trước đây 1 tháng chúng ta đứng chót bảng, nhưng bây giờ giữa bảng.

Cuộc chiến này vẫn đang tiếp diễn, mấy ngày nay số ca nhiễm vẫn tăng, ngay các đại biểu ngồi đây, dù họp quốc hội vẫn chỉ đạo chống dịch. Tất cả các ý kiến của các ĐBQH về các bất cập, hạn chế, tôi thấy các ý kiến rất đúng. Có những thứ mới xuất hiện khi chống dịch, có những lúc do tồn tại, không chỉ do ngành y tế đâu mà do điều hành, quản lý, xã hội nói chung. Tất cả ý kiến ấy, chúng ta nghiêm túc tiếp thu để từng bước khắc phục…

14:00 ngày 10/11/2021

Tiếp theo chương trình làm việc của ngày chất vấn đầu tiên, chiều ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã giải đáp thêm một số vấn đề Đại biểu chất vấn cuối phiên buổi sáng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, các câu hỏi của Đại Biểu quốc hội cũng là vấn đề được cử tri quan tâm. Do đó, Bộ trưởng cung cấp thêm một số ý kiến như sau:

Về hoạt động phòng chống dịch trong du lịch của Đại biểu Mai Khanh, Đoàn Đại biểu Ninh Bình, theo Bộ trưởng vấn đề này cũng đã được đặt ra và hiện nay chúng ta cũng đang bắt đầu thí điểm ở một số địa phương nhưng việc du lịch phụ thuộc vào các quy định của các nước, độ bao phủ vaccine, việc bảo vệ sức khỏe người dân và công nhận hộ chiếu vaccine. Hiện nay chúng ta đã công nhận hộ chiếu vaccine COVID-19 của 72 quốc gia và vùng lãnh thổ và tới đây sẽ đẩy mạnh công nhận hộ chiếu vaccine giữa các nước để triển khai kế hoạch mở cửa du lịch an toàn.

Trả lời quan tâm của Đại biểu Mai Phương Hoa, Đoàn Đại biểu Nam Định, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin trong đợt dịch thứ 4 chúng ta đã áp dụng nhiều mô hình y tế chưa có trong tiền lệ như chăm sóc, điều trị F0 tại nhà, Bộ Y tế đã có hướng dẫn chi tiết việc thực hiện quản lý, chăm sóc, điều trị F0 tại nhà đảm bảo an toàn cho người bệnh, an toàn cho người dân. Hiện nay mô hình này đã phát hiệu quả nhất là đối với địa bàn có nhiều người nhiễm.

Về câu hỏi của Đại biểu Phạm Thái Bình, Đoàn Đại biểu Quảng Nam, Bộ trưởng cho biết mức giá được xây dựng theo thông tư 13 và 14 dựa trên các yếu tố cấu thành giá bao gồm tiền lương, các chi phí cho lấy mẫu xét nghiệm và giá của sinh phẩm khi đó rất ít các loại với giá còn cao nhưng từ ngày 01/7/2021 khi bắt đầu sử dụng test nhanh rộng rãi Bộ đã có hương dẫn áp dụng theo hình thức thực thanh thực chi để tiết kiệm, cơ sở y tế công lập chỉ thanh toán theo đầu vào.

Câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Lâm Thành, Đoàn Thái Nguyên về chế độ chính sách cho lực lượng tuyến đầu, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Chính phủ đã có Nghị quyết 37 tháng 3/2020, sau là Nghị quyết 16 năm 2021. Đợt dịch thứ 4, Bộ đã phối hợp với các bộ, ngành xây dựng Nghị quyết nâng mức hỗ trợ cho lực lượng phòng chống dịch tại TP.HCM và một số địa phương. Tuy nhiên, chúng tôi mong Quốc hội tiếp tục quan tâm các chế độ chính sách cho nhân viên y tế đang công tác tạo địa bàn khó khăn và lĩch vực khó khăn, các chế độ thâm niên nghề nghiệp, đặc thù để cán bộ y tế yên tâm công tác.

Về câu hỏi của Đại biểu Đảng Thị Mỹ Hương, Đoàn Ninh Thuận, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng câu hỏi của Đại biểu rất xác đáng về nguyên nhân của đợt dịch thứ tư do biến chủng Delta gây ra với các đặc tính lây lan nhanh, mạnh khó lường, khó kiểm soát chúng ta đã và đang hết sức nỗ lực phòng chống và chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh trong thời gian tới.

Về câu hỏi của Đại biểu Nguyễn Phi Thường, Hà Nội về cơ sở khoa học và hiệu quả vaccine chúng tôi xin khẳng định, vaccine đang sử dụng hiện nay là an toàn, hiệu quả phòng bệnh và giảm ca nặng (đã được chứng minh từ 93-96%).

“Về các vấn đề ĐBQH và cử tri quan tâm chúng tôi sẽ cố gắng thông tin để Quốc hội và cử tri chia sẻ, đồng hành với ngành” – Bộ trưởng nói.

Cũng trong bài phát biểu sau phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, cuộc chiến với COVID-19 là cuộc chiến chưa có tiền lệ, vì vậy vừa làm vừa rút kinh nghiệm, những giải pháp đưa ra trong thời gian ngắn nên không tránh khỏi những khiếm khuyết và trong quá trình vừa làm vừa rút kinh nghiệm chúng ta đã khắc phục những điểm yếu để công tác phòng chống dịch ngày một hiệu quả hơn.

“Chúng tôi trân trọng cảm ơn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo đã trăn trở, chỉ đạo quyết liệt. Chúng ta đã kế thừa những bài học kinh nghiệm từ các đợt dịch trước để hoàn thiện và qua đợt dịch thứ tư càng củng cố vững chắc về chiến lược phòng chống dịch mà chúng ta đã lựa chọn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả”- Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng chia sẻ: “Đối với ngành y tế còn nhiều bộn bề từ việc tổ chức, nhân lực, phát triển ngành chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, đồng hành chia sẻ của các đại biểu quốc hội, cử tri nhân dân cả nước để ngành ngày càng hoàn thiện phát triển”.

Tại diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Y tế gửi tới các cán bộ y tế đang ngày đêm chống dịch và chăm sóc sức khỏe nhân dân, chúng ta sẽ vượt qua những khó khăn thử thách này, càng khó khăn chúng ta càng đoàn kết để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng và nhân dân giao phó.

11:50 ngày 10/11/2021

ĐBQH Trần Văn Tiến, Đoàn Vĩnh Phúc nêu vấn đề trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh phía Nam, nhiều bệnh viện thiếu trang thiết bị trầm trọng như máy thở, đồ bảo hộ, khẩu trang… Một số bác sĩ kêu gọi hỗ trợ trên mạng xã hội nhưng sau đó đã phải xóa hoặc đính chính thông tin. ĐB Tiến đặt câu hỏi liệu đây có phải chủ trương của Bộ hay không?

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin trong thời gian đầu có xảy ra tình trạng thiếu thiết bị như khẩu trang, máy thở, găng tay, kit test… Các nước cũng đã tranh nhau mua để đảm bảo nguồn vật tư cho quốc gia mình.

Sau đó, Chính phủ đã chỉ đạo và các doanh nghiệp đã chủ động vào việc mua, sản xuất máy thở. Trong năm 2020, có 2 doanh nghiệp trong nước đã sản xuất máy thở ở thể trung bình. Đến nay, về cơ bản những máy thở ở thể trung bình đã có thể đảm bảo nguồn cung trong nước. Đối với máy thở dòng cao chúng ta cũng đã cố gắng mua, huy động, hỗ trợ… Từ đó, tư lệnh ngành y bày tỏ cảm ơn, trân trọng các tổ chức, donh nghiệp và bạn bè các nước đã hỗ trợ.

“Chúng tôi dự kiến mua 1.000 máy thở nhưng doanh nghiệp đã hỗ trợ 2.400 máy. Tại TP.HCM, doanh nghiệp đã hỗ trợ 750 máy và TP chỉ phải mua 50 máy. Đến nay chúng ta không thiếu máy thở ở cả chức năng cao và thấp”- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế cũng đã thành lập các kho dã chiến ở các tỉnh phía Nam và giao trách nhiệm cho bộ phận thường trực tại TP.HCM và Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy để điều chuyển. “Chúng tôi chưa bao giờ có chủ trương không cho bác sĩ kêu gọi trên mạng xã hội”- Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định.

11:48 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Tạo – Đoàn Đồng Tháp chất vấn về những nội dung liên quan đến các tỉnh thành có người dân trở về từ vùng dịch đã phát sinh nhiều ổ dịch mới, con số tăng lên hằng ngày. Vùng xanh đã biến thành vùng vàng và vùng cam tăng lên rõ rệt, gây khó khăn, lúng túng cho chính quyền các tỉnh, thành trong công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt các địa phương kinh tế còn thiếu và yếu, độ che phủ vaccine còn thấp… Đồng thời có giải pháp gì trong thời gian tới với phương châm thích ứng, sống chung với dịch, vì mục tiêu cao cả là bảo vệ sức khỏe Nhân dân và ổn định, phục hồi kinh tế xã hội cho đất nước?

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời: Có thể nói rằng, trong thời gian qua, sau khi chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với dịch COVID-19 và lượng người di chuyển từ địa bàn có dịch đến các tỉnh, thành phố rất nhiều.

