Điểm báo ngày 13/12/2021

(CDC Hà Nam)
Kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc; Hướng dẫn mới về tiêm vắc xin phòng COVID-19; Nỗ lực kéo giảm F0 tử vong; Ngày 12-12, cả nước có thêm 1.295 người mắc Covid-19 khỏi bệnh; Rước họa vì làm đẹp

Kịp thời khắc phục tình trạng cán bộ y tế nghỉ việc

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế rút kinh nghiệm để chủ động chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan làm tốt hơn công tác truyền thông trong phòng chống dịch Covid-19; đồng thời có giải pháp phù hợp để kịp thời khắc phục tình trạng không ít cán bộ y tế đang nghỉ việc, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, tổ chức lễ tôn vinh và khen thưởng các thầy thuốc trong tháng 12 (Sài Gòn giải phóng, trang 7; An ninh thủ đô, trang 2; Hà Nội mới, trang 3).

 

Hướng dẫn mới về tiêm vắc xin phòng COVID-19

Ngày 12/12, Bộ Y tế đã có văn bản khẩn hướng dẫn mới nhất nêu rõ trong trường hợp nguồn vắc xin phòng COVID-19 hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vắc xin COVID-19 Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin Pfizer hoặc Astrazeneca.

Ngày 8/9, Bộ Y tế thông tin Hội đồng tư vấn chuyên môn về sử dụng vắc xin của Bộ Y tế đã họp và đưa ra khuyến cáo trong trường hợp bất khả kháng khi nguồn cung vắc xin phòng COVID-19 mũi 1 đã tiêm không còn sản xuất hoặc cung ứng không kịp thời để cung cấp cho mũi nhắc lại thì có thể sử dụng mũi nhắc lại bằng vắc xin khác.

Cụ thể, nếu tiêm mũi 1 bằng vắc xin do Astrazeneca sản xuất thì có thể tiêm mũi 2 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Moderna sản xuất; nếu mũi 1 tiêm vắc xin do Moderna sản xuất thì mũi 2 có thể tiêm vắc xin do Pfizer sản xuất và ngược lại.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng nêu trên, để sử dụng vắc xin hợp lí, an toàn và hiệu quả vắc xin do Moderna sản xuất, Bộ Y tế hướng dẫn như sau: Những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc xin đó. Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp tiêm mũi 2 vắc xin do Moderna sản xuất cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin do Pfizer hoặc Astrazeneca sản xuất. Khoảng cách tiêm mũi 2 sau mũi 1 vắc xin do Pfizer sản xuất theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia – Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hỗ trợ, hướng dẫn thực hành tiêm chủng và giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng khi triển khai tiêm chủng phối hợp các loại vắc xin phòng COVID-19. Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch đảm bảo diện bao phủ đồng thời thông tin đầy đủ cho các đối tượng trước khi tiến hành tiêm chủng để tạo sự đồng thuận cao.

Đối với các Cục Y tế, Bộ Công an và Cục Quân y, Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng lập kế hoạch, lên danh sách đối tượng tiêm phù hợp với số vắc xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm an toàn, đúng lịch.

Nên tiêm vắc xin sau 6-8 tháng khỏi bệnh

Theo PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn để triển khai tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi. Để bảo vệ nhóm trẻ nhỏ hơn phòng COVID-19, Bộ Y tế đang xem xét kế hoạch bao gồm lựa chọn vắc xin theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới, nhà sản xuất, đồng thời các đơn vị liên quan sẽ xem xét theo quy định hiện hành.

Tiếp theo Bộ Y tế sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể tiêm vắc xin cho đối tượng nhỏ tuổi này. Bà Hồng thông tin hiện nay chỉ có một số ít các quốc gia đang triển khai tiêm vắc xin cho nhóm trẻ nhỏ từ 5 – 11 tuổi. Ngay sau khi được Chính phủ, Bộ Y tế triển khai cho nhóm đối tượng nhỏ hơn thì ngành y tế, cán bộ y tế sẽ thông tin đến các bậc cha mẹ đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin COVID-19.

