Điểm báo ngày 11/11/2019

(CDC Hà Nam)
Tiêu hủy hơn 5 tạ thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc; Vinmec và Icon Group hợp tác chiến lược điều trị ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế; Sở y tế TP.HCM phạt 3 đơn vị gần 64 triệu đồng; Bệnh bạch hầu nguy hiểm, không thể coi thường…

Tiêu hủy hơn 5 tạ thuốc tiểu đường không rõ nguồn gốc

Ngày 10-11, Thanh tra Sở Y tế Hải Phòng cho biết vừa kết hợp với các đơn vị chức năng tiến hành tiêu hủy 58 bao tải thuốc đông dược, có trọng lượng hơn 5 tạ, thu giữ của Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường (địa chỉ tại thôn La Đồng, xã Hợp Tiến, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội), khi đang tổ chức hội thảo và khám chữa bệnh trái phép trên địa bàn quận Kiến An. Cụ thể vào ngày 23-9, Công an TP Hải Phòng phối hợp với Thanh tra sở Y tế tổ chức kiểm tra đột xuất trung tâm tiệc cưới Thanh Bình (đường Lê Duẩn, phường Quán Trữ, quận Kiến An) diễn ra buổi “Hội thảo Lương y Nguyễn Thị Nghê chữa bệnh tiểu đường bằng thuốc nam kết hợp với tây y”.

Buổi hội thảo và khám, chữa bệnh do dược sĩ Nguyễn Thị Nghê (SN 1985, ở thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội), của Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường thuê địa điểm tổ chức để tuyên truyền, quảng bá thuốc nam chữa tiểu đường và bán thuốc nam cho người bệnh…

Tại thời điểm kiểm tra, có hơn 100 bệnh nhân ở Hải Phòng và các tỉnh thành phố khác, như Ninh Bình, Hà Nội đến dự hội thảo để được tư vấn, khám bệnh và mua thuốc. Khi cơ quan chức năng yêu cầu, bà Nghê không xuất trình các giấy tờ liên quan đến hoạt động hội thảo và khám bệnh, bán thuốc nam. Cơ sở này cũng không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc số thuốc đông dược đựng trong 58 bao tải.

Đáng chú ý, trước đó vào ngày 12-9, bà Nguyễn Thị Nghê cũng đã tổ chức hội thảo và bán thuốc tương tự tại số 246 đường Máng Nước, xã An Đồng, huyện An Dương, cùng TP Hải Phòng thu hút nhiều người bệnh đến mua thuốc nam điều trị tiểu đường mặc dù chưa có sự kiểm định về hiệu quả điều trị bệnh của cơ quan chuyên môn.

Cơ quan Công an cho biết thêm, trước các buổi hội thảo và khám, chữa bệnh tại Hải Phòng, trên mạng xã hội xuất hiện các bài viết quảng cáo với nội dung: Lương y Nguyễn Thị Nghê có tổ chức 1 buổi khám tiểu đường duy nhất tại Hải Phòng, miễn phí cho bệnh nhân dưới 15 tuổi và người khuyết tật bẩm sinh… Trong khi Sở Y tế Hải Phòng khẳng định không cấp phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và tổ chức hội thảo của bà Nghê.

Cơ quan chức năng xác định việc bà Nghê tổ chức hội thảo và thực hiện khám bệnh, chữa bệnh tiểu đường khi chưa được cấp phép là vi phạm Điều 20 Luật quảng cáo “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định pháp luật” và Điều 6 Luật khám bệnh về các hành vi bị cấm “cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động”.

Sau khi tự niêm phong toàn bộ số thuốc đông dược không, đại diện Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường vẫn không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc.

Đáng chú ý, Phòng khám chuyên khoa Y học cổ truyền Bảo Xuân Đường đã bị Sở Y tế Hà Nội thu hồi giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Việc khám, chữa bệnh không đúng địa điểm, bán thuốc chưa được phép lưu hành, không đảm bảo chất lượng, hiệu quả điều trị của thuốc không rõ ràng, thậm chí có thể gây nguy hại cho người dùng.

Theo đó Thanh tra sở Y tế Hải Phòng đã lập biên bản vi phạm hành chính về việc vi phạm các quy định pháp luật trong khám chữa bệnh. Đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả do vi phạm hành chính gây ra, đưa đi tiêu hủy toàn bộ hơn 5 tạ thuốc đông dược không rõ nguồn gốc. (Công an Nhân dân, trang 2).

