Điểm báo ngày 31/7/2019

(CDC Hà Nam)

  Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Cơ hội quý báu để hoàn thiện Luật; Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng: Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra tại 20 địa phương trọng điểm

Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh: Cơ hội quý báu để hoàn thiện Luật

Ngày 29/7, Hội nghị Tổng kết 9 năm thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được tổ chức tại TP.HCM với sự tham gia của đại diện 31 Sở Y tế các tỉnh thành cùng đại diện một số bệnh viện.

Cơ hội để hoàn thiện luật sao cho phù hợp

Phát biểu tại buổi tổng kết, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến khẳng định, Luật khám bệnh, chữa bệnh là luật lớn, là luật đinh, là luật rất quan trọng. Luật có tính tác động đến tất cả mọi người từ lúc trong bụng mẹ đến lúc nhắm mắt xuôi tay, chính vì thế luật phải chặt chẽ. Qua ý kiến từ các đại biểu để bổ sung, chấn chỉnh luật sao cho thật toàn diện, phù hợp.

Báo cáo tổng kết, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, qua 9 năm thực hiện, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã góp phần chuẩn hóa kỹ năng thực hành y khoa gắn với chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh (KCB) thông qua việc quy định điều kiện tối thiểu để cấp chứng chỉ hành nghề cho người hành nghề và giấy phép hoạt động cho các cơ sở KCB. Tạo hành lang pháp lý để y học Việt Nam đã tiếp cận được với các kỹ thuật y khoa tiên tiến, hiện đại hàng đầu thế giới.

Luật cũng góp phần tăng cường khả năng tiếp cận với dịch vụ KCB của người dân: Sau 9 năm thực hiện, hiện nay cả nước có 49.625 cơ sở KCB (trong đó có 250 BV tư nhân và 35.000 phòng khám) với tỷ lệ 8,2 bác sĩ/10.000 dân, cao hơn một số nước trong khu vực; số giường bệnh/vạn dân đạt mức 26,5; 90% trạm y tế xã có bác sĩ làm việc; 95% trạm y tế xã có bác sĩ sản nhi hoặc nữ hộ sinh; 99% thôn, bản, ấp có nhân viên y tế hoạt động; 76% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Cơ cấu trình độ chuyển biến theo hướng tích cực; đến nay trình độ từ đại học trở lên đạt 30,7%; cao đẳng đạt gần 23%; trung cấp đạt 8,3% và sơ cấp đạt 38%. Số lần khám bệnh đạt gần 230 triệu lượt, trong đó khoảng 178 triệu lượt khám chữa bệnh BHYT…

Về quyền và nghĩa vụ của người bệnh khi đến các cơ sở KCB không bị phân biệt đối xử, không có sự phân biệt giàu nghèo hay vị trí xã hội. Tất cả người bệnh đều được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị, kể cả trường hợp tham gia nghiên cứu y sinh học. Đã thực hiện việc cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án, niêm yết công khai giá dịch vụ và giải thích về các khoản chi trong hóa đơn nếu có yêu cầu. Kết quả khảo sát cho thấy có sự gia tăng đáng kể về tỷ lệ hài lòng của người bệnh, đạt khoảng 80% ở các loại khảo sát khác nhau. Hằng năm thu hút khoảng 300.000 lượt người nước ngoài đến KCB tại Việt Nam…

Một số tồn tại bất cập

Bên cạnh những thành quả đạt được, luật cũng còn tồn tại một số bất cập. Luật Khám bệnh, chữa bệnh quy định việc phân tuyến kỹ thuật nhưng Luật Bảo hiểm y tế lại quy định việc áp dụng giá theo hạng bệnh viện. Số lượng kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT gồm 17.216 kỹ thuật cho cả 4 tuyến là quá lớn. Trong đó, có nhiều kỹ thuật xuất hiện ở nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng lại có các mã khác nhau mặc dù về bản chất là một kỹ thuật.

Quy định về giá dịch vụ y tế không đáp ứng đủ theo tên các danh mục kỹ thuật đã được Bộ Y tế phê duyệt, gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các cơ sở KCB, đặc biệt là trong việc thanh toán chi phí BHYT.

Số lượng kỹ thuật theo quy định tại Thông tư số 43/2013/TT-BYT gồm 17.216 kỹ thuật cho cả 4 tuyến là quá lớn. Trong đó, có nhiều kỹ thuật xuất hiện ở nhiều chuyên khoa khác nhau nhưng lại có các mã khác nhau mặc dù về bản chất là một kỹ thuật.