Theo thống kê sơ bộ mà Bộ LĐTB&XH đã có báo cáo, khoảng 1,6 triệu người lao động đi từ những địa bàn TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An về các địa phương, đặc biệt khu vực phía Tây và đối với các tỉnh Tây Nguyên. Hiện giờ cũng đã có hiện tượng di chuyển ngược lại. Đối với vấn đề này, từ quản lý về việc di chuyển, phòng, chống dịch cho việc di chuyển của người dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia đã có rất nhiều chỉ đạo liên quan, đảm bảo người dân được di chuyển an toàn và đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch đối với việc di chuyển của người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn cũng đã tham mưu và đồng thời cũng đã có công điện đối với các địa phương cho việc phòng, chống dịch đối với người di chuyển rời đi từ Bình Dương, Đồng Nai, Long An, TP HCM,… Khi đi về các địa phương, đây là nhóm đối tượng chúng tôi cho rằng có yếu tố nguy cơ và Bộ đã có chỉ đạo phải xét nghiệm, cách ly, theo dõi, giám sát y tế một cách chặt chẽ.

Tuy nhiên, số lượng người dân rất lớn đối với khu vực này, vì vậy chúng tôi đề nghị đối với các địa phương, chúng ta tiếp tục thực hiện theo tinh thần chung của Nghị quyết 128, không ngăn sông cấm chợ, không có cản trở việc đi lại nhưng phải đảm bảo đối với công tác phòng, chống dịch khi người dân trở về địa phương của mình, nếu có kế hoạch đưa đón thì tốt nhất.

Trên cơ sở đó có kế hoạch phòng, chống một cách rất hiệu quả, theo dõi, giám sát để y tế, đối với một số trường hợp có thể cách ly phù hợp với các địa phương để đảm bảo công tác phòng, chống dịch Khi chúng ta chuyển sang trạng thái tích cực, an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả thì không thể không có ca nhiễm nhưng chúng ta phải kiểm soát và quản lý rủi ro. Quản lý rủi ro ở đây là quản lý nguy cơ có thể tăng nặng bệnh và gây ra tử vong.

“Vì vậy, trong Nghị quyết 128 cũng đã nêu rất rõ là các địa phương phải tăng phủ vaccine cho người trên 65 tuổi, trên 50 tuổi. Mặt khác, phải củng cố hệ thống y tế để đảm bảo khi bệnh nhân mắc và bị nặng, y tế cơ sở có thể cấp cứu và điều trị kịp thời. Đây điều mà tất cả các nước trên thế giới đã thực hiện, đã triển khai trong thời gian qua và chúng ta cũng tương tự như vậy”- Bộ trưởng nói.

11:47 ngày 10/11/2021

ĐBQH Trần Hữu Hậu – Đoàn Tây Ninh nêu câu hỏi: Một số cử tri lo lắng vaccine chế tạo công nghệ mới liệu có ảnh hưởng vấn đề sinh sản, sức khỏe của trẻ. Bộ trưởng cung cấp cơ sở khoa học bộ triển khai đại trà tiêm vaccine cho trẻ?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Đây là vấn đề nhiều cử tri quan tâm. Việc tổ chức tiêm trẻ em, đã tổng kết, đánh giá, nghiên cứu, trao đổi với WHO, Quỹ Nhi đồng, CDC Hoa Kỳ, các nhà khoa học… cho phép tiêm mRNA cho trẻ từ 12 tuổi trở lên. Vaccine đã tiêm gần 40 nước, quốc gia, cách làm cũng tiêm từ lứa tuổi cao xuống thấp, ở nhóm có bệnh lý nền.

Vaccine duy nhất được sử dụng là Pfizer. Cơ chế tác động vaccine này, khi vào cơ thể không xâm nhập vào hệ gen, chỉ xâm nhập vào bào tương, kết hợp tạo ra kháng thể, không xâm nhập trực tiếp vào các ADN nên WHO, FDA khẳng định không gây đột biến, không gây ảnh hưởng sinh sản. Tuy nhiên chúng ta tiếp tục theo dõi.

Còn vaccine thứ 2 là vaccine công nghệ bất hoạt Sinopharm, được đánh giá an toàn với trẻ. Bộ trưởng khẳng định lại, mọi vaccine Việt Nam sử dụng tiêm cho trẻ đều an toàn, được WHO khuyến cáo sử dụng. Bộ cũng tham khảo WHO trước khi sử dụng vaccine này cho trẻ em.

11:40 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Minh Đức, TPHCM nêu vấn đề: Thời gian qua các Trung tâm cấp cứu 115 góp phần nhiều trong công tác khám chữa bệnh, nhưng theo quy định về vị trí, cơ cấu chức danh nghề thì Trung tâm thuộc nhóm không giường bệnh, không được cấp chứng chỉ hành nghề và không được BHYT thanh toán. Vậy Bộ Y tế có ý kiến gì về vấn đề này? Thứ hai, Bộ Y tế đã chấp nhận SARS-CoV-2 là bệnh truyền nhiễm như các căn bệnh khác hay chưa? Bộ đã có chiến lược về chương trình đào tạo, giảng dạy về phòng, chữa bệnh do SARS-CoV-2 trong các trường y dược bài bản, khoa học chưa, để làm sao tránh được các cuộc truy vết, cách ly như thời gian qua?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát trong thời gian qua, Trung tâm cấp cứu 115 đã phát huy được vai trò, hiệu quả trong vận chuyển bệnh nhân tới cơ sở y tế và triển khai chăm sóc điều trị đối với bệnh nhân. Tuy nhiên, ở Việt Nam và các nước trên thế giới không xếp đây vào cơ sở khám, chữa bệnh bởi những người hành nghề tại trung tâm cấp cứu không phải cán bộ y tế. Họ chỉ được đào tạo các kỹ năng để có thể sơ cấp cứu và vận chuyển bệnh nhân đến bệnh viện.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ tiếp thu ý kiến của đại biểu để rà soát, điều chỉnh trong thời gian tới có những quy định phù hợp với mô hình hoạt động của trung tâm cấp cứu 115.

Về nội dung về virus SARS-CoV-2, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, ngày 20/1/2020 đã có quyết định xếp loại virus này thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm A theo Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm. Bộ Y tế đã triển khai các chương trình tập huấn cho cán bộ y tế ở tất cả các tuyến trong vấn đề chăm sóc, bệnh nhân COVID-19.

Việc có hình thành bộ môn về COVID-19 hay không, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết sẽ có trao đổi với các trường, các nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Có thể chúng ta sẽ thành lập các trung tâm nghiên cứu nhưng không chỉ riêng về COVID-19 mà sẽ bao gồm tất cả các bệnh truyền nhiễm mới nổi, nguy hiểm…

11:28 ngày 10/11/2021

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số ý kiến ĐBQH nêu:

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Tài chính đối với việc quản lý giá: Luật Quản lý giá 2012 xác định, giao cơ quan quản lý giá đối với giá chuyên ngành về cho ngành quản lý.

Thời gian vừa qua đã xảy ra sai phạm về quản lý giá về giá đất, thiết bị y tế, giáo dục… trước tình hình ấy, Bộ Tài chính, Bộ Y tế đã bàn và Bộ Y tế xây dựng Nghị định 98 ngày 8/11/2021. Bộ Tài chính tham gia cùng với Bộ Y tế góp ý để đề nghị với Chính phủ thắt chặt lỗ hổng này. Theo Nghị định 98 phải kê khai giá. Khi đã kê khai giá nếu bán giá sai so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính, thu hồi giấy phép, gây hậu quả nghiêm trọng xử lý hình sự.

Trong kê khai giá yêu cầu nếu thiết bị y tế nhập khẩu phải thông qua giá nhập, các chi phí tính toán hợp lý; nếu sản xuất trong nước phải công khai. Chúng tôi cho rằng đây là điểm bịt được lỗ hổng.

Về vấn đề vướng mắc tài chính cấp huyện, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết: Mô hình hiện nay quản lý hệ thống trung tâm y tế cấp huyện, các bệnh viện cấp huyện do sở y tế quản lý, quản lý tài chính cấp huyện do Sở Y tế quản lý. Y tế cấp huyện vẫn có những thiệt thòi, trung tâm y tế cấp huyện, cấp xã ở vùng miền núi hết sức quan trọng, nên giao cho huyện, thành phố và xã quản lý, Sở Y tế quản lý về mặt chuyên môn.

Về vấn đề xã hội hóa y tế, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính: Phải nói đây là mô hình tốt để nâng cao chất lương khám, chữa bệnh. Tuy nhiên, mô hình này dễ xảy ra sai phạm do có những lỗ hổng. Vì vậy cũng cần có xây dựng văn bản hướng dẫn. Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp chặt chẽ để xây dựng hướng dẫn; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra để ngăn chặn thất thoát, lãng phí.

11:22 ngày 10/11/2021

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Đến khi nào thì người dân tỉnh Trà Vinh mới được tiêm vaccine đủ mũi 1 để có được mức độ an toàn cơ bản nhất? ĐBQH và cử tri đề nghị Chính phủ cần đầu tư một BV tuyến tỉnh, một khoa phòng các BV tuyến huyện có đủ năng lực điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 ở mức cao nhất. Có như thế mới có thể sống chung an toàn, lâu dài với dịch COVID-19. Bộ trưởng có nhận định thế nào về đề xuất này và đề xuất này có khả thi hay không?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Trà Vinh là một trong những địa bàn được quan tâm nhất trong vấn đề về phân bổ vaccine sau TP HCM, Bình Dương, Long An, Đồng Nai. Về cơ bản, Bộ Y tế đảm bảo phân bổ đủ vaccine để phủ mũi 1, mũi 2 cho địa bàn và triển khai tiêm vaccine cho trẻ 12-17 tuổi. Trong giai đoạn này, vaccine đối với Trà Vinh có thể chưa về kịp, tuy nhiên trong kế hoạch phân bổ của Bộ Y tế hiện nay thì tỷ lệ tiêm của Trà Vinh hiện nay đã là 82,4 vì thay đổi hàng ngày.