 

Vinmec và Icon Group hợp tác chiến lược điều trị ung thư theo tiêu chuẩn quốc tế

Ngày 4/11/2019, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Central Park (TP HCM) và Tập đoàn ICON (Australia) đã ký kết hợp tác chiến lược nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ khám, điều trị cho bệnh nhân ung bướu theo tiêu chuẩn quốc tế. Mục tiêu của hợp tác nhằm xác lập chuẩn mực mới trong điều trị và chăm sóc người bệnh ung thư tại Việt Nam và khu vực.

ICON là đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân ung thư chuyên sâu lớn nhất Australia cũng như hàng đầu thế giới với 36 trung tâm đang hoạt động trên toàn cầu, cung cấp các dịch vụ: chăm sóc ung thư ngoại trú,  xạ trị ung thư hiện đại và dịch vụ điều trị ung thư đa mô thức toàn diện.

Theo hợp đồng hợp tác với BVĐK Quốc tế Vinmec Central Park (TP. HCM), ICON Group sẽ hỗ trợ Vinmec cung cấp các dịch vụ y tế ung thư theo tiêu chuẩn thế giới về điều trị xạ trị và nội khoa. Các hoạt động cụ thể gồm cung ứng nguồn nhân lực y tế đạt chuẩn quốc tế; xây dựng kế hoạch xạ trị cho bệnh nhân bằng các công nghệ AI; kiểm định định kỳ chất lượng hệ thống thiết bị xạ trị; quản trị vận hành…

Hai bên đặt mục tiêu sẽ chuẩn hóa các quy trình chuyên môn tại Trung tâm ung bướu Vinmec, thống nhất phương án và thực hiện kế hoạch điều trị toàn diện theo phác đồ chuẩn mực xuyên suốt trong thời gian người bệnh ở bệnh viện (service line); ứng dụng công nghệ xạ trị và nội khoa chuyên sâu; cá thể hóa phác đồ điều trị giúp tối ưu hóa hiệu quả…

Hợp tác với ICON cũng đặt nền móng cho Vinmec Central Park xây dựng, phát triển mô hình hoạt động trong lĩnh vực ung thư hoàn toàn mới: Trung tâm xuất sắc trong lĩnh vực Ung bướu (Center of Excellence – COE) đầu tiên tại Việt Nam, cùng với Trung tâm Ung bướu tại Vinmec Times City.

Phát biểu tại lễ ký kết, Tổng Giám đốc ICON Group – ông Mark Middleton chia sẻ: “ICON luôn chủ trương tất cả bệnh nhân ung thư cần phải nhận được dịch vụ chăm sóc tiêu chuẩn quốc tế. Điều này phù hợp với giá trị lấy người bệnh làm trung tâm của Vinmec. Do đó, sự hợp tác Vinmec – ICON là một bước tiến mới để 2 bên chuyển giao kinh nghiệm và các phương pháp tiên tiến trong điều trị và chăm sóc khách hàng, qua đó nâng cao chuẩn chăm sóc y tế cho bệnh nhân ung bướu tại Việt Nam và khu vực… (Hà Nội mới, trang 8).

Sở y tế TP.HCM phạt 3 đơn vị gần 64 triệu đồng

Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, tuần vừa qua đơn vị đã tiến hành kiểm tra và xử phạt hàng loạt đơn vị thuộc lĩnh vực y tế trên địa bàn thành phố với tổng tiền phạt gần 64 triệu đồng. Cụ thể, Công ty TNHH Thương mại – dịch vụ y tế Medilab có chi nhánh ở đường Tạ Quang Bửu, Phường 4, Quận 8, có 2 vi phạm (là hoạt động có biển hiệu nhưng ghi không đúng so với nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động; và sổ khám, chữa bệnh không ghi chép đầy đủ theo quy định) bị xử phạt hành chính 3.700.000 đồng.

Công ty TNHH một thành viên thương mại Thủy Lộc có chi nhánh ở đường Huỳnh Văn Bánh, Phường 14, quận Phú Nhuận, đã quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định. Ngoài việc bị xử phạt hành chính 35.000.000 đồng, đã bị buộc tháo gỡ, xóa nội dung quảng cáo chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Và Công ty TNHH Phẫu thuật thẩm mỹ Ngô Mộng Hùng ở đường Trương Định, Phường 7, Quận 3, đã quảng cáo dịch vụ khám, chữa bệnh không đúng phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động, bị xử phạt hành chính 25.000.000 đồng; đồng thời phải tháo gỡ, xóa quảng cáo quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động.