Với việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên, bà Hồng cho biết, đến hiện nay Bộ Y tế đã có hướng dẫn đối với người có tình trạng suy giảm miễn dịch vừa và nặng như người cấy ghép tạng, ung thư, HIV, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc đã điều trị trong vòng 6 tháng thì cần tiêm mũi bổ sung sau mũi cuối cùng của liều cơ bản ít nhất 28 ngày. Các nhóm đối tượng còn lại thì tiêm 1 mũi nhắc lại ít nhất 6 tháng sau mũi tiêm cuối cùng của liều cơ bản. Lịch tiêm này áp dụng cho tất cả các loại vắc xin đã triển khai ở Việt Nam. TS Cao Việt Tùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư, cho hay: “Việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho lứa tuổi 5 – 11 và 12 – 17 là cần thiết vì giúp phòng bệnh cho các em và đưa trẻ em sớm trở lại trường học, phù hợp với quan điểm xã hội học trong tình hình hiện nay.

Nghiên cứu vắc xin được thực hiện trên nhiều đối tượng, nhiều quốc gia vì vậy việc triển khai tiêm phòng vắc xin cho nhóm trẻ em là hoàn toàn có cơ sở”. Theo TS Tùng, những người (bao gồm trẻ nhỏ trong lứa tuổi cho phép tiêm vắc xin) nếu đã nhiễm COVID-19 vẫn nên tiêm vắc xin COVID-19 sau 6 – 8 tháng. Các nghiên cứu cho thấy sau tiêm vắc xin cho các đối tượng này thì kháng thể trong cơ thể có thể đạt tới nồng độ hiệu quả chống lại COVID-19 (Tiền phong, trang 4; Nhân dân, trang 8).

Nỗ lực kéo giảm F0 tử vong

Cùng với đẩy nhanh bao phủ vắc xin, ưu tiên tiêm mũi bổ sung cho người nguy cơ cao, VN đang điều chỉnh một số quy định thuận lợi cho cấp số đăng ký, sản xuất thuốc mới điều trị nhằm nỗ lực kéo giảm số ca tử vong.

Bộ trưởng BYT Nguyễn Thanh Long mới đây đã có cuộc họp về công tác phòng chống dịch, điều trị bệnh nhân Covid-19 với lãnh đạo các tỉnh có số mắc và ca tử vong tăng là TP.Cần Thơ, Tây Ninh, Sóc Trăng, Bà Rịa-Vũng Tàu và An Giang…

Người dân không chủ quan, y tế phải gần dân nhất

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Y tế, thực tế cho thấy chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng gia tăng ca nhiễm vì tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng người dân không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế về phòng chống dịch, lơ là, chủ quan… Khi số ca mắc gia tăng, đương nhiên bệnh nhân nặng sẽ tăng và số tử vong cũng sẽ có thể tăng. Do vậy, cần nỗ lực để giảm tử vong.

Bộ trưởng Bộ Y tế lưu ý các địa phương phải thực hiện triệt để các biện pháp phòng chống dịch, khống chế, không để bùng phát với những vùng được đánh giá dịch ở cấp độ 3 và 4.

Đặc biệt, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, thành phải thực hiện chiến dịch “đi từng ngõ, gõ từng nhà” lập danh sách tất cả những người cao tuổi, người có bệnh lý nền để tiêm chủng đầy đủ.

Về công tác điều trị, để giảm các F0 nặng và tử vong, lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần phân loại bệnh nhân, tuân thủ điều trị theo tháp 3 tầng, có sự liên thông chặt chẽ với nhau giữa các tầng, để quản lý, giám sát các ca bệnh. Đồng thời, các địa phương quản lý, theo dõi và chăm sóc F0 tại nhà phải chặt chẽ, khoa học và luôn đảm bảo y tế phải gần dân nhất thông qua việc thiết lập các trạm y tế, tổ y tế lưu động; cần có đầy đủ danh sách các ca bệnh nguy cơ cao để sẵn sàng chuyển tuyến kịp thời nếu trở nặng.

