Điểm báo ngày 03/9/2020

(CDC Hà Nam)
Tâm sự của nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tại Đà Nẵng; Ghi nhận ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương; 25 ngày hỗ trợ chống dịch Covid-19 ở Quảng Nam

Tâm sự của nữ điều dưỡng Bệnh viện Bạch Mai tại Đà Nẵng

Khi phát hiện một nam đồng nghiệp dương tính với SARS-CoV-2, điều dưỡng trưởng Hoàng Minh Hoàn đang cầm chiếc bộ đàm đặt mạnh xuống bàn. Chị và các đồng nghiệp khác tự hỏi: Liệu chiếc bộ đàm có phải là tác nhân lây truyền bệnh? Hành động đó đã khiến chị nhớ mãi…

Xin được ở lại tâm dịch Đà Nẵng

Chị Hoàng Minh Hoàn (điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai) được tăng cường vào TP Đà Nẵng để chống dịch COVID-19 vào ngày 28/7. Chị kể: “Ngày 28/7, lúc đó tôi vẫn trực tại Bệnh viện Bạch Mai nhưng bất ngờ nhận lệnh của lãnh đạo chi viện cho Đà Nẵng. Lúc đầu tôi nghĩ rằng chắc vào 1-2 ngày sẽ quay trở lại công việc thường nhật. Ngày 29/7, tôi cùng đoàn công tác của Bệnh viện Bạch Mai đi đến 3 bệnh viện tại Quảng Nam rồi đi truyền kinh nghiệm chống dịch cho các bệnh viện tại Đà Nẵng”.

Tuy nhiên, tình hình dịch những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8 tại tâm dịch Đà Nẵng trở nên căng thẳng. Với chuyên môn hồi sức cho các bệnh nhân, bản thân chị Hoàn nhận thấy vẫn có quá nhiều công việc cần thiết phải sắp xếp, lo lắng… nên chị quyết định ở lại Đà Nẵng cùng đội ngũ thầy thuốc chiến đấu với dịch bệnh. “Tôi đề xuất với cấp trên xin ở lại tâm dịch để cùng chiến đấu, bởi nhận thấy mình cần phải có mặt tại nơi này. Tôi nhận ra trách nhiệm của mình và chắc chắn Đà Nẵng cần những người như mình khi một bệnh viện dã chiến như Hòa Vang không phải có tất cả mọi thứ…”, điều dưỡng trưởng Hoàng Minh Hoàn nói.

Trước đó, chị Hoàn cũng như các thầy thuốc tại Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua những ngày chống dịch COVID-19 khi thời điểm Bệnh viện bị phong tỏa. Chị kể: “Khi nghe thông tin Bệnh viện Bạch Mai phải phong tỏa, 6h sáng tôi đã xung phong vào Bệnh viện ngay. Chồng tôi cũng làm ngành Y nên rất thông cảm cho vợ. Thành ra đợt ấy hai vợ chồng đều chống dịch trong bệnh viện suốt 14 ngày”.

Tuy nhiên với chị Hoàn, chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện dã chiến Hòa Vang lại có hai tâm trạng khác nhau. Ở Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, chị đánh giá rất căng thẳng, còn ở Bệnh viện Bạch Mai thì an toàn hơn bởi không có bệnh nhân điều trị COVID-19 cũng như tinh thần thoải mái hơn rất nhiều. “Giai đoạn chống dịch tại Bệnh viện Bạch Mai tôi cảm thấy rất an toàn, như chính trong ngôi nhà của mình vậy. Con gửi về quê nên vợ chồng tôi ở viện cũng yên tâm”, chị Hoàn chia sẻ.

Cuộc chiến thực thụ

Dù là đã hết mình với công việc, nhưng điều dưỡng Hoàng Minh Hoàn và nhiều đồng nghiệp khác cũng trăn trở khi trực tiếp điều trị bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang – nơi có đông bệnh nhân mắc COVID-19 nhất cả nước. Chị nói: “Mọi người cũng biết đấy, đợt 1 chúng ta không có bệnh nhân tử vong. Nhưng đợt dịch tại Đà Nẵng, bệnh nhân tử vong rất nhiều nên chuyện đánh giá của xã hội khiến bản thân tôi khá lo lắng. Có lẽ người dân cũng chưa thực sự hiểu hết là mình làm gì, hay ngành Y làm gì được cho bệnh nhân. Thực tế, chúng tôi đã cố gắng hết sức và đoàn chuyên gia của các bệnh viện như Bạch Mai, Chợ Rẫy… và đặc biệt của Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo là làm sao để cố cứu các bệnh nhân…”.

