Điểm báo ngày 28/12/2021

(CDC Hà Nam)
Thành lập 4 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết trên địa bàn Thủ đô; Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19; Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng…

 

14 tỉnh, thành phố đã bao phủ liều cơ bản cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi

Ngày 27/12, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 14.872 ca nhiễm mới, gồm năm ca nhập cảnh và 14.867 ca trong nước tại 59 tỉnh, thành phố.

Thành phố Hà Nội vẫn là địa phương ghi nhận số ca mắc Covid-19 trong ngày nhiều nhất, tiếp đến là các tỉnh, thành phố: Tây Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Long, Khánh Hòa, Cần Thơ, Đồng Tháp… Trong ngày có 11.374 người mắc Covid-19 được công bố khỏi bệnh và 204 ca tử vong tại 20 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, hiện cả nước có 7.636 bệnh nhân mắc Covid-19 nặng đang được điều trị tại các cơ sở y tế.

Về công tác tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cho trẻ từ 12 đến 17 tuổi, Bộ Y tế cho biết: Các tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm được 11.218.402 liều, trong đó có 7.346.621 mũi một và 3.871.421 mũi hai. Tỷ lệ bao phủ ít nhất một liều vắc-xin là 80,7% và tỷ lệ bao phủ đủ hai liều vắc-xin là 42,5% dân số từ 12 đến 17 tuổi. Theo khu vực, tỷ lệ này lần lượt ở miền bắc là 75,4% và 28,8%; miền trung là 69,2% và 26,7%, Tây Nguyên là 80,1% và 6,6%, miền nam là 91,3% và 70,8%. Các địa phương đã cơ bản bao phủ đủ liều cơ bản cho nhóm tuổi này là: Hà Nam, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Dương, Bạc Liêu, Hậu Giang.

Sáng 27/12, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức mít-tinh Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh (27/12) năm 2021, với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ”, theo hình thức trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố. Phát biểu tại lễ mít-tinh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết: Đại dịch Covid-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm. Trong thời điểm cộng đồng quốc tế khép lại năm 2020 đầy thách thức khó khăn do đại dịch Covid-19, ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua sáng kiến của Việt Nam với Nghị quyết lấy ngày 27/12 hằng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh. Hưởng ứng Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đề nghị các địa phương tuyệt đối không chủ quan, lơ là, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam; tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn. Tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức tiêm vét vắc-xin, thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19 lưu động tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ. Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc Covid-19 thuộc nhóm nguy cơ theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện mắc Covid-19. Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng.

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản gửi các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn về việc giảm nguy cơ tử vong người bệnh Covid-19 tại các cơ sở khám, chữa bệnh. Theo đó, các ca nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời. Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc-xin Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu vào viện). Các cơ sở khám, chữa bệnh bố trí, sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao; người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc-xin phòng Covid-19… Sở Y tế yêu cầu, tất cả các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, bảo đảm người bệnh được chuyển cấp cứu tại cơ sở khám, chữa bệnh gần nhất; sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Chiều 27/12, UBND tỉnh Cà Mau ban hành Quyết định thành lập khu điều trị bệnh nhân Covid-19 quy mô 1.000 giường bệnh tại Trại giam Cái Tàu, thuộc Cục C10, Bộ Công an. Khu điều trị có chức năng tổ chức thu dung, cách ly, theo dõi, điều trị bệnh Covid-19 cho cán bộ, chiến sĩ, phạm nhân tại Trại giam Cái Tàu, được phân bổ thành ba khu vực tại ba phân trại: Phân trại số một ở ấp 6 (xã Khánh An, huyện U Minh), với 500 giường bệnh; phân trại số hai tại ấp Bảy Ghe (xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời) với 400 giường bệnh; phân trại số ba ở ấp 17 (xã Khánh An, huyện U Minh) với 100 giường bệnh. Các khu điều trị sẽ chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, kỹ thuật, nghiệp vụ của Bộ Y tế, Sở Y tế hoặc Trung tâm Y tế huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh. (Nhân dân, trang 8)

 

Hà Nội: Nỗ lực giảm tử vong do COVID-19

Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do COVID-19.

Theo đó, ca bệnh nghi ngờ, ca xác định mắc COVID-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời. Người bệnh đến khám, chữa bệnh phải được sàng lọc kĩ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện).

Các cơ sở khám, chữa bệnh sắp xếp luồng di chuyển, khu vực khám, buồng bệnh ưu tiên để bảo vệ nhóm nguy cơ cao: người trên 50 tuổi, mắc bệnh nền, chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đủ mũi vắc xin phòng COVID-19.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu, mỗi cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh COVID-19 chuyển độ. Về việc tiếp nhận bệnh nhân nặng, nguy kịch, yêu cầu tất cả bệnh viện không được từ chối, bảo đảm người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp. Các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống ôxy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp ôxy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị.