“Chúng tôi tiếp tục phân bổ theo yêu cầu của Chính phủ, của Thủ tướng Chính phủ để đảm bảo khu vực này có thể bao phủ vaccine và cho tất cả các tỉnh thành khác nữa”- Bộ trưởng nói.

Về ý kiến thứ hai, chúng tôi hoàn toàn tán đồng. Trong “thích ứng an toàn linh hoạt và kiểm soát hiệu quả” thì một vấn đề đặt ra đó là vấn đề củng cố tăng cường năng lực hệ thống y tế để đảm bảo rằng hệ thống y tế chúng ta có thể ứng phó với đại dịch, đặc biệt trong vấn đề cấp cứu đối với bệnh nhân nặng.

Thêm nữa, một trong những tiêu chỉ của Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 là phải đảm bảo giường cấp cứu và cơ sở cấp cứu. Đối với các địa phương cần đầu tư, quan tâm tới việc hình thành giường cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19.

11:19 ngày 10/11/2021

Trong phần giải trình tại phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà làm rõ thêm một số nội dung:

Trong xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và sự nghiệp y tế nói riêng, Trung ương, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định liên quan.

Các quy định này đã nêu rõ về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình để bổ nhiệm viên chức quản lý ở các đơn vị sự nghiệp. Các bộ chuyên ngành xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện cụ thể để phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành mình. Bộ Y tế cũng ban hành thông tư, nhưng thực tiễn có những vấn đề phát sinh ở một số cơ sở y tế, đó là người quản lý cơ sở y tế có năng lực về chuyên môn nhưng chưa có năng lực quản trị.

Dưới góc độ của ngành, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết sẽ phối hợp với Bộ Y tế nghiên cứu kỹ hơn vấn đề này, để làm sao đảm bảo như mong muốn vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực quản trị là tốt nhất. Còn trong trường hợp cụ thể, ta nên cân nhắc để xem xét, nhất là khi ta đang đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp chung thì rất cần thiết có năng lực quan trị để đáp ứng yêu cầu tự chủ đơn vị sự nghiệp y tế. Bên cạnh đó, cần làm rõ tiêu chuẩn, điều kiện, trách nhiệm của người đứng đầu trong đơn vị sự nghiệp.

Đề cập đến việc phân cấp trong hệ thống y tế trên địa bàn, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhìn nhận còn nhiều vướng mắc. Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng đồng tình với một số ý kiến cần rà soát, xem xét căn cơ, cụ thể trong vấn đề quản lý Nhà nước đối với hệ thống y tế cấp tỉnh, huyện. Giao trung tâm y tế cho UBND cấp huyện quản lý, gồm trung tâm y tế và trạm y tế xã, phường, thị trấn, là rất phù hợp yêu cầu.

“Sau kỳ họp này, Bộ Nội vụ sẽ báo cáo Chính phủ để thực hiện phân cấp ngay vì không có gì vướng mắc” – Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.

11:07 ngày 10/11/2021

ĐBQH Huỳnh Thị Ánh Sương – Quảng Ngãi đặt câu hỏi đại dịch vừa qua, Bộ Y tế đã phát huy vai trò của nền y học cổ truyền Việt Nam như thế nào? Bộ có văn bản chỉ đạo gì không hay chỉ điều trị theo Tây y?

Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Y học cổ truyền đã phát huy hiệu quả cao nhất trong vấn đề về những bệnh mạn tính. Trong thời gian qua, do đại dịch như vậy, nên đã huy động tất cả các lực lượng y tế cả Tây y và Đông y và cả tư nhân cũng như Nhà nước tham gia đối với công tác về phòng chống dịch bệnh. Chúng tôi đã có những văn bản, những hướng dẫn đối với các địa phương trong vấn đề về tổ chức triển khai thực hiện: điều trị, áp dụng các phương pháp điều trị về YHCT đối với các bệnh nhân.

Tuy nhiên, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A là bệnh rất cấp tính nên việc điều trị YHCT chỉ điều trị nâng đỡ về mặt thể chất cũng như những nâng đỡ về mặt sức khỏe. Vì vậy, các hội như Hội Đông y Việt Nam, các hội Đông y của các tỉnh thành đã triển khai nhiều, một số địa phương đã áp dụng nhiều bài thuốc hay.

Tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục đẩy mạnh vấn đề về hoạt động YHCT trong vấn đề khám bệnh, chữa bệnh, kể cả đối với những bệnh truyền nhiễm như đối với COVID-19.

11:05 ngày 10/11/2021

ĐBQH Phạm Thị Thanh Mai – Đoàn Hà Nội chất vấn về việc xây dựng, triển khai chiến lược vaccine COVID-19.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Vaccine là vấn đề người dân và cử tri quan tâm. Chúng ta tiếp cận vaccine sớm nhưng mua muộn hơn do nhiều nguyên nhân. Việt Nam tiếp cận vaccine từ tháng 9/2020 khi làm việc và thỏa thuân với COVAX. 2 tháng sau chúng ta đã có thỏa thuận với AstraZeneca cung ứng 30 triệu liều. Sau đó thúc đẩy nghiên cứu sản xuất trong nước, nhưng theo Bộ trưởng yếu tố khách quan là khan hiếm vaccine toàn cầu suốt năm qua.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nêu nhiều khó khó khăn trong việc mua vaccine, khi cam kết thoả thuận mua phải vượt qua rào cản về pháp luật, chấp nhận tất cả điều kiện của bên bán mà không được thương thuyết. Chúng ta cũng phải chấp nhận rủi ro vì giao hàng chậm, không được trả lại do vaccine không đảm bảo hay việc giao hàng không đúng thời hạn. Tình trạng khan hiếm vaccine vẫn đang xảy ra, các nước phát triển mua với số lượng lớn, gây ra sự bất bình đẳng trong phân phối vaccine trong quy mô toàn cầu; tâm lý sử dụng vaccine chưa ổn định… Vấn đề này Bộ Y tế nhận trách nhiệm và đã triển khai các biện pháp bảo đảm vắc xin năm 2021 và năm 2022.

10:46 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Quốc Hận – Đoàn Cà Mau đặt câu hỏi về việc nhiều bác sĩ liên kết để mở phòng khám riêng, có làm ảnh hưởng đến chất lượng khám, chữa bệnh hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết: Khi tổng kết những năm trước đây, vấn đề hành nghề của bác sĩ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, các bác sĩ được hành nghề, làm nghề, mở phòng khám ngoài giờ. Theo Bộ trưởng không nên phân biệt quá giữa công và tư bởi chăm sóc sức khỏe hài hòa giữa công và tư, miễn sao nâng cao chất lượng.

“Nhưng mặt khác, chúng tôi có quy định quản lý thời gian hành nghề, đảm bảo sức khỏe để phục vụ, nghiêm cấm các đơn vị không thực hiện nhiệm vụ mà đưa ra dịch vụ tư nhân”- Bộ trưởng Bộ Y tế nói.

10:46 ngày 10/11/2021

Trả lời tranh luận của ĐB Trần Thị Nhị Hà – Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng:

Thủ đô Hà Nội có đặc trưng riêng, là trung tâm chính trị của cả nước, nên mọi quyết định và chính sách chống dịch phải được đánh giá rất kỹ lưỡng. Bộ trưởng nhắc lại Nghị quyết 128 nêu rõ để thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch, tùy vào tình hình, nguy cơ dịch bệnh, các địa phương có thể đưa ra giải pháp.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long hy vọng trên cơ sở đánh giá lại nguy cơ, địa phương sẽ có điều chỉnh dần biện pháp phòng chống dịch cho phù hợp, đồng bộ chung cho tất cả tỉnh, thành phố. Chúng tôi lưu ý là ở cùng một cấp độ thì không nên khác nhau quá nhiều.

10:41 ngày 10/11/2021

Trả lời phần trao đổi của ĐB Hoàng Văn Cường, đoàn ĐBQH TP Hà Nội về sai phạm kinh tế tại bệnh viện khiến hàng loạt bác sĩ vào vòng lao lý, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Với ngành Y tế, quản lý theo địa bàn và lãnh thổ. Bộ Y tế chỉ đạo về chuyên môn, kỹ thuật với các BV trên toàn quốc. Về quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, vi phạm ở những đơn vị y tế thuộc tỉnh thì thuộc về địa phương. Bộ Y tế cũng thành lập đoàn kiểm tra, nhưng về chuyên môn, còn quản lý đấu thầu, tài chính là thuộc địa phương. Bộ Y tế cũng đã có văn bản với các địa phương, các đơn vị thuộc Bộ về những cơ chế áp dụng mua sắm, nhưng các địa phương chưa áp dụng triệt để.

Tới đây khi có ban hành về nguyên tắc kiểm soát giá, hy vọng các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và mạnh dạn mua sắm trên tinh thần minh bạch.