Ánh mắt nữ điều dưỡng nhìn xa xăm, rồi nói: “Bình thường bệnh nhân nằm viện đã khổ rồi nhưng nếu mắc COVID-19 thì gia đình không được tiếp xúc và chỉ có nhân viên y tế, đặc biệt là những người điều dưỡng như chúng tôi chăm sóc bệnh nhân hàng ngày. Ngoài việc điều trị cho bệnh nhân, chúng tôi cũng chăm sóc cả về tinh thần nữa. Ví dụ như dưới tầng 1, bệnh nhân nhẹ hơn thì ngày nào cũng vỗ rung, đưa bệnh nhân đi lại trong phòng. Khi bệnh nhân có thể tự túc được mọi việc thì chúng tôi lại động viên để họ có thể ăn được nhiều hơn”.

Suốt một tháng chống dịch tại tâm dịch Đà Nẵng, điều dưỡng Hoàng Minh Hoàng có lẽ sẽ không thể quên khoảnh khắc chứng kiến một nam đồng nghiệp bất ngờ bị mắc COVID-19. Chị kể: “Nghe tin nam bác sĩ ấy có kết quả dương tính với SARS-CoV-2, tôi và nhiều đồng nghiệp rất bất ngờ và sốc bởi không hiểu anh ấy bị nhiễm ở đâu. Chúng tôi tự đặt câu hỏi, mình đã cố gắng làm hết sức cho người ta không bị lây nhiễm hay chưa. Nhưng mặt khác, bản thân tôi rất tự tin khi anh ấy chính là người nhắc nhở tôi đeo khẩu trang sao cho đúng”.

Lúc đó, tâm trạng chị rối bời, đặt mạnh chiếc bộ đàm trên tay xuống bàn, rồi nhìn chăm chăm vào nó bởi chị nghĩ rằng, rất có thể chiếc bộ đàm là tác nhân lây truyền bệnh. Chị lý giải: “Hành động đấy rất buồn cười. Không hiểu sao khi ấy trong đầu tôi lại có ý nghĩ, anh em nói chuyện với nhau qua bộ đàm, có bao giờ virus lây qua đó hay không?”.

Sau khi phát hiện nam đồng nghiệp mắc COVID-19, các y, bác sĩ tự cách ly, giảm thiểu tiếp xúc với người khác bằng cách mang cơm lên phòng nghỉ để ăn thay vì ăn tập trung, không họp nhóm. Ngày trả kết quả xét nghiệm, mọi người đều âm tính với SARS-CoV-2, chỉ riêng chị Hoàn chưa có. Chị nói: “Duy nhất tôi chưa có kết quả. Đêm đó tôi không ngủ được vì lo không biết mình có dương tính hay không. Cuối cùng tôi xác định, dù kết quả dương tính hay âm tính thì cũng là mình rồi. Rất may chiều hôm đấy tôi có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 trong sự nhẹ nhõm”.

Nữ điều dưỡng Trưởng khoa Hồi sức Tích cực, Bệnh viện Bạch Mai tâm sự: “Dù công việc vất vả nhưng ngày ngày thấy bệnh nhân đỡ sốt, sức khỏe tốt lên… chúng tôi vô cùng hạnh phúc vì đã làm tốt nhiệm vụ của mình”. (Gia đình & Xã hội, trang 3)

 

Ghi nhận ca mắc Covid-19 lây nhiễm trong cộng đồng tại Hải Dương

Theo Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, có 1 ca phát hiện trong cộng đồng tại Hải Dương.

Ngày 2.9, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 (BCĐ) thông báo 2 ca mắc Covid-19 mới là bệnh nhân (BN) 1045 và 1046 tại Việt Nam, trong đó có 1 ca phát hiện trong cộng đồng tại Hải Dương và 1 ca nhập cảnh, cách ly ngay tại Khánh Hòa.

Theo BCĐ, BN 1045 là nam, 72 tuổi, địa chỉ tại xã Thống Nhất, H.Gia Lộc, TP.Hải Dương. Ngày 19.8, BN khởi phát bệnh với biểu hiện sốt, đau đầu, mệt mỏi. Ngày 30.8, BN nhập viện, được lấy mẫu xét nghiệm (XN) và cách ly tại Bệnh viện (BV) đa khoa tỉnh Hải Dương. Kết quả XN trong các ngày 1 và 2.9 đều xác định BN dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Hiện BN được điều trị cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 (H.Đông Anh, Hà Nội).