Thành lập các khu thu dung

Chuyên gia đầu ngành Bệnh viện Bạch Mai vừa có chuyến khảo sát đánh giá thực trạng công tác chuyên môn, vận hành trạm y tế lưu động, cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 quận Đống Đa, Hà Nội. Cơ sở thu dung, điều trị F0 của quận Đống Đa ở Kí túc xá Trường ĐH Thủy lợi đang quản lí, điều trị và theo dõi 400 F0. Khu thu dung này có thể được nâng cấp để tiếp nhận 800 F0 tuỳ theo tình hình dịch diễn biến.

PGS.TS. Đào Xuân Cơ đề nghị mỗi tầng của toà nhà nơi đang điều trị người bệnh F0 cần bố trí ngay 1 phòng cấp cứu, có trang bị bình ôxy y tế và phương tiện cấp cứu để sẵn sàng cấp cứu khi người bệnh F0 có triệu chứng trở nặng trong khi liên hệ chuyển lên tầng cao hơn. Đồng thời cần bố trí đủ cơ số thuốc điều trị COVID-19 theo quy định của Bộ Y tế và chuẩn bị sẵn các thuốc điều trị bệnh nền tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính…

Ông Cơ nhấn mạnh việc đánh giá, phân loại mức độ nặng của F0 cần thực hiện nghiêm chỉnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, trong đó bệnh nhân thuộc tầng nào cần điều trị và theo dõi tại tầng đó, nếu nặng lên thì chuyển bệnh nhân lên tầng trên (nâng tầng).

Bệnh viện tầng trên cần bố trí cơ số giường để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 nặng. Do vậy, nếu bệnh nhân tầng trên tiến triển tốt, giảm triệu chứng về mức nhẹ thì cần chuyển về tầng dưới (hạ tầng) hoặc ra viện ngay. Việc đánh giá, phân loại bệnh nhân để nâng tầng hoặc hạ tầng cần thực hiện thường quy hằng ngày và liên thông giữa các cơ sở thu dung, các trạm y tế lưu động và bệnh viện tầng trên.

Ngoài ra, quận có kế hoạch triển khai tiếp Khu thu dung điều trị người bệnh COVID-19 tại Kí túc xá trường Đại học Ngoại thương. Quận Đống Đa đã thành lập 21 trạm y tế lưu động tại 21 phường. Nhiệm vụ chính của trạm y tế lưu động là quản lí, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và cộng đồng; xét nghiệm; tiêm vắc xin phòng COVID-19; truyền thông công tác phòng, chống dịch; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh nền…

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 26/12, tổng số bệnh nhân COVID-19 đang điều trị là 20.154, trong đó hơn 10.000 người đang điều trị tại nhà, hơn 5.000 người điều trị tại các cơ sở thu dung quận, huyện; số còn lại điều trị tại các bệnh viện trung ương và Hà Nội, cơ sở thu dung điều trị của thành phố. Tính từ ngày 27/4 đến nay, Hà Nội ghi nhận 109 người tử vong do COVID-19. (Tiền phong, trang 5)

Cùng chủ đề Báo Thanh niên, trang 4: “Hà Nội triển khai giải pháp giảm tử vong vì COVID-19”

 

Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, tử vong do COVID-19

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện 1815/CĐ-TTg ngày 26/12/2021 về việc quản lý, bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao mắc COVID-19; tăng cường công tác điều trị, giảm ca chuyển nặng, ca tử vong do COVID-19.

Công điện gửi Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Công điện nêu rõ, hiện nay, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới với các biến thể có khả năng lây lan nhanh và gây nguy hiểm như Delta và Omicron. Tại Việt Nam, tình hình dịch COVID-19 cơ bản đang được kiểm soát; tuy nhiên số ca bệnh mới có xu hướng tăng, số bệnh nhân nặng, số ca tử vong ở một số địa phương chưa giảm, trong đó mức độ bệnh tăng nặng và tử vong vẫn chủ yếu thuộc nhóm nguy cơ cao (người có bệnh nền, người trên 50 tuổi, phụ nữ có thai, kể cả người trên 18 tuổi chưa tiêm đủ vaccine phòng COVID-19).

Để chủ động quản lý, theo dõi sức khỏe, phát hiện sớm, tăng cường điều trị, giảm ca chuyển nặng và tử vong do COVID-19 nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, nhất là bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao trong bối cảnh cả nước đang thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, chuẩn bị đón Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo và tổ chức: Thực hiện quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, hộ gia đình có người thuộc nhóm nguy cơ cao, tình trạng bệnh nền đang được điều trị, tình trạng sức khỏe, nhu cầu hỗ trợ.