Về phía người bệnh, luật cũng quy định người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản. Tuy nhiên không có quy định về giá trị pháp lý của các thông tin ghi trong bản tóm tắt dẫn đến một số tranh chấp giữa người bệnh, luật sư của người bệnh với cơ sở KCB; Luật không có chế tài hoặc cơ chế giải quyết trong trường hợp người bệnh cố tình không chi trả chi phí KCB. Luật chưa đề cập đến quyền của người bệnh được khiếu nại đối với những sai sót, về chất lượng dịch vụ hay về thái độ phục vụ của nhân viên y tế…

Về cấp chứng chỉ hành nghề, đối tượng được cấp chứng chỉ hành nghề: chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động KCB trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, cử nhân sinh học tham gia xét nghiệm, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ KCB,…

Về phạm vi hoạt động chuyên môn của người hành nghề, luật chưa quy định cụ thể về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong chứng chỉ hành nghề. Đối với việc xác nhận quá trình thực hành, Luật quy định 18 tháng thực hành tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh đối với bác sĩ; 12 tháng đối với y sĩ. Điều này gây khó khăn trong quá trình áp dụng thực tiễn đối với các bác sĩ, y sĩ công tác tại trạm y tế. Luật cũng chưa có quy định cụ thể về người hướng dẫn thực hành, nội dung hướng dẫn thực hành cụ thể cho từng đối tượng hành nghề.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp

PGS.TS. Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM mong muốn chứng chỉ hành nghề phải thi và có thời hạn. Luật Khám bệnh, chữa bệnh ban hành là để áp dụng cho mọi người hành nghề trên đất nước (kể cả bác sĩ nước ngoài hành nghề trên đất nước ta). Cũng theo BS. Thượng, nên có định hướng đào tạo bác sĩ đa khoa tổng quát ngồi ở phòng khám cơ sở ban đầu; luật nên cho phép có nhiều loại hình KCB để giảm lượng người bệnh tăng cao ở những bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung tâm.

Còn theo BSCKII. Võ Đức Chiến, Giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, đã đến lúc xem lại nhiều chủ trương có còn phù hợp hay không, ví dụ như chủ trương thông tuyến quận huyện. Chủ trương là đi đến tăng năng lực y tế cơ sở, trong khi đó việc thông tuyến ở quận huyện hiện nay vô hình trung dẫn đến hiện tượng số lượng bệnh nhân BHYT đông đúc ở tuyến trên. Người bệnh muốn đến bệnh viện hạng 1 hoặc bệnh viện tuyến Trung ương là không có gì khó, chỉ cần bệnh viện quận huyện viết giấy chuyển viện thì sẽ được đáp ứng.

Lắng nghe toàn bộ ý kiến từ các đại biểu, TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, buổi tổng kết là dịp Bộ Y tế lắng nghe các ý kiến phản ánh nhằm phát hiện những vướng mắc trong quá trình thực hiện để chấn chỉnh, khắc phục nếu áp dụng luật hiện có và làm cơ sở để sửa đổi bổ sung nếu xây dựng luật mới. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3).

 

Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng: Bộ Y tế lập 8 đoàn kiểm tra tại 20 địa phương trọng điểm

Trước diễn biến phức tạp của dịch sốt xuất huyết, Bộ Y tế đã lập 8 đoàn kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống dịch bệnh này tại 20 tỉnh, thành phố trọng điểm

Hiện đang là cao điểm mùa dịch sốt xuất huyết. Trong các tuần gần đây, số ca mắc tăng nhanh tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Đặc biệt là các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam bộ. Tại Việt Nam theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2019 đến nay cả nước ghi nhận trên 105.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 10 trường hợp tử vong, số mắc có xu hướng tiếp tục gia tăng tại nhiều địa phương.

Các tỉnh, thành phố có số ca mắc /100.000 nghìn dân cao nhất nước là Khánh Hoà, Đà Nẵng, TP HCM, Bình Định, Phú Yên, Bình Dương, Bà Rịa- Vũng Tàu, Ninh Thuận và Đồng Nai.

Dự báo dịch bệnh sốt xuất huyết trong thời gian tới vẫn còn có thể diễn biến phức tạp, có nguy cơ gia tăng số mắc. Trước tình hình này, tại Quyết định số 3301/QĐ-BYT, ký ban hành ngày 29/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã lập 8 đoàn công tác kiểm tra giám sát, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại các tỉnh, thành phố trọng điểm: Khánh Hoà, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Nam, Gia Lai, Đắk Nông, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Phú Yên, Đồng Nai, Tây Ninh.