10:24 ngày 10/11/2021

Trả lời quan tâm của ĐBQH Trần Kim Yến – Đoàn TP. HCM về vấn đề nhân lực của ngành Y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Đối với sử dụng nhân lực vẫn còn hạn chế. Nhiều đơn vị chuyển sang tự chủ, vì vậy tuyển dụng còn khó khăn. Ngoài ra giá dịch vụ y tế chưa đáp ứng được, hiện nay Bộ Y tế đang cố gắng có những giải pháp như tăng cường chất lượng đào tạo, sắp xếp nhân lực có hiệu quả. Chúng ta có những đổi mới căn bản về việc đào tạo bác sĩ y khoa, bác sĩ dự phòng. Những bác sĩ mới ra trường chỉ được hưởng lương như người học 4 năm, tới đây phải đổi mới để phù hợp.

10:19 ngày 10/11/2021

ĐBQH Phan Thị Mỹ Dung (Long An): Từ đầu năm 2021 đến nay, nhiều lao động vẫn đang trong tình trạng tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương hoặc mất việc làm do COVID-19 nhưng người lao động không được tiếp tục gia hạn thẻ BHYT. Người lao động có nguyện vọng được hỗ trợ, giảm, miễn đóng BHYT và được tiếp tục đảm bảo chăm sóc sức khỏe, hưởng chế độ BHYT trong giai đoạn hiện nay. Xin hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì hay đề xuất giải pháp gì đối với mong mỏi, kiến nghị như trên của người lao động?

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Con số tỷ lệ người tham gia BHYT lên tới 90,85% nhưng trong năm 2021 đã có dấu hiệu giảm đi do tác động của dịch bệnh COVID-19. Vì vậy, Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Tài chính và BHXH Việt Nam để rà soát lại toàn bộ tất cả những đối tượng đóng này và sẽ có những cơ chế chính sách để hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn khi tham gia BHYT để có chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong vấn đề này đối với BHYT.

Hiện chúng ta vẫn đảm bảo được vấn đề về phủ độ BHYT và đảm bảo cho người dân được tiếp cận một cách công bằng dịch vụ chăm sóc sức khỏe qua BHYT.

10:17 ngày 10/11/2021

Liên quan đến vấn đề cách ly F1 tại Hà Nội mà ĐBQH quan tâm, bà Trần Thị Nhị Hà Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội – ĐBQH Đoàn TP. Hà Nội cho biết:

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, phụ thuộc diễn biến dịch bệnh, năng lực y tế, khu cách ly tập trung… từng địa phương đưa ra giải pháp phù hợp phòng chống dịch bệnh đảm bảo an toàn tốt nhất cho người dân, phòng chống lây lan trong cộng đồng. Hà Nội luôn thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, đặc biệt công tác cách ly, điều tra truy vết, quản lý người đi từ vùng dịch về và F1.

Những ngày gần đây, Hà Nội liên tục phát hiện nhiều F0 trong cộng đồng không rõ nguồn lây. Hôm qua, thành phố phát hiện 222 ca bệnh, trong đó 105 ca ngoài cộng đồng. Dự báo tình hình dịch bệnh của Hà Nội diễn biến phức tạp, khó lường.

Bà Hà nhấn mạnh: “Chúng tôi sẽ tiếp tục điều chỉnh biện pháp phòng chống dịch và cách ly, thích ứng linh hoạt với tình hình địa phương”.

10:15 ngày 10/11/2021

Trả lời câu hỏi của ĐBQH Đỗ Đức Hồng Hà – Hà Nội về nâng cao năng lực y tế cơ sở, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Trong thời gian qua hệ thống y tế cơ sở cơ bản đáp ứng được trong tình hình bình thường, tuy nhiên dịch bệnh xảy ra y tế cơ sở còn chưa đáp ứng đủ theo yêu cầu. Một trong những hoạt động Bộ đang quan tâm đối với y tế cơ sở bao gồm tuyến huyện và tuyến xã.

Đối với tuyến xã sắp xếp lại, cơ cấu lại để đảm bảo khi dịch bệnh xảy ra không bị quá tải. Tăng cường đầu tư, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết trong thời gian qua, Bộ đã thu hút nguồn đầu tư của các tổ chức quốc tế, những nơi khó khăn nâng cấp gần 1000 trạm y tế.

Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục trình đối với Quốc hội, Chính phủ tăng cường đầu tư cho trạm y tế xã. Bộ Y tế thời gian tới nâng cao năng lực cho y tế tuyến xã như đưa bác sĩ tuyến huyện về tuyến xã, tăng cường việc khám, chữa bệnh từ xa; Hình thành nhóm bác sĩ y học gia đình (bao gồm bác sĩ công lập, tư nhân); Đổi mới cơ chế tài chính hi vọng vấn đề này sớm giải quyết trong thời gian tới đây.

Về phát triển nguồn nhân lực y tế, theo Bộ trưởng, mỗi 1 năm có khoảng 6700 – 7000 bác sĩ trẻ ra trường, vì vậy Bộ đang thực hiện đổi mới đào tạo căn bản, theo hướng sâu hơn (6+3); Đổi mới theo phương thức cấp bằng, chứng chỉ; Tổ chức thi độc lập. Đối với nhân lực vùng sâu vùng xa, Bộ trưởng cho biết hết sức khó khăn, tới đây đẩy mạnh việc thu hút nhân lực vùng sâu, vùng xa.

09:53 ngày 10/11/2021

Quan sát về phiên chất vấn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Y tế, ĐBQH khoá XIII ông Lê Như Tiến nhận xét:

– Không khí chất vấn rất sôi động. Nhiều ĐBQH tham gia khoá đầu tiên đã hoà nhập rất nhanh. Chất vấn rất trúng, đúng. Vấn đề y tế trong đại dịch là vấn đề nóng nhất. Lực lượng y tế là lực lượng tuyến đầu, Quốc hội dành sự quan tâm và đặc biệt với ngành y tế.

– Người trả lời cũng trực diện. Đây là lần đăng đàn đầu tiên của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng đã trả lời thẳng thắn, cụ thể, không vòng vo, báo cáo thành tích. Trả lời trực diện những vấn đề rất nóng, khó như đấu thầu y tế, test, giá test, thời gian test. Bộ trưởng trả lời đáp ứng mong mỏi của cử tri và các ĐBQH.

– Cái tâm những người ngành y được đánh giá rất cao không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

– Nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành y tế rất cần được chú trọng đầu tư. Đặc biệt là giải pháp tăng cường đầu tư cho tuyến dưới mạnh hơn để giúp giảm tải.

09:50 ngày 10/11/2021

Là một trong những ĐBQH chất vấn những vấn đề rất nóng của ngành y tế, ông Phạm Văn Hoà đại biểu Đồng tháp đánh giá:

+ Sáng nay, Bộ trưởng đã cầu thị, trả lời rành mạch, rõ ràng. Bộ trưởng cho biết, nếu những cơ sở công lập không thực hiện nghiêm sẽ bị xử lý nghiêm.

+ Về cách ly với người tiêm 2 mũi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã trả lời dứt khoát, người đã tiêm 2 mũi đến địa phương khác không phải cách ly tập trung nếu đi từ vùng cấp độ 1, 2. Tuy nhiên nếu đi từ vùng đỏ về địa phương về thì vẫn phải cách ly, rất rõ ràng.

+ Bộ trưởng trả lời rất cầu thị về ý kiến chất vấn về chênh lệch, trình độ chuyên môn, chất lượng KCB ở tuyến trên, tuyến dưới. Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp để hạn chế, người dân tin tưởng, khỏi tốn kém đi xa.

09:43 ngày 10/11/2021

ĐBQH Dương Ngọc Hải, TP.HCM hỏi Bộ Y tế có giải pháp gì trong việc phân cấp quản lý để phát huy vai trò của các BV quận huyện và trung tâm y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Về năng lực quản lý, nguồn lực trong vấn đề đầu tư, về con người, cơ sở vật chất thì hầu như với một số Sở Y tế chưa quản lý được hết và chưa có đầu tư. Vì vậy, khi làm việc với TP. HCM, chúng tôi đã trao đổi với TP.HCM, ủng hộ cho phương án trao việc quản lý các trung tâm y tế cho quận, huyện. Vì tiềm lực của các quận, huyện của TP.HCM rất lớn. Do đó, việc phân cấp, phân quyền, tăng cường đầu tư, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với các hoạt động y tế trên địa bàn là phù hợp. Và chúng tôi ủng hộ cho phương án này.

Mặt khác, đối với mặt bằng chung trên toàn quốc thì chúng tôi tiếp tục nghiên cứu, cân nhắc trên tất cả các góc độ để đảm bảo rằng chúng ta tăng cường được đầu tư, tăng cường về mặt quản lý, tăng cường về mặt trách nhiệm đối với quản lý y tế cơ sở để làm tốt hơn công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Nói thêm về những nội dung liên quan, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc đến tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương về sắp xếp, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập có nội dung rất quan trọng. Đó là các đơn vị sự nghiệp công lập, các bệnh viện nếu tự chủ hoàn toàn được phép tổ chức hạch toán như doanh nghiệp và phải kiểm toán hàng năm, báo cáo về tài chính. Với những đơn vị y tế cấp huyện sau khi sắp xếp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải chuyển về cho địa phương, ngành y tế chỉ quản lý về mặt chuyên môn.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Bộ trưởng Nội vụ và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chuẩn bị giải trình việc này cho rạch ròi, vì chúng ta đã có 4-5 năm thực hiện nhưng đến nay vẫn không thống nhất giữa các địa phương với nhau. Đồng thời Chủ tịch Quốc hội cũng mong đại biểu thống nhất để nghị quyết chất vấn có nội dung này theo tinh thần nếu chuyển về cho địa phương phải thực hiện thống nhất, còn ngành y tế chỉ quản lý về chuyên môn.