Tổ chức tiêm vét vaccine, thành lập các tổ tiêm vaccine đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19 lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không di chuyển được.

Tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao: Theo dõi sức khỏe, xử lý và điều trị ngay khi phát hiện mắc COVID-19 theo đúng hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2.

Thực hiện cách ly, theo dõi tại nhà hoặc tại cơ sở điều trị theo tình trạng, mức độ bệnh, điều kiện chăm sóc, điều trị tại nhà; có sự hỗ trợ, giám sát khoa học, hợp lý, chặt chẽ, hiệu quả của cán bộ y tế và theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Bộ Y tế: Đảm bảo phân bổ kịp thời, đầy đủ vaccine cho các địa phương. Trên cơ sở luật pháp hiện hành, quyết liệt, khẩn trương hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi để các đơn vị, địa phương, doanh nghiệp nhập khẩu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19 trên tinh thần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; bảo đảm nguyên tắc kịp thời, khoa học và hiệu quả; đồng thời có biện pháp kiểm soát chặt chẽ chất lượng, giá và chống mọi biểu hiện, hành vi lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế và UBND cấp tỉnh có giải pháp quyết liệt, hợp lý, khoa học, hiệu quả, cụ thể và không được để thiếu nguồn cung cấp oxy y tế phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 cho các bệnh viện, các cơ sở y tế trong mọi tình huống diễn biến dịch bệnh; chịu trách nhiệm chỉ đạo các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất và phân phối tăng cường sản xuất, cung ứng oxy y tế phục vụ phòng, chống dịch bệnh COVID-19 kịp thời, hiệu quả.

Đề nghị đồng chí Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện này. (Sức khỏe & Đời sống, trang 1)

 

Bộ Y tế kêu gọi người dân đi tiêm vaccine phòng COVID-19

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng các trường hợp mắc và tử vong do COVID-19. Vì thế, để tăng cường miễn dịch phòng bệnh, Bộ Y tế kêu gọi toàn bộ người dân hãy đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Bộ cũng đề nghị các địa phương quý I/ 2022, hoàn thành tiêm mũi vaccine thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

Sáng 27/12, Bộ Y tế phối hợp Bộ Ngoại giao tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh với chủ đề “Tăng cường quản lý nhóm nguy cơ” bằng hình thức trực tuyến với 63 địa phương.

Sự kiện này là một trong số các hoạt động nhằm mang đến thông điệp về tầm quan trọng của việc tất cả mọi người đều được tiêm chủng, vai trò của của chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước đối với hoạt động tiêm chủng phòng bệnh nói chung và tiêm chủng phòng COVID-19, trách nhiệm của người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện tiêm chủng đầy đủ.

Việt Nam tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021

Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh đại dịch COVID-19 đã chỉ ra tầm quan trọng của hệ thống ngăn ngừa, phát hiện và ứng phó với sự bùng phát bệnh truyền nhiễm.

Ngay từ đầu dịch, Việt Nam đã tích cực triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 với chiến lược “Chủ động ngăn chặn – phát hiện sớm – cách ly kịp thời – khoanh vùng gọn – dập dịch triệt để – điều trị hiệu quả”; các hoạt động giám sát, xét nghiệm, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch, điều trị bệnh nhân đã được triển khai hiệu quả với nhiều hình thức linh hoạt phù hợp với diễn biến dịch.

Đặc biệt đã thực hiện tiếp cận các nguồn vaccine phòng COVID-19 từ sớm qua nhiều phương thức khác nhau như tham gia Chương trình COVAX Facility, đàm phán song phương với các nhà sản xuất, ngoại giao vaccine với các tổ chức quốc tế và chính phủ nhiều nước.

Đến ngày 24/12/2021 cả nước đã tiêm được gần 144 triệu liều vaccine phòng COVID-19 trong tổng số hơn 166 triệu liều vaccine đã phân bổ. Tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 79% và tỷ lệ bao phủ đủ vaccine liều cơ bản là 66% tổng dân số Việt Nam. Đến nay tỷ lệ này đã vượt mục tiêu mà Tổ chức Y tế thế giới đề ra đến hết năm 2021, 40% dân số của mỗi quốc gia được tiêm vaccine phòng COVID-19

Đối với nhóm người từ 18 tuổi trở lên, tỷ lệ bao phủ ít nhất 01 liều vaccine là 98% và tỷ lệ tiêm đủ liều cơ bản là 86%. Từ tháng 11/2021, các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi.