Là đơn vị trực tiếp hỗ trợ tỉnh An Giang trong điều trị các ca mắc Covid-19, có thời điểm 75% ca F0 tử vong tại tỉnh này là các ca chưa tiêm vắc xin, PGS-TS Đào Xuân Cơ, Phó giám đốc điều hành BV Bạch Mai, cho rằng Sở Y tế An Giang cần quyết liệt chỉ đạo y tế cơ sở hoàn thành nhanh nhất công tác tiêm chủng. Đồng thời, ông Cơ cũng lưu ý: “Muốn giảm tỷ lệ tử vong đối với bệnh nhân Covid-19, An Giang cần quyết liệt thực hiện phân tầng bệnh nhân Covid-19; rà soát lại hệ thống khí tại tất cả các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, tránh tình trạng hệ thống khí nén không đáp ứng đủ nhu cầu điều trị”.

Chia sẻ về điều trị các F0, GS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng (Bộ Y tế), cho biết thêm, ngoài các thuốc ức chế vi rút, tùy thuộc diễn biến, các F0 còn có thể cần thuốc ức chế phản ứng miễn dịch, thuốc chống đông, kháng sinh, kháng nấm. Nhiều ca bệnh nặng có bệnh mãn tính về hô hấp, đái tháo đường, tim mạch… cần các thuốc chuyên khoa. Muốn giảm tử vong cũng phải theo dõi rất sát sao diễn biến mỗi ca bệnh.

F0 tử vong chủ yếu ở nhóm người mắc bệnh nền

Trước thực tế tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 mũi 1 cho người dân từ 18 tuổi trở lên đã đạt 97%, mũi 2 đạt khoảng 70%, nhưng số ca tử vong có xu hướng tăng trong thời gian gần đây tại một số địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết thêm, lãnh đạo Bộ Y tế đang giao Cục Quản lý khám chữa bệnh và các Sở Y tế đánh giá nguyên nhân cụ thể các trường hợp tử vong.

“Bước đầu chúng tôi nhận định các ca bệnh Covid-19 tử vong chủ yếu xuất hiện ở nhóm người mắc bệnh nền, bệnh mãn tính hoặc trường hợp người cao tuổi, sức khỏe suy giảm”, ông Tuyên cho biết.

Theo Cục Khoa học CN và đào tạo (Bộ Y tế), đến hết ngày 12.12, 42 tỉnh, thành đã được phân bổ thuốc Molnupiravir cho điều trị F0 nhẹ tại nhà. Riêng với TP.HCM, hôm 7.12, Bộ Y tế đã cấp bổ sung 25.000 liều Molnupiravir, nâng tổng số thuốc phân bổ cho TP.HCM lên gần 100.000 liều và sẽ tiếp tục bổ sung trong thời gian tới.

Chương trình sử dụng thuốc có kiểm soát Molnupiravir cho các F0 thể nhẹ tại nhà và cộng đồng tại TP.HCM đã triển khai từ giữa tháng 8.2021. Thuốc có hiệu quả rõ rệt về giảm tải lượng vi rút, giảm lây lan, giảm chuyển nặng, rút ngắn thời gian điều trị.

Theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế về điều trị bệnh nhân Covid-19, VN đã đưa vào sử dụng nhiều loại thuốc tại các cơ sở điều trị như: thuốc ức chế sự nhân lên của vi rút như Remdesivir, kháng thể kép, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền cũng từng bước được đưa vào điều trị (Thanh niên, trang 2).

 

Ngày 12-12, cả nước có thêm 1.295 người mắc Covid-19 khỏi bệnh

Chiều tối 12-12, Bộ Y tế cho biết, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.638 ca mắc mới, trong đó 17 ca nhập cảnh và 14.621 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.483 ca so với ngày trước đó) tại 58 tỉnh, thành phố (có 9.377 ca trong cộng đồng). Đồng thời, cả nước có thêm 1.295 người khỏi bệnh và 228 ca tử vong.