Liên quan đến BN Covid-19, ngay trong ngày 2.9, UBND tỉnh Hải Dương đã quyết định thiết lập vùng cách ly y tế tại cụm dân cư để phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, thiết lập vùng cách ly y tế đối với một phần khu dân cư thuộc thôn Khay, xã Thống Nhất, H.Gia Lộc gồm 36 hộ gia đình, 136 nhân khẩu. Thời gian cách ly trong 28 ngày kể từ 0 giờ ngày 3.9.

BN 1046 là nam, 30 tuổi, địa chỉ tại P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình, tỉnh Thái Bình. BN là thuyền viên trên tàu Nippon Maru, từ Nhật Bản nhập cảng Nha Trang (Khánh Hòa), được cách ly ngay sau nhập cảnh. Hiện BN được điều trị cách ly tại BV Bệnh nhiệt đới Khánh Hòa.

Trong ngày 2.9, có 11 BN được công bố khỏi bệnh, gồm 6 BN tại BV Phổi Đà Nẵng, 5 BN tại BV dã chiến Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Hiện Việt Nam ghi nhận 1.046 ca mắc Covid-19, trong đó 690 ca do lây nhiễm trong nước; 550/690 là ca mắc mới liên quan Đà Nẵng từ ngày 25.7. Có 746 ca đã được công bố khỏi bệnh, 34 ca tử vong. (Thanh niên, trang 4; Lao động, trang 2; Sài Gòn giải phóng, trang 9; Tuổi trẻ, trang 3; Tiền phong, trang 5)

 

25 ngày hỗ trợ chống dịch Covid-19 ở Quảng Nam

Tối 26.8, 3 y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM đã kết thúc 25 ngày đi hỗ trợ phòng chống Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa T.Ư Quảng Nam.

Về đến TP.HCM, các y bác sĩ phải cách ly tiếp 14 ngày ở khách sạn.

Điều dưỡng Trương Văn Lễ, Khoa Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn, nói vui: “Về tới TP.HCM rồi nhưng chưa tới nhà, còn xa lắm!”.

Tất cả vì bệnh nhân

Bác sĩ (BS) Nguyễn Thành Nguyên, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực – Chống độc người lớn, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới TP.HCM, nhớ lại những ngày trong tâm dịch Quảng Nam.

Theo đó, thời gian ở Quảng Nam, BS Nguyên được phân công đảm nhiệm Khoa Cấp cứu và hỗ trợ Khoa Hồi sức tích cực BV đa khoa T.Ư Quảng Nam. Vào những ngày cao điểm, mỗi ngày khoa cấp cứu nhận 5 – 7 bệnh nhân (BN) mới, còn khoa hồi sức tích cực nhận 3 – 4 BN/ngày.

BN ở khoa hồi sức tích cực là những ca bệnh nặng, có nhiều bệnh nền. “Trong đó có BN nữ, 83 tuổi, suy kiệt nặng, loét mông lộ xương do nằm lâu ở nhà, tiền sử bệnh tim mạch, đái tháo đường, nhập viện vì Covid-19. BN bị nhiễm trùng huyết… Tất cả đồng nghiệp chúng tôi cùng hội chẩn để điều trị và chăm sóc từng chút một mỗi ngày cho BN, nhờ đó bệnh ổn định hơn”, BS Nguyên chia sẻ.

“Chúng tôi vừa làm vừa học, tự cập nhật kiến thức từ những nghiên cứu của thế giới để áp dụng với mong muốn điều trị ít gây hại nhất cho BN. Kết quả cũng rất đáng mừng khi nhiều BN khỏi bệnh; BN nặng tiến triển tốt dần, chưa có BN nào diễn tiến nặng hơn”, BS Lê Anh Tuấn, Khoa Cấp cứu BV, nói. “Ai cũng có một tuổi trẻ để làm việc lớn lao, thế nên khi biết mình đi chống dịch, mình sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ”, BS Tuấn chia sẻ.