“Với tiến độ tiêm chủng hiện nay, đến hết tháng 12 năm 2021, toàn quốc sẽ đảm bảo bao phủ mũi 1 cho dân số từ 18 tuổi trở lên và cơ bản bao phủ mũi 2 (khoảng 90%), đồng thời cũng sẽ bao phủ cơ bản đủ liều cơ bản cho trẻ em từ 12 tuổi theo đúng chỉ đạo của Chính phủ”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nói.

Quý I/ 2022, hoàn thành tiêm mũi vaccine phòng COVID-19 thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên

Để tăng cường miễn dịch phòng bệnh COVID-19 cho những người đã được tiêm chủng đủ liều cơ bản, căn cứ các khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và kinh nghiệm sử dụng vaccine của các quốc gia khác, Bộ Y tế đã hướng dẫn việc triển khai tiêm bổ sung, tiêm nhắc lại cho người từ 18 tuổi trở lên và các tỉnh, thành phố đã bắt đầu triển khai thực hiện.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các địa phương, đơn vị trong công tác phòng chống dịch COVID-19, tốc độ tiêm chủng cũng như tỷ lệ bao phủ vaccine của Việt Nam đã đạt tới mức độ cao trong khu vực và trên thế giới. Nhờ đó Việt Nam có thêm nhiều cơ hội để thành công trong công tác ngoại giao vaccine và tiếp cận được nhiều vaccine hơn so với số đã được cam kết từ đầu năm 2021. Đây là kết quả rất quan trọng trong công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân và góp phần tạo điều kiện thuận lợi để từng bước đưa đất nước trở lại trạng thái bình thường mới.

Vì thế, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương tuyệt đối không lơ là, chủ quan, bám sát tình hình, sớm phát hiện các chủng mới xâm nhập vào Việt Nam, tăng cường các biện pháp giám sát, truy vết, điều tra, xử lý ổ dịch. Người dân tiếp tục nâng cao tinh thần chủ động phòng chống dịch bệnh.

Đồng thời, quản lý chặt chẽ nhóm nguy cơ cao trên địa bàn, tổ chức rà soát, lập danh sách, thống kê tất cả những người thuộc nhóm nguy cơ cao, tổ chức tiêm vét vaccine, thực hiện tiêm lưu động ngay tại nhà, bảo đảm không bỏ sót người thuộc nhóm nguy cơ, tổ chức chăm sóc và điều trị người mắc COVID-19 thuộc nhóm nguy cơ cao theo dõi sức khỏe, xử trí và điều trị ngay khi phát hiện.

Bộ Y tế đề nghị đến ngày 31/12 phải hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho người từ 18 tuổi trở lên; hoàn thành tiêm mũi 2 cho trẻ 12-18 tuổi trong tháng 1/2022, mũi thứ 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trong quý I năm 2022.

“Toàn bộ người dân đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hãy đi tiêm vaccine phòng COVID-19. Tiêm chủng không chỉ là quyền lợi, trách nhiệm của mỗi cá nhân mà còn là trách nhiệm đối với cộng đồng”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn kêu gọi. (Sức khỏe & Đời sống, trang 3)

Cùng chủ đề Báo Tiền phong, trang 4: “Tiêm mũi 3 trong Quý I/2022”; Gia đình & Xã hội, trang 1: “Đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19”

 

Nỗi lo F0 bị kỳ thị

Thích ứng an toàn và linh hoạt với Covid-19 là khẩu hiệu được đưa ra trong cuộc chiến chống lại đại dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra. Thế nhưng, hiện nay vẫn còn nhiều F0 và F0 khỏi bệnh tiếp tục bị kỳ thị bởi chính những hàng xóm, bạn bè, đồng nghiệp.

Hàng xóm, bạn bè xa lánh

Do gia đình có người mắc Covid-19 nên chị Mai (ngụ tại một chung cư trên địa bàn phường Phước Long B, TP Thủ Đức, TPHCM) đã mua sả, vỏ bưởi để xông nhà. Sau khi xông, chị mở cửa để căn hộ được thông thoáng. Thế nhưng, chỉ 5 phút sau, chị ngỡ ngàng khi hình ảnh căn hộ của mình được đăng lên group chung cư với phản ánh “không có ý thức bảo vệ cộng đồng” và yêu cầu chị phải đóng cửa lại.

Ngay sau đó, rất nhiều cư dân trong chung cư đã bình luận và cho rằng hành vi của gia đình chị Mai là “khinh thường sức khỏe của người khác” và “ý thức kém”.

“Các chuyên gia y tế khuyến cáo, nhà có người F0 nên mở cửa cho thoáng khí và việc mở cửa hoàn toàn không có khả năng lây lan dịch, nhưng tôi không ngờ hàng xóm của tôi lại có suy nghĩ kỳ thị như vậy. Tôi cảm thấy rất tổn thương”, chị Mai chia sẻ.