Trước đó, Thanh tra Sở Y tế TPHCM cũng ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổng số tiền hơn 100 triệu đồng đối với 3 trường hợp là Công ty TNHH MTV Dịch vụ y tế Hồng Phong (160-162 Lê Hồng Phong, phường 3 quận 5), Chi nhánh 7 Công ty TNHH Bệnh viện đa khoa Hoàn Hảo (581-583  Kha Vạn Cân, phường Linh Đông, quận Thủ Đức) và bà Đỗ Thị Thu Mai (327-329 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, phường 7 quận 3), với các lỗi như: không bảo đảm điều kiện về nhân lực trong quá trình hoạt động; lập sổ khám bệnh, chữa bệnh nhưng không ghi chép đầy đủ theo quy định của pháp luật; chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vì mục đích vụ lợi; quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; không có chứng chỉ hành nghề. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Bệnh bạch hầu nguy hiểm, không thể coi thường

Bệnh bệnh hầu đang quay trở lại tại một số địa phương vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đắk Lắk …Các chuyên gia y tế cảnh báo đây là bệnh lý nguy hiểm tốc độ lây lan nhanh, khó kiểm soát, vì vậy, người dân cần phải tiêm phòng đầy đủ và đến bệnh viện kịp thời khi có những biểu hiện nghi mắc bạch hầu.Bệnh bạch hầu nguy hiểm như thế nào, cách phòng bệnh ra sao?

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu

Đường lây truyền bệnh của vi khuẩn bạch hầu rất dễ dàng, đó là lây theo đường hô hấp do người bệnh, người lành mang vi khuẩn bạch hầu, nói, ho… bắn vi khuẩn vào không khí theo hơi thở và theo các giọt nước bọt nhỏ li ti, khi người lành hít phải, nếu chưa có miễn dịch chống vi khuẩn bạch hầu, đặc biệt là trẻ em sẽ mắc bệnh bạch hầu, ngay cả người lớn. Vi khuẩn bạch hầu còn lây lan bởi các dụng cụ, đồ dùng trong sinh hoạt hằng ngày của trẻ. Nếu một trẻ mắc bệnh, dùng đồ chơi, dụng cụ sinh hoạt, không khí trong nhà ở, lớp học (nếu trẻ đến lớp) sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu, khi trẻ em lành sử dụng các đồ chơi, dụng cụ đó hoặc hít không khí trong phòng có lây nhiễm vi khuẩn bạch hầu sẽ bị nhiễm bệnh.

Đối tượng dễ mắc

Bệnh bạch hầu thường xuất hiện trong những tháng lạnh ở vùng ôn đới. Bệnh có tính mùa, thường tản phát, có thể phát triển thành dịch, nhất là trẻ dưới 15 tuổi chưa được tiêm phòng vắc-xin gây miễn dịch đầy đủ dễ bị mắc bệnh. Bệnh nhân mắc bạch hầu sau khi khỏi bệnh sẽ không bị mắc lại vì cơ thể được miễn dịch lâu dài. Kháng thể miễn dịch của mẹ truyền sang con có tác dụng miễn dịch bảo vệ và thường sẽ hết tác dụng trước 6 tháng tuổi.

Sự nguy hiểm của bệnh bạch hầu

Mắc bệnh bạch hầu là do vi khuẩn bạch hầu gây ra. Vi khuẩn này có loại độc tố cực kỳ mạnh (ngoại độc tố) có khả năng gây nên các thể bệnh như bạch hầu họng, bạch hầu thanh quản do chất giả mạc che kín thanh quản làm cho bệnh nhân không có không khí để thở gây suy hô hấp cấp và có thể tử vong nếu cấp cứu không kịp thời, vì vậy, người ta ví bệnh bạch hầu thanh quản như kiểu chết đuối trên cạn. Một thể bệnh bạch hầu không kém phần nguy hiểm là bạch hầu cấp gây viêm cơ tim cấp, suy tim cấp do độc tố của chúng, nếu chủ quan, phát hiện muộn, không khẩn trương cấp cứu, tính mạng của người bệnh sẽ bị đe dọa nghiêm trọng.