Một ngày của y bác sĩ tăng cường

BS Nguyên kể về công việc hằng ngày của mình: “Sáng tôi vào khoa cấp cứu để xem tình hình BN, rồi giao trực giữa các ca. Nếu có phát sinh gì mới thì cùng nhau bàn bạc, tháo gỡ. Nhưng quan trọng là không được quên động viên tinh thần anh em lẫn nhau. Khoảng 10 giờ, tôi họp giao ban những ca bệnh nặng, phức tạp để nắm tình hình và đưa ra phương pháp điều trị tốt nhất cho BN. Khoảng 12 giờ, chúng tôi ăn trưa, nghỉ ngơi. Buổi chiều chúng tôi chia nhau dạy lý thuyết và thực hành cho các BS, điều dưỡng ở BV”.

“7 giờ 30 sáng, tôi vào khoa thăm các BN, hướng dẫn các bạn đồng nghiệp ở BV chăm sóc, vệ sinh cho BN và làm việc cùng các đồng nghiệp. Công việc như vậy kéo dài hết ngày. Tôi luôn phải lạc quan, từ đó mới giúp các đồng nghiệp nhận thấy để cùng nỗ lực vượt qua trận dịch”, điều dưỡng Trương Văn Lễ cho biết.

Chia sẻ về việc “đáng nhớ nhất trong đời điều dưỡng của mình”, anh Lễ nói đó là một buổi trưa, sau khi anh từ buồng BN ra thì thấy có chị đồng nghiệp ngồi khóc, bên cạnh là các đồng nghiệp an ủi. “Hỏi ra thì được biết chồng chị vừa đột ngột mất. Còn chị thì đang phải tham gia chống dịch tại BV. Nếu đặt mình vào hoàn cảnh đó cũng chẳng biết làm sao. Bởi sự ra đi của người thân – chồng giữa bối cảnh như thế này thì không có nỗi đau nào bằng. Sự ra đi của anh để lại cho chị đồng nghiệp 2 con thơ nhỏ dại… giữa trận dịch Covid-19”, điều dưỡng Văn Lễ kể và nói: “Câu chuyện mang giá trị nhân văn sâu sắc, sự hy sinh thầm lặng của những người chiến sĩ áo trắng cho BN. Trân quý những con người ấy – những anh hùng áo trắng”. (Thanh niên, trang 4)

 

8 triệu lượt học sinh, sinh viên được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế mỗi năm

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, trung bình mỗi năm, có khoảng 8 triệu lượt học sinh, sinh viên (HSSV) được khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) với tổng chi phí lên tới hơn 2.100 tỉ đồng đã phần nào khẳng định vị trí, vai trò của BHYT HSSV trong đời sống xã hội nói chung và trong công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe HSSV nói riêng.

BHYT sẽ gánh một phần trách nhiệm cho gia đình HSSV

Ông Trần Văn Toán – Phó Giám đốc BHXH tỉnh Hưng Yên – cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hưng Yên có hơn 238.000 HSSV, chiếm khoảng 18,14% dân số. Tính đến hết ngày 30.6, số HSSV trên địa bàn tham gia BHYT đạt 99,2%. Trong đó, hầu hết các huyện đã đạt tỉ lệ 100%, chỉ còn 3 huyện đang tiệm cận 100% gồm Mỹ Hào (99%); Yên Mỹ (98%) và Văn Lâm (96%).

Thực tế cho thấy, những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã có hàng nghìn trường hợp HSSV bị ốm đau, tai nạn, mắc bệnh hiểm nghèo phải điều trị dài ngày đã được quỹ BHYT thanh toán chi trả số tiền hàng tỉ đồng. Trong đó, nhiều trường hợp được Quỹ BHYT chi thanh toán số tiền từ 50 triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Điển hình như trường hợp em N.N.H (xã Liên Nghĩa, Văn Giang) bị bệnh lõm ngực type, phải điều trị dài ngày với các kỹ thuật cao ở tuyến trung ương. Em H đã được Quỹ BHYT thanh toán số tiền trên 400 triệu đồng cho đợt điều trị bệnh. Hay như trường hợp của em Đ.H.A (sinh năm 2009, thị trấn Ân Thi, huyện Ân Thi) bị tai nạn chấn thương nội sọ được quỹ BHYT chi trả hơn 100 triệu đồng cho một lần điều trị. Trường hợp em P.N.Y (sinh năm 2008, xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ) điều trị bệnh ung thư máu được Quỹ BHYT chi gần 200 triệu đồng cho 5 lượt điều trị. Hay như vừa qua, em N.V.N.Anh (sinh năm 2012, xã Nhuế Dương, huyện Khoái Châu) không may bị bỏng tổn thương gần 40% bề mặt cơ thể, sau 2 lần điều trị tại Viện Bỏng Trung ương đã được Quỹ BHYT chi trả gần 200 triệu đồng…