Không chỉ bị hàng xóm trong chung cư kỳ thị, bà Lê Thị Hoa (ngụ quận 12, TPHCM) lại bị chính bạn bè “xa lánh” dù đã khỏi Covid-19 hơn một tháng.

Bà Hoa kể, trước đây, bà và 3 người khác trong tổ dân phố chơi chung với nhau. Bình thường, các bà thường hay rủ nhau tập thể dục, mua đồ ăn và chia sẻ nhiều vui buồn. Thế nhưng, những ngày gần đây, 3 người kia không còn niềm nở với bà Hoa như trước. Đáng buồn hơn, các gia đình khác trong khu phố còn không cho con chơi đùa với cháu của bà Hoa, khiến cho đứa trẻ ngơ ngác không hiểu chuyện gì.

Còn chị Hồ Thị Thủy, nhân viên một công ty vệ sinh ở TP Thủ Đức, sau khi trở thành F0 và khỏi bệnh, chị quay trở lại làm việc thì gặp rất nhiều khó khăn.

“Đầu tiên công ty bắt tôi phải tiêm đủ 2 mũi vaccine, dù tôi mới hoàn thành việc cách ly sau điều trị Covid-19 14 ngày. Sau đó, khi tôi đi làm lại thì những nhân viên khác của công ty đã tỏ thái độ không muốn làm chung tổ chỉ vì tôi từng là F0”, chị Thủy ngao ngán.

Thực trạng F0 và F0 khỏi bệnh bị kỳ thị đã diễn ra âm thầm từ lâu trong cộng đồng. Nhưng nay, trong bối cảnh cả nước đang hướng đến cuộc sống thích ứng với dịch bệnh, thì một bộ phận không nhỏ có thái độ kỳ thị rõ rệt đối với những người đã và đang mắc Covid-19. Tình trạng này diễn ra từ các khu dân cư đến công sở, doanh nghiệp.

Trong hội thảo trực tuyến “Thiết lập, nâng cao năng lực y tế doanh nghiệp” được tổ chức tại TPHCM mới đây, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM, cho biết, có nhiều công nhân từng là F0 bị kỳ thị khi quay lại làm việc tại một số doanh nghiệp, trong đó có lĩnh vực bán lẻ hoặc trang trí nội thất, xây dựng, dù họ đã có “thẻ xanh”.

Cần thấu hiểu và chia sẻ

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cho biết, trong quá trình tham gia tư vấn, giải đáp thắc mắc về dịch bệnh vừa qua, ông đã gặp nhiều tình huống kỳ thị người bị nhiễm virus SARS-CoV-2. Có người bị hàng xóm kỳ thị, bít cửa sổ, ngăn lối đi vì sợ bị lây bệnh. Thậm chí có người còn kỳ thị cả gia đình có nhân viên y tế đang tham gia chống dịch ở tuyến đầu.

“Tôi không hiểu vì sao có nhiều người kỳ thị cả những F0 đã khỏi bệnh, trong khi đây là những người an toàn nhất, bởi họ có miễn dịch từ 6 tháng đến 1 năm”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.

Liên quan đến việc kỳ thị F0, Th.S Phan Thị Hoài Yến, Trưởng khoa Tâm thể, Bệnh viện TP Thủ Đức, nhìn nhận, chính sự sợ hãi thái quá và nhận thức chưa đầy đủ về dịch Covid-19 là nguyên nhân của sự kỳ thị. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến các F0 đã khỏi bệnh và gia đình của họ sau khi khỏi bệnh.

Đối với hành vi yêu cầu gia đình F0 phải đóng cửa khi cách ly tại nhà, Th.S Hoài Yến khẳng định, đó là “cánh cửa tâm lý” chứ không có giá trị về y khoa. Bên cạnh đó, nếu cha mẹ dạy con không được chơi với bạn từng là F0, hoặc gia đình có người F0 sẽ khiến trẻ nhận thức sai về dịch bệnh.

Nghiêm trọng hơn, hành vi phân biệt, kỳ thị của người lớn sẽ khiến trẻ con bị tổn thương về tâm lý. “Một khi đã xác định sống chung với dịch thì chúng ta cần có cái nhìn thoáng và đúng về dịch bệnh. Việc mắc bệnh không liên quan đến nhân cách, đạo đức, lối sống. Vì thế cần có sự thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ. Rõ ràng kỳ thị biểu hiện thiếu bao dung, thân thiện giữa con người với nhau”, Th.S Hoài Yến nêu quan điểm.