09:39 ngày 10/11/2021

ĐBQH Dương Minh Ánh, (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị Bộ trưởng cho biết thời gian nào vaccine Việt Nam được phê duyệt và đưa vào sử dụng? Hai là, đề nghị Bộ trưởng cho biết lộ trình thông tuyến KCB của ngành y tế đã triển khai đến đâu, có hiệu quả thực sự hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Về mặt chuyên môn, an toàn phải đảm bảo tối đa. Bộ Y tế đã thành lập 2 hội đồng Y đức, cấp phép để làm việc với nhà sản xuất để đảm bảo an toàn. Bộ Y tế hy vọng sớm có vaccine từ Việt Nam để chủ động nguồn cung. Thời gian cụ thể phải chờ đợi kết quả từ 2 hội đồng.

Về thông tuyến BHYT, giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế các tỉnh. Hạn chế là không đảm bảo quản lý BHYT, sức khoẻ người dân địa bàn. Có nơi tăng, có nơi không có BN. Bộ Y tế sẽ xem xét, rà soát và điều chỉnh cho phù hợp, đưa vào Luật BHYT sửa đổi tới đây trên nguyên tắc người dân được tiếp cận y tế tốt nhất.

09:38 ngày 10/11/2021

Trả lời ĐBQH Nguyễn Minh Sơn (Đoàn ĐBQH Tiền Giang) về khắc phục hạn chế của công tác khám sàng lọc, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Theo Luật Bảo hiểm y tế hiện nay chưa được sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế để khám sàng lọc. Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế sẽ xây dựng gói dịch vụ y tế cơ bản để bảo đảm mỗi người dân có thể khám sàng lọc sức khỏe ít nhất 1 lần/năm.

Bên cạnh đó, Bộ cũng xây dựng Luật Bảo hiểm Y tế (sửa đổi), trong đó sẽ đưa việc sử dụng ngân sách của bảo hiểm y tế để khám sàng lọc cho người dân.

Về sử dụng ngân sách của nhà nước cho vấn đề này, Bộ trưởng đề nghị các địa phương có thể sử dụng ngân sách địa phương cho vấn đề tổ chức chương trình khám sàng lọc cho người dân.

Đối với giải pháp cơ chế tài chính, thanh quyết toán cho mô hình trung tâm y tế huyện đa chức năng, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết hiện 75% khám chữa bệnh được thực hiện tại cơ sở y tế tuyến huyện, xã nhưng chi tiêu chỉ đc 34%, đặc biệt tuyến xã chỉ 2%. Bộ sẽ tiến hành rà soát tổng thể, bảo đảm đổi mới cơ chế tài chính cho cơ sở y tế tuyến huyện, đề xuất giải pháp làm sao bảo đảm cơ chế tài chính cho các cơ sở y tế để bảo đảm chức năng khám chữa bệnh và y tế dự phòng theo hình thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ; cơ chế giao gói dịch vụ y tế dự phòng hoặc theo cơ chế của bảo hiểm y tế

09:34 ngày 10/11/2021

Về quan tâm của ĐBQH Phạm Văn Hạ tỉnh Quảng Nam liên quan đến vấn đề xét nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết:

Về xét nghiệm (XN), với COVID-19, 80% người nhiễm không triệu chứng, nên buộc phải XN. Thời gian có giá trị các XN cũng khác nhau với các nước, về cơ bản là 72 giờ. Một số địa phương áp dụng mốc 72 giờ, nhưng sau này áp dụng biện pháp mới, không yêu cầu người dân XN khi đi lại, chỉ XN người đi từ vùng dịch trở về và cơ quan y tế phải thực hiện chứ không yêu cầu người dân XN. Chỉ XN theo trọng tâm, trọng điểm, địa bàn, nhóm nguy cơ. Với những nhóm nguy cơ cao, tần suất phụ thuộc vào đánh giá nguy cơ của các địa phương. Bây giờ chỉ khi đi từ vùng dịch về địa phương mới XN.

09:23 ngày 10/11/2021

Trong câu hỏi của mình, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị nói rõ thêm về việc giám sát, kiểm tra của Bộ Y tế liên quan đến việc quản lý giá thuốc, đấu thầu…

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Về tăng cường kiểm tra giám sát vi phạm, Bộ Y tế sẽ tiếp tục rà soát, vấn đề mua sắm đấu thầu, phân cấp phân quyền, tăng cường kiểm tra giám sát các đơn vị thuộc Bộ, để ngăn ngừa phòng chống, đấu tranh thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ.

09:18 ngày 10/11/2021

Trả lời chất vấn ĐBQH Đặng Hồng Sỹ – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận về nguyên tắc phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết:

Việc phân bổ dựa trên Nghị quyết 21 của Chính phủ, trong đó có địa bàn ưu tiên trọng điểm và đối tượng ưu tiên. Vì vậy, Bộ ưu tiên cho địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp trước; thứ hai là nơi nguy cơ cao như tập trung khu công nghiệp; đầu mối giao thông, trung tâm kinh tế, mật đô dân cư lớn… Ngoài ra, chúng ta cũng tập trung cho đối tượng ưu tiên trước như người cao tuổi trên 50, 65 tuổi vì đây là nhóm người rủi ro nhất.

Việc tiêm cho trẻ em 12-17 tuổi, Bộ trưởng cho biết, trước mắt sẽ cho địa bàn trọng điểm trước, còn trong tháng 11 sẽ cố gắng bao phủ phạm vi toàn quốc. Còn về tiêm mũi 3, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long thông tin Bộ mới có kế hoạch, chưa triển khai và dự kiến thực hiện và cuối tháng 12. Tuy nhiên, mục tiêu ưu tiên vẫn là phủ toàn bộ vaccine cho dân số nhanh nhất; mục tiêu là 2 tuần đầu tháng 11 phủ toàn bộ mũi 1 và trả mũi 2. Lúc đó, chúng ta mới tính đến tiêm mũi 3 cho người cao tuổi.

09:12 ngày 10/11/2021

ĐBQH Lưu Văn Đức – Đoàn Đăc Lăk: Vừa qua công tác dự báo diễn biến dịch chất lượng ra sao? Từ nay đến 2022 như thế nào có khó khăn gì? Trách nhiệm Bộ Y tế trong tham mưu triển khai chiến lược vaccine. Làm thế nào để công bằng? Có địa phương đề nghị tiêm mũi 3, tiêm cho trẻ em, nhiều địa phương ĐBSCL còn chưa tiêm đủ?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Việc dự báo và đặc biệt với COVID-19 là rất khó khăn. Hầu hết các nước chưa thể đưa ra dự báo dài hạn. Chưa thể kết thúc trong 2022, chỉ có thể nói dịch sẽ giảm và trở thành cúm mùa… Đây là dịch chưa có tiền lệ, nhưng khi các biến chủng nhanh và mạnh nên việc dự báo rất khó khăn. Việc dự báo ở nhiều địa phương chưa sát, sẽ trao đổi thêm với thế giới để nâng cao hơn chất lượng dự báo.

Nhiều địa phương dịch tăng trở lại, Bộ Y tế rất quan ngại. Và Bộ Y tế liên tục chỉ đạo theo sát, từ nay đến cuối năm còn rất phức tạp. Nhiều người dân chủ quan với 5K. Đặc biệt là thời tiết khí hậu lạnh ở miền Bắc, các hoạt động tập thể đông người vào Tết sẽ rất đáng quan ngại. Với các địa phương phải tăng phủ vaccine để giảm tử vong. Phòng chống dịch luôn là ưu tiên của Bộ Y tế. Trong thời gian qua, chiến lược vaccine đã triển khai rất thành công, đồng bộ. Chúng ta tiến hành mua, nhập khẩu gần 200 triệu liều vaccine về Việt Nam. Thúc đẩy chiến lược ngoại giao vaccine, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng đã nỗ lực trao đổi với các quốc gia khác để tăng lượng vaccine cho Việt Nam.

Về nghiên cứu, sản xuất, chuyển giao, Việt Nam có đơn vị tự nghiên cứu, sản xuất sắp được cấp phép. Đã có Vingroup nhận chuyển giao công nghệ từ Mỹ.

Với tiêm mũi 3, Bộ Y tế đề nghị theo hướng dẫn chung, đảm bảo công bằng với việc phân bổ vaccine.

09:10 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Hải Dương: Nhân lực ngành y tế đang thiếu, nhất là nhân lực chất lượng cao, có giải pháp gì cho chảy máu nhân lực ngành?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Nguồn nhân lực là hết sức quan trọng, Bộ Y tế luôn quan tâm chỉ đạo đảm bảo đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Đảm bảo y tế Việt Nam tương đương thế giới. Trong đào tạo có triển khai nhiều chương trình tăng chất lượng nhân lực. Có giải pháp thu hút nhân lực y tế công lập: chế độ phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp đặc biệt như trực và phòng chống dịch đã được triển khai. Một số cán bộ y tế công sang tư, nhưng các cán bộ có trình độ chuyên môn cao đều đang làm trong lĩnh vực y tế công lập.

Tới đây Bộ Y tế sẽ tiếp tục đào tạo nhân lực, tăng cường chế độ thu hút, đào tạo và đào tạo lại với trình độ cao hơn. Cố gắng cải cách chế độ tiền lương phụ cấp để cán bộ y tế yên tâm trong công lập.