Dấu hiệu nhận biết

Bệnh bạch hầu có nhiều thể lâm sàng khác nhau, phổ biến nhất là bạch hầu họng với tỉ lệ 70%; bạch hầu thanh quản với tỉ lệ 20-30%; bạch hầu mũi với tỉ lệ 4%; bạch hầu mắt với tỉ lệ 3 – 8% và bạch hầu da ít gặp hơn.

Bạch hầu họng: Bạch hầu họng thể thông thường có thời kỳ ủ bệnh từ 2 – 5 ngày và không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Sau đó bệnh khởi phát với triệu chứng sốt nhẹ 37,5 – 38oC; trẻ khó chịu, quấy khóc, da xanh, sổ mũi một bên hoặc cả hai bên. Thời kỳ bệnh toàn phát xảy ra từ 2 – 3 ngày, ở họng màng giả lan tràn ở một bên hoặc cả hai bên tuyến hạnh nhân; trong trường hợp nặng hơn, màng giả lan tỏa trùm lưỡi gà và màn hầu. Màng giả thường có màu trắng ngà, dính chặt vào mô ở dưới gây chảy máu khi bóc tách; sau khi bóc tách vài giờ màng lại mọc lại rất nhanh; đặc điểm là niêm mạc quanh màng giả vẫn bình thường. Khám thấy có hạch cứng ở cổ, sờ di động, không đau; sổ mũi nước màu trắng. Bệnh nhân sốt khoảng 38-38,5oC, nuốt đau, da xanh xao, người mệt mỏi; mạch nhanh… Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh có tiến triển tốt. Nếu phát hiện, chẩn đoán và điều trị muộn; màng giả lan rộng xuống thanh quản hoặc chuyển biến nặng, bị triệu chứng nhiễm độc rõ như da xanh tái, mệt lả người, viêm cơ tim; từ ngày 10-15 xuất hiện dấu hiệu liệt hoặc chuyển sang thể bạch hầu ác tính thứ phát. Bạch hầu ác tính tiên phát xuất hiện vào ngày thứ nhất hoặc ngày thứ hai của bệnh. Bạch hầu ác tính thứ phát xuất hiện từ ngày 10-15 của bệnh hoặc có thể chậm hơn vào ngày 40-50. Bạch hầu ác tính tiên phát thường bắt đầu đột ngột với triệu chứng sốt cao, mệt lả người, da xanh tái, nôn, nuốt đau họng. Bạch hầu ác tính nặng có khả năng chữa khỏi khi được điều trị sớm và tích cực bằng huyết thanh kháng bạch hầu. Bệnh có thể tiến triển xấu dưới các hình thái như: Thể tối cấp gây tử vong sau 24-36 giờ với các triệu chứng khó thở, tiêu chảy, xuất huyết, trụy mạch. Thể tiến triển bán cấp với hội chứng ác tính sớm, bệnh lúc đầu thuyên giảm, da xanh tái, tim đập nhanh; đến ngày thứ 5-6 của bệnh xuất hiện liệt màn hầu; ngày thứ 10-15 xuất hiện triệu chứng xuất huyết, nôn nhiều, viêm cơ tim; bệnh nhân bị tử vong đột ngột do trụy mạch không hồi phục. Bạch hầu thanh quản: Xảy ra sau bạch hầu họng, màng giả lan xuống thanh quản gây ra bạch hầu thanh quản. Bệnh thường gặp ở trẻ từ 2-5 tuổi với 3 giai đoạn: Giai đoạn khàn giọng, mất tiếng có triệu chứng sốt nhẹ 380C, mệt mỏi, giọng khàn và ho tiếng ông ổng đến ho khan và giọng khàn hơn; sau đó mất giọng, nói không ra tiếng và kéo dài khoảng 1-2 ngày. Giai đoạn khó thở khi màng giả lan xuống làm hẹp thanh quản kết hợp với phù niêm mạc và co thắt các cơ ở họng dẫn đến khó thở từng cơn co rút dưới xương ức hoặc khó thở liên tục; đây là tình trạng khó thở chậm, khó thở kỳ hít vào, có tiếng rít, có co kéo trên và dưới xương ức, trên xương đòn và khoảng gian sườn; trẻ bị vật vã, giãy giụa, nếu được mở khí quản ngay thì hết khó thở nhưng nếu không mở khí quản thì vài giờ sau sẽ chuyển sang giai đoạn ngạt thở. Giai đoạn ngạt thở có biểu hiện trẻ bị xỉu dần, nằm yên, thở nhanh và cạn; môi và da tím tái, mạch nhanh nhỏ, mở khí quản ít có hiệu quả và trẻ thường bị tử vong trong tình trạng ngạt thở. Tất cả các giai đoạn đều diễn biến kéo dài từ 5-7 ngày. Bạch hầu mũi: Thường đi kèm với bạch hầu họng, trường hợp có biểu hiện bệnh riêng lẻ thì thấy màng giả ở mũi với tỉ lệ khoảng 1,5% và hay gặp ở trẻ sơ sinh. Bệnh diễn biến âm ỉ, sốt nhẹ, da xanh tái, gầy còm, ăn hay bị nôn. Trẻ bị ngạt mũi, sổ mũi, nước mũi trắng đôi khi lẫn máu; bệnh nhân tử vong do suy mòn cơ thể hoặc bị biến chứng phổi.