Ông Trần Văn Toán nhận định, với HSSV, lứa tuổi còn hiếu động, việc xảy ra tai nạn, thương tích trong trường học luôn hiện hữu. Chính vì vậy, việc tham gia BHYT sẽ tạo sự yên tâm cho chính bản thân các em và gia đình, bởi nếu không may xảy ra tai nạn thương tích, bệnh tật cho các em thì BHYT sẽ gánh một phần trách nhiệm quan trọng. Bên cạnh đó, nhà trường cũng có thêm cơ hội, thêm điều kiện chăm lo sức khỏe ban đầu cho HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

Đẩy mạnh tuyên truyền qua mạng xã hội

Theo Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Trần Đình Liệu, dịch bệnh COVID-19 đã và đang ảnh hưởng, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội. Công tác triển khai BHYT HSSV trong năm học 2020-2021 vì vậy cũng sẽ gặp nhiều trở ngại. Cơ quan BHXH tại các địa phương hơn bao giờ hết phải phát huy tính chủ động, năng động và nhất là sự linh hoạt, sáng tạo. Xác định rõ vai trò quan trọng của BHYT HSSV là tạo động lực lớn cho công tác phát triển mở rộng diện bao phủ BHYT năm 2020 và đem lại nền tảng bền vững cho các năm tiếp theo.

Phó Tổng Giám đốc BHXH cho rằng, BHXH các tỉnh, thành phố cần chủ động báo cáo cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về tình hình thực tế công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT năm 2020, nhấn mạnh rõ vai trò, nguồn lực phát triển BHYT HSSV, tham mưu văn bản chỉ đạo nội dung công tác này ngay ở thời điểm bắt đầu năm học mới 2020-2021. Trong đó, BHXH các tỉnh, thành phố cần quán triệt rõ vai trò, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn, nhất là với các trường còn chưa đạt tỉ lệ 100% HSSV tham gia. Đề xuất huy động nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ HSSV trên địa bàn tham gia BHYT, kêu gọi kinh phí hỗ trợ từ các nguồn quyên góp khác nhau, hỗ trợ các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, gia đình đông con có hoàn cảnh khó khăn không thuộc diện nghèo.

Căn cứ yêu cầu tình hình thực tế diễn biến, yêu cầu phòng, chống dịch bệnh ở từng địa phương, cơ quan BHXH triển khai linh hoạt các biện pháp phối hợp với nhà trường trong tổ chức thực hiện BHYT HSSV. Cần quán triệt nguyên tắc bảo đảm liên hệ chặt chẽ, phối hợp thường xuyên. Xây dựng các phương án triển khai trong mọi tình huống diễn biến của dịch bệnh, đặc biệt là khi các trường học có thể tổ chức dạy học theo hình thức online, không tập trung… tăng cường các hình thức, ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi trực tuyến, giao dịch điện tử, phát huy tối đa hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong triển khai BHYT HSSV.

Trong quá trình lập danh sách tham gia, việc cấp, gia hạn thẻ BHYT, chuyển kinh phí BHYT học đường cần được thực hiện kịp thời, bảo đảm quyền lợi khám, chữa bệnh BHYT cho HSSV.

“Đặc biệt, cần đẩy mạnh hơn nữa việc truyền thông chính sách, pháp luật BHYT HSSV qua mạng xã hội, tận dụng tối đa ưu thế của “kênh” truyền thông này trong công tác phổ biến chính sách BHYT đến lớp trẻ – những người có thói quen sử dụng mạng xã hội nhiều nhất. Nội dung truyền thông nhấn mạnh đến bản chất nhân văn của chính sách BHYT, hiệu quả thiết thực của BHYT với chăm sóc sức khỏe HSSV qua các trường hợp được chi trả lớn; lan tỏa thông điệp về vai trò BHYT là cơ chế tài chính y tế quan trọng bảo đảm chăm sóc sức khỏe, tạo nguồn lực, góp phần chung tay phòng chống, dịch bệnh” – ông Trần Đình Liệu nêu ý kiến. 9Lao động, trang 4).