Cùng với việc bị kỳ thị, bản thân những người mắc Covid-19 cũng thường gặp các vấn đề tâm lý “hậu Covid-19”. Th.S Nguyễn Thị Thanh Tùng, giảng viên Khoa Công tác xã hội, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trong quá trình thực hiện chương trình “Vaccine tinh thần”, cô cùng đồng nghiệp đã gặp rất nhiều trường hợp là F0 đã khỏi bệnh bị khủng hoảng tâm lý.

Còn theo kết quả nghiên cứu trên 230.000 hồ sơ sức khỏe của những bệnh nhân tại Mỹ được công bố trên tạp chí y khoa Medscape Medical News, có tới 1/3 số người khỏi Covid-19 mắc bệnh tâm thần hoặc thần kinh như rối loạn lo âu, rối loạn khí sắc, lạm dụng chất gây nghiện và mất ngủ. Các chuyên gia cho rằng, thay vì kỳ thị những người đã mắc Covid-19, người dân cần biết cách phòng ngừa bệnh phù hợp, tiêm đầy đủ vaccine và tuân thủ các biện pháp 5K. (Sài Gòn giải phóng, trang 4)

 

Dịch Covid-19 ở TP.HCM có tín hiệu giảm

Chiều 27.12, tại buổi họp báo định kỳ, ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết việc số ca mắc mới giảm, số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong giảm trong những ngày gần đây là tín hiệu lạc quan, cho thấy dịch Covid-19 trên địa bàn có dấu hiệu giảm. Tuần qua, số ca mắc Covid-19 mới đều dưới 1.000 ca/ngày, còn ngày 26.12 có 544 ca mắc Covid-19, đứng thứ 10 cả nước và chỉ có 36 ca tử vong trong ngày.

Dù vậy, ông Tâm cho rằng không được chủ quan vì TP.HCM mới qua dịp Noel, sắp tới là Tết dương lịch. Chưa kể, sau 2 tuần thí điểm học sinh đến trường tương đối ổn nên TP.HCM có thể sẽ mở rộng thêm các khối lớp khác, khi đó số F0 có thể tăng lên do mức độ tập trung tăng.

Sau 2 tuần học trực tiếp, ngành giáo dục TP.HCM ghi nhận 47 F0, bao gồm 40 học sinh, 7 giáo viên tại các trường học tại 15 quận, huyện trên địa bàn. Về kế hoạch học sinh các khối lớp khác đến trường, theo thông tin buổi họp báo, Sở GD-ĐT đã báo cáo Thường trực UBND TP.HCM, hiện đang xem xét và sẽ công bố trong thời gian sớm nhất, có thể vào buổi họp báo định kỳ thứ 5 (ngày 30.12). Đối với các loại hình như karaoke, spa, massage, TP.HCM đang theo dõi dịch bệnh trên địa bàn và quyết định cho hoạt động trở lại vào thời điểm phù hợp.

Trưa 27.12, Trung tâm báo chí TP.HCM phát đi thông báo liên quan đến tin đồn về 1 người dân ở TP.HCM bị nhiễm Covid-19 biến chủng Omicron sau khi có kết quả xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện FV. Sở Y tế TP.HCM khẳng định, nội dung này là sai sự thật, giấy xác nhận lan truyền là giả mạo. Đến nay, TP.HCM chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng mới Omicron.

Bên cạnh đó, theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 27.12, TP.HCM đã tiêm được 15,48 triệu liều vắc xin Covid-19. Trong đó có 7,98 triệu liều mũi 1 và 6,99 triệu liều mũi 2. Trong hơn nửa tháng thực hiện chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ, TP.HCM đã lập danh sách được hơn 584.400 người. Đã thực hiện tiêm 500.761 liều mũi 3, gồm mũi bổ sung là 133.037 liều, mũi nhắc lại là 367.724 liều. Về công tác tiêm vắc xin, các quận, huyện cho triển khai tiêm mũi 3 (gồm mũi bổ sung và mũi nhắc lại) và hoàn tất tiêm trong tháng 1.2022 . (Thanh niên, trang 4)

 

Phát hiện cơ sở thẩm mỹ phẫu thuật… “chui”

Ngày 27/12, Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng cho biết, vừa phát hiện, bắt quả tang một cơ sở hành nghề spa, chăm sóc da, nhưng tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ trái phép và vi phạm trong việc đổ rác thải y tế nguy hại chung với rác sinh hoạt.

Trước đó, sáng 26/12, tổ công tác Phòng Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng kiểm tra cơ sở Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội (114 Hoàng Hoa Thám, Thanh Khê, TP Đà Nẵng) phát hiện tầng 2 của cơ sở này đang thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ cho 4 người. Cụ thể, thực hiện 1 ca phẫu thuật nâng mũi, 1 ca thực hiện việc cắt mí và 2 trường hợp đang được gây tê chuẩn bị mổ.