Về giải pháp cho vấn đề khám chữa bệnh chất lượng giữa các vùng: Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đổi mới. Tập trung hình thành những khu phức hợp y tế ở những địa bàn trọng điểm để cạnh tranh với thế giới. Như Tây Nguyên chưa có BV TƯ trên địa bàn, trong đầu tư công Chính phủ đã đồng ý xây đựng BVĐK của TƯ tại đây, hoặc ở Tây Bắc, Bắc Trung Bộ, Tây Nam Bộ cũng được tăng cường. Khám chữa bệnh từ xa là đề án được triển khai tốt, hàng ngàn buổi hội chẩn trực tuyến, BV vùng xa được kết nối.

Đào tạo nguồn nhân lực: Bộ Y tế đang cải cách theo hướng tiếp cận với thế giới. Theo phương thức 9 năm với 1 bác sĩ. Đảm bảo nâng cao số lượng chất lượng cán bộ y tế vùng xa, luân phiên đưa bác sĩ trẻ về vùng xa.

09:08 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Thị Thuỷ – Bắc Kạn: Nhiều cử tri phản ánh người lớn làm việc bình thường, nhưng trẻ em vẫn thiệt thòi vì chưa đến trường. Đề nghị Bộ trưởng về sự thận trọng quá mức như trên?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Trẻ em chưa được đi học. Bộ GDĐT và Bộ Y tế đã có hội nghị về vấn đề trẻ em đi học. Cũng có những chỉ đạo với các tỉnh không nên quá thận trọng hơn mức cần thiết. Không nên đợi chờ vào vaccine, vì trẻ 5-6 tuổi chưa thể đợi chờ thêm được.

Bộ Y tế và Bộ GDĐT khuyến cáo các địa phương nhất là các tỉnh cấp độ 1, 2 mạnh dạn cho trẻ em đến trường. Nghị quyết 128 cũng đã nêu rõ quy định. Ở các nước trên thế giới, một số cũng đang tổ chức học trực tuyến. Mong rằng sẽ triển khai hiệu quả hơn thời gian tới.

08:59 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình chất vấn về một số địa phương, trong đó có Hà Nội áp dụng chính sách cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần (F1). Việc này gây lãng phí nguồn lực, gây tổn hại về tinh thần cho người dân và gia tăng khả năng lây nhiễm chéo, không phù hợp tình hình thực tiễn.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Có thể nói rằng trong thời gian qua, Bộ Y tế căn cứ trong Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 đã có hướng dẫn xét nghiệm, cách ly đối với người đi từ vùng dịch trở về. Đối với cấp độ 3, cấp độ 4 phân ra, nhiều quy định: Thứ nhất đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, chỉ cần theo dõi y tế 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ nhất; Đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như vậy; Đối với người đã tiêm 1 mũi vacicne thì cách ly tại nhà 7 ngày; Đối với người chưa được tiêm vaccine theo dõi trong vòng 14 ngày.

Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện vào từng địa phương, và trong khuyến cáo của Bộ Y tế tùy mức độ, tùy địa phương và nhất là vấn đề đảm bảo an toàn phòng, chống dịch đối với những khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư… chúng ta đảm bảo việc cách ly một cách linh hoạt. Bộ trưởng cho rằng, đối với những khu chung cư có mật độ cư dân đông đúc mà chưa có độ phủ vaccine chưa cao thì chúng ta áp dụng việc cách ly tập trung, bao gồm việc cách ly tại nhà.

Trao đổi lại với câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Y tế, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng câu trả lời của Bộ trưởng chưa rõ. Đại biểu nêu rõ, người dân chung cư đeo khẩu trang, tiêm đủ vaccine không tiếp xúc, chỉ đi cùng thang máy với F0 thì có đi cách ly tập trung hay không?

Bộ trưởng cho biết đã trao đổi với một vài địa phương và Hà Nội về nội dung này. Bộ trưởng nhấn mạnh, không bắt buộc cách ky tập trung 14 ngày mà chỉ cách ly tại nhà 7 ngày và đề nghị các đơn vị, địa phương thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhận định, đây là vấn đề hậu kiểm. Trường hợp quy định địa phương không thống nhất quy định của Trung ương thì Bộ Y tế có thể trao đổi với địa phương để thống nhất theo hướng quản lý rủi ro.

08:27 ngày 10/11/2021

ĐBQH Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn về giá xét nghiệm COVID-19, gây bức xúc cho nhân dân. Đại biểu Hòa đặt câu hỏi liệu có lợi ích nhóm, đồng thời ông Hòa cũng mong Bộ trưởng trả lời việc tiêu cực trong đội ngũ lãnh đạo bệnh viện? Ngoài ra, đại biểu Hòa cũng đặt câu hỏi rằng liệu ngành y có tính đến việc tách bạch giữa nhiệm vụ chuyên môn và nhiệm vụ quản trị của lãnh đạo các cơ sở y tế?

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Về quản lý giá sinh phẩm, trang thiết bị y tế, giá xét nghiệm, Bộ trưởng nêu rõ: Về khách quan, giá cả thiết bị, sinh phẩm phụ thuộc vào nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, thời điểm mua; khi dịch bệnh mới bùng phát, thiếu nguồn cung, các quốc gia tranh mua,… nên giá cao; sau khi nguồn cung được mở rộng, giá giảm;…

Bộ Y tế đã chỉ đạo các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm phải công khai, niêm yết giá trên Cổng TTĐT của Bộ để các địa phương tham khảo, quyết định mua sắm;…

Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường cấp phép cho các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu test kit, tạo điều kiện nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới, mở rộng nguồn cung, hạ giá thành sản phẩm; tăng cường vận động doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế, các nước tài trợ để bảo đảm đủ số lượng, chất lượng test kit, sinh phẩm,… phục vụ công tác phòng chống dịch;…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế cũng liên tục điều chỉnh chiến lược xét nghiệm cho phù hợp với từng thời điểm diễn biến dịch bệnh, để triển khai công tác xét nghiệm tiết kiệm, hiệu quả; liên tục có văn bản nhắc nhở các địa phương đảm bảo việc thực hiện đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm theo đúng quy định của pháp luật,…

Về phân bổ vaccine, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, việc phân bổ vaccine được thực hiện theo Nghị quyết 21 của Chính phủ, phân bổ theo các khu vực ưu tiên, các địa bàn trọng tâm, trọng điểm,… Hiện các địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho các đối tượng ưu tiên: Nhóm đối tượng tuyến đầu chống dịch, người cao tuổi, người có bệnh lý nền,… Một số địa phương đang tiến hành tiêm vaccine cho trẻ em.

Về việc quản lý các bệnh viện công, Bộ trưởng Bộ Y tế bày tỏ đồng tình với quan điểm cần phải tách bạch giữa quản lý chuyên môn với quản lý tài chính, hậu cần,… Bộ Y tế tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để từng bước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở y tế.

Về đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, “giữ chân người tài” trong lĩnh vực y tế công lập, Bộ trưởng nhấn mạnh, Bộ Y tế luôn quan tâm đến công tác này, đã tham mưu, ban hành nhiều chính sách, chế độ phụ cấp, thu hút, giữ chân cán bộ giỏi, thực tế đa số các chuyên gia đầu ngành đều đang công tác trong lĩnh vực công lập,…

08:26 ngày 10/11/2021

ĐBQH Nguyễn Thị Yến – Đoàn Bà Rịa – Vũng Tàu chất vấn về việc áp dụng Nghị quyết 128 của Chính phủ, thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch COVID-19 được Bộ thực hiện và phối hợp với các địa phương ra sao; giải pháp thực hiện đồng bộ ở các địa phương ra sao khi có tình trạng mỗi nơi áp dụng một kiểu.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long trả lời: Về giải pháp thực hiện Nghị quyết 128, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 là đại dịch chưa có trong tiền lệ, các quốc gia đều phải căn cứ vào tình hình thực tế để triển khai các biện pháp, chiến lược chống dịch, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hoàn thiện dần.

Trên cơ sở thực tiễn đất nước và tham khảo ý kiến của các tổ chức quốc tế, kinh nghiệm của các nước, Bộ Y tế đã tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, triển khai chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.

Căn cứ vào Nghị quyết 128 và Quyết định 4800 của Bộ Y tế, các địa phương chủ động đánh giá cấp độ dịch trong địa bàn quản lý (từ cấp xã, huyện, tỉnh), căn cứ vào tình hình cụ thể, các địa phương chủ động triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp với từng cấp độ, đảm bảo hiệu quả; tránh tình trạng lơ là, chủ quan, mất cảnh giác,… Đến nay, về cơ bản các địa phương đã triển khai đồng bộ, thống nhất Nghị quyết 128 trên phạm vi cả nước.

Về cách ly y tế, Bộ trưởng nhấn mạnh, tùy từng đặc điểm của địa phương, khu vực (mật độ dân cư, tỷ lệ bao phủ vaccine) để tiến hành cách ly một cách linh hoạt, đảm bảo an toàn.

08:13 ngày 10/11/2021

“Hỏi nhanh, đáp gọn”, đúng trọng tâm, trọng điểm

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, bắt đầu từ buổi sáng hôm nay Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày để tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Đây cũng là phiên chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.