Các tỉnh, thành phố ghi nhận ca bệnh như sau: TPHCM có (1.216 ca), Hà Nội (980), Tây Ninh (920), Đồng Tháp (745), Bến Tre (722), Cà Mau (675), Cần Thơ (669), Khánh Hòa (590), Vĩnh Long (584), Bạc Liêu (563), Sóc Trăng (524), Trà Vinh (475), Đà Nẵng (442), Kiên Giang (384), Bà Rịa – Vũng Tàu (381), Bình Dương (375), Tiền Giang (367), Đồng Nai (366), Thừa Thiên – Huế (359), Hậu Giang (338), An Giang (319), Đắk Lắk (315), Bình Định (279), Bình Thuận (256), Lâm Đồng (194), Bắc Ninh (189), Hải Phòng (123), Thanh Hóa (109), Ninh Thuận (94), Hà Giang (92), Hưng Yên (92), Phú Yên (82), Long An (75), Đắk Nông (74), Quảng Nam (74), Nghệ An (63), Thái Nguyên (61), Thái Bình (45), Quảng Ngãi (44), Hải Dương (42), Quảng Trị (36), Quảng Bình (36), Nam Định (32), Vĩnh Phúc (32), Lạng Sơn (28), Quảng Ninh (25), Sơn La (21), Phú Thọ (20), Yên Bái (18), Hà Tĩnh (15), Hòa Bình (13), Cao Bằng (12), Tuyên Quang (10), Hà Nam (10), Bắc Giang (9), Điện Biên (4), Gia Lai (2) và Lai Châu (1).

Trung bình số ca mắc mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 14.833 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.413.051 ca nhiễm, đứng thứ 32/223 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 148/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 14.332 ca nhiễm) (Sài Gòn giải phóng, trang 7; Hà Nội mới, trang 7).

 

Rước họa vì làm đẹp

Cuối năm, nhu cầu làm đẹp gia tăng dẫn đến nhiều cơ sở dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ không đủ điều kiện nở rộ khiến khách hàng rước họa vào thân. Nhiều ca tử vong khi làm đẹp liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây tại TPHCM.

Tử vong khi đi làm đẹp

Trong 2 ngày 6 và 7/12, Bệnh viện Nhân Dân 115 tiếp nhận 2 trường hợp tai biến thẩm mỹ dẫn đến tử vong. Trường hợp thứ nhất là chị H.T.N (31 tuổi, ngụ tại quận 8) đi hút mỡ bụng tại một thẩm mỹ viện trên địa bàn Quận 1, TPHCM. Bệnh nhân chuyển đến cấp cứu trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở, tử vong. Trường hợp thứ hai là cô gái trẻ N.T.P (24 tuổi, ngụ tại quận 10) vào Thẩm mỹ viện Diep Clinic (quận Tân Phú) để thẩm mỹ vùng lưng. Sau khi được thực hiện phương pháp ủ tê vùng lưng bệnh nhân đã co giật, khó thở, tím tái. Tại bệnh viện, các bác sĩ đã nỗ lực hồi sức nhưng người bệnh không qua được nguy kịch.

Trước đó, đầu tháng 7/2021, BS Phan Đức Hồng (59 tuổi) phẫu thuật nâng ngực cho chị Nguyễn Thị T. (30 tuổi) tại phòng mạch của mình trên đường Mã Lò, quận Bình Tân. Khi đang thực hiện phẫu thuật thì chị T. rơi vào tình trạng tím tái, khó thở, rồi tử vong.

Một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị N.T. (50 tuổi, ngụ tại Tân Bình). Ngày 16/10, bà T. đến Bệnh viện thẩm mỹ Gangwhoo trên địa bàn quận Tân Bình để hút mỡ. Bệnh nhân rơi vào tình trạng khó thở phải chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu nhưng bà T. đã tử vong.