Theo cơ quan chức năng, qua kiểm tra ban đầu, Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội hoạt động từ năm 2018 đến nay, với giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh ngành nghề spa, chăm sóc da; không có giấy phép hoạt động phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ, nhưng vẫn tiếp nhận tư vấn khám chữa bệnh và thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ.

Bên cạnh thực hiện phẫu thuật thẩm mỹ trái phép, Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội còn vi phạm về công tác bảo vệ môi trường. Trong quá trình hoạt động có phát sinh chất thải y tế nguy hại, nhưng cơ sở không hợp đồng với đơn vị chức năng để thu gom, vận chuyển và xử lý. Toàn bộ rác thải y tế sau khi thực hiện các ca mổ phẫu thuật thẩm mỹ được dồn chung với rác thải sinh hoạt rồi mang ra ngoài để đổ.

Hiện Cảnh sát môi trường Công an TP Đà Nẵng phối hợp với ngành Y tế tạm giữ những tang vật chứng liên quan tại Thẩm mỹ viện 108 Hà Nội để củng cố hồ sơ xử lý theo quy định. (Công an Nhân dân, trang 5)

 

Hà Nội yêu cầu các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng

Ngày 26-12, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản 23401/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.

Theo đó, Sở Y tế yêu cầu, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định nhiễm Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.

Người bệnh đến khám chữa bệnh phải được sàng lọc kỹ, đặc biệt lưu ý hỏi về lịch sử tiêm chủng vaccine Covid-19 (100% đối với người bệnh phải nhập viện, ghi nhận tại phiếu khám vào viện). Mỗi cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 sẵn sàng điều trị 2 tầng để xử trí cấp cứu, điều trị người bệnh Covid-19 chuyển độ.

Đặc biệt, Sở Y tế Hà Nội yêu cầu tất cả các bệnh viện không được từ chối tiếp nhận bệnh nhân nặng, đảm bảo người bệnh được chuyển đến cấp cứu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh gần nhất, sau khi ổn định, bệnh viện thực hiện khám, phân loại mức độ bệnh, đánh giá nguy cơ để phân luồng đến nơi điều trị phù hợp.

Cũng trong ngày 26-12, báo cáo với đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế, Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, trong hơn 1.200 bệnh nhân COVID-19 nhập viện từ cuối tháng 4-2021 đến nay có 946 người đã ra viện, 89 ca phải chuyển viện, 48 ca tử vong.

Đáng chú ý, 100% bệnh nhân Covid-19 tử vong ở bệnh viện này đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vaccine và 82% ở độ tuổi trên 70.

Bệnh viện Thanh Nhàn được Sở Y tế Hà Nội phân công điều trị F0 thuộc tầng 3. Khu điều trị cách ly được phân làm 3 khu riêng biệt: Khu giành riêng cho người bệnh nặng nguy kịch 250 giường; Khu cho người bệnh trung bình hoặc có bệnh lý nền nặng (50 giường bệnh); Khu cho người bệnh nghi nhiễm theo đề án xây dựng Trung tâm Hồi sức tích cực vùng.

Ngoài việc điều trị F0 thuộc tầng 3, Bệnh viện còn phụ trách 7 bệnh viện tầng 2; 7 Trung tâm y tế, chỉ đạo công tác chuyên môn, kiểm tra, giám sát, điều tiết bệnh nhân trong công tác chuyển tuyến… (An ninh Thủ đô, trang 8)

 

Bệnh viện FV TP.HCM sẽ khởi kiện người tung tin đồn phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron

Sáng nay, trên các trang mạng xã hội xuất hiện hình ảnh về một bản sao Giấy xét nghiệm Covid-19 có con dấu của Công ty TNHH Y tế Viễn Đông Việt Nam (Bệnh viện FV) với nội dung “xác nhận” bệnh nhân tên Khang (ở Q5, TP.HCM) tái dương tính với biến chủng Omicron, ngày lấy mẫu là 26-12. Thông tin này lập tức gây xôn xao dư luận.

Thông tin về việc này, Bệnh viện FV khẳng định rằng “Giấy Xác Nhận” này là hoàn toàn giả mạo cả về hình thức lẫn nội dung.

Theo thông cáo của Bệnh Viện FV, bệnh viện này không cấp “Giấy Xác Nhận Dương Tính Với Covid-19 Bằng Kỹ Thuật PCR” mà chỉ cấp “Giấy Xác Nhận Âm Tính Với Covid-19 Bằng Kỹ Thuật RT-PCR” có mã QR xác thực cho riêng từng mẫu xét nghiệm như hình bên dưới.