Theo Chủ tịch Quốc hội, trong suốt các nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động chất vấn không ngừng được đổi mới, nâng cao hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của cử tri cả nước. Làm cho hoạt động chất vấn không chỉ là hoạt động để nâng cao chất lượng giám sát của Quốc hội mà còn nâng cao tính tương tác, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề: Y tế; lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; các vấn đề liên quan đến kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi kinh tế trong và hậu đại dịch; giáo dục và đào tạo.

Cuối phiên thảo luận, Quốc hội sẽ dành thời gian để Thủ tướng Chính phủ báo cáo  thêm các vấn đề đại biểu quan tâm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị mỗi đại biểu lựa chọn vấn đề tâm đắc nhất, đặt câu hỏi chất vấn ngắn gọn, trọng tâm trong vòng 1 phút, Bộ trưởng trả lời trong phạm vi 3 phút theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”.

Trong quá trình trả lời chất vấn của các Bộ trưởng, các Phó Thủ tướng và các thành viên Chính phủ tham gia trả lời chất vấn những vấn đề cử tri và đại biểu quan tâm.

Các đại biểu có quyền tranh luận lại với phần trả lời của các Bộ trưởng, không tranh luận giữa các đại biểu với nhau, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Sau phiên họp, Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết chung về phiên chất vấn và trả lời chất vấn./. (Sức khỏe & đời sống, trang 2; Tiền phong, trang 2+3; Thanh niên, trang 2+3; An ninh thủ đô, trang 1; Tuổi trẻ, trang 2+3; Hà Nội mới, trang 1; Nhân dân, trang 3; Nông thôn ngày nay, trang 1)

Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vaccine phòng COVID-19 Covaxin

Sáng 10/11, tại Quyết định số 5225, Bộ Y tế đã phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đối với vaccine phòng COVID-19 Covaxin. Đây là vaccine được sản xuất ở Ấn Độ.

Theo quyết định của Bộ Y tế, vaccine Covaxin mỗi liều vaccine có 0,5 ml chứa 6 mcg kháng nguyên toàn SARS-CoV-2 bất hoạt (chủng NIV-2020-770), bào chế ở dạng hỗn dịch tiêm. Vaccine được đóng gói hộp 16 lọ, mỗi lọ chứa 1 liều, 5 liều, 10 liều và 20 liều; mỗi liều 0,5 ml.

Vaccine Covaxin được sản xuất bởi Công ty Bharat Biotech International Limited (Ấn Độ).

 Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã ban hành sử dụng khẩn cấp (EUL) đối với vaccine Covaxin (do Bharat Biotech – Ấn Độ phát triển), bổ sung vào danh mục vaccine ngày càng tăng được WHO xác nhận để phòng ngừa COVID-19 do SARS-CoV- 2.

Bộ Y tế cũng quy định các điều kiện đi kèm việc phê duyệt Covaxin cho nhu cầu cấp bách trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Cụ thể, Cục Quản lý Dược có trách nhiệm cấp phép nhập khẩu vaccine Covaxin theo quy định khi nhận được hồ sơ của cơ sở nhập khẩu. Cơ quan này cần thực hiện đúng quy định của pháp luật về quản lý nhập khẩu, quản lý chất lượng vaccine nhập khẩu.

Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo có trách nhiệm lựa chọn đơn vị có đủ điều kiện đánh giá tính an toàn, hiệu quả của vaccine Covaxin trên cơ sở ý kiến của Hội đồng Tư vấn sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế của Bộ Y tế (Hội đồng Tư vấn) trong quá trình sử dụng.

Cục Y tế Dự phòng thực hiện các trách nhiệm liên quan đến tiêm chủng vaccine Covaxin. Viện Kiểm định Quốc gia Vaccine và Sinh phẩm Y tế có trách nhiệm kiểm định và cấp Giấy chứng nhận xuất xưởng lô vaccine Covaxin trước khi đưa ra sử dụng.

Bộ Y tế cũng đề nghị đơn vị đề nghị phê duyệt vaccine có trách nhiệm phản hồi kịp thời các yêu cầu của bộ để bổ sung thêm dữ liệu hoặc những yêu cầu có liên quan vaccine Covaxin và chủ động cung cấp, cập nhật thông tin mới trong suốt quá trình phát triển sản phẩm.

Công ty này phải phối hợp với cơ sở sản xuất vaccine đảm bảo các điều kiện sản xuất tại cơ sở sản xuất vaccine Covaxin nhập khẩu vào Việt Nam; đảm bảo an toàn, hiệu quả và chất lượng của lô vaccine Covaxin nhập khẩu vào Việt Nam.

Đồng thời, phải phối hợp với đơn vị phân phối, sử dụng vaccine Covaxin triển khai hệ thống cảnh giác dược toàn diện đối với loại vaccine này tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Phối hợp với các cơ quan quản lý (Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Viện Kiểm định Quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế, cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương) và đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện việc đánh giá tính an toàn, hiệu quả của Covaxin; kiểm định các lô vaccine Covaxin trước khi đưa ra sử dụng; hướng dẫn việc bảo quản, phân phối và sử dụng vaccine cho các cơ sơ tiêm chủng.

Tính đến thời điểm này, Việt Nam có 9 loại vaccine COVID-19 đã được phê duyệt có điều kiện cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch sử dụng gồm: AstraZeneca (do AstraZeneca sản xuất); SputnikV (Viện nghiên cứu Gamaleya); COVID-19 vaccine Janssen (Johnson & Johnson); Spikevax (COVID-19 Vaccine Moderna); Comirnaty (Pfizer-BioNTech); Vero Cell (China National Biotec Group (CNBG)/Sinopharm); Hayat – Vax (CNBG); Abdala (Công ty AICA Laboraries, Base Business Unit (BBU) AICA – Cuba) và Covaxin (Công ty Bharat Biotech International Limited – Ấn Độ).

Hiện vaccine phòng COVID-19 Pfizer được tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên. Đã có 12 địa phương trên cả nước tiến hành tiêm vaccine Pfizer cho trẻ em từ 12-17 tuổi. Khoảng gần 1 triệu liều vaccine đã được tiêm chủng. (Sức khỏe & Đời sống, trang 8)

Ngăn chặn dịch COVID-19 bùng phát ở Đắk Lắk

Số ca mắc COVID-19 ở Đắk Lắk liên tục tăng cao. Địa phương siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch, xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm trong phòng chống dịch.

Tăng mạnh ca mắc COVID-19 trong cộng đồng

Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk thông tin tổng số trường hợp mắc bệnh ghi nhận trên địa bàn tỉnh này từ 27/4 đến nay là 5.516 trường hợp (trong đó đang điều trị 2.763 trường hợp; 2.723 bệnh nhân điều trị khỏi bệnh và 30 trường hợp tử vong).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Đắk Lắk đã có phương án tăng số giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện dã chiến số 1 và BV dã chiến số 2 Đắk Lắk có tổng cộng 3.700 giường. Trung tâm Y tế huyện Krông Búk bố trí 230 giường, BV Đa khoa khu vực 333 có 300 giường bệnh, BV Lao và bệnh phổi Đắk Lắk bố trí 100 giường. BV Đa khoa vùng Tây Nguyên tăng số giường điều trị bệnh nhân trung bình, nặng, nguy kịch với tổng số gần 600 giường…

Để giúp Đắk Lắk ứng phó với dịch bệnh, đoàn công tác của Bộ Y tế tại địa phương đã triển khai nhiều hoạt động. TS.Nguyễn Thanh Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường y tế (Bộ Y tế)- Tổ phó tổ công tác cho biết: Tổ sẽ sát cánh hỗ trợ địa phương, đưa ra các giải pháp chống dịch hiệu quả, hỗ trợ các hoạt động chuyên môn kỹ thuật trong việc điều tra giám sát dịch; công tác lấy mẫu và tổ chức xét nghiệm, điều trị người bệnh COVID-19; tổ chức cách ly, xử lý môi trường y tế; tham gia kiểm tra sát các bệnh viện dã chiến để có những tư vấn, hướng dẫn kịp thời. Sở Y tế Đắk Lắk cho biết, cùng với khoanh vùng, siết chặt quản lý các khu phong tỏa thì Đắk Lawsk đã hướng dẫn Trung tâm Y tế các huyện thực hiện phun hóa chất khử khuẩn môi trường tại khu vực nhà bệnh nhân và những nơi bệnh nhân có ghé đến, giám sát, truy vết các trường hợp tiếp xúc, theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biễn điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt công tác điều trị nhằm giảm thấp nhất tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân COVID-19.

Để làm tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19, ngành y tế địa phương cũng đề nghị người dân thực hiện nghiêm thông điệp 5K: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế.

Phủ vaccine phòng COVID-19 cho “điểm nóng” Buôn Ma Thuột

TP Buôn Ma Thuột đang là điểm nóng nhất của Đắk Lắk. Từ 27/4 đến chiều 9/11 đã ghi nhận 1.484 ca. Trong đó đang điều trị 1.031 ca; đã khỏi bệnh và xuất viện 441 ca; tử vong 12 ca. Đặc biệt, riêng từ chiều ngày 8 đến chiều 9/11 có đến 125 ca mắc mới (trong đó có 91 ca trong cộng đồng).

Trước tình hình diễn biến dịch bệnh ngày một phức tạp, Buôn Ma Thuột đã và đang tiến hành triển khai xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-COV-2 đối với 16/21 xã/phường trên địa bàn nhằm sàng lọc chủ động, phát hiện kịp thời F0 trong cộng đồng. Đặc biệt là những trường hợp F0 không có triệu chứng để khoanh vùng, xử lý ổ dịch, đánh giá đúng mức độ nguy cơ để đề ra biện pháp phòng chống dịch kịp thời, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Buôn Ma Thuột tăng tốc bao phủ vaccine phòng COVID-19 trên địa bàn toàn thành phố.