Theo quyết định này, các đoàn công tác có nhiệm vụ kiểm tra công tác triển khai kế hoạch hoạt động phòng chống sốt xuất huyết; hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống dịch, công tác chuyên môn về dự phòng, giám sát xử lý ổ dịch, tổ chức chiến dịch diệt bọ gậy/lăng quăng; vai trò của chính quyền các cấp, huy động các ban ngành đoàn thể tham gia phòng, chống sốt xuất huyết tại địa phương; thu dung điều trị; truyền thông và đáp ứng chống dịch.

Bên cạnh đó, đánh giá, nhận đình tình hình và đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của tỉnh về các biện pháp kiểm soát sốt xuất huyết.

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có công văn gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước nói rõ, hiện nay đang là mùa cao điểm dịch sốt xuất huyết, số mắc tăng cao tại nhiều tỉnh, thành phố trong những tuần gần đây, dự báo số ca mắc mới sẽ gia tăng và có thể bùng phát trên diện rộng nếu không quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.

Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu UBND các cấp trực tiếp chỉ đạo triển khai hoạt động diệt lăng quăng, bọ gây trên địa bàn ngay trong tháng 7/2019 và duy trì 1 tuần/ 1 lần tại các vùng có nguy cơ cao; 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng, bọ gậy cao và 1 tháng/1 lần tại các khu vực còn lại. Huy động các tổ chức, ban, ngành, đoàn thể cùng tham gia diệt lăng quăng, bọ gậy

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho cộng đồng về phòng, chống sốt xuất huyết tập trung tuyên truyền đến người dân về việc diêt lăng quăng, bọ gậy; phối hợp với cơ quan y tế trong việc phun muỗi tại gia đình. Ngành y tế tăng cường giám sát, nắm chắc các ổ dịch sốt xuất huyết hiện có và phát sinh. Tổ chức các phun hoá chất diện rộng tại các khu vực có nguy cơ cao và phun hoá chất xử lý triệt để khi phát hiện những ổ dịch không để dịch bùng phát, lan rộng

Các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân, hạn chế tối đa các trường hợp tử vong do sốt xuất huyết, đặc biệt tại các cơ sở y tế tư nhân, tránh tình trạng bệnh nhân không được tư vấn, cấp cứu, điều trị và chuyển tuyến kịp thời, khi nhập viện thì đã nặng, nguy cơ tử vong cao. Đồng thời có kế hoạch phân tuyến, hỗ trợ cán bộ điều trị kinh nghiệm cho tuyến dưới để hạn chế quá tải.

Các địa phương thành lập các đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra giám sát việc thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thành phố trong công tác phòng chống dịch và xử lý nghiêm các hộ gia đình vi phạm trong vệ sinh môi trường để phát sinh lăng quăng, bọ gậy. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3; Sài Gòn giải phóng, trang 7; Lao động, trang 3; An ninh thủ đô, trang 8; Công an nhân dân, trang 7).

 

Đồng Nai họp khẩn bàn cách phòng chống sốt xuất huyết

Ngày 30.7, Sở Y tế Đồng Nai họp khẩn với các bệnh viện, trung tâm y tế nhằm bàn vấn đề tăng cường công tác phòng chống sốt xuất huyết (SXH) hiện nay và những tháng cuối năm 2019.

Theo bác sĩ (BS) Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm đến nay trên địa bàn ghi nhận 7.499 ca SXH, tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ (2018 có 1.993 ca), may mắn chưa có ca nào tử vong. Đặc biệt, trong 5 tuần gần đây SXH tăng cao liên tục, trong tháng 7.2019 ghi nhận đến 2.400 ca.

“Hiện Đồng Nai đang đứng ngoài tốp 10 cả nước nhưng nếu không quyết liệt phòng chống thì tới đây có thể lọt vào tốp 10, tốp 5, thậm chí tốp 3. Bởi từ tháng 8 trở đi là bước vào cao điểm mùa dịch SXH, nguy cơ số ca mắc SXH còn tăng mạnh hơn nữa”, BS Bình cảnh báo.

Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai Lê Nguyễn Đa Hà cho hay tại bệnh viện đã tiếp nhận hơn 4.200 ca. “Phần lớn các ca SXH dẫn đến các biến chứng như suy đa tạng, suy hô hấp, sốc, nhưng nhờ theo dõi và máy móc đầy đủ nên chúng tôi chữa trị kịp thời, chưa có trường hợp đáng tiếc nào xảy ra”, BS Hà nói. (Thanh niên, trang 4).

T5g.org.vn

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 20/7/2022

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/7/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/4/2022

CDC Hà Nam

Để lại bình luận