 

Vụ patê Minh Chay, bà Phạm Khánh Phong Lan: ‘Tôi thà chọn cảnh báo nhầm để phản ứng ngay’

Tại TP.HCM, chiều qua 1-9 cơ quan chức năng đã tổ chức họp báo cung cấp thông tin liên quan đến an toàn thực phẩm. Bà Phạm Khánh Phong Lan – trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã trả lời phỏng vấn của Tuổi Trẻ.

* Theo bà, vụ việc patê Minh Chay gây ngộ độc phức tạp có phải do cơ quan chức năng chậm công bố vụ việc?

– Sau khi tiếp nhận bệnh nhân đầu tiên vào ngày 17-7, cơ quan y tế TP.HCM hội chẩn và nghi ngờ khả năng ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, theo quy trình, TP.HCM phải gửi báo cáo ra Bộ Y tế – cơ quan có thẩm quyền, và đơn vị này phải tập hợp ý kiến, chờ các địa phương khác.

Sau đó cục chuyên trách của bộ phải tiến hành thử để xem chủng nào, loài vi khuẩn nào thì phải tốn ít nhất 2-3 ngày. Đây được coi ví dụ điển hình cho sự “đúng quy trình”, thậm chí hơi quan liêu.

Có thể những trường hợp như patê Minh Chay không nhiều nhưng không phải là không có. Do đó cơ quan quản lý cần phải có quy định cụ thể như trong vòng bao lâu phải báo cáo, phải trả lời. Bởi với trường hợp này cơ quan chức năng hoàn toàn có thể đưa ra kết luận và cảnh báo sớm hơn, sẽ giúp hạn chế sự thiệt hại.

Nếu công ty có sản phẩm nhiễm độc trên ở TP.HCM và người dân TP.HCM là nạn nhân thì Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM sẽ khoanh vùng mạnh tay hơn, hiệu quả việc xử lý có thể sẽ tốt hơn.

* Theo bà, có nên cảnh báo vụ việc sớm hơn, dù thông tin ban đầu có thể nhầm lẫn?

– Nếu như tôi được lựa chọn giữa cảnh báo nhầm gây thiệt hại về kinh tế và người dân nhập viện sau đó nguy hiểm tính mạng vì ngộ độc thì tôi thà chọn cảnh báo nhầm – nghĩa là nếu có dấu hiệu thì cảnh báo, phản ứng ngay. Tôi nghĩ y bác sĩ chắc chắn sẽ lựa chọn yếu tố sức khỏe người dân lên hàng đầu.

Nhiều trường hợp chúng ta không xem hiệu quả công việc, mà cứng nhắc xem xét đúng quy trình. Đôi khi đúng quy trình lại đưa đến kết quả, hiệu quả không tốt thì nên xem xét sửa đổi. Rất cần nghiên cứu để có quy trình phù hợp nhất.

* Có ý kiến cho rằng việc 3 bộ ngành (NN&PTNT, Y tế, Công thương) cùng tham gia quản lý sản phẩm của Công ty Lối Sống Mới khiến việc quản lý thiếu hiệu quả. Có nên thay đổi điều này?

– Cả nước hiện chỉ có TP.HCM, Đà Nẵng và Bắc Ninh thí điểm quản lý tập trung thông qua ban quản lý an toàn thực phẩm. Việc quản lý tập trung này mang lại hiệu quả thanh tra, kiểm tra cao.

Lực lượng chuyên ngành chúng ta còn yếu và còn thiếu nên chúng ta cần phải tập hợp lực lượng lại. Bởi nếu phân 3 ngành, dễ xảy ra trường hợp ngành này bận nhưng ngành kia thảnh thơi, rất khó phối hợp.

Trên thế giới rất ít quốc gia chia ra mỗi cơ quan tham gia một chút như chúng ta. Mình cần nhất cơ quan nhà nước phải có thực quyền, phải có trách nhiệm với chuyện đó.

Trường hợp nhiều tỉnh thành có trường hợp nhiễm độc do ăn patê Minh Chay, nhưng hiện nay vụ việc tới đâu rồi, bao nhiêu nạn nhân, số lượng sản phẩm cần thu hồi… vẫn chưa có kết quả cụ thể. Do đó cần xem xét lại sự phối hợp quá nhiều cơ quan đã mang lại hiệu quả chưa. (Tuổi trẻ, trang 14).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 10/8/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/11/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 31/10/2018

CDC Hà Nam

Để lại bình luận