Trung tâm y tế TP.Buôn Ma Thuột  thông tin, tính đến ngày 8/11, có 276.816 người trong độ tuổi tiêm vaccine trên địa bàn thành phố đã được tiêm mũi 1, đạt 99,2% dân số. Riêng số người đã tiêm mũi 2 là 41.542, đạt tỉ lệ 14,9%.

Trước đó, để đảm bảo công tác tiêm phòng triển khai kịp thời theo kế hoạch, Buôn Ma Thuột đã thành lập 57 bàn tiêm chủng tại Trung tâm y tế Buôn Ma Thuột và Trạm Y tế 21 xã phường.

Phó Chủ tịch UBND Buôn Ma Thuột, ông Đoàn Ngọc Thượng cho biết: Theo dự kiến đến ngày 10/11 Buôn Ma Thuột sẽ bao phủ trên gần 100% người dân 18 tuổi trở lên được tiêm mũi 1 vaccine phòng COVID-19. Tiếp đó, thành phố sẽ triển khai gấp rút tiêm mũi 2 cho người già trên 50 tuổi và tiến tới tiêm mũi 2 cho toàn bộ người dân đã được tiêm mũi 1. (Sức khỏe & Đời sống, trang 9)

Ca mắc Covid-19 trong cộng đồng tăng nhanh ở nhiều địa phương

Chiều 10-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Đồng Tháp cho biết, trong ngày lực lượng y tế đã xét nghiệm RT-PCR 5.139 mẫu, kết quả ghi nhận 274 ca mắc mới Covid-19.

Tối 10-11, Thường trực Sở Chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Tây Ninh cho biết, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn ghi nhận trong ngày lên tới 675 trường hợp, tăng 263 ca so với ngày 9-11.

Theo đó, số ca mắc mới chủ yếu qua xét nghiệm sàng lọc, nhiều nhất ở thị xã Trảng Bàng, huyện Bến Cầu, Gò Dầu… và hiện chưa truy vết được các trường hợp liên quan.

Theo thống kê, chỉ trong vòng 1 tuần (từ ngày 3 đến 9-11), toàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ghi nhận 806 ca mắc Covid-19, chiếm gần 15% tổng số ca trong đợt dịch lần thứ 4 kéo dài hơn 4 tháng qua tại tỉnh này. Đáng lo ngại là nếu trước đây các ca mắc chủ yếu ghi nhận ở các khu cách ly hoặc khu phong tỏa thì tuần qua ghi nhận phần lớn ở cộng đồng với tỷ lệ chiếm tới 53% số ca mắc mới.

Đặc biệt, tình hình dịch ở nhóm công nhân lao động đang diễn biến khá phức tạp với 9 khu công nghiệp (KCN) ghi nhận 91 ca mắc, nhiều nhất là tại KCN Đông Xuyên (31 ca), KCN Mỹ Xuân A2 (19 ca) và KCN Sonadezi Châu Đức (13 ca).

Trước diễn biến mới của dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu yêu cầu thực hiện quyết liệt công tác phòng chống dịch, đặc biệt là tại khu vực cảng biển, nhà máy và DN.

Những ngày gần đây, tỉnh Khánh Hòa ghi nhận nhiều ca mắc Covid-19 trong cộng đồng, trong đó nhiều ca tại huyện Diên Khánh chưa xác định được nguồn lây. Trước tình hình này, địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp cấp bách kiểm soát dịch như: cho toàn bộ học sinh của huyện học trực tuyến; đóng cửa chợ Thành (chợ lớn nhất huyện). Từ 15 giờ đến 22 giờ ngày 10-11, tất cả người dân không ra khỏi nhà để lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm nhằm truy tìm, tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Tại Gia Lai, trước diễn biến dịch phức tạp, nhiều ca mắc trong cộng đồng, nhất là ở TP Pleiku, tỉnh đã thiết lập thêm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân mắc Covid-19. Tỉnh cũng yêu cầu đình chỉ công tác người đứng đầu cấp xã, thị trấn nếu để dịch bùng phát ra cộng đồng. Đến nay, có ít nhất 3 chủ tịch xã, thị trấn ở các huyện Kbang, Đắk Pơ, Phú Thiện bị đình chỉ công tác để làm rõ trách nhiệm.

* Ngày 10-11, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh Bạc Liêu cho biết, trong vòng 24 giờ trên địa bàn tỉnh ghi nhận 234 ca mắc Covid-19 mới, trong đó có 130 ca ghi nhận trong cộng đồng.

Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều yêu cầu mọi người dân trên địa bàn tiếp tục thực hiện nghiêm túc nguyên tắc 5K; các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải đảm bảo cao nhất công tác phòng chống dịch Covid-19; thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho người lao động theo đúng quy định; các hàng quán, nhất là các quán giải khát, quán ăn uống… không được kinh doanh sau 21 giờ hàng đêm.

* Tại tỉnh Cà Mau, trong ngày 9-11 ghi nhận 285 ca mắc Covid-19, trong đó có 92 ca ghi nhận trong cộng đồng. Đây là số ca mắc Covid-19 nhiều nhất ghi nhận trong một ngày trên địa bàn tỉnh tính từ đợt dịch thứ 4 bùng phát đến nay. Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo, các địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp triển khai, thực hiện nghiêm túc chủ trương của tỉnh về công tác xét nghiệm… (Sài Gòn giải phóng, trang 11)

Triển vọng vắc xin Covid-19 thế hệ hai

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã cung cấp thông tin đầy hứa hẹn về diễn biến liên quan vắc xin phòng Covid-19 thế hệ thứ 2, theo đó có thể bao gồm dạng uống và dạng xịt.

Tiến sĩ Soumya Swaminathan, Nhà khoa học trưởng của WHO, đang đặt kỳ vọng vào thế hệ thứ hai của vắc xin phòng Covid-19, dự kiến có thể bao gồm các phiên bản đường uống và dạng xịt theo đường mũi. Đây là những loại vắc xin được nhận định mang đến lợi thế hơn hẳn so với vắc xin theo đường tiêm như đời đầu, vốn theo dạng tiêm, thậm chí có thể tự sử dụng, theo Reuters. Bên cạnh vắc xin đường uống và dạng xịt, một số dự án đang thử nghiệm vắc xin dạng miếng dán nano, cho phép chủng ngừa nhưng không gây đau như dùng kim tiêm.

Một trong những ưu tiên phát triển vắc xin đời kế tiếp là đối phó các biến thể tương lai của SARS-CoV-2. Mọi dòng vắc xin hiện có đều tập trung vào chủng vi rút đời đầu. Dù các vắc xin vẫn có tác dụng bảo vệ trước biến thể Delta, không ít dự án đã được nâng cấp để xử lý biến thể cấp cao hơn của SARS-CoV-2. Ngoài ra, một cách tiếp cận tham vọng hơn cũng đang được nghiên cứu, theo đó các chuyên gia tập trung phát triển dòng vắc xin có thể mang đến sự bảo vệ trước đa số, nếu không muốn nói là toàn bộ, gia đình của vi rút Corona. Dữ liệu ban đầu được cho rất khả quan.

Theo tiến sĩ Swaminathan, hiện có 129 ứng viên vắc xin đạt đến giai đoạn thử nghiệm lâm sàng (tức thử nghiệm trên người). Bên cạnh đó, số ứng viên vẫn đang được nghiên cứu ở phòng thí nghiệm là 194 loại. “Giới khoa học đã vận dụng tất cả các công nghệ hiện có để phát triển vắc xin phòng Covid-19 thế hệ mới”, theo Hãng tin AFP dẫn lời bà Swaminathan. Dù thừa nhận không phải vắc xin nào thử nghiệm cũng có thể được cấp phép, nhà khoa học trưởng của WHO tiết lộ một số vắc xin sẽ tiện lợi hơn khi sử dụng so với vắc xin theo đường tiêm như hiện nay. “Điều quan trọng là chúng ta sẽ có thể lựa chọn loại phù hợp nhất cho bản thân trong thời gian tới”, bà cho biết.

Sau gần 2 năm kể từ khi đại dịch lan khắp toàn cầu, WHO mới phê chuẩn sử dụng khẩn cấp đối với 7 loại vắc xin, bao gồm Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, Sinopharm, Sinovac và tuần trước bổ sung thêm Bharat Biotech của Ấn Độ. Tiến sĩ Swaminathan khẳng định không có vắc xin nào đảm bảo hiệu lực bảo vệ 100%.

Tuy nhiên, cho đến nay, với những loại vắc xin qua được “ải” của WHO, chưa hề có loại vắc xin nào khiến tổ chức này phải đổi ý. Theo số liệu của Our World in Data, tính đến hôm qua, hơn 7,34 tỉ liều vắc xin phòng Covid-19 được tiêm trên toàn cầu, trong đó 28,14 triệu liều được tiêm mỗi ngày.

Trong một diễn biến liên quan, tiến sĩ Krishna Ella, nhà sáng lập Bharat Biotech, hôm qua đã đề cập viễn cảnh tiêm nhắc liều thứ ba bằng vắc xin dạng xịt mũi do hãng này phát triển. (Thanh niên, trang 24).

Ngọc Nga tổng hợp

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/9/2018

Ngọc Nga

Điểm báo ngày 29/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 12/8/2022

CDC Hà Nam