Bát nháo phẫu thuật thẩm mỹ

Thời gian qua, các cơ sở thẩm mỹ trên địa bàn TPHCM không ngừng gia tăng. Bên cạnh những cơ sở được cấp phép là những cơ sở chưa đủ điều kiện nhưng vẫn hoạt động và quảng cáo rầm rộ. Khi thành phố nới lỏng giãn cách xã hội, nhu cầu làm đẹp của cộng đồng gia tăng cũng là lúc những cơ sở thẩm mỹ đẩy mạnh các chiến lược thu hút khách. Lợi dụng mạng xã hội, các cơ sở spa, thẩm mỹ viện hoạt động trái phép đã quảng cáo những thông tin vượt quá phạm vi chuyên môn hoạt động để thu hút khách hàng. Nhiều cơ sở spa, thẩm mỹ ngang nhiên chèo kéo khách hàng và đưa bác sĩ không đủ trình độ chuyên môn thực hiện phương pháp chỉ được cấp phép tại bệnh viện.

TS.BS Nguyễn Phan Tú Dung, Giám đốc Bệnh viện Thẩm mỹ JW cho hay, ngày nào bệnh viện này cũng phải tiếp nhận ít nhất một trường hợp bị tai biến thẩm mỹ ở các cơ sở hoạt động trái phép gây ra. “Những người không phải bác sĩ, y tá, điều dưỡng nhưng vẫn mở cơ sở thẩm mỹ, cắt xẻ cơ thể khách hàng như mổ gà nhưng khi gây ra biến chứng thì chối bỏ trách nhiệm. Khi bị kiểm tra, xử phạt vài chục triệu là xong”, BS. Dung nói.

Theo TS.BS Nguyễn Thanh Vân, Phó Chủ tịch thường trực Hội thẩm mỹ TPHCM, quy định các spa và thẩm mỹ viện là chỉ được phép làm dịch vụ chăm sóc da, không được phép thực hiện những thủ thuật xâm lấn bằng phương pháp tiêm hoặc chích bất cứ thứ gì vào cơ thể người. Đối với phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ, chỉ được phép thực hiện các dịch vụ ở vùng mặt bằng phương pháp gây tê tại chỗ, không được phép gây mê toàn thân. Bệnh viện thẩm mỹ hoặc khoa tạo hình thẩm mỹ thuộc bệnh viện đa khoa được phép phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp gây tê và gây mê.

Tuy nhiên, thực tế nhiều spa, thẩm mỹ viện đang quảng cáo thực hiện những dịch vụ không được phép như nâng mũi, cắt mí, hút mỡ bụng, nâng ngực, thu quầng ngực, cấy mỡ tự thân, nâng mông, tạo hình thành bụng, căng da mặt… Nếu khách hàng có nhu cầu thì spa hoặc thẩm mỹ viện sẽ bắt tay với những người tự xưng là bác sĩ thẩm mỹ chuyên đi mổ dạo để thực hiện kỹ thuật. Thực tế trên đã dẫn đến rất nhiều biến chứng cho người bệnh.

Theo BS Thanh Vân, bất kỳ phương pháp phẫu thuật nào cũng có nguy cơ gây ra các tai biến nguy hiểm. Với những bác sĩ có chuyên môn, tay nghề đã thuần thục và trang thiết bị y tế đúng quy chuẩn thì việc cấp cứu cho người bệnh không khó khăn. Tuy nhiên, những người tay ngang đi phẫu thuật thẩm mỹ, họ không có trình độ chuyên môn cũng như các phương tiện cấp cứu thì rủi ro trong phẫu thuật và rủi ro cho người bệnh càng lớn hơn.

Các bác sĩ khuyến cáo những người có nhu cầu làm đẹp cần tìm hiểu kỹ xem cơ sở được cấp phép hay không, ai là người chịu trách nhiệm chuyên môn, bác sĩ phẫu thuật có chứng chỉ hành nghề hay không. Tuyệt đối không thực hiện các kỹ thuật thẩm mỹ có xâm lấn tại những cơ sở chưa được cấp phép hoặc bác sĩ không có chứng chỉ phẫu thuật thẩm mỹ hành nghề thực hiện (Tiền phong, trang 10).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 08/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 15/1/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 24/01/2019

CDC Hà Nam