Bạch hầu da: Đây là thể bệnh ít gặp, sau khi có tổn thương loét trợt ở ngoài da như chốc lở, chàm, xây xát… Biểu hiện bệnh lý ghi nhận thấy có màng giả hơi xám dính chặt vào niêm mạc, gây chảy máu khi bóc tách. Ngoài ra còn có bạch hầu ống tai ngoài, hậu môn, sinh dục là các hình thái của bạch hầu da và niêm mạc; chúng thường có tổn thương loét và có màng giả.

Lời khuyên của thầy thuốc

Khi nghi bị bạch hầu cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và chữa trị ngay, bởi kháng sinh còn có tác dụng tốt diệt vi khuẩn, nếu nặng có thể được tiêm kháng huyết thanh bạch hầu (kháng thể trung hòa ngoại độc tố bạch hầu) và đo điện tim để theo dõi biến chứng suy tim cấp. Bạch hầu thanh quản có thể được mở khí quản để cấp cứu kịp thời tránh nghẹt thở gây suy hô hấp.

Cách phòng bệnh tốt nhất là tiêm chủng vắc-xin bạch hầu trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Những người tiếp xúc với trẻ mắc bệnh bạch hầu cũng cần tiêm vắc-xin bạch hầu và uống thuốc kháng sinh dự phòng theo chỉ định của bác sĩ.

Khi có người mắc bạch hầu cần cách ly không cho tiếp xúc với người lành và cần đeo khẩu trang cho cả người bệnh và người chăm sóc (bố mẹ, ông bà, cô nuôi dạy trẻ…). Cần vệ sinh sạch sẽ các đồ dùng, dụng cụ mà người bệnh đã sử dụng, nên có chất sát khuẩn mạnh (cloraminB) tẩy uế các dụng cụ, sàn nhà, quần áo chăn, màn… của người bệnh. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

 

Kiểm soát an toàn thực phẩm có chuyển biến

Ngày 4-11, Thường trực HĐND thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn. Thời gian gần đây, lĩnh vực này có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có nơi, có lúc bị buông lỏng, đòi hỏi những giải pháp căn cơ hơn trong thời gian tới.

Hà Nội hiện có hơn 70 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, bảy cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm. Tuy nhiên, việc sản xuất thực phẩm của thành phố mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận. Năm 2016, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 10-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với ATTP trong tình hình mới. Sau ba năm triển khai, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng tình trạng vi phạm ATTP vẫn diễn ra, gây lo ngại, bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Phúc Khánh (quận Hoàng Mai) đặt câu hỏi về trách nhiệm quản lý nhà nước và giải pháp giải quyết tình trạng bán hàng rong vẫn tồn tại tại nhiều tuyến phố, khu vực. Đại biểu Nguyễn Minh Đức (quận Thanh Xuân) nêu những hạn chế về ATTP đối với bếp ăn tập thể tại các trường học, các khu công nghiệp như vẫn còn tồn tại bếp ăn không có giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; nhân viên không khám sức khỏe, không mặc đồng phục, không được tập huấn kiến thức về ATTP; việc lưu mẫu thức ăn chưa đúng quy định… Đại biểu Hoàng Thúy Hằng (huyện Thường Tín) chất vấn về việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung vẫn còn chậm và kém hiệu quả. Tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm tại các hộ gia đình vẫn diễn ra và gây ô nhiễm môi trường, khó kiểm soát nguồn gốc. Nhiều đại biểu cũng đặt vấn đề về việc kiểm soát lưu thông thực phẩm trên thị trường, thành phố có những giải pháp gì để xây dựng Hà Nội là Thủ đô về ẩm thực hay không…

Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, thời gian qua, thành phố đã triển khai các giải pháp để có thể truy xuất nguồn gốc thực phẩm, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị, cơ sở không bảo đảm an toàn. Đồng thời, tăng cường chấn chỉnh công tác bảo đảm ATTP tại các bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố… Về triển khai các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ thừa nhận, vẫn chưa kiểm soát được điểm giết mổ nhỏ lẻ do việc giết mổ tại đây có giá thành thấp hơn. Người dân vẫn quen tiêu thụ thịt tươi sống ở các chợ, chưa quen tiêu thụ thịt cấp đông, thịt qua chế biến. Trong thời gian tới, thành phố cần ưu tiên bố trí quỹ đất cho các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có lộ trình đưa các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung. Về tình trạng chợ cóc, chợ tạm, bán hàng rong, lãnh đạo Sở Công thương và các quận, huyện cho biết, sẽ tiếp tục rà soát và giải tỏa các khu vực vi phạm, bố trí quỹ đất xây dựng chợ phù hợp và tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân trong thói quen tiêu dùng văn minh, hiện đại.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, bên cạnh xây dựng các địa điểm, cửa hàng và món ăn nổi bật, đặc trưng, thành phố sẽ triển khai mạnh hơn việc xây dựng các chuỗi sản xuất kinh doanh phân phối thực phẩm. Từ 800 cửa hàng rau, củ, quả tại 12 quận hiện nay, thành phố sẽ nhân rộng ra, lập các cửa hàng bán thực phẩm tươi sống và thực phẩm chế biến… Trong đó, quy định rõ tiêu chí các cửa hàng này như xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, có phương tiện bảo quản, niêm yết giá công khai, người bán cần được trang bị về kiến thức ATTP, đăng ký kiểm tra và chứng nhận về ATTP… Thành phố sẽ tiếp tục kiểm tra, thanh tra, nhất là nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đào tạo về kỹ năng cho cán bộ trong lĩnh vực ATTP, chủ các cửa hàng, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Tiếp tục xây dựng, khuyến khích các doanh nghiệp, các chuỗi cung ứng sản xuất hàng hóa một cách liên hoàn, đồng bộ, từ nơi chăn nuôi, trồng trọt tới phân phối kinh doanh và chế biến để đưa thực phẩm vào lưu thông có kiểm soát. Hà Nội sẽ đề xuất Chính phủ sớm cho phép lấy nguồn vốn đầu tư công để đầu tư, sửa chữa, nâng cấp các chợ để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các tiểu thương kinh doanh, vừa bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Cùng với đó, thành phố mong muốn mọi người dân đóng vai trò giám sát các hoạt động về sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, có ý thức trong sử dụng và mua bán thực phẩm an toàn, phát hiện, lên án những hành vi vi phạm để cơ quan chức năng kịp thời xử lý.

Đánh giá về phiên giải trình, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc nhận định, có thể thấy công tác vệ sinh ATTP trên địa bàn đã có nhiều chuyển biến tích cực, hiệu quả. Người dân đã có những địa chỉ cụ thể để tiếp cận nguồn thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc. Nhưng chúng ta vẫn chưa thật sự yên tâm khi sử dụng thực phẩm, nhất là tại các chợ truyền thống, chợ tạm, chợ cóc… Việc kiểm soát chưa triệt để, vẫn có những nơi, những lúc bị buông lỏng. HĐND thành phố đề xuất UBND thành phố, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương rà soát lại các kế hoạch, đề án liên quan đến vấn đề vệ sinh ATTP, nhanh chóng giải quyết vướng mắc cụ thể, tăng cường sự phối hợp giữa các đơn vị, quy trách nhiệm cho từng cán bộ, đơn vị cụ thể, đồng thời cần xây dựng cơ chế xử phạt nghiêm minh hơn, vì vấn đề này liên quan trực tiếp đến an toàn sức khỏe của người dân. (Sức khỏe & Đời sống, trang 2).

Bài viết liên quan

Điểm báo ngày 27/11/2019

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 05/3/2021

CDC Hà Nam

Điểm báo ngày 22/10/2021

Ngọc Nga

Để lại bình luận