Việc giả mạo tài liệu và lan truyền thông tin sai sự thật này không chỉ gây ảnh hưởng xấu đến hoạt động của Bệnh Viện FV mà còn gây hoang mang cho toàn thể người dân TP. Hồ Chí Minh cũng như người dân cả nước, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phòng chống dịch Covid-19 trong tình hình mới của cả nước.

“Do vậy, chúng tôi kính đề nghị hỗ trợ truyền thông thông tin này đến người dân, đồng thời ngăn chặn kịp thời việc phát tán thông tin độc hại này. Chúng tôi sẽ khởi kiện người nào cố tình tạo ra và/ hoặc lan truyền thông tin và tài liệu giả mạo này” – thông cáo của Bệnh viện FV nêu rõ.

Về việc này, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cũng khẳng định, thông tin phát hiện ca nhiễm biến thể Omicron tại thành phố là sai sự thật. Tính đến nay, TP HCM chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm biến chủng Omicron.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh, muốn biết ca mắc thuộc biến chủng gì phải trải qua quy trình giải mã trình tự gen, không thể chỉ với xét nghiệm RT-PCR mà có thể xác định được.

Hiện ở khu vực phía Nam chỉ có Viện Pasteur thực hiện quy trình giải mã trình tự gien đối với mẫu bệnh phẩm COVID-19. (An ninh Thủ đô, trang 8)

Cùng chủ đề Báo Tuổi trẻ, trang 4: “Tin biến thể Omicron ở Bệnh viện FV TP.HCM là giả mạo”

 

Thành lập 4 đoàn kiểm tra an toàn thực phẩm dịp Tết trên địa bàn Thủ đô

UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5329/QĐ-UBND về việc thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022.

Theo quyết định, UBND thành phố thành lập 4 đoàn kiểm tra liên ngành công tác an toàn thực phẩm Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022 do lãnh đạo các sở: Y tế, NN&PTNT, Công Thương và Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội làm Trưởng đoàn. Các đoàn sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ trên từ ngày 25-12-2021 đến hết ngày 15-3-2022 tại 30 quận, huyện, thị xã.

Nội dung kiểm tra gồm: Công tác chỉ đạo, triển khai các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và lễ hội xuân năm 2022; việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ thực phẩm phục vụ trong dịp Tết. (Hà Nội mới, trang 1)

 

Thành phố ghi nhận thêm 1.948 ca nhiễm Covid-19

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 26-12 đến 18h ngày 27-12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.948 ca Covid-19, trong đó, có 658 ca tại cộng đồng, 1.113 ca tại khu cách ly và 177 ca tại khu phong tỏa.

Như vậy, sau 3 ngày liên tiếp ghi nhận hơn 1.800 ca/ngày, hôm nay, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội đã tăng lên 1.948 ca/ngày. Trong đó, địa bàn ghi nhận số ca mắc nhiều nhất là quận Hoàng Mai với 296 ca.

Cụ thể, 1.948 ca Covid-19 ghi nhận trong 24 giờ qua được phân bố tại 335 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (296), Đống Đa (182), Thanh Trì (136), Thanh Xuân (136), Bắc Từ Liêm (120), Cầu Giấy (117), Gia Lâm (109), Ba Đình (90), Thường Tín (90).

Riêng 658 ca cộng đồng ghi nhận tại 210 xã, phường thuộc 30/30 quận, huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai (117), Thanh Xuân (55), Thanh Trì (54), Gia Lâm (52), Cầu Giấy (49), Long Biên (42), Ba Đình (34), Nam Từ Liêm (30), Thường Tín (26), Đống Đa (23).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 29-4 đến nay) là 41.357 ca; trong đó, số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 14.991 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 26.366 ca.

Sở Y tế Hà Nội vừa có Văn bản số 23401/SYT-NVY chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong và ngoài công lập triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19. Theo đó, Sở Y tế Hà Nội đề nghị, với ca bệnh nghi ngờ, ca bệnh xác định mắc Covid-19 cần được phân loại, đánh giá nguy cơ, chẩn đoán, đánh giá mức độ lâm sàng để phân luồng, chuyển tuyến, tiếp nhận, điều trị kịp thời.

“Các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư tiêu hao, trang thiết bị, trang phục phòng hộ cá nhân; rà soát lại cơ sở hạ tầng, hệ thống ô xy (bình, bồn, chai, thiết bị phụ trợ) bảo đảm tồn trữ và cung cấp ô xy y tế cho người bệnh từ tuyến cơ sở đến các bệnh viện theo phân tầng điều trị”, Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh. (Hà Nội mới, trang 7).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 26/3/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 18/12/2020

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 17/9/2020

CDC Hà Nam